| Hotline: 0983.970.780

VietGAP "lên đời" vải thiều Lục Ngạn

Thứ Tư 09/06/2010 , 09:55 (GMT+7)

Cùng với "VietGAP hóa" vườn vải, vải thiều Lục Ngạn đang rộng cửa cả về giá trị lẫn thị trường...

Vải thiều Lục Ngạn vốn có nguồn gốc từ Thanh Hà (Hải Dương), nhưng từ khi bén duyên với đất đồi Lục Ngạn (Bắc Giang), quả vải thiều đã có bước tiến mới về chất “như ngọc được mài”. Cùng với "VietGAP hóa" vườn vải, vải thiều Lục Ngạn đang rộng cửa cả về giá trị lẫn thị trường.

Thiên nhiên ban tặng cho Lục Ngạn một vùng đất đai rộng lớn với những sườn đồi đất đỏ pha lẫn sỏi son cùng tiểu vùng khí hậu đặc trưng rất phù hợp phát triển cây ăn quả, đặc biệt là vải thiều. Những năm trước kia, khi cây vải thiều còn chưa bén duyên với đất đồi Lục Ngạn, cuộc sống của người dân nơi đây thiếu thốn đủ bề. Chẳng thế mà có người đã từng nói Lục Ngạn là nơi “chó ăn đá, gà ăn sỏi”. Vậy nhưng từ những năm 1990 trở lại đây, cái nơi “gà ăn sỏi” đó lại cho ra một sản phẩm đặc sản nông sản với hương vị thơm ngon đặc trưng– vải thiều Lục Ngạn.

Mất nhiều năm, Lục Ngạn đã biến những quả đồi trọc nghèo nàn năm xưa thành miệt vườn vải thiều xanh trù phú. Đến nay diện tích vải thiều của Lục Ngạn đã đạt 18.500 ha, trong đó có 1.700 ha vải thiều chín sớm. Sản lượng vải thiều cung cấp ra thị trường mỗi năm từ 60.000 đến trên 100.000 tấn, giá trị thu về hàng năm đạt trung bình khoảng 500 tỷ đồng. Lục Ngạn đã trở thành “Kinh đô vải thiều” của cả nước. Có lẽ không ở nơi đâu cây vải thiều lại được người dân vun trồng, chăm sóc dầy công như ở Lục Ngạn. Để có được những vườn đồi vải thiều xanh tốt, cho quả ngọt từ đồi trọc trơ sỏi đá, những con người nơi đây đã dầm mưa dãi nắng, mang cơm nắm, cá khô, dùng cuốc, thuổng, xà beng, xẻng “hạ cấp” độ dốc đồi trọc thành những đường băng bằng phẳng rộng từ 3– 7m, rồi quật lộn ngược đất thịt lên để trồng vải.

Thời điểm này, huyện Lục Ngạn sôi động với các hoạt động thu hoạch vải thiều. Trung bình mỗi ngày đã có hàng trăm xe ôtô lớn nhỏ đến Lục Ngạn thu mua vải thiều để vận chuyển đi tiêu thụ ở các thị trường trong và ngoài nước. Năm nay, sản lượng vải thiều tươi của Lục Ngạn ước tính có khoảng 60.000 tấn. Chớm vào đầu vụ thu hoạch, vải thiều đã bán được giá rất cao từ 10 – 20 nghìn đồng/kg tuỳ loại. Có thể thấy, nhờ vải thiều Lục Ngạn có vị thơm ngon đặc trưng riêng, được nhiều người ưu chuộng nên giá thu mua tại Lục Ngạn luôn luôn cao hơn nhiều so với vải thiều bán ở những địa phương khác. Có khi giá mua buôn vải thiều loại 1 ở Lục Ngạn còn cao hơn cả giá bán lẻ ở thị trường Hà Nội.

Với mức giá khởi đầu đạt từ 10 nghìn đồng/kg trở lên, nhiều người dân hy vọng trong những tuần tới, khi vải thu hoạch rộ cũng sẽ giữ được giá bán hợp lý để bù đắp một phần thiệt hại do sản lượng vải thiều giảm mạnh. Để có được điều này, ngay từ đầu vụ, UBND tỉnh Bắc Giang và huyện Lục Ngạn đã tìm chỗ đứng cho vải thiều tại các siêu thị như Metro, Hapro…

“Từ trước đến nay, cái khó nhất của vải thiều Bắc Giang là làm thế nào để chiếm lĩnh thị trường nội địa, thay vì bị động trong vấn đề XK sang một số nước. Nhưng năm nay, đại diện các siêu thị mà chúng tôi gặp gỡ, tiếp xúc đã đồng ý đưa vài thiều lên sạp hàng, đặc biệt là hệ thống siêu thị tại TPHCM”, ông Bùi Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết.

Có mặt tại Lục Ngạn ngay từ đầu vụ thu hoạch vải sớm, anh A Trung ở Hà Khẩu – Trung Quốc là một trong những thương nhân gắn bó với việc thu mua vải thiều ở Lục Ngạn suốt từ năm 1994 đến nay tâm sự: Cảm ơn chính quyền Lục Ngạn đã tạo thuận lợi cho chúng tôi có mặt ở đây để thu mua vải thiều Lục Ngạn. Trung bình mỗi năm tôi thu mua khoảng trên 3.000 tấn vải tươi  vận chuyển về  Trung Quốc.

 Nhiều năm nay, Trung Quốc vẫn được coi là thị trường lớn nhất của vải thiều Bắc Giang, mặc dù việc XK vào đây luôn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Tình trạng ép cấp, ép giá, tranh mua, tranh bán khiến cho giá vải thiều không ổn định. Bên cạnh đó, việc thiếu thông tin khiến cho các thương nhân không thể điều tiết lượng hàng hoá một cách hợp lý để bảo đảm giữ giá cho vải thiều. Những thủ tục hải quan phiền hà luôn khiến các thương nhân phải bực mình.

Với mục đích phối hợp xây dựng một cơ chế thông thoáng mới cho vải thiều khi phải XK sang nước bạn, Sở Công thương tỉnh Bắc Giang đã làm việc với Sở Công thương, Ban kinh tế cửa khẩu và chính quyền của hai tỉnh Lào Cai và Hà Giang nhằm tháo gỡ những khó khăn trong quá trình XK vải thiều. Đặc biệt, cửa khẩu Hà Khẩu (Lào Cai) được coi như là điểm nút cho chương trình xúc tiến tiêu thụ vải thiều đợt này bởi hàng năm lượng vải thiều tươi đi qua thường chiếm khoảng 35-40% tổng sản lượng toàn tỉnh.

Theo ông Thân Nhân Tôn- PGĐ Sở Công thương Bắc Giang, thủ tục cấp C/O (chứng nhận xuất xứ hàng hoá) cho vải thiều sẽ được Sở Công thương Lào Cai thực hiện một cách thuận lợi và thông thoáng nhất. Thời gian cấp sẽ được ưu tiên một cách tối đa, kể cả ngoài giờ hành chính và ngày nghỉ. Ban kinh tế cửa khẩu của tỉnh này cũng hứa sẽ ưu tiên cho các xe vải thiều được XK vào giờ đầu của mỗi ngày. Đồng thời tăng cường lực lượng bốc vác, sắp xếp, vận tải, vệ sinh tại cửa khẩu trong suốt mùa vụ XK vải thiều. “Năm nay, nhờ VietGap, việc XK cũng sẽ thuận lợi hơn, bởi sản phẩm đã có thương hiệu, tem nhãn và chất lượng bảo đảm. Chúng tôi hy vọng đây sẽ là năm khởi đầu cho việc tiêu thụ vải thuận lợi cho những mùa vải tiếp theo”, ông Bùi Hạnh hy vọng.

VietGap thắng lớn

Những năm gần đây, Lục Ngạn đã không khuyến khích mở rộng thêm diện tích vải thiều mà tập trung đi vào thâm canh, nâng cao chất lượng của quả vải. Một trong những biện pháp kỹ thuật chăm sóc vải thiều được nhân dân áp dụng thành công, góp phần nâng cao giá trị cho quả vải là quy trình chăm sóc vải thiều theo tiêu chuẩn VietGap – sản xuất vải thiều sạch, an toàn. Thực hiện VietGap chất lượng quả vải không ngừng được nâng lên: Quả to, hạt nhỏ, mã đỏ đẹp, gai nhẵn, vỏ mỏng, ăn có vị ngọt dịu và thơm ngon hơn trước.

Tại hội nghị khách hàng do UBND huyện Lục Ngạn tổ chức sáng qua (8/6), ông Thân Nhân Tôn- PGĐ Sở Công thương Bắc Giang cho hay, vải thiều Bắc Giang đã có chỉ dẫn địa lý, khoảng 50% trong tổng số hơn 18 nghìn ha vải thiều của huyện đã được áp dụng quy trình SX thiều sạch theo tiêu chuẩn VietGap. Nhờ đó, quả vải vỏ mầu hồng đẹp, không sâu bệnh, không có dư lượng thuốc BVTV. Giá vải theo VietGap hiện đang bán tại các nhà vườn là 15-18.000 đồng/kg. Hơn nữa, các thương lái đã sẵn sàng tiêu thụ hầu hết sản lượng này.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm