| Hotline: 0983.970.780

Phóng sự

VI. Ngỡ ngàng cây cao su trên đất Chùa Tháp

VI. Ngỡ ngàng cây cao su trên đất Chùa Tháp

15 năm, hành trình những người Việt sang trồng cao su trên đất Campuchia đã vượt qua biết bao gian khổ, để hôm nay có được những thành tựu rất ngỡ ngàng.

 
 

Rời đất nước Triệu Voi, đoàn làm phim Báo Nông nghiệp Việt Nam lập tức lên đường đến với đất nước Campuchia. Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là một vùng đất phía Nam rộng lớn của xứ sở Chùa Tháp, nằm bên dòng Mekong, giáp với Biển Hồ Tonle Sap, cũng là vùng trồng cây cao su rộng lớn nhất Đông Dương.

Từ đất Tây Ninh đi qua Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài, ngay trong khu vực biên giới là vô số những sòng bài với hệ thống nhà hàng, khách sạn nổi tiếng trông không khác gì “thiên đường cờ bạc” Ma Cao thu nhỏ. Sau đại dịch Covid -19, chốn đỏ đen đã bắt đầu nhộn nhịp trở lại. Anh bạn phiên dịch nói, có rất đông người Việt sang đây chơi, “đến hớn hở, ra về thất thểu”, nhiều người sau khi nướng hết gia sản vào sòng bài đã nhảy cầu Gò Dầu bắc ngang sông Vàm Cỏ Đông. Đến nỗi người ta đã gọi Gò Dầu là “cầu xóa nợ”, nhưng xem chừng cơn khát đỏ đen của người Việt mình đã trở thành chứng bệnh nan y.  

Cung đường từ Mộc Bài lên Biển Hồ mùa này thật đẹp. Hai bên là những cánh đồng lúa mênh mông đang vào mùa chín. Cây thốt nốt đặc trưng của xứ Chùa Tháp lắc lư trên màu vàng bạt ngàn của lúa. Đẹp như tranh. Qua Kampong Cham là quê hương của Thủ tướng Hunsen, đến Kampong Thom lại là quê của Saloth Sar, thủ lĩnh Khmer Đỏ. Sau những năm tháng binh biến, loạn ly, vùng đất rộng lớn phía Nam đất nước Chùa Tháp bây giờ là thủ phủ của cây cao su, với diện tích xấp xỉ gần 100.000ha trải rộng khắp các tỉnh Kampong Thom, Siêm Riệp, Preah Viheear… Đó là thành quả của một cuộc hành trình kéo dài suốt gần 15 năm qua của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) và các đơn vị trực thuộc.

Bài liên quan

Dù đã hẹn với nhau từ trước, mấy anh em cao su bên đây còn cẩn thận gửi cả định vị qua Google Maps vậy mà phải mất gần cả buổi chúng tôi mới tìm đến được Kampong Thom, nơi Công ty Cổ phần cao su Chư Sê – Kampong Thom đóng quân. Đi lạc liên tục là vì vào chốn này cứ như đi vào rừng hoang vậy. Bốn bề chỉ thấy màu xanh bạt ngàn của cao su đã khép tán cao hàng chục mét. Đường lô đường thửa rộng thênh thang, chạy sâu hun hút giữa rừng, sơ sảy chút thôi đã quá mất dăm bảy cây số là chuyện hết sức bình thường.

Đón đoàn, ông Nguyễn Duy Linh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần cao su Chư Sê – Kampong Thom cười ái ngại: Hầu như đoàn nào đến đây cũng đều “đi dạo” như thế cả. Công ty có chỉ đạo anh em làm biển chỉ dẫn từ ngoài cổng vào đến khu vực văn phòng rồi đấy, nhưng chắc là vì “rừng” rộng quá nên biển không cắm xuể. 16.268,68ha cơ mà, từ cổng đến văn phòng cũng gần cả chục cây số, chúng tôi gọi đây là “vườn” cao su liền khoảnh rộng nhất thế giới là vì thế.  

Chỗ Công ty Cổ phần cao su Chư Sê – Kampong Thom đóng quân trông giống với resort nghỉ dưỡng hơn. Quanh hồ nước rộng là những dãy nhà lãnh đạo, công nhân viên không khác gì biệt thự, lại còn có cả khu thể thao trong nhà, bể bơi, nhà khách... Văn phòng công ty được xây dựng bề thế theo lối kiến trúc hiện đại. Đẹp đến mức quay phim Quang Dũng của chúng tôi vừa đến đã vội xách flycam ra bay. “Lên đến độ cao gần cả nghìn mét rồi vẫn chỉ thấy một màu xanh của cao su thôi các anh ạ”, Dũng lắc đầu, lè lưỡi.

 
 

Tranh thủ bên bữa cơm tối khá thịnh soạn đón đoàn làm phim từ quê nhà sang, ông Nguyễn Duy Linh sơ qua một vài nét về Chư Sê – Kampong Thom với rất nhiều cái nhất không chỉ đối với ngành cao su Việt Nam mà một vài tiêu chí đã ở tầm thế giới: Diện tích 16.268,68ha của công ty được đánh giá là rộng nhất và chất lượng tốt nhất của tập đoàn tại Vương quốc Campuchia, sản lượng đỉnh điểm của vườn cây đạt trên 33.000 tấn/năm. Tổng số cán bộ, công nhân viên và người lao động đến nay là hơn 3.200 người, trong đó có 150 người Việt, hơn 3.050 người Campuchia. Thu nhập bình quân 10 tháng đầu năm nay là 8,5 triệu đồng/người/tháng. Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cũng đã phê duyệt dự án xây dựng nhà máy chế biến mủ ở Kampong Thom với công suất 32.400 tấn mủ/năm. Công ty cũng đã chuyển đổi cung cấp nhiệt lò xông từ nhiên liệu DO sang nhiên liệu BioMass vận hành từ tháng 10/2021 giúp tiết kiệm chi phí nguyên liệu sản xuất 25%...

 

“15 năm ấy, dù có biết bao gian nan, vất vả của ngành cao su nói chung và các công ty trực thuộc ở Vương quốc Campuchia nói riêng, nhưng chúng tôi rất đỗi tự hào bởi vì từ một vùng đất hẻo lánh, nghèo kiệt của 7 tỉnh trong khu vực này bây giờ đã phủ kín màu xanh cao su do 17 công ty của VRG quản lý. Dòng nhựa trắng đã mang lại cơ hội đổi đời và cuộc sống trù phú cho biết bao người dân nghèo trên vùng đất khó, góp phần khẳng định tình đoàn kết hữu nghị ngày càng bền vững”, Tổng Giám đốc Nguyễn Duy Linh rưng rưng.

 
Bài liên quan

Cũng vào một ngày của quý cuối năm như hôm nay, khoảng hơn 15 năm trước, ông Nguyễn Duy Linh lúc đó còn là lãnh đạo của Công ty TNHH MTV cao su Chư Sê, về “tổng hành dinh” của VRG ở Sài Gòn dự họp sơ kết 9 tháng đầu năm. Gần đến bữa cơm trưa, ông Trần Ngọc Thuận lãnh đạo VRG mới gọi đến bảo: Em tranh thủ ăn cơm rồi lên đường sang Campuchia ngay luôn đi, tập đoàn được giao làm dự án bên đó, em sang khảo sát và báo cáo để triển khai luôn. Bữa trưa “không kịp uống chén rượu” ấy chính là sự khởi đầu của Chư Sê – Kampong Thom ngày hôm nay.

Đoàn khảo sát do ông Linh dẫn đầu có 5 người. Quả khó nói hết những gian truân của những ngày đầu trên đất Chùa Tháp. Kampong Thom, Siêm Riệp, Preah Vihear những năm 2007 là tam giác có nhiều đảng phái chính trị phức tạp, dân cư thưa thớt với phong tục tập quán du canh du cư, đất đai rộng lớn và chủ yếu là hoang hóa. Thời tiết miền Nam Campuchia chủ yếu có hai mùa, mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 10 còn lại là mùa khô hạn. Đoàn khảo sát phải thuê nhà dân ở ngoài trung tâm huyện, cách xa khu vực khảo sát mấy chục cây số.

 

Vất vả khôn cùng, cũng may nhờ sự quan tâm giúp đỡ, chỉ đạo và tạo điều kiện của Chính phủ hai nước, của VRG cũng như sự đoàn kết, nỗ lực của công ty với địa phương người dân cũng dần dà thay đổi cách nhìn và ủng hộ dự án. Năm 2010, những cây cao su đầu tiên được trồng trên đất Kampong Thom. Cùng với 5 người trong “tổ công tác đặc biệt” của ông Linh, một số lượng lớn cán bộ công nhân trẻ là sinh viên mới ra trường ở trong nước được tuyển dụng và đưa sang đây. Kinh nghiệm thực tiễn tuy chưa có gì nhưng lại thừa khát vọng, nhiệt huyết của tuổi trẻ. Trụ sở công ty chưa có, họ cùng nhau sống trong các căn nhà thuê của người địa phương, mỗi ngày tỏa đi khắp các phum, sóc vận động bà con trồng cao su.

 

Đó thực sự là những tháng năm chẳng thể nào quên. Đất đai vừa khai hoang buổi sáng thì buổi chiều đã tổ chức trồng mới. Giữa mùa mưa, nước ướt sũng các hố trồng như thể có ai cầm xô đổ vào vậy mà không khí lao động lúc nào cũng vui như hội. Người biết rồi hướng dẫn người chưa, cán bộ công nhân người Việt hướng dẫn người dân bản địa, ngôn ngữ giao tiếp, phong tục tập quán còn chưa hiểu hết nhau nhưng nhờ cầm tay chỉ việc mọi thứ tốt dần lên. Ngày qua ngày, tháng qua tháng,  từng lô, từng khoảnh cao su xanh tốt đã dần thay thế đất bỏ hoang trước kia.

Kế hoạch tập đoàn giao trồng trong 8 năm nhưng mới chỉ 5 năm Chư Sê – Kampong Thom đã hoàn thành. Cùng với diện tích cao su bạt ngàn xanh tốt là hệ thống đường lô, liên lô, cầu cống… Ông Linh chia sẻ, tổng quãng đường mà công ty cùng với nhân dân xây dựng bằng đúng từ Kampong Thom về đến đất Việt Nam. Đặc biệt là tuyến trục chính kết nối giữa xã Popok của huyện Stoung và Sakream của huyện Prasat Ballangk đã thay đổi bộ mặt của địa phương vốn tù túng suốt bao nhiêu năm qua.

 

Năm 2018, nhà máy chế biến mủ cao su Stoung CRCK2 đi vào hoạt động cũng đã xác lập một kỳ tích mới của ngành cao su ở Vương quốc Campuchia. Dự án được chia thành hai giai đoạn, không chỉ là công trình trọng điểm của VRG với quy mô lớn nhất toàn ngành cao su mà còn đạt chuẩn khu vực Đông Nam Á. Bắt đầu khởi công xây dựng từ đầu tháng 6/2017 trong bối cảnh gặp rất nhiều khó khăn bởi thủ tục hành chính, thuế quan, thủ tục nhập khẩu máy móc nhiêu khê, phức tạp, trình độ tay nghề công nhân xây dựng thấp... Chỉ trong vòng có nửa năm thôi giai đoạn I của nhà máy đã hoàn thành, vượt tiến độ 6 tháng và trở thành công trình hoàn thành kế hoạch tiến độ chưa có tiền lệ trong lịch sử của ngành cao su Việt Nam.

Rồi hệ thống xử nước thải trị giá hơn 2 triệu USD, hệ thống quản lý chất lượng hiện đại, tiên tiến nhất ở Chư Sê – Kampong Thom cũng lần lượt được đưa vào vận hành để  xứng tầm với đơn vị số một của VRG ở Campuchia. Dẫn chúng tôi hết đi thăm vườn cao su rộng bạt ngàn bằng ô tô rồi lại chạy qua nhà máy, cả ban giám đốc công ty gồm ông Linh với các ông Nguyễn Tiến Dũng, Lê Trung Kiên, Đồng Văn Tấn Đạt đều khá xúc động. Phần lớn trong số họ là những người đến Kampong Thom những ngày đầu. Nếm trải không biết bao gian khổ để có được thành tựu ngày hôm nay không xúc động sao được. Và hẳn nhiên họ cũng sẽ cảm thấy hết sức tự hào.

Ông Nguyễn Duy Linh đưa tay tôi một tập hồ sơ mà theo ông nói là trong đó có 8 sáng kiến kỹ thuật, đổi mới công nghệ để đưa Chư Sê – Kampong Thom xác lập các kỷ lục và dẫn  đầu trong số các đơn vị của VRG ở Campuchia. Quả thực người Việt Nam dù ở nơi nào trên trái đất này vẫn nguyên phẩm chất chịu khó, tâm huyết và đầy sức sáng tạo.

 
 

15 năm, từ một vùng đất hoang hóa, Chư Sê – Kampong Thom bây giờ đã là cộng đồng, có lẽ là “cộng đồng người cao su” hiếm có với hơn 3.200 cán bộ công nhân viên. “Đi theo” họ còn có biết bao nhiêu gia đình, bao nhiêu phum, sóc. Chợt nghĩ, 15 năm để có được thành tựu như vậy e cũng không phải quá dài. Mượn ô tô của mấy anh em công nhân, chúng tôi lang thang mãi trong những phum, sóc nằm lọt thỏm giữa những cánh rừng cao su bạt ngàn. Có khu dân cư, có trường học, có chùa, lại còn có cả trạm y tế và siêu thị để phục vụ cán bộ công nhân viên và người dân. Một cộng đồng no ấm và đầy đủ, cả về vật chất lẫn tinh thần.

 
 
 

Để xây dựng được cộng đồng này, Chư Sê – Kampong Thom đã đầu tư 78.000 USD để xây dựng trường học với 3 phòng học, 1 thư viện và 2 phòng ở của giáo viên đang dạy dỗ hơn 120 học sinh. Xây dựng ngôi chùa và mua sắm trang thiết bị hết 215.000 USD ngay tại khu trung tâm dự án nhằm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người lao động. Siêu thị Green Mart mọc lên giữa rừng vậy mà lúc nào cũng tấp nập người vào ra. Hơn một trăm thứ hàng hóa được bày bán, trong đó có cả nước mắm, cá khô và nhiều sản phẩm đến từ Việt Nam, gần như không thiếu thứ gì.

Người cao su gọi đó là làng  nhưng quy mô tương đương với nhiều xã ở Việt Nam. Chẳng hạn như “làng công nhân” ở huyện Stoung. Hơn 1.200 căn nhà được xây dựng trên diện tích hơn 47 nghìn m2 dành cho 200 lao động gián tiếp là cán bộ người Việt và hàng nghìn lao động là người Campuchia tại địa phương. Họ được cấp nhà ở miễn phí, được cấp gạo hàng tháng và nhiều hỗ trợ khác từ công ty cao su. Nghe nói Công ty cao su Chư Sê – Kampong Thom đã phải bỏ ra hơn 6,6 triệu USD để có thể xây dựng “ngôi làng” này. Người Việt, người Cam cùng nhau chung sống chan hòa trong một không gian thật ấm cúng.

Tổng Giám đốc Nguyễn Duy Linh vui vẻ rằng, mỗi năm dân làng này được ăn tết cổ truyền hai lần. Dù là Tết Nguyên đán của Việt Nam hay lễ đón Năm mới Chol Chnam Thmay của người Campuchia đều rất vui vẻ, nhộn nhịp. Nhà này sang nhà nọ cùng nhau uống rượu, hát ca và gửi đến nhau những lời chúc tốt đẹp nhất.

 

Ông Linh quê ở Quảng Trị, thời điểm sang Kampong Thom vốn đã có 15 năm gắn bó với cao su Chư Sê. Tết năm nay nữa là tròn 15 năm ông gắn bó với mảnh đất Kampong Thom, tiếng Cam đã nói như người bản địa. Tôi hỏi vui ông định bao giờ về, Tổng Giám đốc Chư Sê – Kampong Thom cười sảng khoái: Anh em họ cũng mong lắm rồi đấy, nhưng dường như mình đến là gắn bó với nơi đây, là cái duyên rất lớn, nên chưa biết được đâu. Vừa nói ông vừa chỉ cho tôi tấm Huân chương Vương quốc Campuchia cấp Đại tướng quân do Thủ tướng Campuchia trao tặng. Không phải để khoe nhưng ít nhiều đó là sự thể hiện ghi nhận của hành trình 15 năm cây cao su ở mảnh đất này.

“Lẽ tất nhiên chặng đường phía trước còn những khó khăn, thách thức, tuy nhiên với những thành tựu Chư Sê – Kampong Thom đã đạt được chính là động lực để anh em cao su xây dựng nơi đây trở thành biểu tượng sáng ngời của tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác Việt Nam – Campuchia. Chỉ mong sao thiên thời, địa lợi, nhân hòa để thương hiệu Cao su Chư Sê – Kampong Thom tỏa sáng trên đất bạn và làm rạng danh Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam”, ông Linh ngậm ngùi.  

video: Bay giữa rừng cao su Chư Sê - Kampong Thom 

Hoàng Anh
Trương Khánh Thiện
Hoàng Anh
.
Xem thêm