Theo cục Kiểm lâm và Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh Vĩnh long, từ năm 2012 - 2020, Chi cục đã phối hợp các cơ quan, ban ngành, đoàn thể xã hội và nhân dân trong tỉnh trồng được gần 160.000 cây xanh. Trong đó có nhiều loại cây lâm nghiệp quý như cây sao, dầu, bằng lăng, tràm bông vàng… Tổng diện tích trồng quy ra diện tích tập trung gần 500 ha. Trong đó, năm 2020 trồng được trên 19 nghìn cây, tương đương 77,14 ha.
Phong trào trồng cây lâm nghiệp phân tán được hưởng ứng tích cực của nhiều cơ quan, tổ chức và nhân dân trong tỉnh.
Cây xanh được trồng phổ biến tại các tuyến đường nông thôn, các khu vực đất công cộng, đất trống hoặc đất trồng cây ăn trái không hiệu quả, tại các trụ sở cơ quan, trường học, đặc biệt tại các xã xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Đến nay, cây lâm nghiệp trồng phân tán sinh trưởng tốt, mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực tại địa phương.
Ông Văn Hữu Huệ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long cho hay, mặc dù Vĩnh Long là tỉnh không có quy hoạch diện tích đất rừng giai đoạn năm 2016-2020. Tuy nhiên việc đẩy mạnh phong trào trồng cây xanh, cây lâm nghiệp phân tán góp phần tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp cho môi trường xung quanh, giảm nhẹ thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, trồng cây xanh còn góp phần tăng thêm thu nhập từ việc khai thác gỗ cây lâm nghiệp, khai thác củi và phục vụ du lịch.
Mặc dù vậy theo ông Lê Hải Việt, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm và Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Vĩnh Long, kết quả này chỉ đáp ứng dưới 50% so với nhu cầu. Do đó, trên 50% nhu cầu trồng cây xanh còn lại (trên 150 nghìn cây) cần được quan tâm, hỗ trợ từ cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương và nhân dân.
Việc đầu tư, chăm sóc và bảo vệ cây xanh nhằm tăng diện diện tích phủ xanh trên địa bàn tỉnh, giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thiên tai, nhất là tình trạng sạt lở bờ sông rạch ngày càng diễn biến phức tạp.
Đối với việc trồng cây xanh chống sạt lở bờ sông, trồng cây xanh để xây dựng bờ kè (kè sinh thái) đã được nhiều tỉnh ở ĐBSCL quan tâm thực hiện và được xem là giải pháp mềm tạo hiệu ứng tốt đối với tình hình sạt lở bờ sông hiện nay.