Hết tốc lực gặt lúa chạy mưa
Vừa trải qua 2 đợt mưa bất thường làm hàng nghìn ha lúa vụ đông xuân bị ngập úng, đổ ngã, năng suất ảnh hưởng nặng nề, từ ngày 13 - 16/5, tỉnh Thừa Thiên - Huế dự báo lại chuẩn bị đón thêm đợt không khí lạnh tăng cường, nhiều khả năng gây mưa lớn.
Huyện Phú Vang là một trong những vựa lúa chủ lực của tỉnh Thừa Thiên - Huế chịu ảnh hưởng nặng nề của các đợt mưa lớn bất thường cuối tháng 3 và đầu tháng 5 vừa qua với gần 2.000 ha lúa bị ngã đổ, ngập úng. Hầu hết các diện tích lúa bị đổ ngã, ngập úng đều đang trong giai đoạn chín rộ, chuẩn bị thu hoạch nên nông dân gần như mất trắng, hoặc ảnh hưởng lớn đến năng suất.
Nông dân Nguyễn Thọ, HTX Nông nghiệp Phú Mỹ 1 (huyện Phú Vang) cho biết, làm nông mấy chục năm, chưa có năm nào vụ đông xuân lại gặp nhiều đợt mưa lũ trái mùa, ảnh hưởng năng suất cây lúa như năm nay. Canh tác hơn 2 mẫu lúa thì sau 2 đợt mưa bất thường, diện tích còn lại có thể thu hoạch của gia đình chưa tới 1/3.
"Nếu như đợt mưa lớn bất thường cuối tháng 3, đầu tháng 4 lúa đang thời kỳ làm đòng - trỗ bông bị ngập úng chỉ ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng của lúa thì đợt mưa cuối tháng 4, đầu tháng 5 vừa rồi có thể ví như ông trời đã cướp đi miếng cơm gần đến miệng của của nông dân chúng tôi", ông Thọ buồn bã nói.
Theo ông Thọ, dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng những người dân như ông không thể gục ngã trước thiên tai. Đối với phần diện tích lúa còn lại, gia đình đã chuẩn bị máy móc, sẽ tiến hành thu hoạch nhanh, gọn trong khoảng 1 tuần là xong. Sau đó sẽ triển khai ngay làm đất, chuẩn bị cho vụ hè thu với niềm hi vọng thắng lợi để vớt vát phần nào thiệt hại của vụ đông xuân.
Ông Nguyễn Văn Chính, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Vang cho biết, vụ đông xuân này, địa phương gieo cấy gần 8.900 ha lúa. Các đợt mưa lũ bất thường liên tiếp đã làm phần lớn diện tích bị ngập úng, đổ ngã.
Sau khi thời tiết tạnh ráo, nông dân đã tập trung đẩy nhanh tiến độ thu hoạch. Đến nay, toàn huyện đã thu hoạch hoạch được trên 2.700 ha. Đây đều là những diện tích lúa đã thành công “vượt cạn” sau 2 đợt mưa bất thường vừa qua và là thành quả ít ỏi còn lại của nông dân địa phương trong một năm thiên tai diễn biến bất thường.
Riêng đối với hơn 3.000 ha lúa còn lại, địa phương đang cân đối thời gian khi vừa chín vàng là tiến hành gặt. Sau khi gặt xong trong khoảng 1 tuần sẽ tiến hành cày lật, triển khai ngay vụ hè thu.
“Để ứng phó với đợt mưa lớn được dự báo sắp tới, chúng tôi đang tập trung huy động mọi phương tiện máy móc, nhân lực để thu hoạch những diện tích lúa chín tới. Đồng thời khuyến cáo nông dân sử dụng các giống ngắn ngày nhằm rút ngắn thời gian sinh trưởng, tránh mưa lũ cuối vụ”, ông Chính cho biết.
Ông Lê Văn Anh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, vụ đông xuân 2021 - 2022, toàn tỉnh gieo cấy hơn 28.000 ha. Sau các đợt mưa bất thường, hầu hết diện tích lúa của địa địa phương đều bị ảnh hưởng ít nhiều tuỳ mức độ.
Sau khi thời tiết tốt lên, tranh thủ những thời điểm tạnh ráo, nông dân tập trung thu hoạch những diện tích lúa chín. Đến nay, toàn tỉnh đã thu hoạch trên 10.000 ha lúa. Diện tích chưa thu hoạch còn lại khoảng 18.000 ha và đang có nguy cơ bị ảnh hưởng cao nếu thời tiết những ngày tới diễn biến bất thường, mưa lớn như dự báo.
Để đảm bảo thu hoạch nhanh, gọn lúa vụ đông xuân, tránh nguy cơ rủi ro, thiệt hại do thời tiết, Thừa Thiên - Huế đã tập trung chỉ đạo các địa phương lên kế hoạch huy động tối đa công suất làm việc của các loại máy gặt, đẩy nhanh tiến độ thu hoạch. Đặc biệt, đối với diện tích lúa có tỷ lệ hạt chín trên bông đạt 85% trở lên sẽ tiến hành thu hoạch sớm, với phương châm "xanh nhà hơn già đồng" để hạn chế thiệt hại.
Lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV cũng khuyến cáo, sau khi thu hoạch xong, nông dân cần sử dụng các loại máy làm đất để cày lật đất và thực hiện các giải pháp hạn chế đốt rơm rạ. Trong đó, đặc biệt chú trọng giải pháp vệ sinh đồng ruộng kết hợp sử dụng các chế phẩm sinh học để phân giải gốc rạ.
Riêng đối đối với diện tích bị nhiễm chua phèn hàng năm, nhất là các vùng thấp trũng, tù đọng nước, cần bón vôi trước khi làm đất để thau chua, rửa phèn nhằm hạn chế thiệt hại đầu vụ do lúa chết phải gieo sạ lại...
Lúa giống phải đến tay người dân trước 13/5
Theo kế hoạch, vụ hè thu năm 2022, toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế sẽ gieo khoảng 25.500 ha lúa. Trong đó tập trung sử dụng các giống lúa xác nhận, giống lúa chất lượng cao phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và thị trường tiêu thụ, nhất là các giống lúa ngắn ngày và cực ngắn, chủ lực là Khang dân, TH5, HT1, HN6, ĐT100…
Ông Nguyễn Long An, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Thừa Thiên – Huế cho biết: Sở đã đề nghị các địa phương rà soát số lượng, chủ động chuẩn bị mức cao nhất giống cây trồng, vật tư đầu vào... cho sản xuất vụ hè thu đảm bảo lịch thời vụ. Đối với những vùng thu hoạch lúa đông xuân muộn, cần chú ý cơ cấu những giống lúa cực ngắn như TH5, PC6…
Để hỗ trợ nông dân vượt qua khó khăn, Sở cũng đã tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Trung ương hỗ trợ 1.500 tấn lúa giống từ nguồn giống dự trữ quốc gia. Bên cạnh đó, đơn vị tiếp tục đề xuất với UBND tỉnh hỗ trợ thêm khoảng 500 - 1.000 tấn lúa giống để đảm bảo diện tích gieo cấy vụ hè thu 2022.
Đồng thời, tỉnh cũng đã tiếp nhận và phân bổ chế phẩm sinh học do Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời hỗ trợ nông dân để xử lý rơm rạ sau thu hoạch, hạn chế ngộ độc hữu cơ khi gieo sạ lúa vụ hè thu 2022.
“Trên cơ sở phân bổ từ Chi cục Trồng trọt và BVTV, đề nghị các địa phương liên hệ với Công ty Cổ phần Giống Cây trồng Việt Nam và Công ty Cổ phần Giống Cây trồng - Vật nuôi Thừa Thiên - Huế để tiếp nhận và cấp phát kịp thời hạt giống đến người dân đảm bảo đủ số lượng, chất lượng nguồn giống, gieo cấy kịp thời vụ. Thời gian cấp phát hạt giống lúa phải hoàn thành trước ngày 13/5 theo tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh để kịp lịch thời vụ và tránh thời tiết diễn biến bất thường”, ông An cho hay.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế, hiện toàn địa bàn có khoảng 1.090 máy thu hoạch lúa, trong đó 486 máy gặt đập liên hợp, 261 máy gặt rải hàng...; khoảng 3.900 máy làm đất. Nếu huy động hết công suất các loại máy gặt thì khoảng 7 - 10 ngày sẽ kết thúc thu hoạch vụ lúa đông xuân.