Trên cánh đồng cạnh Quốc lộ 1A, lúa chín vàng rực, những chiếc máy gặt đang bươn bả đè lên bùn lầy gặt lúa. Ông Phan Thanh Sửu, nông dân xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) cầm một nắm bông lúa chín vàng ngồi xổm bên bờ ruộng nói: “Nhìn bông lúa vàng đẹp vậy nhưng tỷ lệ hạt lép nhiều lắm...".
Vụ đông xuân năm nay, Quảng Bình gieo trồng hơn 29.000ha lúa. Khi cây lúa đang "thì con gái" gặp trận mưa lũ trái mùa đầu tháng 3 gây ngập gần 7.000 ha, làm hơn 600 ha lúa ở huyện Lệ Thủy bị chết rũ trên đồng.
Chưa hoàn hồn, khi bông lúa bắt đầu "cúi đầu", đợt mưa, gió lớn bất thường vào đầu tháng 5/2022 lại ập tới khiến toàn tỉnh có gần 3.600 ha lúa đã bị đổ rạp, chìm trong nước, ảnh hưởng lớn đến năng suất và sản lượng vụ mùa. Trong đó, các huyện bị nặng nhất là Quảng Ninh, Lệ Thủy…
Tranh thủ những ngày nắng lớn vừa qua, chính quyền các địa phương đã tích cực triển khai, khuyến cáo bà con tiến hành thu hoạch những trà ruộng bị ảnh hưởng của mưa lũ để tránh thiệt hại. Tuy nhiên, diện tích lúa ngã đổ bị ngâm nước nhiều ngày liên tiếp không thể khắc phục đã mất đến 50% năng suất. Hiện nhiều diện tích lúa trên đồng ở Quảng Bình vẫn trong tình trạng ngập nước nên rất khó khăn cho việc thu hoạch.
Trên cánh đồng thôn Tiền (xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh), 3 chiếc máy gặt gầm máy ngược xuôi. Ông Nguyễn Văn Thế, chủ một máy gặt cho biết, từ sáng đến giờ đã có 2 máy bị trục trặc nên hoạt động không hiệu quả bởi nước ngập lâu, bùn nhão sâu nên máy chạy yếu, phải gằn ga khi hoạt động, khiến máy phải gặt thường bị bó côn, phải dừng và kêu thợ đến khắc phục.
Do ruộng lầy, xăng dầu tăng giá nên kéo theo giá dịch vụ gặt cũng tăng lên. Nếu năm ngoái giá sàn là 2,4 triệu đồng/ha thì nay tăng lên 3,2 triệu đồng/ha. Ông Võ Văn Hào, nông dân xã Võ Ninh có 8 sào ruộng gặt dịp này than thở: “Lúa đã mất mùa, giá máy gặt lại tăng lên mất 4 chục ngàn đồng mỗi sào...".
Ghi nhận ngày 12/5 tại cánh đồng thôn Tiền (xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh), nghe tin những ngày tới lại sắp có đợt mưa lớn, nông dân đổ ra đồng cùng với phương tiện, máy móc hối hả gặt lúa chạy mưa.
Từ xa, nhìn cánh đồng vàng ươm thật êm mắt. Nhưng khi đến gần thì mới thấy bông lúa không còn được đẹp nữa. Ngồi trên bờ ruộng, tay nắm mấy bông lúa chín, mắt dõi theo chiếc máy gặt đang ngược xuôi trong ruộng lầy bùn.
Ông Phan Thanh Sửu, nông dân xã Võ Ninh vừa khiêng bao lúa lẳng từ máy gặt xuống lúa vừa nói buồn: “Nếu như năm ngoái bao lúa này nặng khoảng 35 kg thì vụ này lúa lép nhiều nên chỉ còn lại khoảng 20 kg...".
Cạnh đường liên xã, ông Phạm Văn Đại (xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh) đang bốc từng bao lúa lên xe công nông để chuyển về nhà. Hỏi chuyện mùa màng, ông chẳng được vui mà chỉ vuốt mồ hôi cho hay, nhà làm 10 sào ruộng, nhưng năm nay lúa chỉ có đủ để ăn đến vụ sau chứ không dư để bán.
“Vụ xuân năm ngoái, năng suất lúa nhà tôi tầm 75 tạ/ha, được gần 4 tấn lúa, để dự trữ rồi bán được hơn 2 tấn, thu 14 triệu đồng. Năm nay lúa bị đổ, ngập nên năng suất loanh quanh 40 tạ/ha", ông Đại bộc bạch.
Tại huyện Lệ Thủy, nông dân cũng đang tức tốc ra đồng thu hoạch sớm lúa bị ảnh hưởng do mưa lớn đầu tháng 5 vừa qua. Do nhiều ruộng lúa vẫn chưa khô ráo, lúa lại bị đổ rạp nên việc thu hoạch lúa bằng máy gặt cũng hết sức chật vật.
Do vậy ở những cánh đồng nước còn ngập sâu, bà con phải gặt thủ công và sử dụng máy tời cải tiến để kéo lúa giữa ruộng sâu vào bờ. Máy tời được chế từ máy xe máy cũ, gắm thêm bộ tời với dây xa vài trăm mét. Bà con gặt lúa bó thành từng lượm rồi chất lên tấm bạt lớn được buộc chặt hai đầu. Dây tời được nối với đầu bạt. Máy nổ, tời kéo bạt lúa lướt thướt trên nước chạy vào bờ.
Xã Xuân Thủy (huyện Lệ Thủy) có tổng diện tích hơn 500 ha. Trong vụ, diện tích lúa bị ảnh hưởng do ngập lụt gần 100 ha. Hiện, bà con đang tập trung thu hoạch sớm diện tích này.
Tranh thủ nắng lên, bà Nguyễn Thị Luận (xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy) đã chủ động gặt lúa trên 4 sào ruộng của mình. Trước đó, do ảnh hưởng của mưa lớn, toàn bộ diện tích lúa gia đình bà trồng đã bị ngã, đổ, số lúa thu hoạch được thấp hơn nhiều so với năm trước. “Chưa bao giờ lúa mất như năm nay. Lúa lên mộng, rồi hạt lép. Hạt không lép cũng bị đen nên chất lượng thấp lắm”, bà Luận than thở.