Thu hoạch lúa trong vùng dự án VnSAST Cần Thơ |
Điển hình là mô hình SX giống lúa Jasmine 85 vụ ĐX 2017-2018 của hộ ông Tô Văn Lâm, ấpThới Xuân, xã Trường Thắng, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ đã giúp tăng lợi nhuận rõ rệt.
Trên cánh đồng của hộ ông Lâm ruộng đối chứng được bố trí ngay cạnh ruộng mô hình để tiện theo dõi so sánh. Phương pháp triển khai được lồng ghép với lớp tập huấn bao gồm 23 học viên là những cán bộ giảng viên của lớp học thực hành đồng ruộng (FFS). Khoá học cùng với thời gian mô hình triển khai kéo dài 12 tuần.
Trong khi ruộng mô hình sử dụng giảm lượng giống gieo xuống còn 80kg/ha thì ruộng đối chứng sử dụng 154kg/ha. Ruộng mô hình bón phân đạm giảm 41% và phân lân giảm 42% so với đối chứng. Ruộng mô hình không phun thuốc trừ sâu bệnh còn ruộng đối chứng phải phun 2 lần thuốc trừ sâu và 3 lần thuốc trừ bệnh.
Kết quả cho thấy, tuy năng suất không tăng nhưng do giảm vật tư và công lao động nên ruộng mô hình đã tăng lợi nhuận tới 4,5 triệu đồng/ha so với ruộng đối chứng.
Mô hình còn được lớp tập huấn áp dụng 3 nghiệm thức thí nghiệm chuyên ngành, đó là các thí nghiệm giả tạo có sự phá hoại của sâu bệnh hại như sâu ăn lá, sâu đục thân, ảnh hưởng của thuốc BVTV và biến đổi thời tiết khí hậu đến sinh trưởng phát triển cây lúa. Qua đó sẽ theo dõi và phân tích ảnh hưởng của các yếu tố đến khả năng phát triển qua từng giai đoạn của cây lúa.
Một kết luận quan trọng được các học viên rút ra và cũng là nội dung khuyến cáo về kỹ thuật cho nông dân là dù có sạ thưa, giảm lượng giống gieo, có bị sâu hại nhưng không phun xịt thuốc BVTV vào giai đoạn làm đòng trổ bông ruộng mô hình vẫn đảm bảo năng suất, không ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và môi trường.
Mô hình trình diễn chính là nơi thực hành để các giảng viên tập huấn cho bà con trong vùng, không chỉ tạo điều kiện cho họ được thao tác thực hành, trao đổi kinh nghiệm mà còn chứng minh cho thấy hiệu quả của việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào SX.
Bà Nguyễn Thị Kiều, PGĐ Sở NN-PTNT, GĐ dự án VnSAT Cần Thơ đánh giá, đây là một kết quả rất rõ nét về hoạt động của VnSAT Cần Thơ nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ kỹ thuật và chuyển giao các gói kỹ thuật như 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm và IPM cho nông dân. Các giảng viên đã tạo được niềm tin, tăng tính thuyết phục nông dân đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị SX lúa gạo.