Nghệ An triển khai nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) không dễ dàng khi đối mặt với đầy rẫy khó khăn, thách thức. 7 năm trước, thời điểm Ủy ban Châu Âu (EC) đưa ra thẻ phạt cảnh cáo nhìn đâu đâu cũng thấy lỗ hổng, trong đó việc xử lý ổn thỏa hàng trăm tàu cá “3 không” là nhiệm vụ nặng nề.
Nói thế là bởi điều kiện kinh tế của đại bộ phận ngư dân còn hạn hẹp, nhiều chủ tàu cá “3 không” (phương tiện chưa đăng ký, chưa đăng kiểm, chưa cấp giấy phép khai thác thủy sản) biết sai nhưng không thể để phương tiện nằm bờ khi cơm áo gạo tiền trông cả vào đó.
Để cùng lúc đảm bảo hài hòa nhiệm vụ phát triển kinh tế lẫn thực thi pháp luật thật chẳng dễ dàng gì, dù vậy muốn hướng đến ngành thủy sản bền vững không thể mãi “ngó lơ” quy định hiện hành, đó là điều tiên quyết.
Từ định hướng của Trung ương, Bộ NN-PTNT, Nghệ An đã vào cuộc quyết liệt hòng xử lý dứt điểm vấn nạn này trước năm 2024. Để hoàn thành đòi hỏi sự nhập cuộc của cả hệ thống chính trị, trên hết là thái độ cầu thị, trách nhiệm cao của bà con ngư dân. Nói thì dễ những làm lễ mới khó khi toàn tỉnh có đến 618 tàu cá không đủ thành phần hồ sơ để được đăng ký theo quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 6 Điều 21 Thông tư số 23/2018/TT-BNNPTNT.
Cảm nhận rõ áp lực bộn bề, ngay từ ban đầu Sở NN-PTNT đã khẩn trương ban hành kế hoạch, chỉ đạo Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thị xã ven biển tổ chức hàng chục buổi làm việc với các thành phần liên quan, đặc biệt là các chủ tàu cá “3 không” để quán triệt chủ trương chung. Một mặt cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, mặt khác kiên quyết xử lý những tàu cá đang hoạt động nhưng chưa hoàn thiện thủ tục cần thiết, nhuần nhuyễn cùng lúc 2 trong 1 đã mang lại kết quả ngọt ngào.
Tính đến cuối tháng 11/2024, tỉnh Nghệ An đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá cho 613/618 tàu cá “3 không” (đạt 99,19%), 4/5 tàu còn lại thuộc địa bàn huyện Quỳnh Lưu đã tiến hành giải bản, 1 tàu của thị xã Hoàng Mai sai thông số kỹ thuật. Từ thực tế này phải thừa nhận nếp nghĩ của ngư dân đã đổi khác, họ đã sẵn sàng tâm thế để tuân thủ theo nghề cá trách nhiệm, nghề cá nhân dân.
Nhìn rộng ra, ngành thủy sản Nghệ An đã đạt được bước tiến dài trong nhiệm vụ chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Ủy ban Châu Âu, đây là bệ phóng nhằm tạo nên bước ngoặt trong ở chặng nước rút đặc biệt quan trọng này.