Số liệu trên được Cục Thú y thống kê, và công bố trong báo cáo ngày 13/7. Theo đó, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long từ năm 2019 đến nay đã phát hiện 27 trường hợp chó, mèo có kết quả xét nghiệm dương tính với virus Dại tại các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Trà Vinh và Bạc Liêu.
Được biết, lãnh đạo các đơn vị thuộc Cục Thú y đã tổ chức các đoàn công tác đến các địa phương có nguy cơ cao và đặc biệt tại khu vực Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long để chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, tổ chức thực hiện phòng, chống dịch bệnh Dại.
Ông Lê Chí Kiên - Chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng V, cho biết: “Địa bàn Tây Nguyên hiện nay dịch bệnh Dại diễn biến rất phức tạp. Qua theo dõi, số lượng người chết tăng nhiều so với năm 2019.
Ví dụ, chỉ tính riêng huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), chúng tôi cùng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thống kê có tới 5 trường hợp chết vì bệnh này”.
Theo Cục Thú y, nguyên nhân gia tăng tình trạng chó thả rông, chó cắn người, chó mắc bệnh Dại và các trường hợp người mắc bệnh Dại là do nhiều địa phương chưa có quy định cụ thể việc bắt giữ chó thả rông ở nơi công cộng.
Các địa phương cũng chưa thành lập các đội chuyên trách để bắt chó thả rông và động vật mắc bệnh dại, có dấu hiệu mắc bệnh Dại; chưa áp dụng nghiêm các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm theo quy định.
Bên cạnh đó, các trường hợp người bị tử vong đều không đi tiêm vắc xin điều trị dự phòng bệnh Dại sau khi bị chó cắn. Do đó, nguy cơ bệnh Dại tiếp tục xuất hiện trong thời gian tới là rất cao.
Theo báo cáo của Cục Thú y (trên cơ sở tổng hợp số liệu thống kê báo cáo của các địa phương), Thời điểm năm 2017, cả nước có hơn 7,7 triệu con chó nuôi và trên 3,8 triệu hộ nuôi chó; tuy nhiên số chó được tiêm phòng vacxin dại chỉ đạt hơn 2,6 triệu con, chiếm tỷ lệ 41% tổng đàn.