| Hotline: 0983.970.780

Vụ đông- Những mảng màu sáng tối: (Bài 6) Đất cảng kỳ vọng gì?

Chủ Nhật 20/09/2020 , 16:33 (GMT+7)

Diện tích trồng cây vụ đông ở TP Hải Phòng những năm gần đây thường chỉ đạt 75% kế hoạch với trên dưới 7.000ha và khó mở rộng thêm.

Cầm chừng nhiều năm

Diện tích gieo trồng cây vụ đông ở TP Hải Phòng nhiều năm liền chỉ cầm chừng ở mức trên dưới 7.000ha với tổng giá trị sản xuất khoảng 8.000 tỷ đồng. Các địa phương có diện tích trồng cây vụ đông nhiều nhất là Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Dương, Kiến Thụy, Thủy Nguyên… Cây trồng thế mạnh là ngô, lạc, khoai tây, khoai lang, đậu và rau các loại. 

Trong đó, vụ đông sớm gieo trồng từ 15/8 - 5/10, áp dụng đối với các loại cây ưa ấm như ngô, cà chua, dưa hấu, dưa chuột, bầu bí, khoai lang. Còn chính vụ sẽ gieo trồng từ 5/10 -10/11, áp dụng với các loại cây ưa lạnh như khoai tây, rau thập tự, hành tỏi, ớt, rau đậu các loại, hoa cây cảnh.

Diện tích cây vụ đông ở Hải Phòng nhiều năm nay chỉ cầm chừng ở mức trên dưới 7.000ha. Ảnh: Đinh Mười.

Diện tích cây vụ đông ở Hải Phòng nhiều năm nay chỉ cầm chừng ở mức trên dưới 7.000ha. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Bùi Xuân Khải, Trưởng phòng NN-PTNT huyện An Dương cho biết: "Diện tích trồng cây vụ đông giảm dần qua từng năm. Nguyên nhân chính là thiếu lao động, lĩnh vực nông nghiệp không thu hút được nhiều đầu tư và lực lượng lao động trẻ do thu nhập thấp so với ngành nghề khác".

Theo Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật (Sở NN-PTNT) TP Hải Phòng, những năm gần đây việc phát triển cây vụ đông tại địa phương này chưa tương xứng với tiềm năng đất đai, mới chiếm 1/3 diện tích canh tác.

Tại nhiều địa phương, việc mở rộng diện tích cây vụ đông khó khăn, nhiều năm liền chỉ đạt 75% kế hoạch. Nếu như năm 2018, tổng diện tích gieo trồng cây vụ đông của Hải Phòng là 7.449,2ha thì năm 2019 giảm 319,6 ha dù kế hoạch gieo trồng là 10.000ha.

Ghi nhận tại huyện An Dương, địa phương có thế mạnh về cung cấp các loại rau cho thành phố, nhưng diện tích trồng cây vụ đông, trong đó có rau cũng khó phát triển thêm, thậm chí giảm đi.

Năm 2019, diện tích gieo trồng cây vụ đông toàn huyện này chỉ đạt 80% kế hoạch, năm 2020 mục tiêu đề ra hơn 1.500ha nhưng theo lãnh đạo Phòng NN- PTNT huyện An Dương, việc hoàn thành chỉ tiêu sẽ khó nếu không có chính sách gì mới.

Tại huyện Kiến Thụy, trước đây cũng là 1 trong những địa phương có diện tích cây vụ đông lớn của Hải Phòng nhưng những năm gần đây đã giảm dần. Năm 2019, kế hoạch đề ra cho vụ đông là 850ha nhưng cũng chỉ đạt được 759 ha với giá trị sản xuất đạt từ 120-150 triệu đồng/ha, còn năm 2020, kế hoạch là 840 ha còn kết quả vẫn đang bỏ ngỏ.

Bà Lê Thị Thanh Huyền, Phó Trưởng phòng NN- PTNT huyện Kiến Thụy cho biết, do nguồn lao động trong lĩnh vực nông nghiệp ngày càng thiếu hụt, diện tích đất sản xuất trồng trọt nhỏ lẻ, manh mún, còn sản phẩm trồng trọt có hợp đồng bao tiêu ít, chưa ổn định, chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Mặt khác, việc xúc tiến thương mại còn hạn chế, chưa thực sự gắn kết giữa sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng. Các nguồn lực hỗ trợ khuyến khích phát triển sản xuất còn yếu, các chính sách hỗ trợ sản xuất cây vụ đông chưa nhiều, chưa khuyến khích được người dân.

Trồng cây vụ đông chưa thu hút được nguồn lực lao động. Ảnh: Đinh Mười.

Trồng cây vụ đông chưa thu hút được nguồn lực lao động. Ảnh: Đinh Mười.

Thiếu lao động, người dân không mặn mà

Huyện Tiên Lãng được xem là 1 trong 2 địa phương trồng nhiều cây vụ đông nhất Hải Phòng với trên 2.000ha/năm. Cây vụ đông từ lâu đã được xem là cây trồng chính, là nguồn thu nhập lớn của người dân. Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích gieo trồng vẫn là 1 bài toán khó.

Tại xã Quyết Tiến, huyện Tiên Lãng, cây vụ đông được địa phương xem là 1 trong những nguồn thu nhập chính của người dân với cây trồng chủ lực là  khoai tây Alantic và dưa bao tử.

Việc bao tiêu sản phẩm thuận lợi hơn so với nhiều địa phương khác do có liên kết với 1 doanh nghiệp xuất khẩu, thậm chí phát triển cây vụ đông đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng nhiệm kỳ 2020-2025, nhưng năm nay xã cũng chỉ đặt ra chỉ tiêu khoảng 80ha, trong khi tiềm năng rất lớn.

Trao đổi với NNVN, ông Phạm Tân An, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Vụ đông được xem là vụ chủ lực, nhưng ngày càng khó khăn, cố gẵng cũng chỉ chiếm khoảng 40% diện tích trồng trọt của địa phương.

Khó nhất là nguồn lao động không nhiều, lao động trẻ thì làm công nhân tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp, những người tuổi cao sức yếu thì không sản xuất được. Nguồn thu nhập từ sản xuất nông nghiệp chưa cao, ví dụ như việc trồng khoai tây, 1 cây thế mạnh phục vụ xuất khẩu, trồng cũng chỉ 2 tháng là thu hoạch với giá trị 5-7 triệu/sào nhưng bà con vẫn cho là thấp hơn so với đi làm công nhân.

Chính sách hỗ trợ phát triển cây vụ đông ở Hải Phòng chưa khuyến khích được nhiều lao động. Ảnh: Đinh Mười.

Chính sách hỗ trợ phát triển cây vụ đông ở Hải Phòng chưa khuyến khích được nhiều lao động. Ảnh: Đinh Mười.

Tại huyện Kiến Thụy, HTX dịch vụ Nông nghiệp Thụy Hương đi đầu trong việc trồng cây vụ đông và nhận được nhiều ưu đãi từ chính sách phát triển nông nông nghiệp của thành phố. Năm 2019, hợp tác xã  trồng 18ha cây vụ đông, lãi ròng hơn 400 triệu đồng, nhưng kế hoạch năm 2020 chỉ khoảng 30ha, nằm rải rác ở nhiều xã khác nhau.

Nói về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hà, Giám đốc HTX Thụy Hương thẳng thắn chia sẻ: Cây vụ đông được chúng tôi trồng chủ yếu là các mặt hàng cung cấp cho thành phố như khoai tây, súp lơ, bắp cải, củ cải… Khó khăn nhất là lực lượng lao động thiếu do đã đi làm tại các công ty, khu công nghiệp… Về bao tiêu, chưa có những hợp đồng cụ thể, vẫn còn hiện tượng được mùa mất giá và ngược lại.

Tín hiệu vui từ những chính sách ưu đãi

Thực trạng cầm chừng về sản xuất nông nghiệp cũng như sản xuất cây vụ đông ở TP Hải Phòng những năm gần đây đang dần được thay đổi, có nhiều tín hiệu tốt hơn khi các chính sách phát triển nông nghiệp đi vào cuộc sống. Ví dụ như Nghị quyết 13, được xem như luồng gió mát, tạo điều kiện, khuyến khích nông nghiệp phát triển và đang có tác động tích cực vào việc phát triển cây vụ đông, tăng thu nhập cho người dân.

Trồng thanh long là 1 trong những mô hình cây vụ đông được hỗ trợ theo Nghị quyết 13 của HĐND TP Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Trồng thanh long là 1 trong những mô hình cây vụ đông được hỗ trợ theo Nghị quyết 13 của HĐND TP Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Lê Việt Cường, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật TP Hải Phòng cho biết, cây vụ đông ngày càng chiếm vai trò quan trọng trong lĩnh vực trồng trọt của địa phương. Nhưng vì nhiều lí do nên nhiều năm qua chỉ đạt được 75% kế hoạch.

Năm 2020, thực hiện theo Nghị quyết 13 của HĐND TP Hải Phòng, Chi cục triển khai 5 mô hình vụ đông, trong đó có 2 mô hình trồng khoai tây, 1 mô hình ổi, 1 mô hình hoa lay ơn ở An Dương, 1 mô hình thanh long. Theo chính sách này, mỗi mô hình không quá 500 triệu, hỗ trợ phân bón, giống cây trồng và tập huấn khoa học kỹ thuật, giống thì hỗ trợ 100%, phân bón 50%... là sự khuyến khích rất tốt cho người dân phát triển trồng cây vụ đông.

“Vụ đông cho tổng giá trị trên 1.000 tỷ đồng/năm, chiếm ¼ nguồn thu ngành trồng trọt. Đây là con số lớn, chủ yếu cây ngắn ngày lại không ảnh hưởng đến các vụ khác. Những năm gần đây vụ đông chỉ đạt 75% kế hoạch, năm nay chúng tôi đưa ra mục tiêu 10.000ha, với sự hỗ trợ thiết thực từ Nghị quyết 13, rất có thể đây sẽ là năm đầu tiên Hải Phòng đột phá cây vụ đông sau nhiều năm cầm chừng”, ông Cường chia sẻ.

Theo Sở NN-PTNT TP Hải Phòng, năm 2020, Bộ NN-PTNT đã ban hành nhiều cơ chế chính sách khuyến khích phát triển sản xuất tạo hành lang pháp lý cho việc mở rộng sản xuất, chuyển đổi, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp.

Mặt khác, Thành ủy, UBND TP Hải Phòng quan tâm chỉ đạo phát triển sản xuất, cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM với có nhiều cơ chế chính sách khuyến khích phát triển sản xuất rau, quả…

Cơ giới hóa trong sản xuất ngày càng được chú trọng áp dụng ở các khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển, sơ chế bảo quản. Do đó, việc phát triển nông nghiệp nói chung và trồng cây vụ đông nói riêng tại Hải Phòng chắc chắn có nhiều khởi sắc.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.