Xứ sở Triệu Voi đang từng bước trở thành trung tâm logicstic của Đông Nam Á, đồng nghĩa với cơ hội đầu tư rất lớn đối với các quốc gia trong khu vực.
Trụ sở Bộ Nông Lâm nghiệp Lào nằm ngay trên đại lộ Lan Xang, vị trí trung tâm bậc nhất của thành phố Viêng Chăn. Trước mặt là Khải hoàn môn Patuxai, biểu tượng chiến thắng của đất nước Lào, chếch phía bên kia đường là Văn phòng Chính phủ và các cơ quan trực thuộc. Cách đó một đoạn là tòa nhà Quốc hội, quà tặng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam dành cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào mới khánh thành năm ngoái.
Đón đoàn làm phim của Báo Nông nghiệp Việt Nam, các đồng chí ở Bộ Nông Lâm nghiệp Lào chủ yếu trao đổi với nhau bằng tiếng Việt. Đó là điều dễ hiểu bởi đa số họ đều là du học sinh có nhiều năm học tập, làm việc ở Việt Nam. Anh Inpong Inthavong, cán bộ ở Cục Kế hoạch và Hợp tác vừa có chuyến công tác dài ngày ở Việt Nam về hồ hởi, chuyến này các đồng chí sang là có duyên đấy, Bộ vừa mới tổ chức đánh giá tình hình 9 tháng đầu năm, có nhiều thông tin vui lắm.
Năm nay nhìn chung Lào cũng giống như tất cả các quốc gia khác trên thế giới, tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức khác nhau như biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai, dịch bệnh, bất ổn xã hội, chiến tranh, dịch Covid-19 bùng phát, giá cả hàng hóa tăng cao… Tuy nhiên, nông lâm nghiệp xứ sở Triệu Voi vẫn đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Sản xuất lúa đạt 438.000 tấn, vượt 2,9% kế hoạch. Sản lượng lương thực đạt 2,3 triệu tấn, bao gồm 392.016 tấn thịt, trứng, cá… Mục tiêu xuất khẩu hàng hóa đạt 1,2 tỷ USD có thể sẽ sớm hoàn thành.
Mặc dù rất bận với sự kiện Ngày Lương thực thế giới và Ngày Quốc tế xóa đói giảm nghèo tổ chức tại Viêng Chăn nhưng Bộ trưởng Bộ Nông Lâm nghiệp Lào, đồng chí Phet Phomphiphak cũng đã sắp xếp dành thời gian cho đoàn làm phim của Báo Nông nghiệp Việt Nam. Sau khi sơ qua một vài nét chung của nông lâm nghiệp đất nước, Bộ trưởng Phet Phomphiphak chia sẻ: Đất nước Lào đang mở cửa với tất cả các quốc gia để cùng nhau tiến lên vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người, cùng nhau cống hiến vì công bằng xã hội, hòa bình và thế giới của chúng ta.
Kể từ khi Chính phủ Lào làm cuộc cách mạng tháo nút thắt giao thông để phát triển đất nước, Bộ Nông Lâm nghiệp Lào cũng đã vạch ra đường hướng, chiến lược của ngành. Thúc đẩy giao thương hàng hóa nông sản trở thành mệnh lệnh, xây dựng hạ tầng kết nối, trở thành trung tâm logicstic của khu vực là chiến lược phát triển.
Đặc biệt, đối với các địa phương, Bộ Nông Lâm nghiệp Lào rất khẩn trương phân bổ các ưu tiên và xác định khu vực đầu tư nông nghiệp hàng hóa, tập trung dọc theo tuyến đường sắt cao tốc Lào - Trung. Ưu tiên hàng hóa và kinh tế hợp tác dưới hình thức tổ chức lực lượng sản xuất để tạo thuận lợi trong việc thúc đẩy tăng cường tiếp cận nguồn vốn, các thông tin về thị trường dễ dàng hơn; tổ chức sản xuất và phân phối hàng hóa bảo đảm lợi nhuận bình đẳng cho các nhóm sản xuất và cho xã hội…
Sau một ngày cùng với các đồng chí ở Bộ Nông Lâm nghiệp đi xem các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, xem các nhà máy và chứng kiến những đột phá của đất nước Lào về hạ tầng giao thông đã giúp chúng tôi dễ dàng cảm nhận về một về một vận hội mới của đất nước Triệu Voi. Người dân Lào vốn dĩ chậm rãi và họ làm nông nghiệp cũng vậy. Đất rộng người thưa, trồng trọt, chăn nuôi gì cũng rất thuận lợi.
Ví như ở bản Phonsavang của huyện Park Ou cách trung tâm tỉnh Luang Prabang khoảng 30 cây số. Phonsavang là một vùng bán sơn địa vừa có đồi núi lại gần ngã ba sông Nậm U và Mekong nên phù hợp với phát triển kinh tế rừng, chăn nuôi và cây ăn quả. Chúng tôi đến thăm ông Khamphet Phommaly là người làm nông nghiệp lớn và giàu có nhất khu vực này.
Từ năm 2007 đến nay gia đình ông Khamphet vừa kinh doanh cây giống vừa phát triển mô hình trồng cây bưởi, cam, chôm chôm, mãng cầu… Nhờ hoạt bát, chăm chỉ nên mỗi năm không cần vất vả lắm cũng thu về khoảng hơn 700 triệu Kip, tương đương hơn 2 tỉ đồng Việt Nam. Đất đai dọc bờ sông còn rộng lớn mênh mông, núi đồi cũng mênh mông, ông Khamphet nói cười rổn rảng, chỉ cần con người chịu khó, biết tính toán một tí có thể sống khỏe re.
Hay đơn giản hơn như mô hình chăn nuôi bò của ông Buangen Mitbuaphone ở bản Khon Kham. Con cái đã trưởng thành, chỉ còn hai ông bà trông coi đàn bò xấp xỉ 50 con. Mỗi ngày ông Buangen lùa bò lên núi, đến tối lại đón về. Bò tự kiếm ăn, tự sinh sôi nảy nở. Đều đặn hàng năm bán từ 10 - 15 con, mỗi con khoảng 13 đến 14 triệu Kíp, quá đủ để hai ông bà có một cuộc sống an nhàn.
Cách đây chưa đến một năm, chính xác là tháng 1/2022 có một sự kiện đặc biệt. Đó là lần đầu tiên hai Thủ tướng Lào và Việt Nam có một cuộc gặp gỡ, đối thoại với nhiều doanh nghiệp hai nước để bàn về vấn đề thu hút các doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư ở xứ sở Triệu Voi. Trong cuộc gặp gỡ đó, để thay lời kêu gọi, Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh đã ví von rằng: Ngày xưa đoàn quân Tây Tiến đã làm nghĩa vụ quốc tế tại Lào, ngày nay các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải tiếp tục Tây Tiến sang Lào để đầu tư.
Dường như tâm tư của Thủ tướng Phankham Viphavanh cũng là những băn khoăn, trăn trở và kỳ vọng của các đồng chí ở Bộ Nông Lâm nghiệp Lào. Gặp gỡ, làm việc với đoàn làm phim Báo Nông nghiệp Việt Nam, Cục trưởng Cục Kế hoạch và Hợp tác Thasaka Saphangthong nắm chặt tay Phó Tổng Biên tập Trần Cao gửi gắm: Hi vọng thông qua các kênh thông tin, Báo Nông nghiệp Việt Nam có thể truyền đi thông điệp chúng tôi kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư nhiều hơn nữa tại đất nước Lào, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp.
Cuộc trò chuyện suốt một buổi chiều sau đó gần như chỉ có xoay quanh chủ đề này. Cục trưởng Thasaka Saphangthong không ngần ngại chia sẻ, mặc dù đã có nhiều đột phá, thành tựu vượt bậc nhưng không thể phủ nhận ngành nông nghiệp của Lào đang còn rất nhiều những khó khăn. Đó là quy mô sản xuất còn nhỏ, chưa đáp ứng được tiêu chuẩn thị trường ngày càng khắt khe, tổ chức sản xuất quy mô lớn còn gặp nhiều khó khăn, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản còn ít so với lợi thế, tiềm năng, thiếu nguồn vốn đầu tư, thiếu khoa học kỹ thuật…
Suốt bao nhiêu năm qua, bằng tình cảm sâu sắc, tự hào với truyền thống lịch sử hào hùng, bằng tình đoàn kết, thống nhất đặc biệt, “có một không hai” giữa hai nước Việt - Lào, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tìm kiếm cơ hội và trực tiếp đầu tư tại Lào, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp.
Điển hình có Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải, Tập đoàn Thành Thành Công, Công ty Cổ phần Greenfeed Việt Nam… “Chúng tôi trân quý điều đó, bởi vì các doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư cùng với sự hỗ trợ xây dựng hạ tầng đã phần nào giúp nông nghiệp Lào tháo gỡ những bài toán nêu trên”, ông Thasaka Saphangthong tiếp tục chia sẻ và dẫn lại câu nói của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính: Các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào ngoài lợi ích kinh tế còn phải mang sứ mệnh về tình nghĩa, trách nhiệm, sự tri ân với các thế hệ đi trước đã “đồ mồ hôi, sôi nước mắt”, sẵn sàng đổ máu, hi sinh vì độc lập, chủ quyền hai nước.
Đây là năm đầu tiên Bộ Nông Lâm nghiệp Lào đặt mục tiêu xuất khẩu hàng hóa từ trồng trọt đạt khoảng 1,1 tỷ USD và giá trị xuất khẩu hàng hóa từ chăn nuôi đạt khoảng 100 triệu USD. Từ quy hoạch, chiến lược phát triển đến mục tiêu đều hết sức rõ ràng. Cà phê tập trung ở các tỉnh Phong Sa Lỳ, Xiêng Khoảng, Hủa Phăn, năm nay xuất khẩu đạt 175.500 tấn, đến năm 2023 phấn đấu đạt 500.000 tấn. Ngô trồng ở các tỉnh phía Bắc như Xayaburi, Oudomxay, Xiêng Khoảng, đạt 636 nghìn tấn mỗi năm, đến năm 2023 phấn đấu tổng sản lượng xuất khẩu đạt 1,8 triệu tấn, vừa vụ cho các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước, còn lại phục vụ xuất khẩu sang Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam. Xuất khẩu sắn đạt 3,6 triệu tấn mỗi năm, đến nay đã thực hiện được 1,1 triệu tấn với tổng giá trị 146 triệu USD, đến năm 2023 phấn đấu đạt tổng sản lượng 9,7 triệu tấn, tập trung ở các tỉnh Xayaburi, Salavan, Champasak, Savannakhet, Bolikhamxay…
Trong những thành tựu vượt bậc đó có không ít những đóng góp đến từ các doanh nghiệp Việt Nam. Nhắc lại những câu chuyện về hợp tác đầu tư, về tình hữu nghị “đặc biệt riêng có” giữa hai quốc gia, Cục trưởng Thasaka Saphangthong cũng thẳng thắn nhìn nhận: Chúng tôi luôn nghĩ là còn một dư địa mênh mông mà chúng ta chưa khai thác. Lào đang trên đường thực hiện mục tiêu trở thành trung tâm logicstic của khu vực Asean. Bằng truyền thống hữu nghị lâu đời của hai nước, bằng những thành tựu đã có, chúng tôi luôn nghĩ rằng hợp tác với các đồng chí Việt Nam sẽ là nền tảng để phần nào rút ngắn được chặng đường. Chúng ta có 8 cặp cửa khẩu quốc tế, 7 cặp cửa khẩu chính và 18 cặp cửa khẩu phụ, hoạt động trao đổi về kinh tế cũng như đi lại, xuất nhập khẩu hàng hóa, lao động giữa Việt Nam và Lào ngày càng thuận lợi. Thương mại hai nước được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế suất về 0% cho hầu hết các mặt hàng theo các Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Lào…
Đó thực sự là những nền tảng để Việt Nam và Lào hợp tác nhiều hơn nữa, vì sự thịnh vượng của cả hai quốc gia. Những thành tựu đạt được hôm nay có thể chưa xứng với tiềm năng, lợi thế, cơ hội nhưng là căn cơ để cùng nhau tiến bước xa hơn, góp phần vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại giữa Việt Nam và Lào.
Chuyến đi đến Viêng Chăn lần này chúng tôi tình cờ gặp bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần công nghệ phần mềm Auto Agri cũng đang ở đó. Độ hơn chục năm nay bà Thực đã là đối tác kinh doanh của nhiều doanh nghiệp Lào trong lĩnh vực nông nghiệp, hiện đang hỗ trợ quốc gia này phát triển nông nghiệp thông minh. Vẫn với phong cách nói thẳng, nói thật quen thuộc, Chủ tịch Auto Agri phân tích: Chứng kiến những đột phá, thành tựu của người Lào trong lĩnh vực giao thông, tôi nghĩ rằng đây là thời điểm, thời cơ rất lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Trước hết có thể rõ ràng nhận thấy nhất là đất nước Lào đang phát triển để trở thành trung tâm logicstic của khu vực, kết nối các nước Asean với thị trường Trung Quốc. Đây sẽ là cơ hội của các quốc gia Thái Lan, Campuchia, Myanmar và tất nhiên là cả Việt Nam chúng ta. Tuy nhiên, Việt Nam có lợi thế hơn nhờ vị trí địa lý thuận lợi và truyền thống hữu nghị hiếm có trên thế giới.
Ngày trước giao thông nội địa của Lào gặp nhiều khó khăn, nông sản của Việt Nam hay Thái Lan qua Lào để đi sang thị trường Trung Quốc không nhiều do chi phí vận tải quá lớn. Thế nhưng bây giờ chỉ tính riêng đường sắt cao tốc Viêng Chăn - Côn Minh thôi cũng đã thấy hiệu quả rất lớn, với những người làm thương mại như chúng tôi nhìn thấy rất nhiều giá trị. Ngày trước cứ nghĩ sáng từ Viêng Chăn đi lên cửa khẩu Bo Ten đến tối lại quay về là giấc mơ xa vời lắm thì giờ đã thành hiện thực rồi. Một chiếc xe chở hàng từ Viêng Chăn lên biên giới Trung Quốc thay vì tốn hết 150 triệu tiền Việt Nam trước đây giờ đi đường sắt chỉ hết khoảng 3%. Thời gian từ 48 tiếng cũng rút xuống còn 7 tiếng, đối với hàng nông sản đó là lợi thế vô cùng.
Ngoài vận chuyển hàng hóa, giảm chi phí, cơ hội phát triển du lịch cũng mở ra rất lớn không chỉ đối với nước Lào và còn cả Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác. Cho nên, ngay từ thời điểm này tôi mong các doanh nghiệp Việt Nam hãy nghiên cứu và sớm đầu tư để không bị chậm chân so với các nước.
Thứ hai như các anh thấy, tiềm năng, lợi thế của nông nghiệp Lào đang cực kỳ rộng lớn. Xứ sở Triệu Voi tuy dân cư thưa thớt nhưng nguồn tài nguyên nông thổ sản dồi dào, tiêu dùng nội địa không nhiều nên cơ hội cho các doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu đi các nước rất thuận tiện. Những khó khăn về giao thông, thủy lợi phần nào đó khiến nông nghiệp Lào còn giữ được nhiều sản vật tự nhiên, khác biệt như nấm, dược liệu từ rừng. Chăn nuôi đại gia súc còn dư địa mênh mông nhờ nguồn đất đai rộng lớn, khí hậu thuận lợi… Cơ hội cho khoa học kỹ thuật chúng ta đã ứng dụng thành công trong nước nếu mang sang đầu tư chắc chắn sẽ phát triển.
“Giai đoạn vừa qua do ảnh hưởng Covid, biến động tài chính thế giới nên các nhà đầu tư vào đất nước Lào có phần bị chậm, tôi nghĩ rằng thời điểm này chính là cơ hội của chúng ta. Nếu không tận dụng, khi Trung Quốc mở cửa trở lại sau chính sách zero Covid, khi cơn bĩ cực tài chính thế giới qua đi, lúc đó cơ hội sẽ không còn nhiều”, bà Nguyễn Thị Thành Thực nói.