Lãng phí lớn trong thực hiện dự án
Báo NNVN đã có nhiều bài phản ánh công tác quy hoạch của tỉnh Vĩnh Phúc vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập, Vĩnh Phúc từng phê duyệt nhiều dự án tai tiếng, gây tranh cãi trong dư luận: Dự án xây dựng công viên Văn Miếu, Dự án công viên nghĩa trang Thiên An Viên, Dự án Bệnh viện Sản Nhi, Dự án khu nhà ở đô thị trường Văn hóa Nghệ thuật…
Trong đó, công trình dự án Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Vĩnh Phúc nằm trong vùng lõi trung tâm công nghiệp Hợp Thịnh vi phạm nghiêm trọng các quy định về quy hoạch, chưa kể vi phạm Thông tư 18/2013 về vị trí thiết kế các cơ sở khám chữa bệnh và vi phạm các quy định về Tiêu chuẩn Việt Nam 4470:2012 về tiêu chuẩn thiết kế bệnh viện.
Dự án Bệnh viện Sản Nhi nằm giữa khu cụm công nghiệp đầy bụi ô nhiễm. |
Điển hình cho việc quy hoạch dự án sau chồng lấn quy hoạch dự án trước dẫn đến tổn thất nặng nề về kinh tế có thể kể đến "Dự án Đầu tư xây dựng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc". Dự án này được tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt nhằm nâng cấp trường Trung học Văn hoá nghệ thuật Vĩnh Phúc thành trường Cao đẳng với kinh phí dự kiến lên tới gần 80 tỉ đồng.
Tuy nhiên, khi mọi thứ còn đang dang dở thì công trình này đã buộc phải dừng triển khai do phát hiện có sự “chồng lấn” với dự án đường song song phía Nam đường sắt Hà Nội - Lào Cai đã được phê duyệt trước đó. Hậu quả là cả một ngôi trường với nhiều công trình, giảng đường đồ sộ đã xây dựng gần xong buộc phải dừng lại và để hoang gần chục năm qua.
Ngoài ra, còn rất nhiều dự án khác “bất khả thi” nhưng tỉnh Vĩnh Phúc vẫn phê duyệt và kết quả là sau nhiều năm không thể thực hiện buộc phải thu hồi.
Được biết, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản số 1610 ngày 2/7/2019 bãi bỏ Quyết định số 1223 ngày 5/5/2014 về việc giao chủ đầu tư dự án xây dựng, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN Tam Dương II-Khu B đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC. Dự án này có quy mô 185,6 ha với tổng mức đầu tư lên tới 2.310 tỷ đồng
Tương tự, UBND tỉnh cũng đã có văn bản số 1561 ngày 27/6/2019 về việc bãi bỏ Quyết định số 2420 ngày 6/9/2014 về việc giao chủ đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Chấn Hưng, Vĩnh Tường đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC. Đây là dự án có quy mô 129,75 ha, với tổng vốn đầu tư 1.378 tỷ đồng. Năm 2014, Dự án xây dựng - kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Chấn Hưng được giao cho công ty Cổ phần Tập đoàn FLC nhưng đến nay công tác giải phóng mặt vẫn chưa hoàn thành.
Về nguyên tắc, việc quy hoạch thu hồi đất phục vụ các dự án phát triển KT-XH phải được tính toán, cân nhắc kĩ lưỡng bởi nó không đơn giản chỉ liên quan đến quỹ đất, đến ngân sách nhà nước mà quan trọng hơn là việc thu hồi đất luôn ảnh hưởng trực tiếp đến kế sinh nhai của người nông dân. Vậy nhưng, trải qua nhiều giai đoạn, sự lãng phí tài nguyên đất vẫn còn hiển hiện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
Sai phạm công tác cán bộ
Công tác bổ nhiệm nhân sự chủ chốt tại một số cơ quan quản lý Nhà nước của tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian qua có nhiều sai phạm. Báo NNVN đã phản ánh về trường hợp của ông Nguyễn Văn Huyến, Phó Chủ tịch HĐND TP. Phúc Yên được tỉnh Vĩnh Phúc bổ nhiệm vào vị trí Quyền Giám đốc Sở GD-ĐT mà chưa từng kinh qua công tác trong ngành giáo dục.
Ông Nguyễn Văn Huyến được bổ nhiệm Quyền Giám đốc Sở GD&ĐT khi không đủ tiêu chuẩn |
Theo Quyết định 81/2008 của Bộ GD-ĐT ban hành, quy định về tiêu chuẩn chức danh đối với vị trí Giám đốc, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT thì ông Huyến không đủ điều kiện tiêu chuẩn đảm nhiệm vị trí lãnh đạo Sở.
Báo cũng phản ánh việc ông Nguyễn Việt Hưng, Phó Chủ tịch HĐND huyện Sông Lô được bổ nhiệm giữ chức Quyền Giám đốc Sở Ngoại vụ. Nhưng trước khi bổ nhiệm vào cương vị mới 2 tháng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã có thông báo về việc xử lý kỷ luật đối với Ban Thường vụ Huyện ủy Sông Lô nhiệm kỳ 2015-2020 và đảng viên vi phạm. Theo thông báo này thì ông Hưng là cán bộ mới bị kỉ luật khiển trách mà vẫn được thăng quan tiến chức trở lành lãnh đạo một ngành trong tỉnh?
Việc bổ nhiệm ông Hưng đã vi phạm nghiêm trọng Quy định số 105/QĐTW của Ban Chấp hành Trung ương ngày 19/12/2017 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử: Người bị kỷ luật từ khiển trách trở lên thì không được quy hoạch, bổ nhiệm vào các chức vụ cao hơn trong thời gian ít nhất một năm kể từ khi có quyết định kỷ luật. Đảng viên bị kỷ luật cách chức trong vòng một năm kể từ ngày có quyết định, không được bầu vào cấp ủy, không chỉ định, bổ nhiệm vào các chức vụ tương đương và cao hơn.
Nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm như thế nào?
Tháng 11/2017, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có kết luận Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2010-2015 và nhiệm kỳ 2015-2020 đã có nhiều vi phạm, khuyết điểm: Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước và Quy chế làm việc của Tỉnh ủy trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác cán bộ; quản lý, sử dụng đất và quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án, công trình trọng điểm.
Cụ thể: Quyết định bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử đối với một số cán bộ không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, có biểu hiện cục bộ, không bình thường. Thiếu kiểm tra, giám sát, để một số cơ quan, tổ chức có số lượng phòng, số lượng lãnh đạo cấp phó sở, ngành và sử dụng lao động hợp đồng không đúng quy định; Thường trực Tỉnh ủy cho chủ trương đối với một số dự án sử dụng đất không đúng quy định pháp luật, không phù hợp quy hoạch; giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất; Buông lỏng lãnh đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra vi phạm đối với một số dự án, công trình trọng điểm, gây lãng phí, thất thoát ngân sách Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng.
“Những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2010-2015, của ông Phạm Văn Vọng và Phùng Quang Hùng là nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân, đến mức phải thi hành kỷ luật”, theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Đối với bà Hoàng Thị Thúy Lan và ông Nguyễn Văn Trì, do vi phạm chưa đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật nên Uỷ ban Kiểm tra T.Ư yêu cầu kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm sâu sắc và yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với Ban cán sự đảng UBND tỉnh và các tập thể, cá nhân có liên quan đến vi phạm, khuyết điểm của hai nhiệm kỳ theo thẩm quyền.
Hai năm sau Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương thực tế đang diễn ra ở Vĩnh Phúc không có gì thay đổi. Vẫn quy hoạch sử dụng đất không phù hợp, vẫn lãng phí trong thực hiện dự án, vẫn bổ nhiệm cả cán bộ bị kỉ luật, cán bộ không đủ tiêu chuẩn. Dường như ở Vĩnh Phúc đang có một vết xe trượt quá dài đã tạo thành "rãnh", không thể thoát ra nổi?