| Hotline: 0983.970.780

Vietstock 2024: Cơ hội phát triển ngành chăn nuôi theo hướng '4 tốt hơn'

Thứ Tư 11/09/2024 , 22:57 (GMT+7)

TP.HCM Vietstock 2024 kỳ vọng sẽ là nơi phản biện đa chiều, cập nhật những công nghệ, giải pháp phù hợp để ngành chăn nuôi Việt Nam và thế giới phát triển bền vững hơn.

Họp báo Vietstock 2024 tại TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Họp báo Vietstock 2024 tại TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Hỗ trợ khôi phục sinh kế cho người chăn nuôi nhỏ lẻ

Chiều 11/9 tại TP.HCM, Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Tập đoàn Informa Markets tổ chức họp báo thông tin về Triển lãm quốc tế chuyên ngành chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản & chế biến thịt tại Việt Nam (Vietstock 2024).

Ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết năm 2023, ngành chăn nuôi Việt Nam và thế giới đối mặt nhiều khó khăn thách thức, diễn biến dịch bệnh hết sức phức tạp, biến đổi khí hậu, nguồn nguyên liệu khan hiếm, giá cả tăng cao. Mặc dù vậy, ngành chăn nuôi vẫn đảm bảo được tăng trưởng 5,72%, đạt doanh thu trên 33 tỷ USD, đóng góp 26% vào GDP nông nghiệp và 5% GDP của cả nước.

Sản phẩm chăn nuôi không những đáp ứng nhu cầu về thực phẩm của hơn 100 triệu dân trong nước, hàng triệu khách du lịch, tạo sinh kế cho gần 10 triệu hộ nông dân, mà còn ngày càng có nhiều sản phẩm xuất khẩu như yến, sữa và sản phẩm từ sữa xuất sang Trung Quốc; mật ong sang Mỹ, EU; thịt gà chế biến sang Nhật Bản, một số sản phẩm chăn nuôi đang từng bước tiếp cận thị trường Halal…

Đặc biệt, FAO đã bình chọn một sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam - mật ong là sản phẩm OCOP của thế giới (mỗi quốc gia một sản phẩm). Đây là lợi thế để ngành chăn nuôi có định hướng phát triển sản phẩm mật ong trong thời gian tới. Hiện Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu mật ong lớn của thế giới. Việc tham gia vào chuỗi thực phẩm toàn cầu đã khẳng định ngành chăn nuôi trong nước hoàn toàn đáp ứng các tiêu chuẩn của các nước. 

Bên cạnh đó, công nghệ sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam cũng đã phát triển, tiệm cận với các chuẩn mực, công nghệ mới nhất của thế giới và khẳng định những công nghệ riêng của mình phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu, bối cảnh phát triển chăn nuôi, đặc thù nền kinh tế của Việt Nam.

Dù vậy, ngành chăn nuôi vẫn đối mặt với nhiều thách thức cấp bách cần giải quyết trong thời gian tới như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, biến động thị trường, sự phụ thuộc nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, tình trạng kháng kháng sinh..., đặc biệt là vấn đề quản lý môi trường.

Hiện tại, các tỉnh phía Bắc đang căng mình khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra, lụt bão cũng ảnh hưởng lớn đến người chăn nuôi tại các tỉnh phía Bắc. Theo báo cáo của các địa phương, ngành chăn nuôi có thiệt hại do bão lũ nhưng ít nhất so với các thiệt hại khác, không quá đáng lo ngại về tổng đàn.

Tuy nhiên, Cục Chăn nuôi cũng đã có những cảnh báo cho các địa phương hướng dẫn hộ chăn nuôi làm tốt công tác vệ sinh phòng bệnh, đảm bảo an toàn sinh học, nguồn nước, thức ăn, môi trường, không chủ quan bởi dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào, ảnh hưởng tới nguồn cung thực phẩm cả nước.

Đồng thời, Cục Chăn nuôi cũng kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ để khôi phục lại sinh kế cho người chăn nuôi nhỏ lẻ trong thời gian tới.

Ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) phát biểu tại họp báo chiều 11/9. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) phát biểu tại họp báo chiều 11/9. Ảnh: Nguyễn Thủy.

20 năm cùng sự phát triển ngành chăn nuôi

"Đến thời điểm này, có thể khẳng định ngành chăn nuôi đã có một thể chế khá hoàn thiện, tương đồng, hội nhập khu vực và quốc tế; có chiến lược, định hướng phát triển rõ ràng; có nguồn lực từ các đề án và nghị định về chính sách. 

Đây là thời điểm vàng để ngành chăn nuôi chuyển đổi theo hướng phát triển bền vững hơn. Đặc biệt chúng tôi mong muốn phát triển theo “4 tốt hơn” mà Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) đã định hướng cho ngành nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng, trong đó có Việt Nam”, ông Phạm Kim Đăng nói.

Theo ông Đăng, với dấu ấn 20 năm tổ chức Vietstock tại Việt Nam, chủ đề năm nay sẽ tập trung theo hướng “4 tốt hơn” gồm: Chuyển đổi chăn nuôi để năng suất cao hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường xanh sạch hơn & cuộc sống tốt đẹp hơn. Theo đó, Vietstock 2024 sẽ tập hợp nhiều chuyên gia, nhà đầu tư, nhà khoa học, những người sản xuất trong nước và thế giới cùng nhau thảo luận, đưa ra những định hướng cho việc phát triển ngành chăn nuôi.

"Đây là thời điểm vàng chuyển đổi ngành chăn nuôi Việt Nam. Vì vậy, thông qua Vietstock 2024, rất cần thông tin từ trong và ngoài nước, phản biện đa chiều để lựa chọn đường đi tốt nhất, định hướng tốt nhất cho ngành chăn nuôi Việt Nam phát triển bền vững trong thời gian tới", ông Đăng nói.

Bà Rungphech (Rose) Chitanuwat, Giám đốc Chuỗi dự án - ASEAN (Tập đoàn Informa Markets) phát biểu tại họp báo. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Bà Rungphech (Rose) Chitanuwat, Giám đốc Chuỗi dự án - ASEAN (Tập đoàn Informa Markets) phát biểu tại họp báo. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Giảm giá 30% gian hàng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Bà Rungphech (Rose) Chitanuwat, Giám đốc Chuỗi dự án - ASEAN, Tập đoàn Informa Markets cho biết, Vietstock hướng đến giúp người chăn nuôi học hỏi, tìm hiểu những công nghệ đổi mới. Vì vậy, với hi vọng sẽ có nhiều nông dân của Việt Nam cũng như các nước tham gia triển lãm, Ban tổ chức sẽ hỗ trợ xe đưa đón, hỗ trợ ăn trưa cho các đoàn đăng ký theo từng địa phương. 

Đặc biệt, tại triển lãm năm nay, khu gian hàng "Doanh nghiệp Mới" được thiết kế dành riêng dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam. Doanh nghiệp trưng bày tại khu vực này là những doanh nghiệp tiêu biểu, có đóng góp cho ngành chăn nuôi và được trợ giá 30% chi phí gian hàng so với các doanh nghiệp khác.

Điểm nhấn của triển lãm năm nay là Hội nghị an toàn sinh học khu vực châu Á (Biosecurity Asia Forum), với sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế để chia sẻ về an toàn sinh học, đặc biệt là kinh nghiệm và cách tiếp cận của các nước đối với dịch tả lợn châu Phi. Từ đó nhìn nhận lại cách tiếp cận của Việt Nam và định hướng chuyển đổi ngành chăn nuôi trong thời gian tới.

Tiếp đến là 2 hội nghị chuyên ngành: Sản xuất thức ăn chăn nuôi - cơ hội và thách thức của thế giới và Việt Nam; hội nghị công nghệ giống chăn nuôi.

8 hạng mục giải thưởng ngành chăn nuôi

Trong khuôn khổ triển lãm, sẽ diễn ra đêm vinh danh các doanh nghiệp và tổ chức hoạt động tiêu biểu, có nhiều đóng góp tích cực và ý nghĩa đến ngành chăn nuôi tại Việt Nam - Vietstock Awards 2024.

Trong đó có 8 giải thưởng: Doanh nghiệp chăn nuôi tiêu biểu về công nghệ xử lý và quản lý chất thải chăn nuôi; doanh nghiệp chăn nuôi tiêu biểu về liên kết theo chuỗi giá trị khép kín; doanh nghiệp chăn nuôi tiêu biểu phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam; doanh nghiệp tiêu biểu về chăn nuôi an toàn sinh học; doanh nghiệp tiêu biểu về sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi; doanh nghiệp tiêu biểu về sản xuất thiết bị chăn nuôi; doanh nghiệp tiêu biểu về sản xuất thức ăn chăn nuôi hỗn hợp/doanh nghiệp tiêu biểu về sản xuất thức ăn chăn nuôi bổ sung; doanh nghiệp tiêu biểu về sản xuất giống vật nuôi.

Ông Nguyễn Đức Cường (trái), Giám đốc Chi nhánh Báo Nông nghiệp Việt Nam tại TP.HCM phát biểu tại họp báo. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ông Nguyễn Đức Cường (trái), Giám đốc Chi nhánh Báo Nông nghiệp Việt Nam tại TP.HCM phát biểu tại họp báo. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Là đơn vị bảo trợ truyền thông cho Vietstock, ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Chi nhánh Báo Nông nghiệp Việt Nam tại TP.HCM cho biết, để đồng hành cùng triển lãm, bằng những công cụ phương tiện của mình, Báo sẽ tham gia để truyền tải một cách tốt nhất các chủ đề của Vietstock, cũng như những thông tin của ngành chăn nuôi đến với công chúng, người chăn nuôi, các nhà khoa học, nhà đầu tư... trong và ngoài nước. Qua đó, góp phần vào sự phát triển chung của ngành chăn nuôi Việt Nam, đặc biệt là sự phát triển của các nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Vietstock 2024 do Informa Markets tổ chức, sẽ diễn ra từ ngày 9 - 11/10 tại Trung tâm hội chợ và triển lãm Sài Gòn (SECC), với sự tham gia của hơn 400 đơn vị trưng bày, dự kiến thu hút 13.000 khách tham quan từ 50 quốc gia và khu vực. Sự kiện được bảo trợ truyền thông bởi Báo Nông Nghiệp Việt Nam.  

Xem thêm
Cảnh giác với dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Thái Nguyên tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Nông dân Cao Phong chuyển đổi hàng ngàn bể phun thuốc vuông sang tròn

Hầu hết bể phun thuốc hình vuông sau một thời gian sử dụng đều bị nứt nhưng bể hình tròn thì không. Sáng kiến của ông Cường đã được hàng ngàn nhà vườn áp dụng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.