| Hotline: 0983.970.780

'Vỡ mộng' vì dùng nước sạch của Công ty An Bình

Thứ Hai 09/09/2024 , 08:41 (GMT+7)

THANH HÓA Nhiều hộ dân huyện Quảng Xương phải đi 'sơ tán' vì thiếu nước sạch. Tình trạng trên diễn ra khá lâu nhưng chưa được nhà máy nước giải quyết dứt điểm.

"Sơ tán" vì thiếu nước

Thôn Phú Ninh (xã Yên Quảng Yên, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) cách không xa thành phố Thanh Hóa, thế nhưng tình trạng thiếu thốn nước sạch chẳng khác nào khu vực miền núi khó khăn. 

Cách đây không lâu, nhiều hộ dân tại xã Phú Ninh đã nộp khoản tiền 4,5 triệu đồng để lắp đặt hệ thống nước sạch của Công ty cổ phần đầu tư cấp nước An Bình (Công ty nước An Bình). Sau khi có nước sạch, nhiều hộ dân đã lấp giếng khoan, phá dỡ các bể chứa nước mưa để dùng nước máy. Thế nhưng, mọi chuyện không như kỳ vọng của người dân.

Khoảng 1 năm trở lại đây, tình trạng thiếu nước cục bộ tại thôn Phú Ninh diễn ra thường xuyên, khiến cuộc sống, sinh hoạt của nhiều người dân gặp xáo trộn. Các hộ dân đã kiến nghị tới chính quyền địa phương về tình trạng cấp nước phập phù, nhưng tình trạng trên vẫn chưa được cải thiện, thậm chí còn diễn biến tệ hơn.

Nhiều hộ dân bức xúc vì nguồn nước sạch bị gián đoạn. Ảnh: Quốc Toản.

Nhiều hộ dân bức xúc vì nguồn nước sạch bị gián đoạn. Ảnh: Quốc Toản.

Gia đình ông Nguyễn Văn Dụng (thôn Phú Ninh) cho biết, dù đã đóng số tiền 4,5 triệu đồng để lắp đặt hệ thống nước sạch, thế nhưng, thời gian gần đây việc mất nước, thiếu nước sinh hoạt khiến gia đình ông ăn không ngon, ngủ không yên.

“Dân đã đóng tiền lắp đặt đường ống, nhưng không hiểu sao nước lúc có, lúc không. Khi hết nước, gia đình phải đi xin về dùng, nên người dân phải chắt chiu từng ít một. Người dân phản ánh tình trạng thiếu nước với nhân viên thu tiền nước thì họ nói: “Chúng tôi cũng chỉ là người đi làm thuê nên không biết và không giải quyết được”, ông Dụng bức xúc.

Cũng vì chuyện mất nước thường xuyên xảy ra tại thôn Phú Ninh, đứa con dâu ông Dụng thường xuyên phải đưa lũ trẻ về nhà mẹ đẻ cách nhà 3km tại xã Hoàng Giang (Nông Cống) để tắm gội và sinh hoạt. Khi nào gia đình thông báo có nước thì mẹ con lại kéo nhau về nhà.

Nhiều hộ dân phải mua bình chứa tích trữ, tuy nhiên do áp lực nước yếu, nên nước không bơm lên được bình. Ảnh: Quốc Toản.

Nhiều hộ dân phải mua bình chứa tích trữ, tuy nhiên do áp lực nước yếu, nên nước không bơm lên được bình. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Trịnh Viết Tuất (thôn Phú Ninh) bức xúc: “Khổ nhất là những dịp lễ, Tết, con cháu về quê nhưng không có nước sạch để dùng, phải “sơ tán” đến nhà khác để nhờ vả nguồn nước. Tưởng lắp đặt xong hệ thống nước sạch thì sẽ được dùng thoải mái, ai ngờ, 5 khẩu trong gia đình toàn phải dùng nước mưa và đi xin”. 

Tại hợp đồng dịch vụ cấp nước giữa Công ty Cổ phần đầu tư cấp nước An Bình và người dân nêu rõ: Doanh nghiệp cam kết đảm bảo việc cung cấp nước cho khách hàng, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng. 

Bên cạnh đó công ty có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng trước 24 giờ khi tạm ngưng cung cấp nước để phục vụ việc tu bổ, sửa chữa định kỳ (trừ trường hợp bất khả kháng). Thế nhưng theo người dân, doanh nghiệp này đã không thực hiện đúng theo cam kết. Nhiều thời điểm bị mất nước, doanh nghiệp không thông báo cho người dân được biết để có phương án dự phòng.

Nước sạch không đủ dùng, nhiều hộ dân phải mua bồn chứa tích trữ nước mưa, hoặc đi xin nước tại khu vực lân cận để sinh hoạt. 

Ông Vũ Duy Bình (người dân thôn Phú Ninh) cho biết: “Thời gian đầu khi lắp đặt đường ống, họ vẫn cấp nước đều. Được thời gian ngắn thì mất nước liên tục. Dù cấp nước không đều đặn, nhưng doanh nghiệp vẫn vận động tuyên truyền người dân lắp đặt hệ thống nước sạch với giá ưu đãi. Nói thật, họ cứ cấp nước phập phù như hiện nay thì chẳng ai dám dùng nước của nhà máy nữa”.

Doanh nghiệp nói lỗi do... khách quan, dân cam chịu

Nhà máy nước An Bình (Công ty nước An Bình, xã Quảng Văn, huyện Quảng Xương) được xây dựng từ năm 2016, bắt đầu cấp nước năm 2017. Dự án có công suất thiết kế 10.000m3/ngày đêm và cấp nước có 9 xã thuộc huyện Quảng Xương, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch cho người dân. Riêng thôn Phú Ninh có khoảng 150 hộ dùng nước của doanh nghiệp.

Dù người dân đã kiến nghị chính quyền địa phương và doanh nghiệp vào cuộc xử lý tình trạng mất nước, tuy nhiên các bên chưa có giải pháp khắc phục sự cố.

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Thanh Hoàng - Giám đốc nhà máy nước An Bình cho biết, việc gián đoạn cấp nước là do nguyên nhân khách quan: “Do thi công tuyến đường thôn Lộc Xá (xã Quảng Long) nên có thời điểm, nhà máy phải ngắt nước để di chuyển toàn bộ đường ống sang vị trí khác để đảm bảo an toàn. 

Ngoài ra, nhiều hộ dân không sử dụng bồn bể âm chứa nước dưới đất mà dẫn nước lên bồn bể trên cao, do đó, khi sự cố xảy ra (làm đường ảnh hưởng đến cấp nước), áp lực nước không đủ để bơm lên bể. Bên cạnh đó, việc mất điện cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng gián đoạn cấp nước”.

Doanh nghiệp thì không thừa nhận trách nhiệm, chưa có phương án xử lý sự cố cấp nước, còn người dân thì than trời vì thiếu nước sạch, trong khi đó chính quyền địa phương cũng "bó tay" vì không đủ thẩm quyền để giải quyết. Câu chuyện thiếu nước luẩn quẩn cả năm nay và không biết tới khi nào người dân thôn Phú Ninh mới bớt cảnh khổ vì thiếu nước sinh hoạt.

Ông Hoàng Văn Long, Chủ tịch UBND xã Quảng Yên cho biết, sau khi nhận được phản ánh của người dân thôn Phú Ninh, UBND xã đã trao đổi với lãnh đạo công ty cấp nước để sớm khắc phục bất cập, cấp nước đều đặn cho dân.

Bồn chứa nước đóng cặn dưới đáy. Ảnh: Quốc Toản.

Bồn chứa nước đóng cặn dưới đáy. Ảnh: Quốc Toản.

Đây là lần thứ 2, người dân tại xã Quảng Yên than phiền về tình trạng thiếu nước sạch thường xuyên xảy ra. Hồi tháng 4/2024, nhiều hộ dân tại thôn Yên Cảnh (Quảng Yên) cũng lâm vào tình cảnh tương tự. 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiều bến xe 'bỏ thì thương, vương thì tội'

Tiền Giang Trong thời gian dài, bến xe thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) rất ít phương tiện ra vào đón khách, bốc dỡ hàng hóa, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.