| Hotline: 0983.970.780

Tiền làm đường vào túi ai?

Thứ Năm 26/03/2015 , 06:20 (GMT+7)

Từ năm 2009 UBND xã Xuân Thịnh, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) đã huy động sức dân đối ứng nguồn hỗ trợ của tỉnh, huyện xây dựng đường giao thông nội đồng và kiên cố hóa kênh mương.

Sau khi nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng, bà con bức xúc bởi hàng trăm triệu đồng chênh lệch so với hợp đồng đã “không cánh mà bay”.

Ông Lê Văn Thành, kế toán ngân sách xã Xuân Thịnh cho biết, đường giao thông nội đồng và kênh mương được xây dựng để phục vụ “vùng lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao”. Sau khi thống nhất chủ trương, UBND xã triển khai thu của người dân theo đầu sào (ruộng) thành 2 đợt chính.

Cụ thể, từ năm 2009 - 2013, xã đã 2 lần huy động đóng góp của nhân dân với số tiền 333.500đ/sào (đợt 1 thu 183.500đ/sào, đợt 2 thu 150.000đ/sào). Tổng số tiền thu được trong 2 đợt là hơn 1,7 tỷ đồng, chưa kể tiền hỗ trợ của tỉnh, huyện. Với số tiền trên, đơn vị thi công kiên cố hóa được gần 4,3km đường nội đồng, quy thành gần 1.600m3 bê tông và hơn 3km kênh mương.

Sau khi hoàn thành dự án, thay vì phấn khởi, người dân Xuân Thịnh lại hết sức bức xúc trước những việc làm khuất tất của lãnh đạo xã, bởi hàng trăm triệu đồng chênh lệch so với hợp đồng đã “không cánh mà bay”, không những thế nhiều hạng mục cũng bị “ăn bớt” so với thiết kế.

Ông Lê Hữu Vy, thôn 4 phản ánh, trong quá trình thi công đợt 1 (cuối năm 2010), chủ tịch UBND xã Trương Song Toàn (chủ đầu tư) đã ký hợp đồng với đơn vị thi công là Cty CP Xây dựng Mạnh Dũng (Cty Mạnh Dũng).

Thế nhưng trên thực tế người thực hiện lại do 2 “thợ vườn” là ông Lê Đức Mạnh, thôn 5 và ông Lê Hữu Sáng, trưởng thôn 4 đảm nhận. Ông Mạnh cũng khẳng định không liên quan và cũng chẳng biết Cty Mạnh Dũng ở đâu.

“Công ty Mạnh Dũng khi đó là đơn vị thi công trường tiểu học cho xã chứ không liên quan đến làm đường giao thông nội đồng. Hợp đồng xây dựng đường nội đồng với Cty này chỉ là hợp đồng ma để hợp thức hóa, nâng giá công trình, thu chênh lệch bất chính mà thôi”, ông Vy nói.

 "Còn về phía ông Trương Song Toàn, chủ tịch UBND xã, thời điểm người dân tố cáo thì ông Toàn đã bị cách chức vì sử dụng bằng giả. Nhưng nay nếu phát hiện dấu hiệu ông Toàn tham nhũng thì vẫn phải chịu trách nhiệm chứ không phải bị cách chức rồi là thôi, kể cả những người liên đới cũng phải chịu trách nhiệm”, ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn.

Theo đó, hợp đồng ký với ông Lê Đức Mạnh chỉ có giá 650.000đ/m3 bê tông, trong khi “hợp đồng ma” ký với Cty Mạnh Dũng (cũng là mức xã thông báo và công khai trước nhân dân) được đẩy lên gần 865.000đ/m3 (cao hơn gần 215.000đ/m3). Nếu nhân với số khối bê tông do ông Mạnh thi công (hơn 982 m3), tổng số tiền chênh lệch “đội giá” hơn 210 triệu đồng.

Với hợp đồng của ông Sáng, số tiền khoán thi công hơn 183m3 bê tông là 730.000đ/m3, nhưng khi quyết toán xã thông báo với nhân dân mức 865.000đ/m3 (tăng so với hợp đồng khoán gần 135.000đ), nâng tổng số tiền “đội giá” thi công đường nội đồng đợt 1 lên hơn 230 triệu đồng.

Tiếp tục áp dụng cách làm trên, lần thi công đường nội đồng đợt 2, ông Trương Song Toàn ký hợp đồng với Công ty TNHH và Thương mại Việt Đức. Tuy nhiên, bản hợp đồng trên đến nay vẫn chưa được công bố, mặc dù người dân trong xã đã nhiều lần yêu cầu thông qua các cuộc họp và tiếp xúc cử tri.

Ông Lê Hữu Vi khẳng định, tại thời điểm thi công đợt 2, giá bê tông ở địa phương không quá 730.000đ/m3 nhưng xã đã thông báo với người dân khoán mức 1.293.000đ/m3 (cao hơn 563.000đ/m3), nâng tổng giá trị chênh lệch toàn công trình trong đợt 2 lên tới khoảng trên dưới 250 triệu đồng?

Trao đổi với PV về số tiền chênh lệch người dân phản ánh, ông Lê Văn Thành, kế toán ngân sách xã ậm ờ nói: “Tôi chỉ biết quyết toán công trình theo giá ký với 2 Cty kia, chứ việc chủ tịch UBND xã ký riêng với ông Sáng và ông Mạnh, cũng như chênh lệch giá bao nhiêu tôi không biết”.

Được biết, ngoài việc “đội giá” hàng trăm triệu đồng, việc thi công các tuyến đường giao thông nội đồng ở Xuân Thịnh cũng bị người dân tố bỏ qua nhiều khâu trong thiết kế như không lu, đầm, nén trước khi đổ bê tông, ảnh hưởng đến chất lượng công trình.

“Mặc dù mới đưa vào sử dụng được khoảng 2 năm nhưng tuyến đường nội đồng từ thôn 3 đi thôn 8, các tuyến đường thuộc cánh đồng thôn 5 đã xuất hiện nhiều điểm rạn nứt, sụt lún rồi”, ông Lê Văn Thành, thôn 1 đồng thời là trưởng ban giám sát nhân dân nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Quý, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Thịnh thừa nhận, việc xã ký hợp đồng với 2 người dân địa phương thi công đường giao thông nội đồng là đúng sự thật, còn việc bỏ qua nhiều khâu so với thiết kế là do thấy nền đường cũ vẫn cứng. Tuy nhiên, nói về trách nhiệm của xã thì ông Quý bảo: “Những sai phạm này là từ thời anh Toàn làm chủ tịch, lúc đó tôi là cấp phó nên không biết (?!)”.

Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn cho biết: “Cuối quý 2/2014, huyện nhận được đơn tố cáo lãnh đạo xã Xuân Thịnh. Ngay sau đó tôi đã giao cho thanh tra huyện phối hợp các phòng chuyên môn kiểm tra nội dung đơn thư. Tuy nhiên, đến nay anh em vẫn chưa có báo cáo. Tôi thừa nhận cách làm của các phòng là quá chậm nên sẽ chấn chỉnh anh em".

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.