| Hotline: 0983.970.780

VietGAP "lên đời" vải thiều Lục Ngạn

Thứ Tư 09/06/2010 , 09:55 (GMT+7)

Cùng với "VietGAP hóa" vườn vải, vải thiều Lục Ngạn đang rộng cửa cả về giá trị lẫn thị trường...

Vải thiều Lục Ngạn vốn có nguồn gốc từ Thanh Hà (Hải Dương), nhưng từ khi bén duyên với đất đồi Lục Ngạn (Bắc Giang), quả vải thiều đã có bước tiến mới về chất “như ngọc được mài”. Cùng với "VietGAP hóa" vườn vải, vải thiều Lục Ngạn đang rộng cửa cả về giá trị lẫn thị trường.

Thiên nhiên ban tặng cho Lục Ngạn một vùng đất đai rộng lớn với những sườn đồi đất đỏ pha lẫn sỏi son cùng tiểu vùng khí hậu đặc trưng rất phù hợp phát triển cây ăn quả, đặc biệt là vải thiều. Những năm trước kia, khi cây vải thiều còn chưa bén duyên với đất đồi Lục Ngạn, cuộc sống của người dân nơi đây thiếu thốn đủ bề. Chẳng thế mà có người đã từng nói Lục Ngạn là nơi “chó ăn đá, gà ăn sỏi”. Vậy nhưng từ những năm 1990 trở lại đây, cái nơi “gà ăn sỏi” đó lại cho ra một sản phẩm đặc sản nông sản với hương vị thơm ngon đặc trưng– vải thiều Lục Ngạn.

Mất nhiều năm, Lục Ngạn đã biến những quả đồi trọc nghèo nàn năm xưa thành miệt vườn vải thiều xanh trù phú. Đến nay diện tích vải thiều của Lục Ngạn đã đạt 18.500 ha, trong đó có 1.700 ha vải thiều chín sớm. Sản lượng vải thiều cung cấp ra thị trường mỗi năm từ 60.000 đến trên 100.000 tấn, giá trị thu về hàng năm đạt trung bình khoảng 500 tỷ đồng. Lục Ngạn đã trở thành “Kinh đô vải thiều” của cả nước. Có lẽ không ở nơi đâu cây vải thiều lại được người dân vun trồng, chăm sóc dầy công như ở Lục Ngạn. Để có được những vườn đồi vải thiều xanh tốt, cho quả ngọt từ đồi trọc trơ sỏi đá, những con người nơi đây đã dầm mưa dãi nắng, mang cơm nắm, cá khô, dùng cuốc, thuổng, xà beng, xẻng “hạ cấp” độ dốc đồi trọc thành những đường băng bằng phẳng rộng từ 3– 7m, rồi quật lộn ngược đất thịt lên để trồng vải.

Thời điểm này, huyện Lục Ngạn sôi động với các hoạt động thu hoạch vải thiều. Trung bình mỗi ngày đã có hàng trăm xe ôtô lớn nhỏ đến Lục Ngạn thu mua vải thiều để vận chuyển đi tiêu thụ ở các thị trường trong và ngoài nước. Năm nay, sản lượng vải thiều tươi của Lục Ngạn ước tính có khoảng 60.000 tấn. Chớm vào đầu vụ thu hoạch, vải thiều đã bán được giá rất cao từ 10 – 20 nghìn đồng/kg tuỳ loại. Có thể thấy, nhờ vải thiều Lục Ngạn có vị thơm ngon đặc trưng riêng, được nhiều người ưu chuộng nên giá thu mua tại Lục Ngạn luôn luôn cao hơn nhiều so với vải thiều bán ở những địa phương khác. Có khi giá mua buôn vải thiều loại 1 ở Lục Ngạn còn cao hơn cả giá bán lẻ ở thị trường Hà Nội.

Với mức giá khởi đầu đạt từ 10 nghìn đồng/kg trở lên, nhiều người dân hy vọng trong những tuần tới, khi vải thu hoạch rộ cũng sẽ giữ được giá bán hợp lý để bù đắp một phần thiệt hại do sản lượng vải thiều giảm mạnh. Để có được điều này, ngay từ đầu vụ, UBND tỉnh Bắc Giang và huyện Lục Ngạn đã tìm chỗ đứng cho vải thiều tại các siêu thị như Metro, Hapro…

“Từ trước đến nay, cái khó nhất của vải thiều Bắc Giang là làm thế nào để chiếm lĩnh thị trường nội địa, thay vì bị động trong vấn đề XK sang một số nước. Nhưng năm nay, đại diện các siêu thị mà chúng tôi gặp gỡ, tiếp xúc đã đồng ý đưa vài thiều lên sạp hàng, đặc biệt là hệ thống siêu thị tại TPHCM”, ông Bùi Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết.

Có mặt tại Lục Ngạn ngay từ đầu vụ thu hoạch vải sớm, anh A Trung ở Hà Khẩu – Trung Quốc là một trong những thương nhân gắn bó với việc thu mua vải thiều ở Lục Ngạn suốt từ năm 1994 đến nay tâm sự: Cảm ơn chính quyền Lục Ngạn đã tạo thuận lợi cho chúng tôi có mặt ở đây để thu mua vải thiều Lục Ngạn. Trung bình mỗi năm tôi thu mua khoảng trên 3.000 tấn vải tươi  vận chuyển về  Trung Quốc.

 Nhiều năm nay, Trung Quốc vẫn được coi là thị trường lớn nhất của vải thiều Bắc Giang, mặc dù việc XK vào đây luôn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Tình trạng ép cấp, ép giá, tranh mua, tranh bán khiến cho giá vải thiều không ổn định. Bên cạnh đó, việc thiếu thông tin khiến cho các thương nhân không thể điều tiết lượng hàng hoá một cách hợp lý để bảo đảm giữ giá cho vải thiều. Những thủ tục hải quan phiền hà luôn khiến các thương nhân phải bực mình.

Với mục đích phối hợp xây dựng một cơ chế thông thoáng mới cho vải thiều khi phải XK sang nước bạn, Sở Công thương tỉnh Bắc Giang đã làm việc với Sở Công thương, Ban kinh tế cửa khẩu và chính quyền của hai tỉnh Lào Cai và Hà Giang nhằm tháo gỡ những khó khăn trong quá trình XK vải thiều. Đặc biệt, cửa khẩu Hà Khẩu (Lào Cai) được coi như là điểm nút cho chương trình xúc tiến tiêu thụ vải thiều đợt này bởi hàng năm lượng vải thiều tươi đi qua thường chiếm khoảng 35-40% tổng sản lượng toàn tỉnh.

Theo ông Thân Nhân Tôn- PGĐ Sở Công thương Bắc Giang, thủ tục cấp C/O (chứng nhận xuất xứ hàng hoá) cho vải thiều sẽ được Sở Công thương Lào Cai thực hiện một cách thuận lợi và thông thoáng nhất. Thời gian cấp sẽ được ưu tiên một cách tối đa, kể cả ngoài giờ hành chính và ngày nghỉ. Ban kinh tế cửa khẩu của tỉnh này cũng hứa sẽ ưu tiên cho các xe vải thiều được XK vào giờ đầu của mỗi ngày. Đồng thời tăng cường lực lượng bốc vác, sắp xếp, vận tải, vệ sinh tại cửa khẩu trong suốt mùa vụ XK vải thiều. “Năm nay, nhờ VietGap, việc XK cũng sẽ thuận lợi hơn, bởi sản phẩm đã có thương hiệu, tem nhãn và chất lượng bảo đảm. Chúng tôi hy vọng đây sẽ là năm khởi đầu cho việc tiêu thụ vải thuận lợi cho những mùa vải tiếp theo”, ông Bùi Hạnh hy vọng.

VietGap thắng lớn

Những năm gần đây, Lục Ngạn đã không khuyến khích mở rộng thêm diện tích vải thiều mà tập trung đi vào thâm canh, nâng cao chất lượng của quả vải. Một trong những biện pháp kỹ thuật chăm sóc vải thiều được nhân dân áp dụng thành công, góp phần nâng cao giá trị cho quả vải là quy trình chăm sóc vải thiều theo tiêu chuẩn VietGap – sản xuất vải thiều sạch, an toàn. Thực hiện VietGap chất lượng quả vải không ngừng được nâng lên: Quả to, hạt nhỏ, mã đỏ đẹp, gai nhẵn, vỏ mỏng, ăn có vị ngọt dịu và thơm ngon hơn trước.

Tại hội nghị khách hàng do UBND huyện Lục Ngạn tổ chức sáng qua (8/6), ông Thân Nhân Tôn- PGĐ Sở Công thương Bắc Giang cho hay, vải thiều Bắc Giang đã có chỉ dẫn địa lý, khoảng 50% trong tổng số hơn 18 nghìn ha vải thiều của huyện đã được áp dụng quy trình SX thiều sạch theo tiêu chuẩn VietGap. Nhờ đó, quả vải vỏ mầu hồng đẹp, không sâu bệnh, không có dư lượng thuốc BVTV. Giá vải theo VietGap hiện đang bán tại các nhà vườn là 15-18.000 đồng/kg. Hơn nữa, các thương lái đã sẵn sàng tiêu thụ hầu hết sản lượng này.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.