| Hotline: 0983.970.780

Vĩnh Tường: Tìm lời giải đưa chăn nuôi ra ngoài khu dân cư

Thứ Năm 08/10/2020 , 08:27 (GMT+7)

Huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) đang nỗ lực triển khai việc di rời các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, không đủ điều kiện ra khỏi khu dân cư.

Đưa chăn nuôi ra khu tập trung giải quyết ô nhiễm môi trường

Là một trong những hộ tiên phong đưa bò sữa ra ngoài khu dân cư, gia đình anh Đặng Văn Bàng, thôn An Lão Ngược, xã Vĩnh Thịnh đã có điều kiện mở rộng quy mô, tăng đàn, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Không những vậy, việc chăn nuôi cách xa khu dân cư đã giải quyết đáng kể vấn đề ô nhiễm môi trường từ nuôi bò sữa.

Từ khi chuyển ra khu chăn nuôi tập trung, có điều kiện phát triển thêm đàn bò sữa giúp gia đình anh Bàng thu lãi 40 - 50 triệu đồng mỗi tháng. Ảnh: Bích Phượng.

Từ khi chuyển ra khu chăn nuôi tập trung, có điều kiện phát triển thêm đàn bò sữa giúp gia đình anh Bàng thu lãi 40 - 50 triệu đồng mỗi tháng. Ảnh: Bích Phượng.

Luật Chăn nuôi được ban hành ngày 19/11/2018 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 quy định về hoạt động chăn nuôi; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động chăn nuôi; quản lý nhà nước về chăn nuôi. Trong đó, Luật cũng quy định rõ, nghiêm cấm việc chăn nuôi trong thành phố, thị xã, thị trấn và khu dân cư với lộ trình thực hiện trong vòng 5 năm tới.

Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại nuôi 21 con bò, trong đó có 18 con đang cho sữa, anh Bàng phấn khởi cho biết: Gắn bó với nghề nuôi bò sữa từ năm 2010, nhưng tính cả nhà ở rồi chuồng bò thì diện tích nhà anh cũng chưa tới 150m2, nên dù rất muốn phát triển thêm cũng đành chịu, chỉ dám nuôi 6 con bò sữa. Mặc dù gia đình anh đã đầu tư công trình biogas xử lý chất thải và thường xuyên vệ sinh chuồng trại, song vào những ngày thời tiết oi nồng, hàng xóm vẫn phàn nàn về mùi hôi do chăn nuôi bò sữa gây ra. Chính vì vậy, khi được UBND xã vận động di chuyển đàn bò sữa ra khu chăn nuôi tập trung rộng hơn 500m2, vợ chồng anh Bàng đồng ý ngay. Đến nay, sau gần 1 năm chuyển ra khu chăn nuôi mới, gia đình anh không chỉ phát triển đàn bò sữa lên 21 con mà còn mua thêm máy cắt cỏ, máy vắt sữa khiến công việc nuôi bò sữa nhàn đi rất nhiều. Đặc biệt, hệ thống chuồng trại được xây dựng thoáng mát, sạch sẽ giúp vật nuôi khỏe mạnh, cho sữa ổn định, chất lượng sữa được đơn vị thu mua đánh giá cao, giúp gia đình anh thu lãi từ 40 - 50 triệu đồng mỗi tháng. 

Qua tìm hiểu được biết, xã Vĩnh Thịnh hiện có hơn 9.000 con bò sữa và 1.000 con bò thịt, sản lượng sữa tươi ước đạt 23.500 tấn mỗi năm, góp phần đưa thu nhập của người dân địa phương đạt 57 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích kinh tế, với lượng phân bò mỗi ngày khoảng 260 tấn cùng với nước thải vệ sinh chuồng trại được xả thẳng xuống cống rãnh, các ao hồ và hệ thống mương tiêu khiến tình trạng ô nhiễm môi trường tại địa phương ngày càng trầm trọng. Dù chính quyền đã triển khai nhiều giải pháp, nhưng đến nay, mới chỉ xử lý được khoảng 40% chất thải chăn nuôi, lượng chất thải còn lại đang được xả thẳng ra ngoài môi trường. Đáng nói, những trường hợp mạnh dạn chuyển chăn nuôi ra khỏi khu dân cư như gia đình anh Bàng vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Theo ông Nguyễn Phùng Xuân, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh, hiện trong xã mới chỉ có 10 hộ di rời ra khu chăn nuôi tập trung. Bên cạnh tâm lý không muốn di rời vì e ngại sự thay đổi trong cuộc sống, sinh hoạt, ngại vay vốn để đầu tư mở rộng chăn nuôi còn có nguyên nhân quan trọng khác là do các khu được quy hoạch khu chăn nuôi tập trung chưa có hệ thống điện, đường, khu xử lý tập trung chất thải chăn nuôi và các cơ sở vật chất cần thiết khác. Khắc phục tình trạng này, cùng với tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xã đã kiến nghị UBND huyện Vĩnh Tường xem xét xây dựng trước 2 khu chăn nuôi tập trung khu vực An Lão và Khách Nhi, đồng thời, hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện về mặt bằng để khuyến khích các đơn vị thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi đúng quy trình kỹ thuật. 

Cần có giải pháp về đất đai trong quy hoạch chăn nuôi tập trung

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đức Anh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Tường cho biết, những năm gần đây, chăn nuôi đã khẳng định vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng với tỷ trọng chiếm trên 51,8% tổng giá trị ngành Nông nghiệp huyện. Trên địa bàn bước đầu đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo xã như: Chăn nuôi gà đẻ trứng ở xã Tân Tiến, Yên Bình; nuôi chim cút ở Tân Tiến, Yên Lập, Đại Đồng; nuôi bò sữa ở Vĩnh Thịnh, Vĩnh Ninh, An Tường, Bình Dương; nuôi lợn tại Ngũ Kiên, Tuân Chính, Đại Đồng, Phú Đa… với nhiều mô hình chăn nuôi được chứng nhận VietGAP.

Song bên cạnh kết quả đạt được, chăn nuôi của huyện đang phát triển nóng, thiếu quy hoạch, thiếu định hướng; đa phần là chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán trong khu dân cư, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe và đời sống của nhân dân.

Một góc Thị trấn Vĩnh Tường, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.

Một góc Thị trấn Vĩnh Tường, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.

Để từng bước khắc phục, tiến tới giải quyết căn bản những khó khăn tồn tại này, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển chăn nuôi trên địa bàn hiệu quả, bền vững gắn với giữ gìn được cảnh quan môi trường sống trong khu dân cư, mới đây, UBND huyện đã cơ bản xây dựng xong Đề án “Đưa chăn nuôi ra ngoài khu dân cư trên địa bàn huyện Vĩnh Tường giai đoạn 2020 - 2025”. Theo đó, 5 năm tới, Vĩnh Tường đặt mục tiêu xây dựng 16 khu chăn nuôi tập trung ngoài khu dân cư, bao gồm 6 khu chăn nuôi bò sữa, 6 khu chăn nuôi lợn và 4 khu chăn nuôi chim cút. Bên cạnh nguồn hỗ trợ của tỉnh, ngân sách huyện dự kiến sẽ hỗ trợ thêm 25% đối với khu chăn nuôi lợn, bò sữa và 50% đối với khu chăn nuôi chim cút nhưng không quá 1 tỷ đồng/khu để xây dựng cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện, nước, chuồng trại và mua thiết bị khác; ngân sách xã cũng sẽ hỗ trợ thêm 10% tổng chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng khu chăn nuôi lợn, bò sữa và 25% đối với khu chăn nuôi chim cút nhưng không quá 500 triệu đồng/khu.

“Việc quy hoạch, đầu tư hạ tầng các khu chăn nuôi bò sữa, lợn, chim cút ra ngoài khu dân cư tại một số xã trên địa bàn huyện không chỉ bảo đảm đúng theo quy hoạch và các quy định pháp luật mà còn khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ở các thôn xóm, khu vực có mật độ hộ chăn nuôi và số lượng đàn vật nuôi lớn; đưa chăn nuôi phát triển cả về hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội, gắn với bảo vệ môi trường. Song khó khăn lớn nhất hiện nay để xây dựng các khu chăn nuôi tập trung ngoài khu dân cư là vấn đề đất đai.

Trên thực tế, UBND huyện đã có giải pháp trên cơ sở quy hoạch đã có, các hộ sẽ thực hiện các thủ tục pháp lý về đất đai theo hướng chuyển nhượng, dồn thửa đổi ruộng. Mong rằng HĐND tỉnh sớm ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 201 về Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp để địa phương có căn cứ, sớm triển khai Đề án “Đưa chăn nuôi ra ngoài khu dân cư trên địa bàn huyện Vĩnh Tường giai đoạn 2020 - 2025”, ông Lê Đức Anh nói.

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Làng Nủ trước ngày khánh thành

40 ngôi nhà mới sẽ được bàn giao cho các hộ dân thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) vào ngày 15/12 sau gần 3 tháng thi công.