Nhiều nông dân phấn khởi vì năng suất đạt gần 10 tấn/ha. Kết quả là nhờ có sự đóng góp của hoạt động dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) Cần Thơ.
Thu hoạch lúa ĐX trong vùng dự án VnSAST Cần Thơ |
Ông Nguyễn Hữu Thiện, ấp Thành Hưng I, xã Trung Hưng huyện Cờ Đỏ cho biết: Vụ ĐX này gia đình ông gieo sạ 5,5ha lúa Jasmine 85. Ngay từ đầu vụ, ông được tham gia các lớp tập huấn do dự án VnSAT Cần Thơ tổ chức, lượng giống gieo sạ còn cao, khoảng 145kg/ha. Sạ bằng máy phun nhưng cả vụ đã giảm lượng phân đạm, kali xuống 2/3 so với các vụ trước và không bón phân lân, có phun thuốc trừ rầy 2 cữ vào sau 40 ngày sau sạ.
Với điều kiện thời tiết thuận lợi, vụ ĐX ông Thiện thu được 1.200kg lúa tươi/công (1.300m2) tương đương 9,2 tấn lúa tươi/ha.
Còn ông Nguyễn Minh Cảnh ở ấp Thạnh Trung cho biết, ông có tới 10 công tầm lớn (1.300m2/công). Sau khi tham gia các lớp tập huấn ông đã không sạ dày mà giảm lượng giống xuống 150kg/ha, bón 25kg ure, 25 kg kali và 5kg phân lân cho 1 công và chỉ phun thuốc BVTV trừ rầy sau khi sạ khoảng 50 ngày. Năng suất thu hoạch bình quân đạt 1.260kg lúa tươi/công tương đương khoảng 9,6 tấn/ha. Phấn khởi với kết quả đạt được ông Cảnh đang thuê máy làm đất và gieo sạ ngay vụ HT với giống lúa OM5451.
Trong khi đó, ông Trần Minh Tăng, ấp Lân Quới 2, xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh đang thu hoạch lúa ĐX trên 7ha với giống lúa nếp Thái thơm. Ông Tăng thừa nhận: Nhờ tập huấn do dự án VnSAT hướng dẫn ông chỉ gieo khoảng 135kg giống/ha. Mỗi công (1.300m2) ông giảm 18kg urê phân bón, 20kg lân và 20kg kali, khi thu hoạch đạt 1.200kg/công tương đương 9,2 tấn lúa tươi/ha, bán ngay tại ruộng được giá 6.300 đồng/kg. Sau khi trừ tất cả các loại chi phí khoảng 4 triệu đồng, còn lời 3 triệu đồng/công, tức là lời trên 23 triệu đồng/ha.
Tuy nhiên theo nhiều nông dân tham gia qua tập huấn, việc gieo sạ liên tục 3 vụ với năng suất cao như vậy sẽ làm cho đất bị suy dinh dưỡng. Một số ý kiến muốn thay đổi cơ cấu cây trồng, chuyển giảm 1 vụ lúa sang trồng màu để đất phục hồi, bổ sung dinh dưỡng. Bên cạnh các giống lúa tiềm năng năng suất cao đang dần bị thoái hoá, nông dân đang cần các cơ quan nghiên cứu giống lúa mới năng suất cao để nâng cao hiệu quả chuỗi sản xuất lúa gạo.