| Hotline: 0983.970.780

Việt Nam và Trung Quốc là kiểu mẫu trong hợp tác nghề cá

Thứ Năm 09/05/2024 , 21:52 (GMT+7)

Trung Quốc Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc có nền tảng sâu sắc, việc phối hợp tái tạo nguồn lợi thủy sản ở vịnh Bắc Bộ là kiểu mẫu trong hợp tác nghề cá.

Đây là lần thứ 7, Bộ NN-PTNT Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp - Nông thôn Trung Quốc tổ chức thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản trong vịnh Bắc Bộ. Ảnh: Đinh Mười.

Đây là lần thứ 7, Bộ NN-PTNT Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp - Nông thôn Trung Quốc tổ chức thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản trong vịnh Bắc Bộ. Ảnh: Đinh Mười.

Chiều 9/5, tại thôn Chúc Sơn, thành phố Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), Bộ NN-PTNT Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp - Nông thôn Trung Quốc tổ chức thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản trong vịnh Bắc Bộ lần thứ 7. Đây là hoạt động thiết thực, có ý nghĩa quan trọng nhằm phục hồi, nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản, góp phần tăng thu nhập cho ngư dân. Từ đó giúp phát triển bền vững kinh tế thủy sản, bảo vệ môi trường biển của hai nước Việt - Trung.

Sau nghi lễ được tổ chức quy mô, chuyên nghiệp tại quảng trường Hữu nghị (thành phố Bắc Hải, tỉnh Quảng Tây), đại diện 2 bên đã cùng nhau thả 7 giống thủy sản với số lượng 128 triệu con tại khu vực biển của thành phố Đông Hưng. Lần thả con giống này lập kỷ lục về số con giống trong những lần thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản ở khu vực vịnh Bắc Bộ. 

Ông Trần Đình Luân – Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho biết, đây là hoạt động tiếp nối trong triển khai Biên bản ghi nhớ về hợp tác thả giống tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong vịnh Bắc Bộ giữa Bộ NN-PTNT nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Nông thôn nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được ký kết dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tập Cận Bình. Hai nước trên cơ sở triển khai các hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thuỷ sản liên hợp đã và đang đồng thời triển khai rộng rãi hoạt động này trên khắp các thuỷ vực của mỗi nước.

Ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT Việt Nam) đánh giá cao công tác tổ chức lễ thả con giống thủy sản của phía Trung Quốc. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT Việt Nam) đánh giá cao công tác tổ chức lễ thả con giống thủy sản của phía Trung Quốc. Ảnh: Đinh Mười.

Tại Việt Nam, hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản đã trở thành hoạt động thường xuyên, luôn nhận được sự quan tâm, tham gia, hỗ trợ và hưởng ứng tích cực của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương, các tổ chức, cá nhân.

Qua đó, đã từng bước huy động được nguồn kinh phí xã hội hóa để đẩy mạnh công tác thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, góp phần lan tỏa thông điệp tăng cường bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, góp phần phát triển bền vững ngành thủy sản.

“Chúng tôi nhận thức rằng việc đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành thủy sản của mỗi nước trong vịnh Bắc Bộ không chỉ là trách nhiệm của nhà nước và ngư dân của mỗi nước mà đồng thời cũng cần có sự phối hợp của cả hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Trên tinh thần thống nhất cao về các chủ trương, chính sách cũng như điều ước quốc tế mới, cơ quan chức năng của mỗi nước sẽ tiếp tục nghiên cứu, áp dụng các giải pháp về bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong vịnh Bắc Bộ phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội và tình hình thực tiễn về quản lý nghề cá của mỗi nước”, ông Trần Đình Luân chia sẻ.

Cũng theo ông Trần Đình Luân, Việt Nam đang mở rộng chia sẻ, đẩy mạnh việc thực hiện các cam kết quốc tế liên quan đến biển, đảo, bảo tồn biển và đã tham gia nhiều cam kết quốc tế đa phương trong lĩnh vực này. Qua đó, Việt Nam đã được quốc tế ghi nhận là quốc gia luôn chủ động, tích cực, có trách nhiệm trong triển khai các vấn đề chung liên quan đến bảo tồn biển, kinh tế biển xanh và bền vững.

128 triệu con giống đã được đại biểu 2 nước thả xuống khu vực vịnh Bắc Bộ. Ảnh: Đinh Mười.

128 triệu con giống đã được đại biểu 2 nước thả xuống khu vực vịnh Bắc Bộ. Ảnh: Đinh Mười.

Hiện nay, Việt Nam là một trong các quốc gia có hợp tác biển hiệu quả với các nước trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc và một trong những thành quả quan trọng trong hợp tác biển và thủy sản giữa hai nước là việc triển khai có hiệu quả “Hiệp định Hợp tác Nghề cá vịnh Bắc Bộ Việt Nam - Trung Quốc” có hiệu lực từ ngày 30/6/2004.

Khuôn khổ của Hiệp định thiết lập cơ chế quản lý, điều phối nghề cá hoàn thiện, đã phát huy tác dụng tích cực trong xử lý các vấn đề có liên quan đến nghề cá của Việt Nam - Trung Quốc, tạo phúc cho ngư dân ven biển vịnh Bắc Bộ và giữ gìn đại cục ngoại giao tốt đẹp giữa hai nước.

Ông Trần Đình Luân đánh giá, từ khi Hiệp định này có hiệu lực và thi hành, đã góp phần duy trì trật tự ổn định lâu dài trong khu vực vịnh Bắc Bộ, phù hợp với lợi ích chung và lợi ích lâu dài của ngư dân hai nước. Cả hai bên đều đồng thời đánh giá cao và khẳng định sự cố gắng, nỗ lực của các cơ quan liên quan trong thời gian triển khai.

“Hiện nay, việc đàm phán ký kết điều ước quốc tế mới thay thế Hiệp định đã được cơ quan liên quan của hai nước triển khai. Tôi tin rằng trong thời gian tới, trên cơ sở thành quả của 15 năm triển khai Hiệp định và bối cảnh quan hệ hữu nghị giữa hai nước ngày càng được củng cố, mở rộng theo hướng tin cậy và chặt chẽ hơn, điều ước quốc tế mới về hợp tác nghề cá trong vịnh Bắc Bộ giữa hai nước sẽ sớm được ký kết và đây cũng sẽ là cơ chế  quan trọng để hai bên tiếp tục thúc đẩy các nội dung hợp tác về thuỷ sản giữa hai nước, góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Trung Quốc”, ông Luân bày tỏ.

Đơn vị cung ứng con giống thủy sản giới thiệu về những đặc điểm mới của con giống được thả xuống vịnh Bắc Bộ lần thứ 7. Ảnh: Đinh Mười.

Đơn vị cung ứng con giống thủy sản giới thiệu về những đặc điểm mới của con giống được thả xuống vịnh Bắc Bộ lần thứ 7. Ảnh: Đinh Mười.

Về phía Trung Quốc, ông Lưu Tân Trung - Cục trưởng Cục Quản lý Ngư chính (Bộ Nông nghiệp - Nông thôn Trung Quốc) cho biết, việc triển khai thả con giống tái tạo nguồn lợi thủy sản khu vực vịnh Bắc Bộ là biện pháp quan trọng không chỉ để bảo vệ nguồn tài nguyên sinh vật thủy sinh, duy trì sinh thái vùng biển mà còn là cách hiệu quả nhất để thúc đẩy sự phát triển bền vững của nghề cá, tăng thu nhập cho ngư dân. Điều này phù hợp với lợi ích chung, kỳ vọng chung của nhân dân hai nước.

Năm 2017, hai nước đã ký Bản ghi nhớ để triển khai hợp tác thả giống và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong vịnh Bắc Bộ giữa Bộ Nông nghiệp -  Nông thôn Trung Quốc và Bộ NN-PTNT Việt Nam. Sau đó, hai bên đã tích cực thực hiện nội dung Bản ghi nhớ, đã sớm phối hợp triển khai hoạt động thả giống, tái tạo nguồn lợi thủy sản khu vực vịnh Bắc Bộ.

Qua những lần thả con giống, sản lượng của các loài thủy sản đã được tăng mạnh, hiệu quả phục hồi tài nguyên rõ rệt, mang lại lợi ích thiết thực cho ngư dân ven vịnh Bắc Bộ, được hai nước đánh giá cao. Những thành tích đạt được đã được đưa vào thông cáo báo chí và tuyên bố chung Việt - Trung, trở thành kiểu mẫu hợp tác nghề cá giữa các nước xung quanh vùng biển Nam Hải.

“Trung Quốc và Việt Nam là láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt và đối tác tốt. Mối tính thắm thiết Việt - Trung vừa là đồng chí, vừa là anh em, đó là mô tả sinh động nhất về quan hệ 2 nước. Hợp tác nghề cá Trung - Việt có lịch sử lâu đời, nền tảng sâu sắc, tình hữu nghị nồng đậm, có hiệu quả, có thể nói là kiểu mẫu hợp tác ngư nghiệp trong các mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước xung quanh”, ông Lưu Tân Trung chia sẻ.

Ông Lưu Tân Trung - Cục trưởng Cục quản lý Ngư chính (Bộ Nông nghiệp - Nông thôn Trung Quốc) khẳng định hợp tác nghề cá Việt - Trung là kiểu mẫu ở khu vực. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Lưu Tân Trung - Cục trưởng Cục quản lý Ngư chính (Bộ Nông nghiệp - Nông thôn Trung Quốc) khẳng định hợp tác nghề cá Việt - Trung là kiểu mẫu ở khu vực. Ảnh: Đinh Mười.

Chiến lược phát triển thủy sản của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định rõ hoạt động thả giống bổ sung, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản phải được coi trọng, thực hiện thường xuyên trên cả nước và được xã hội hóa sâu rộng.

Những năm gần đây, xu thế chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế biển xanh, tái cơ cấu ngành thuỷ sản, đảm bảo sự phát triển bền vững là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Một loạt các chương trình, dự án quan trọng trong lĩnh vực thuỷ sản đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đang được triển khai tại các địa phương ven biển của Việt Nam.

Trên cơ sở quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược, toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, việc đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành thủy sản trong khu vực Vịnh Bắc Bộ không chỉ là trách nhiệm của nhà nước và ngư dân của mỗi nước, mà còn cần có sự phối hợp chặt chẽ của cả hai nước láng giềng Việt Nam và Trung Quốc.

Thông qua lễ thả giống, hai nước Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục có những hợp tác cụ thể, tích cực, hiệu quả trong lĩnh vực thủy sản và cam kết sẽ tiếp tục phối hợp triển khai hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản tại Vịnh Bắc Bộ trong những năm tới đây.

“7 năm trước, hai nước đã tổ chức thành công hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản Trung Quốc - Việt Nam lần đầu tiên tại đây. Năm 2022, thành phố Đông Hưng đã được phê duyệt là nơi tổ chức hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản Trung Quốc - Việt Nam lâu dài, điều đó đã thể hiện đầy đủ quyết tâm vững chắc của Trung Quốc và Việt Nam trong việc cùng bảo tồn nguồn lợi thủy sản của vịnh Bắc Bộ và xây dựng nền văn minh sinh thái vùng biển.

Chúng tôi sẽ coi sự kiện này là cơ hội để thực hiện triệt để triển khai các nhận thức chung quan trọng mà ãnh đạo cấp cao hai nước Trung Quốc và Việt Nam đã đạt được, tiếp tục tăng cường giao lưu và hợp tác nghề cá giữa hai nước", đại diện chính quyền Khu tự trị Quảng Tây chia sẻ.

Xem thêm
'Làm chơi, ăn thật' từ nghề nuôi cá cảnh, san hô của kỹ sư 9X

ĐỒNG THÁP Mô hình khởi nghiệp nuôi cá cảnh, san hô của kỹ sư điện Nguyễn Thanh Hoàng (huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) được đánh giá cao nhờ đa dạng chủng loại, giá cả cạnh tranh.

Lĩnh 9 tháng tù treo vì khai thác thủy sản bất hợp pháp

QUẢNG NINH Mặc dù đã bị xử phạt hành chính nhưng Nguyễn Văn Téc vẫn tiếp tục sử dụng kích điện trên tàu cá để khai thác thủy sản tại vùng lõi vịnh Hạ Long.

Nghêu sạch vào nhà máy, ra siêu thị

Năm 2023, HTX thu hoạch nghêu thịt hơn 950 tấn, trong đó cung cấp nghêu sạch cho nhà máy đạt 120 tấn, tổng doanh thu gần 19 tỷ đồng.

Giải cứu đồi mồi dứa nặng 6,2kg

Ngày 19/5, Chi cục Thủy sản, Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang bàn giao 1 cá thể đồi mồi dứa (vích) cho Trạm Bảo tồn động vật hoang dã Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương.