Báo cáo tại Đại hội Cổ đông thường niên năm 2023 của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), ông Lê Thanh Hưng, Tổng Giám đốc Tập đoàn, cho biết, trong năm 2022, doanh thu và lợi nhuận hợp nhất trước thuế của VRG là 28.308 tỷ đồng và 5.702 tỷ đồng, đạt 101% và 116% so với kế hoạch.
Về kết quả kinh doanh, riêng Công ty mẹ - Tập đoàn có doanh thu, lợi nhuận là 3.845 tỷ đồng và 1.731 tỷ đồng. Nguồn vốn được bảo toàn và phát triển theo quy định, đủ nguồn lực để cân đối và thanh toán cổ tức cho các cổ đông theo tỷ lệ dự kiến 3,5 %/vốn điều lệ, tương đương với số tiền 1.400 tỷ đồng, cân đối đủ nguồn vốn, dòng tiền đáp ứng cho nhu cầu đầu tư phát triển, góp vốn đầu tư tài chính vào các đơn vị thành viên để có vốn chủ sở hữu đối ứng nhằm thực hiện các dự án đã được phê duyệt.
Năm 2023, ngành cao su có nhiều khó khăn, thuận lợi đan xen, nhưng khó khăn nhiều hơn. Cụ thể, giá bán mủ cao su, sản phẩm chính của ngành liên tục suy giảm và khó tiêu thụ. Khối công nghiệp cao su hoạt động khó khăn và không có khả năng tăng trưởng do giới hạn về công suất thiết kế, chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Khối thủy điện tuy hoạt động thuận lợi nhưng quy mô nhỏ, giới hạn bởi công suất thiết kế, nguồn nước, giờ phát điện (phụ thuộc vào khách hàng) nên khu vực này dự báo sẽ có tăng trưởng so với kế hoạch được giao nhưng không lớn.
Khối các công ty khu công nghiệp hoạt động khá thuận lợi, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu, chia cổ tức cho các cổ đông/Tập đoàn cao, nhưng quy mô nhỏ và hiện nay cơ bản đã hết quỹ đất sạch để cho thuê nên việc gia tăng nguồn thu, tạo đà tăng trưởng đột biến trong năm kế hoạch sẽ rất khó khăn.
Gỗ, sản phẩm từ gỗ cao su tuy đem lại nguồn thu/lợi nhuận khá lớn cho các công ty cao su khi thực hiện thanh lý vườn cây và các công ty chế biến gỗ trong Tập đoàn. Tuy nhiên, dự báo lĩnh vực này sẽ tiếp tục khó khăn do ảnh hưởng tiêu cực bởi thị trường bất động sản trong nước và suy thoái kinh tế của các nước lớn nên nhu cầu, giá bán sẽ chưa có dấu hiệu tích cực trong ngắn hạn.
Ngoài ra, chi phí đầu vào của doanh nghiệp như tiền thuê đất, chi phí nhiên liệu, năng lượng, tiền lương … liên tục tăng. Đây là khó khăn chung và Hội đồng quản trị Tập đoàn đã nhìn nhận nên thống nhất trình Đại hội đồng cổ đông thông qua với phương án kế hoạch năm 2023 có giảm nhẹ so với thực hiện của năm 2022.
Theo đó, Ban điều hành sẽ tiếp tục tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ mà Đại hội đồng cổ đông giao, phấn đấu đạt doanh thu và lợi nhuận hợp nhất trước thuế năm 2023 là 27.527 tỷ đồng và 4.855 tỷ đồng. Riêng Công ty mẹ - Tập đoàn, doanh thu và lợi nhuận trước thuế là 3.792 tỷ đồng và 1.395 tỷ đồng.
Phát biểu tại Đại hội, ông Đỗ Hữu Huy, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đánh giá cao những kết quả mà VRG đạt được trong năm 2022.
Để VRG hoàn thành tốt kế hoạch năm 2023, ông Huy đề nghị nhóm người đại diện phần vốn nhà nước tại Tập đoàn phối hợp với HĐQT VRG tập trung xây dựng các giải pháp quyết liệt, tập trung mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực đất đai để triển khai thực hiện tốt, hiệu quả kế hoạch sản xuất kinh doanh mà Đại hội đồng cổ đông đã giao năm 2023, phấn đấu đạt kết quả cao nhất.
Ông Huy nhấn mạnh “Tôi tin tưởng với sự đoàn kết và quyết tâm cao của toàn thể Ban lãnh đạo và toàn thể người lao động Tập đoàn sẽ vững bước đi lên và hoàn thành tốt kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 được Đại hội đồng cổ đông thông qua”.