| Hotline: 0983.970.780

Vụ cán bộ lừa dân ở Yên Định: Có ai 'chống lưng' cho vi phạm?

Thứ Ba 21/02/2023 , 08:22 (GMT+7)

Người dân tại thị trấn Quý Lộc tiếp tục làm đơn tố cáo cán bộ xã về hành vi bán đất “ma”, sau nhiều tháng chờ đợi nhưng không có phản hồi của huyện.

Vi phạm đã rõ, sao không xử lý triệt để?

Liên quan tới vụ việc một số cán bộ tại UBND thị trấn Quý Lộc (Yên Định, Thanh Hóa) lừa bán đất cho dân tại những mặt bằng chưa đấu giá, đến nay sau nhiều tháng thực hiện kiểm tra, rà soát theo nội dung đơn tố cáo của người dân, UBND huyện Yên Định vẫn chưa có câu trả lời chính thức.

Hệ lụy của vụ việc khiến hàng chục hộ dân tại thị trấn Quý Lộc lâm vào cảnh “tiền mất, tật mang”. Số tiền mà cán bộ và UBND thị trấn Quý Lộc thu được từ việc bán đất không được nộp vào ngân sách nhà nước theo đúng quy định để giải quyết các thủ tục pháp lý đất đai cho người dân. Trong khi đó, nhiều hộ dân vẫn mòn mỏi chờ đợi hồi âm từ phía chính quyền đồng thời đề nghị cơ quan có trách nhiệm bàn giao và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 

Cực chẳng đã, mới đây, nhiều người dân tại thị trấn Quý Lộc đã tiếp tục làm đơn tố cáo (lần 2), đồng thời đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết triệt để vụ việc trên cơ sở bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân. 

tc2

Người dân tiếp tục làm đơn tố cáo cán bộ bán đất 'ma', đồng thời đề nghị chính quyền nhanh chóng xử lý dứt điểm vụ việc. Ảnh: Quốc Toản.

Người dân tại thị trấn Quý Lộc cũng cho biết, số tiền mua đất là mồ hôi, nước mắt của người dân sau nhiều năm làm lụng, tích góp từng đồng. Do đó, họ đề nghị xử lý nghiêm cán bộ có vi phạm sau khi có kết luận nội dung tố cáo: “Chúng tôi tố cáo là có cơ sở và chịu trách nhiệm với nội dung đơn của mình. Nếu không giải quyết quyền lợi thỏa đáng cho người dân, tôi sẽ làm đơn kiến nghị tới cấp cao hơn để đòi quyền lợi”, một hộ dân khác bức xúc.

Cũng liên quan tới những vi phạm đất đai tại thị trấn Quý Lộc, hồ sơ của NNVN có được cho thấy, từ năm 2011-2013, UBND thị trấn Quý Lộc đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 536 suất đất. Tuy nhiên, việc giao đất ngoài thực địa không theo quy định nên đã giao sai 379/536 suất đất (chiếm khoảng 70%).

Đáng chú ý, trong danh sách hàng trăm lô đất được giao không đúng quy định có 2 suất đất được cấp sổ đỏ nhưng không có trên thực tế; 2 suất đất là mương nước; 27 suất đất chưa xác định được vị trí theo giấy thu tiền; giao 32 suất đất khi chưa giải phóng mặt bằng; 34 suất đất giao trái thẩm quyền; 137 suất đất giao sai vị trí trong giấy thu tiền… Các sai phạm về đất đai này đến nay vẫn chưa được xử lý triệt để.

Nhiều người dân tại thị trấn Quý Lộc chờ đợi kết luận chính thức từ cơ quan có thẩm quyền. Ảnh: Quốc Toản.

Nhiều người dân tại thị trấn Quý Lộc chờ đợi kết luận chính thức từ cơ quan có thẩm quyền. Ảnh: Quốc Toản.

Câu hỏi đặt ra là: Vì sao vụ việc gây bức xúc dư luận và tồn tại nhiều năm qua vẫn chưa được giải quyết triệt để? Vai trò, trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong kiểm tra, giám sát thực công tác quản lý đất đai trên địa bàn thị trấn Quý Lộc được thực hiện như thế nào trong nhiều năm qua? Vì sao đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa có hồi âm vụ việc theo đơn tố cáo của người dân? Sự việc có dấu hiệu bao che của người có trách nhiệm hay không?

Trước những băn khoăn trên, trao đổi với NNVN, ông Vũ Ngọc Thưởng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Yên Định cho biết, đây là vụ việc hết sức phức tạp và cần thời gian giải quyết để trả lời công dân.

Ông Thưởng cũng khẳng định: “Lãnh đạo huyện không bao che cho cán bộ liên quan trong vụ việc này. Còn việc lãnh đạo thị trấn có bao che cho cán bộ hay không chúng tôi chưa dám khẳng định. Vụ việc đúng sai đến đâu cần chờ kết luận của cơ quan điều tra”, ông Thưởng cho biết.

Nói về trách nhiệm cán bộ có liên quan trong vụ việc nói trên, ông Thưởng cho biết: “Trách nhiệm đầu tiên thuộc về địa phương. Việc cán bộ xác nhận chữ ký và con dấu tại các giấy ủy quyền trong việc mua bán đất tại các mặt bằng chưa đấu giá là sai quy định. Đến thời điểm này vẫn chưa biết có bao nhiêu suất đất đã giao dịch mua bán chưa được cấp sổ đỏ? Có bao nhiêu suất đất đã giao dịch nhưng không có trên thực tế?".

Khi được hỏi về dấu hiệu buông lỏng quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai tại thị trấn Quý Lộc, vị Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Yên Định cho hay, vấn đề này cần chờ kết luận chính thức của cơ quan điều tra.

Huyện Yên Định "có vết" buông lỏng quản lý đất đai

Không chỉ riêng tại vụ việc ở Quý Lộc, mới đây cơ quan Thanh tra tỉnh Thanh Hóa đã ban hành kết luận, đồng thời chỉ rõ nhiều vi phạm trong việc quản lý, thực hiện chính sách pháp luật về đất đai tại huyện Yên Định trong năm 2020 và 2021.

Theo cơ quan Thanh tra, việc kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn huyện Yên Định chưa được thường xuyên, đặc biệt là việc quản lý, sử dụng đất theo các chỉ tiêu quy hoạch đã được phê duyệt; Việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chậm thời gian theo quy định; Nhiều chỉ tiêu quy hoạch đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất hàng năm thực hiện không đạt; thực hiện các dự án có thu hồi đất đạt tỷ lệ thấp so với kế hoạch sử dụng đất đã được UBND tỉnh phê duyệt. 

Trong năm 2020 và 2021, có 21 dự án UBND huyện ban hành quyết định thu hồi đất vượt diện tích, nằm ngoài mốc giới mặt bằng quy hoạch được phê duyệt 8.997,7m2, chưa có văn bản báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh. Đặc biệt, Dự án Chợ an toàn thực phẩm tại xã Định Hải, năm 2020 UBND huyện ban hành quyết định thu hồi đất khi chưa có trong danh mục dự án đầu tư và Kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt (đến năm 2021 mới có trong danh mục dự án đầu tư và kế hoạch sử dụng đất được UBND tỉnh phê duyệt). Năm 2020, năm 2021, UBND huyện không ban hành quyết định phê duyệt quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của các xã, thị trấn theo quy định.

Kiểm tra việc giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho thấy, UBND huyện Yên Định cho 6 hộ gia đình, cá nhân thuê đất với tổng diện tích đất được phê duyệt quy hoạch và được chấp thuận chủ trương đầu tư là là 62.221 m2. Tuy nhiên, văn bản thẩm định của Phòng Tài nguyên và Môi trường cho hộ gia đình cá nhân thuê đất không đầy đủ nội dung thẩm định sự phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt và điều kiện giao đất, cho thuê đất. Một số hộ dân thuê đất được kiểm tra chưa đầu tư xây dựng cơ sở hạ đầy đủ và có một số hạng mục không đúng với quy hoạch được duyệt.

huyenj uy

Trụ sở Huyện ủy Yên Định. Ảnh: Quốc Toản.

Trong công tác đấu giá quyền sử dụng đất: Năm 2020 và 2021, UBND huyện Yên Định ban hành 67 quyết định phê duyệt trúng đấu giá, với tổng số 1.845 lô đất, số tiền phải thu, nộp ngân sách hơn 1,1 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy, phương án đấu giá quyền sử dụng đất tại một số mặt bằng quy hoạch (MBQH) chưa đầy đủ thông tin về hạ tầng kỹ thuật gắn liền thửa đất đấu giá theo quy định đấu giá quyền sử dụng đất có thu tiền sử dụng đất.

Một số MBQH được kiểm tra, thực hiện thực hiện trình tự, thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất khi chưa hoàn thành công tác thu hồi, giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng kỹ thuật; đường giao thông thiết kế mặt đường chỉ rải đá dăm, không đúng tiêu chí đường nông thôn mới.

Việc chi đầu tư hạ tầng tại một số MBQH đấu giá quyền sử dụng đất quyết toán thừa khối lượng do dự toán tính sai với tổng số tiền 320.014.483 đồng, trong đó kiến nghị xử lý thu hồi số tiền 52.941.302 đồng; giảm trừ không thanh toán khi quyết số tiền 267.073.181 đồng.

Kiểm tra việc cấp Giấy CNQSD đất phát hiện, còn tồn đọng 1.010 hộ với 1.010 thửa đất ở chưa được cấp Giấy CNQSD đất (tính đến thời điểm kiểm tra tháng 12/2022), trong đó có 247 thửa đất được giao nhưng sử dụng sai so với mặt bằng quy hoạch.

Tại UBND cấp xã, qua kiểm tra tại 10 xã, thị trấn,  phát hiện việc cho thuê thầu đất công ích đều không thực hiện bằng hình thức đấu giá để nhận thầu theo quy định; có trường hợp ký hợp đồng thuê đất không đúng quy định.

Ngoài ra, việc quản lý, quyết toán thu NSNN từ tài khoản tạm thu từ đất đai còn nhiều tồn tại thiếu sót như: Năm 2020 và 2021, quản lý, quyết toán thu NSNN từ tài khoản tạm thu của phòng Tài chính kế hoạch cuối năm còn chưa nộp, quyết toán đầy đủ, kịp thời 133.736 triệu đồng tiền sử dụng đất theo quy định của Luật ngân sách nhà nước; đến 31/12/2021, tổng số tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa trên địa bàn huyện đã tạm thu về nhưng chưa nộp về ngân sách tỉnh, số tiền 4.710.378.000 đồng.

Theo cơ quan thanh tra, những vi phạm thiếu sót nêu trên thuộc trách nhiệm quản lý, điều hành thuộc về Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Định phụ trách các lĩnh vực được phân công. Trách nhiệm trực tiếp thuộc về Trưởng các phòng, ban chuyên môn thuộc huyện; Chủ tịch UBND các xã, thị trấn… được nêu ra trong kết luận.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất