Nhà đầu tư không cẩn trọng có thể mua phải đất trong dự án đang tranh chấp |
Để tránh cho các nhà đầu tư mới không bị rơi vào cạm bẫy của Dự án cũng như hạn chế tối đa tình tiết pháp lý phát sinh. Tỉnh Hà Nam cần sớm ra quyết định hủy bỏ những ĐKKD trái pháp luật….
Như báo NNVN đã thông tin, trong vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam. Trưởng Phòng ĐKKD, Nguyễn Văn Hợi đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn và lạm quyền trong khi thi hành công vụ, làm trái công vụ để cấp Giấy chứng nhận ĐKKD thay đổi lần 4, lần 5 cho Công ty cổ phần Phát triển Hà Nam.
Nhờ sự tiếp tay của Phòng ĐKKD, ông Tuấn đã liên tục thay đổi ĐKKD và sớm nắm quyền quyết định doanh nghiệp khi chưa đủ điều kiện pháp lý và chưa hoàn thành các nghĩa vụ cam kết trong Hợp đồng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc những cổ đông sáng lập như ông Phạm Văn Ảnh bỗng dưng bị tước đi quyền lực cuối cùng để ràng buộc yêu cầu ông Tuấn phải thực hiện mọi cam kết trước khi thực sự chuyển giao toàn bộ doanh nghiệp.
Cho đến thời điểm hiện nay, hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 01 là giao dịch dân sự có điều kiện vẫn chưa được hai bên thanh lý, còn quá nhiều nghĩa vụ của bên nhận chuyển nhượng (bên B) chưa hoàn thành (chưa thanh toán đủ tiền, chưa trả lại tài sản…).
Theo đó, các hợp đồng vẫn còn hiệu lực để thi hành và theo quy định của pháp luật dân sự thì ông Phạm Văn Ảnh (đại diện bên A) vẫn đang có quyền định đoạt 98,03% cổ phần đối với toàn bộ tài sản tại Công ty cổ phần Phát triển Hà Nam. Bởi lẽ, Hợp đồng chuyển nhượng số 01/2007/HĐCNCP ngày 21 tháng 04 năm 2007 là giao dịch dân sự có điều kiện, số tiền 104.530.500.000 đồng mà bên B đã thanh toán cho bên A chỉ tương ứng với 10% giá trị tài sản tại 31 hợp đồng mà ông Trần Anh Tuấn (bên B) đã cam kết phải trả lại cho (bên A) để bên A trả lại cho các nhà đầu tư, trong đó tài sản tại Hợp đồng thuê lại đất số 25, 26, 27 và 31 là thuộc sở hữu của bên A.
Nếu ông Trần Anh Tuấn không cam kết tiếp quản và tiếp tục thực hiện các hợp đồng mà Bên A đã ký với các nhà đầu tư, thì chắc chắn ông Ảnh đã không ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 01/HĐCNCP và không bao giờ bàn giao tài sản tại 31 hợp đồng cho ông Trần Anh Tuấn vào ngày 18/6/2007. Hơn nữa, ông Trần Anh Tuấn mới chỉ thanh toán được 104.530.500.000 đồng. Số tiền còn lại chưa thanh toán là 337.000.000 đồng (chưa tính lãi suất chậm trả) nên đương nhiên Hợp đồng chưa được thanh lý và vẫn còn hiệu lực.
Việc ông Trần Anh Tuấn đã tự ý chiếm hữu và định đoạt tài sản ở 31 hợp đồng mà bên A đã bàn giao và 98,03% cổ phần đối với toàn bộ tài sản của các cổ đông sáng lập ở Công ty cổ phần Phát triển Hà Nam, không thực hiện hợp đồng thuê lại đất số 25, 26, 27 và 31 của Công ty cổ phần ATA Paint Hà Nam đã không chỉ gây thiệt hại cho chủ sở hữu là Công ty cổ phần tập đoàn ATA mà còn gây thiệt hại cho các nhà đầu tư ký Hợp đồng mới với ông Tuấn khi buộc phải liên quan đến một vụ án hình sự.
Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho các cổ đông sáng lập ở Công ty cổ phần Phát triển Hà Nam và ngăn chặn hành vi lôi kéo những nhà đầu tư mới tham gia vào Dự án, các cổ đông sáng lập của Công ty cổ phần phát triển Hà Nam đề nghị cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng huỷ bỏ (các) lần đăng ký thay đổi ĐKKD lần 4, lần 5, cùng Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cấp thay đổi tiếp theo (lần 6, lần 7, lần 8, lần 9 và lần 10 ...) được cấp trên cơ sở hành vi phạm tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” của ông Nguyễn Văn Hợi mà có. Đồng thời khôi phục giá trị pháp lý của Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp Công ty cổ phần Phát triển Hà Nam được cấp lần thứ 3, theo quy định tại mẫu biểu Phụ lục V-19, quy định tại Thông tư số 20/2015/TT-BKHĐT ngày 01/12/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn đăng ký doanh nghiệp.