Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc nhiều năm qua luôn có điều tiếng về công tác cán bộ. |
Căn cứ theo Quyết định 81 của Bộ GD-ĐT về tiêu chuẩn bổ nhiệm chức danh Giám đốc, Phó giám đốc Sở GD-ĐT thì những người đảm bảo có thời gian công tác trong ngành giáo dục từ 7 năm trở lên; trong đó có ít nhất 3 năm làm công tác quản lý giáo dục; đã hoặc đang giữ chức vụ lãnh đạo từ cấp trưởng phòng, phó trưởng phòng giáo dục và đào tạo; trưởng, phó các phòng, ban thuộc sở giáo dục và đào tạo; hiệu trưởng trường trung học phổ thông hoặc tương đương; hiệu trưởng trường trung cấp chuyên nghiệp; hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường cao đẳng, đại học… thì có thể bổ nhiệm vào chức danh PGĐ, GĐ Sở.
Tức là, ông Huyến được bổ nhiệm làm lãnh đạo Sở GĐ-ĐT mà không đủ tiêu chuẩn vì chưa từng có thời gian công tác trong ngành giáo dục.
Vậy nếu rà soát theo tiêu chuẩn trên, ngành GĐ-ĐT Vĩnh Phúc liệu có còn cán bộ đủ điều kiện đáp ứng? Được biết, Sở GĐ-ĐT có 3 Phó giám đốc, Sở cũng có 13 phòng ban chuyên môn, mỗi phòng ban có 1 trưởng phòng và 2 phó trưởng phòng.
Tỉnh Vĩnh phúc cũng có 9 huyện, thành phố trực thuộc tỉnh với 9 Phòng Giáo dục tương đương với 27 cấp trưởng, phó phòng. Có trên 20 hiệu trưởng các trường Trung học phổ thông và Trung tâm Giáo dục thường xuyên.
Ngoài ra, còn có Hiệu trưởng trường Cao đẳng Việt Đức, Hiệu trưởng Cao đẳng Kinh tế kĩ thuật Vĩnh Phúc, Hiệu trưởng Cao đẳng Công nghiệp Phúc Yên… Hầu hết những cán bộ này đều có thâm niên công tác trong ngành và có kinh nghiệm năng lực chuyên môn và là nguồn nhân sự dồi dào để đưa vào quy hoạch.
Đối với 3 Phó giám đốc Sở GD-ĐT đương nhiệm gồm các ông: Trần Dũng Long, Nguyễn Xuân Trường và Phạm Khương Duy. Trong đó, ông Long và ông Trường sẽ lần lượt nghỉ hưu và năm 2020, 2021. Riêng ông Phạm Khương Duy còn đủ thời gian công tác, có kinh nghiệm lâu năm, từng kinh qua nhiều chức vụ trong ngành giáo dục hội đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm chức danh Giám đốc Sở theo Quyết định 81của Bộ GD-ĐT. Nhưng ông Duy đã không được bổ nhiệm.
Đối với hệ thống trường PTTH, nổi bật có trường Chuyên Vĩnh Phúc, là một trong 10 trường dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh giỏi quốc gia và quốc tế.
Đặc biệt trong các kỳ thi quốc tế của đoàn học sinh Việt Nam, Trường Trung học phổ thông chuyên Vĩnh Phúc luôn là một trong các trường Trung học phổ thông đạt được thành tích cao hàng đầu trên cả nước...
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tới dự lễ khai giảng Trường PTTH Chuyên Vĩnh Phúc |
Với bảng thành tích thể hiện một truyền thống giáo dục đào tạo vẻ vang như vậy, khẳng định về kinh nghiệm đào tạo nên những thế hệ học sinh tài năng, kinh nghiệm tổ chức thi cử trong tỉnh, ngoài tỉnh thậm chí đi thi trên đấu trường quốc tế thì ông Nguyễn Văn Huyến - tân lãnh đạo Sở GD-ĐT không thể so cùng Hiệu trưởng, Hiệu phó của trường PTTH Chuyên Vĩnh Phúc. Xét theo tiêu chuẩn bổ nhiệm của Bộ GD-ĐT, hầu hết các thầy đều đảm bảo điều kiện.
Chưa hết, đối với hệ thống trường Cao đẳng trên địa bàn, mỗi trường có một thế mạnh riêng nhưng nhìn chung đều hướng tới đào tạo nghề gắn với tạo điều kiện công ăn việc làm.
Kể ra thì nhân tài trong ngành GD - ĐT của tỉnh Vĩnh Phúc có rất nhiều nhưng vấn đề vướng mắc ở chỗ lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc có muốn đưa các thầy vào quy hoạch vị trí Giám đốc Sở hay không? Nói như vậy, bởi về nguyên tắc công tác quy hoạch cán bộ luôn phải ưu tiên những người có chuyên môn nghiệp vụ, hiểu ngành, hiểu nghề.
Trong trường hợp, ông Phạm Khương Duy - PGĐ Sở GĐ-ĐT cùng với trên dưới 100 cán bộ cấp Trưởng, phó phòng, hiệu trưởng, hiệu phó của ngành giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc đều thiếu một điều kiện nào đó thì lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc cũng có thể chọn một “nhân tài” trong ngành, đã đảm bảo các tiêu chuẩn Bộ GD-ĐT, để bổ nhiệm quyền Giám đốc Sở và tiếp tục bổ sung hoàn thiện các điều kiện khác.
Hoặc như để chọn được “nhân tài” đích thực và để cho công bằng, tỉnh Vĩnh Phúc vẫn có thể tổ chức thi tuyển vị trí chức danh Giám đốc Sở, chứ không nên vội vã bổ nhiệm một người ngoài ngành, lại cũng không đủ tiêu chuẩn vào vị trí lãnh đạo Sở GD-ĐT.