Ảnh minh họa |
Đất nước ta đang trong thời kì hội công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, cuộc sống đang từng ngày, từng giờ tiếp nhận nhiều luồng văn hóa, văn minh từ nhiều nước, tạo nên cơn lốc xoáy trong cuộc sống của mỗi gia đình. Cái hay, cái văn minh cũng nhiều nhưng cái xấu, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam không phải không có.
Xu thế hiện nay của một số người là coi trọng vật chất, tiền bạc hơn tình cảm, đạo đức. chúng ta đã từng chứng kiến biết bao gia đình vợ chồng chia ly, tan tác, con cái bơ vơ, tạo cho xã hội một gánh nặng. lý do hết sức đơn giản là họ xem nhẹ tình nghĩa, đạo đức vợ chồng. Họ đổ lỗi cho nhau và chấp nhặt nhau trong cuộc sống, không rộng lượng vị tha, cụ thể là họ không đếm xỉa đến tương lại, cuộc sống của chính bản thân mình và con cái.
Tuy nhiên những lời phê phán cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, đã nêu lên một sự thật không thể chối cãi được đó là: một số người đã và đang xem nhẹ cái nghĩa vụ làm chồng, làm vợ, ngay cả quyền làm cha, làm mẹ họ cũng không mảy may quan tâm.
Chúng ta không thể đỗ lỗi cho nền kinh tế thị trường, lại càng không thể đổ lỗi cho kinh tế gia đình khó khăn, càng không thể vin vào cái cớ vì cuộc sống mưu sinh hằng ngày mà vợ chồng hời hợt xem nhẹ nhau, đánh mất đi tình nghĩa vợ chồng.
Cuộc sống đã tạo nên cho ta một cặp gọi là vợ chồng, nó tuy hai nhưng là một, người này là một nửa của người kia, người kia là một nữa của người nọ, cả hai đều phải cùng nhau hợp sức lại làm chủ cuộc sống của mình và tôn tạo khu vườn hạnh phúc của gia đình mình.
Người chồng không thể ỷ vào sức khỏe, tiền bạc để lấn áp, coi thường người vợ. Ngược lại người vợ cũng không thể ỷ lại địa vị, của cải mà lên mặt với chồng. Vợ chồng không bao giờ có sự lầm lẫn khi hai người tự nguyện yêu và lấy nhau, để khi có một vài bất đồng nhỏ thì lại tự trách mình lầm lỡ, muốn đi chung sống với người khác.
Tại sao khi yêu nhau lại thề thốt rằng không lấy được nhau thì thà chết còn hơn. Giờ có được nhau rồi thì cố chấp nhau từng câu nói, từng cử chỉ nhỏ nhặt, để tìm cách bỏ nhau, làm khổ không phải riêng cho bản thân mình mà cho cả con cái.
Ông cha ta thường nói: “Tiền bạc không thể mua được tình nghĩa vợ chồng”. Quả đúng như vậy thật, đã là vợ chồng thì phải trung thành với nhau, phải nâng đỡ dắt dìu nhau, đừng đổ lỗi cho nhau khi có hoạn nạn, đừng xẻ mình ra làm hai ngã cuộc đời. cuộc sống vợ chồng nào cũng có sự va chạm, nhưng trước tình huống đó vợ hoặc chồng phải nghĩ rằng: ai là người tạo cho mình hậu phương vững chắc để mình rãnh rang lo toan công việc xã hội để thành đạt như ngày hôm nay. Phải chăng đó là người bạn đời của mình. Đừng bao giờ nghĩ rằng người bạn đời của mình bất tài mới cam chịu bổn phận nội trợ ở nhà. Rất nhiều cặp vợ chồng khi khó khăn, nghèo đói thì yêu thương nhau, chiều chuộng nhau, dễ thông cảm tha thứ cho nhau. Nhưng khi làm ăn phát đạt giàu có thì hình như tình cảm của thuở hàn vi không còn nữa mà thay vào đó là sự cậy tài, ỷ lắm tiền nhiều của, lạm quyền,… coi thường người bạn đời của mình, thậm chí còn chê bai ghét bỏ… đó chính là nguyên nhân gây ra đỗ vỡ hạnh phúc gia đình.
Trong cuộc sống vợ chồng nếu ta gạt bỏ được những cám dỗ phù hoa, những ước mơ viển vông, từ bỏ được lối sống thực dụng, ích kỉ hẹp hòi, chắn chắn ta sẽ nhìn rõ được người bạn đời của mình hơn và có lẽ càng yêu và quý nhau hơn.
Vợ chồng là yêu thương và tha thứ, cần phải biết cho để mà nhận. Đừng bao giờ nghĩ rằng cái mới sẽ hơn hẳn cái cũ, đó là điều không chắc chắn. Hãy kiên trung với người bạn đời của mình trên con đường hạnh phúc, dù muôn vàn khó khăn sóng gió bủa vây, chúng ta vẫn tròn đạo nghĩa với người bạn đời cho đến khi nhắm mắt, xuôi tay, đó mới là cái nghĩa vợ chồng, đạo phu thê.