| Hotline: 0983.970.780

Phóng sự

VII. Ở lại với Kampong Thom

VII. Ở lại với Kampong Thom

15 năm, hành trình cây cao su do những người Việt đưa sang trồng ở xứ sở Chùa Tháp đã viết nên khúc ca thấm đẫm tình đất, tình người.

 
Bài liên quan

15 năm ấy, từ những dấu chân đầu tiên của những người đi mở đất, vượt qua biết bao gian truân vất vả, bây giờ cộng đồng Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) gầy dựng ở xứ Chùa Tháp đã xấp xỉ hai vạn người.

Đầu tháng 11 vừa rồi, nhân chuyến tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm và làm việc ở Campuchia, ông Trần Công Kha, Chủ tịch HĐQT VRG thông tin: Sau 15 năm thực hiện chủ trương hợp tác trồng 100.000ha cao su giữa 2 Chính phủ Việt Nam và Campuchia, VRG đã thực hiện 19 dự án ở xứ sở Chùa Tháp với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,8 tỷ USD.

 

15 năm ấy, từ Kampong Thom, Kratie, Rattanakiri, Odor Meanchey đến Preah Vihea, Siem Reap và Mondolkiri… 7 tỉnh miền Nam của Vương quốc Campuchia xưa kia vốn là những vùng đất hoang hóa, người dân chủ yếu du canh du cư bây giờ đã mang một bộ mặt rất khác. 87.543ha cao su đã được trồng xuống, dự kiến sang năm sẽ đưa vào khai thác toàn bộ và đến năm 2025 Campuchia sẽ là khu vực có sản lượng mủ lớn nhất của VRG.

15 năm ấy, 7 nhà máy chế biến mủ cao su với tổng công suất đạt 88.900 tấn/năm đã được xây dựng trên xứ Chùa Tháp, doanh thu năm 2021 các dự án đạt 160 triệu USD và lợi nhuận gần 38 triệu USD. Lợi ích kinh tế có lẽ không còn phải bàn cãi khi năm 2021 dịch giã như thế mà Chư Sê - Kampong Thom đạt doanh thu 787 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 206 tỉ đồng. Tân Biên - Kampong Thom doanh thu 379 tỉ, lợi nhuận 192 tỉ đồng. Bà Rịa - Kampong Thom doanh thu 397 tỉ, lợi nhuận 163 tỉ đồng. Phước Hòa - Kampong Thom doanh thu 364 tỉ, lợi nhuận trước thuế 103 tỉ đồng… Và có những giá trị khác còn lớn lao hơn tiền bạc. Đầu năm nay tôi từng lên Tây Bắc của Việt Nam với những người trồng cao su trên ấy. Đó cũng là một cuộc hành trình 15 năm của VRG với triết lý đầu tư để tri ân đồng bào nơi phên dậu đất nước, không đặt nặng vấn đề lợi nhuận lên đầu.

Chứng kiến những thành quả ở Tây Bắc thấy thật nhiều ý nghĩa nhân văn và hôm nay đứng trên đất Chùa Tháp cũng vậy. 17 công ty của VRG đi khai khẩn trên đất nước bạn, ngoài lợi ích kinh tế, mỗi công ty đều có khu dân cư, trường học, trạm y tế…  Đất lạ đã thành quen, người với người cũng càng thêm gắn bó với nhau từ những tháng ngày “lấy sức mình biến đá sỏi thành cơm”. Hôm nay, họ đang cùng nhau viết tiếp khúc ca thấm đẫm tình đất, tình người.

 

Trong số 7 tỉnh miền Nam xứ Chùa Tháp mà VRG đóng chân, Kampong Thom là tỉnh có diện tích lớn nhất và cũng là nơi có nhiều công ty cao su đến từ Việt Nam nhất. Biết có đoàn làm phim của Báo Nông nghiệp Việt Nam sang, Tỉnh trưởng Nguon Ratanak chào đón bằng sự nhiệt thành mà ông ví von theo kiểu rất Việt Nam là “người trong nhà”.

 
 

Sáng sớm tinh mơ chị Thị Ngọc Thà đã đón chúng tôi từ trung tâm tỉnh lị Kampong Thom để đi vào vùng cao su rộng lớn nhất xứ Chùa Tháp, thuộc các công ty có “đuôi” Kampong Thom là Phước Hòa, Tân Biên và Bà Rịa. Chị Thà quê ở miền Tây, hiện đang là cán bộ của Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa - Kampong Thom. Chẳng hiểu cớ làm sao đang ở miền sông nước như thế mà lại sang chốn rừng núi này trồng cao su, giải đáp thắc mắc của mấy anh em, chị chỉ cười, chắc là cơ duyên đấy. Trên quãng đường mấy chục cây số, chị Thà kể, vùng đất này ngày trước hoang sơ lắm, chỗ sình lầy, chỗ hoang hóa gần như rất ít dấu chân người. 15 năm người Việt Nam mình mang cây cao su đến, bây giờ đã thành phum, thành sóc. Điện, đường, trường, trạm, chùa chiền, những khu dân cư mới của cả người Việt và người Cam được hình thành, sinh sống cùng nhau chan hòa, vui vẻ lắm. Con đường lớn này cũng như hầu hết những con đường khác ở đây đều có được nhờ sự đầu tư của các công ty cao su. Một sự thay đổi lớn lao đến nỗi nhiều người dân địa phương vẫn còn cảm thấy như là giấc mơ.

Đi xuyên con đường rộng thênh thang giữa cánh rừng bạt ngàn chỉ có cao su và cao su, chúng tôi đến Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa – Kampong Thom lúc đã xế trưa. Trụ sở công ty nằm giữa bốn bề xung quanh cũng toàn cao su nốt. Công nhân nhà máy, vườn cây vừa hết ca làm đang ngồi nghỉ ngơi dưới những tán rừng cao su xanh mướt, cả người Việt và người Cam, tiếng này xen tiếng nọ, chẳng biết có hiểu hết nhau không mà xem chừng rất rôm rả và thân thiện.

 

Tôi kéo Khean Sok Khoeurn ra một góc rồi nhờ chị Thà phiên dịch hộ để hỏi về hành trình trở thành công nhân cao su của anh bạn người Campuchia này. Khean Sok Khoeurn kể, cả hai vợ chồng anh hiện đều là công nhân cao su Phước Hòa - Kampong Thom. Quê hai người ở ấp Ronpi, xã Boeung Lavea, huyện Santuk. Trước kia là lao động tự do, lấy nhau về đẻ liền hai đứa con nhưng do công việc không ổn định nên cuộc sống bấp bênh lắm. Kể từ khi trở thành công nhân cao su, được tạo điều kiện có nhà ở, con cái được học hành ở trường của công ty xây, vợ chồng chịu khó làm lụng mỗi tháng cũng dôi ra được khoản tiền riel tương đương với khoảng 15 triệu đồng tiền Việt Nam. Vừa kể chuyện Khean Sok Khoeurn vừa kéo tôi ra khoe chiếc xe máy anh vừa mua, lại tiếp tục tuôn một tràng tiếng Campuchia, đại ý không những vợ chồng anh mà hiện có rất nhiều người xã Boeung Lavea đang xin vào làm công nhân cao su ở đây.

Tổng Giám đốc Công ty Cao su Phước Hòa - Kampong Thom Nguyễn Văn Luyến cười nói, những trường hợp như vợ chồng Khean Sok Khoeurn ngày càng nhiều. Hơn 1.400 lao động của công ty hiện tại chủ yếu là người địa phương. Thực hiện các chính sách hỗ trợ giữ chân người lao động, ổn định sản xuất các công ty của VRG bên đây đều có các chính sách như cấp nhà ở, cấp phát gạo cho số lao động thu tuyển mới với 30kg/người, hỗ trợ chi phí đi lại đối với người lao động và gia thuộc đến vùng dự án…

Tổng Giám đốc Luyến còn chia sẻ, gần 15 năm đứng chân ở địa bàn này, Phước Hòa - Kampong Thom hiện quản lý hơn 8.695ha cao su, trong đó có hơn 7.664ha diện tích đã đưa vào kinh doanh, kế hoạch năm nay thu hoảng 12,2 ngàn tấn mủ. Những ngày tháng gian khổ nhất cũng đã đi qua, mấy năm nay dù còn một số khó khăn do dịch bệnh, giá mủ biến động nhưng mỗi năm Phước Hòa - Kampong Thom lãi hơn 100 tỉ đồng.

 
 
 

15 năm cuộc hành trình cây cao su trên đất nước Chùa Tháp, những người đầu tiên đến Kampong Thom bây giờ có người còn, người mất, có người ra đi, có người ở lại, duy chỉ một điều còn mãi là tinh thần người Việt đã và đang được hun đúc, nuôi dưỡng từng ngày.

Tôi theo chân Phùng Thế Phương, Giám đốc nhà máy chế biến của Công ty Cổ phần Cao su Bà Rịa - Kampong Thom lang thang giữa khu nhà ở công nhân của công ty ở ấp Sôn Sang, xã Kro Yea, huyện Sun Tuk. Đó là một thanh niên năng nổ, hoạt bát. Bố của Phương, ông Phùng Thế Minh, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty là một trong 8 người Việt đặt chân đầu tiên đến nơi này thực hiện dự án trồng cao su. Nghe kể rằng, thời điểm đó vùng đất này còn hoang vu đến mức còn cả cọp và tàn quân Pol Pot chọn làm nơi ẩn náu. Điều kiện sinh hoạt thiếu thốn đủ bề đã đành, chỉ nghĩ đến cảnh đối phó với mấy mối đe dọa này cũng đã sởn hết da gà. Dân cư thưa thớt, đường sá đi lại khó khăn, tuyển mãi công nhân cũng chỉ có được tầm trăm người. Nói chung khốn khó trăm bề nhưng Phương nói, có không ít người Việt mình đưa gia đình sang đây cùng sống chết với cây cao su như bố con anh.

cao-su-1715_20221129_730

Cao su ở Kampong Thom.

Mùa trồng mới đầu tiên từ năm 2009. Ông Lê Quốc Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Bà Rịa - Kampong Thom, người sót lại cuối cùng trong số 8 người đầu tiên kể: Người dân địa phương lúc đó vẫn quen với du canh du cư, quen với nghề trồng lúa, vận động đi trồng thứ cây trước nay họ chưa thấy bao giờ quả thật khó khăn. Khi những ha cao su đầu tiên bám rễ mọc lên đã gặp ngay thách thức. Vùng đất dự án vốn là rừng khộp, nghèo mùn, thường xuyên ngập nước, cao su vừa trồng xuống nước đã ngập trắng đồng, như thể chực chờ để phá hủy công sức, thành quả đầu tiên. Toàn bộ cán bộ, công nhân viên và người lao động địa phương chung sức với nhau đào mương thoát nước ra sông suối. Suốt thời kỳ kiến thiết cơ bản đã có khoảng 600km mương được đào để khắc chế vùng đất này.

Gian lao mãi cũng đến lúc thu thành quả. Ngày hôm nay Bà Rịa - Kampong Thom đang có hơn 5.393ha cao su cho khai thác, năng suất vườn cây đạt 2,16 tấn/ha. Đây là công ty đầu tiên trồng cao su ở Campuchia chuyển lợi nhuận về Việt Nam, tính đến năm 2021 là 191 tỉ đồng. Cao hơn cả, mảnh đất hoang tàn quân Pol Pot ẩn náu ngày trước bây giờ đã trù phú và yên bình. Công ty áp dụng mô hình quản lý đến nông trường và đội. Mỗi đội có từ 90 - 100 công nhân, có một đội trưởng là người Việt Nam biết tiếng Khmer, một đội phó và thư ký là người Campuchia. Để giúp công nhân, người lao động ổn định cuộc sống, Bà Rịa - Kampong Thom đã xây dựng 500 căn nhà, lắp đặt điện nước đến tận nơi, xây dựng trạm y tế, trường học và một ngôi chùa ở xã Kroyea nhằm phục vụ đời sống tôn giáo cho công nhân.

 

Ông Hùng cũng tiết lộ thêm, mới đây khi tổng kết số liệu để phục vụ đoàn công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm và làm việc ở Campuchia mới biết, suốt gần 15 năm qua, các công ty thuộc VRG đã đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng và an sinh xã hội trên đất nước Chùa Tháp với tổng giá trị 60 triệu USD. Trong đó có trên 1.200km đường giao thông phục vụ dân sinh trị giá 20 triệu USD. Hệ thống điện, hơn 1.000 giếng nước sạch trị giá 6 triệu USD. Trạm y tế trên 5.000m2; trường học trên 5.000m2; nhà ở tập thể cho công nhân 120.000 m2, trị giá 17 triệu USD. Các công trình tôn giáo trị giá hơn 1 triệu USD. Các công ty còn tham gia ủng hộ địa phương các hoạt động chính trị, xã hội, y tế, giáo dục gần 6 triệu USD…

Từ đời sống vật chất đến tinh thần đều trọn vẹn, quả không ngoa khi nói VRG đã làm nên một cuộc cách mạng trên đất nước Chùa Tháp.

 

Những ngày đoàn làm phim của Báo Nông nghiệp Việt Nam ở Kampong Thom là thời điểm một số công ty cao su nơi này đang tất bật chuẩn bị kỷ niệm 15 năm thành lập và thực hiện sứ mệnh phát triển cây cao su trên đất nước Campuchia. Không khí thật tưng bừng, xúc động, những buổi gặp gỡ cùng nhau ôn lại tháng ngày gian khó nhưng rất đỗi tự hào, những cái nắm tay thật chặt như một lời cam kết tiếp tục cùng nhau bước tiếp.

Đầu tháng 11 vừa rồi, lễ kỷ niệm 15 năm thành lập của Công ty TNHH PTCS Tân Biên - Kampong Thom vinh dự đón nhiều vị khách đặc biệt. Đó là ông Trần Công Kha - Chủ tịch HĐQT VRG, ông Nguon Ratanak - Tỉnh trưởng tỉnh Kampong Thom và ông Trần Ngọc Thuận - Thành viên HĐQT VRG, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam… Dường như tất cả họ đều không khỏi xúc động bởi sau bao nhiêu gian khổ, sau rất nhiều mồ hôi, nước mắt, những thay đổi ở Kampong Thom hôm nay thực sự quá lớn lao. Vùng đất hoang vắng xưa kia bây giờ là những cánh rừng cao su xanh thắm đầy sức sống. Những con đường mới liên tục được mở, những khu nhà ở của công nhân, khu dân cư, những chợ, quán hàng và cơ sở hạ tầng như thể muốn khoe cuộc sống ấm no. 7.244ha cao su trồng thuở trước đến năm 2021 đã khai thác được hơn 15.490 tấn mủ, năng suất vườn cây bình quân đạt 2,14 tấn/ha, là một trong những đơn vị dẫn đầu về năng suất chất lượng vườn cây ở khu vực Campuchia…

 

Đi qua những Phước Hòa, Tân Biên, Bà Rịa, Chư Sê cũng vậy. Có cảm giác mỗi công ty cao su thuộc VRG đầu tư ở Kampong Thom là một ngọn cờ tiên phong. Tôi cũng tự hỏi rằng, 15 năm cuộc hành trình trên đất nước Chùa Tháp của VRG ngắn dài ra sao, có lẽ là vô cùng. Bởi sau những nhọc nhằn của nhiều thế hệ, bây giờ có không ít người lựa chọn ở lại lấy Kampong Thom làm quê hương. Tôi đã gặp Cao Viết Thành, một thanh niên quê ở Nghệ An sang đây trồng cao su từ những ngày đầu. Năm 2014, Thành bén duyên rồi cưới cô gái Campuchia làm vợ. Cả hai vợ chồng đều là cán bộ công nhân viên của Chư Sê – Kampong Thom. Nhà cửa khang trang, ngày ngày cha mẹ đi làm, hai đứa con được học hành, chăm sóc dưới mái trường Hữu Nghị.

Tôi cũng đã gặp Phạm Minh Chanh, thanh niên người Việt khác quê ở Tây Ninh và cũng lập gia đình bên này. Và có biết bao con người khác nữa. Những chị Thà, bố con Phùng Thế Phương hay như ông Lê Quốc Hùng… Dù chính sách của các công ty luôn tạo điều kiện để cán bộ công nhân viên người Việt mình sang đây có thể đi về nhưng có không ít người lựa chọn ở lại để gắn bó với Kampong Thom. Lại được biết thêm, mấy năm nay khi nhà nước Việt Nam và Campuchia có chính sách tái định cư cho người Việt ở Biển Hồ, đã có một số lượng lớn người Việt được bố trí về làm công nhân ở các công ty cao su ở Kampong Thom. Được tạo điều kiện nhà ở, dạy nghề, giúp con em đi học. Mấy đời rồi vốn quen sống tự do sông nước, bây giờ cầm dao cạo mủ, giấc ngủ phải theo tập thể, sống đời sống công nhân xem chừng còn lắm gian truân. Nhưng nói như Phạm Văn Ngón (40 tuổi), một người Việt từng sống ở Biển Hồ là về đây có đất đai, vườn tược, có nhà cửa, con cái được học hành mới thấy cuộc sống trên kia cực khổ quá. Cũng là người Việt ở xứ người mà cuộc sống nơi này quá khác với nơi kia.

 
 

Rời Kampong Thom, ông Nguyễn Duy Linh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Chư Sê – Kampong Thom nắm tay chúng tôi thật chặt, quyến luyến lắm. Công ty và cá nhân ông Linh sắp vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động, đó là sự ghi nhận thành tựu xứng đáng mà những người như ông đã cống hiến cho sự nghiệp phát triển cây cao su trên mảnh đất này. Tôi chợt nghĩ rằng, không chỉ riêng ông Linh hay Chư Sê mà rất nhiều người khác trong cuộc hành trình 15 năm đưa cây cao su “đóng góp lớn lao phát triển kinh tế xã hội, tô thắm tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia” như lời lãnh đạo Chính phủ Vương quốc Campuchia, tất cả họ đều xứng đáng Anh hùng.

Hoàng Anh
Trương Khánh Thiện
Hoàng Anh
.
  • Nan giải vấn nạn mua, bán rùa trên Internet

    Nan giải vấn nạn mua, bán rùa trên Internet

    Phóng sự 25/03/2024 - 13:15

    Năm 2023 ghi nhận gia tăng các vụ liên quan đến mua, bán rùa qua mạng xã hội. Do vậy các cơ quan chức năng cần mạnh tay trong việc xử lý vi phạm.

  • [Bài 1] 7 năm trời vật vã xin giấy phép nuôi biển

    [Bài 1] 7 năm trời vật vã xin giấy phép nuôi biển

    Phóng sự 25/03/2024 - 07:30

    'Khát vọng lớn, quyết tâm cao, tuy nhiên những rào cản cơ chế chính sách đang giống như chiếc vòng kim cô siết chặt giấc mơ nuôi biển của chúng tôi vậy', Hải Bình nói.

  • Chuyện ở 'thiên đường đá cỏ' Tân Lập

    Chuyện ở 'thiên đường đá cỏ' Tân Lập

    Phóng sự 24/03/2024 - 16:40

    Nhắc đến thầy cúng Vàng A Chứ (còn gọi là ông Chứ cúng) thì không chỉ ở Sơn La và một số tỉnh Tây Bắc mà mãi tận bên Lào cũng có người biết.

  • Tinh hoa nghề đậu bạc Định Công

    Tinh hoa nghề đậu bạc Định Công

    Phóng sự 22/03/2024 - 11:09

    Sau khoảng thời gian tưởng chừng như thất truyền, đến nay làng nghề đậu bạc Định Công đang chuyển mình nhằm níu giữ lại cái hồn cốt của nghề tinh hoa truyền thống.

  • Rủ nhau đi hái lộc rừng

    Rủ nhau đi hái lộc rừng

    Phóng sự 18/03/2024 - 06:00

    Quảng Bình Cứ vào tháng Ba hàng năm, nhiều người dân sống ở các xã Quảng Kim, Quảng Châu, Quảng Hợp (Quảng Trạch, Quảng Bình) rủ nhau lên rừng hái dâu và có nguồn thu đáng kể.

  • Mùa hoa mộc miên

    Mùa hoa mộc miên1

    Phóng sự 15/03/2024 - 06:00

    Mộc miên, loài cây chung thủy với tháng Ba, cứ độ sau xuân lại rạo rực tự đốt cháy mình thắp lửa những góc trời, từ vùng đồng rừng đến những miền quê yên ả…

  • Hang Táu - miền cổ tích còn phong kín

    Hang Táu - miền cổ tích còn phong kín

    Phóng sự 12/03/2024 - 06:05

    Hang Táu là một thung lũng được giấu kín giữa bốn bề núi. Trời đất như chừa ra một khoảng đất tương đối bằng phẳng chỉ để cỏ cây khoe sắc...

  • Chuyện giữ rừng giữa biển

    Chuyện giữ rừng giữa biển

    Phóng sự 11/03/2024 - 06:15

    Qua Tết Nguyên đán, vùng đảo Tây Nam Tổ quốc bước vào cao điểm mùa khô, lực lượng chức năng bắt đầu ‘mướt mồ hôi’ với công tác giữ rừng trên các hòn đảo…

  • Bà Xuân 'hủi'

    Bà Xuân 'hủi'

    Phóng sự 08/03/2024 - 08:45

    Từng là giáo viên mầm non nhưng đến nay nữ y tá Nguyễn Thị Xuân đã có gần 40 năm đồng hành cùng những bệnh nhân tại trại phong Quả Cảm - Bắc Ninh.

Xem thêm

Bình luận mới nhất