Các thông tin về vũ khí Nga luôn là một trong những quan tâm hàng đầu của chính quyền Mỹ. Họ theo dõi sát sao mọi biến động từ nước Nga. Và vụ nổ mới đây ở phía bắc nước Nga không thể là ngoại lệ.
Các chuyên gia về hạt nhân ở Mỹ nói họ nghi ngờ vụ nổ tình cờ và việc phát tán phóng xạ ở phía bắc nước Nga tuần trước là một vụ thử tên lửa hành trình có động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân, thứ mà tổng thống Nga nói đến hồi năm ngoái.
Vũ khí bí ẩn
Một người phát ngôn của Severodvinsk, thành phố nhỏ với 185.000 dân gần khu vực thử nghiệm ở vùng Arkhangelsk nói trên website của thành phố rằng trong một giai đoạn ngắn, có dấu hiệu phóng xạ được ghi nhận vào buổi trưa thứ Năm. Sau đó thông báo này đã không còn trên website nữa. Hai chuyên gia trả lời Reuters trong hai cuộc phỏng vấn độc lập nói một vụ nổ động cơ tên lửa nhiên liệu lỏng sẽ không gây phát tán phóng xạ.
Họ nghi ngờ rằng vụ nổ và việc có dấu hiệu phát tán phóng xạ là hậu quả của một rủi ro trong khi thử nghiệm một tên lửa chạy bằng năng lượng hạt nhân tại một cơ sở nghiên cứu bên ngoài vùng Nyonoksa.
“Động cơ tên lửa nhiên liệu lỏng khi nổ không gây phát xạ, và chúng tôi biết rằng người Nga đang nghiên cứu một số loại động cơ hạt nhân dùng cho tên lửa hành trình”, ông Ankit Panda, nhà nghiên cứu kỳ cựu thuộc Liên đoàn Khoa học gia Hoa Kỳ nói.
Theo Reuters, Nga gọi loại tên lửa này là 9M730 Buresvestnik. NATO định danh nó là SSC-X-9 Skyfall.
Một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ nói với điều kiện ẩn danh rằng ông ta sẽ không xác nhận hay bác bỏ khả năng một rủi ro đã xảy ra liên quan đến một tên lửa hành trình năng lượng hạt nhân. Nhưng ông rất hoài nghi trước lời giải thích của giới chức Nga. “Chúng tôi tiếp tục theo dõi các sự kiện ở vùng cực bắc nước Nga nhưng chúng tôi khó mà tin khi giới chức Nga đảm bảo rằng “mọi thứ bình thường”, vị quan chức này nói.
Cho dù sự nghi ngờ của các học giả và quan chức Mỹ là đúng, họ cũng không thể phủ nhận một điều là Mỹ đang e ngại trước những tiến triển của loại vũ khí mới mà Nga đang phát triển. Tên lửa 9M730 Buresvestnik được nói là đã trải qua hàng chục vụ thử nghiệm và thu hái được thành công nhất định, nên nếu có rủi ro ở lần thử nghiệm mới nhất thì cũng khó có thể nói dự án này đã thất bại.
Buresvestnik được nói là có khả năng bay nhiều ngày liên tục bởi sử dụng động cơ năng lượng hạt nhân. Cộng đồng tình báo thế giới tin rằng nó phải cần đến 10 năm nữa để có thể hoàn thiện, đưa vào sử dụng.
Buresvestnik khi cất cánh sử dụng động cơ xăng, có thể là một động cơ turbo cánh quạt (như máy bay) để cất cánh. Khi tên lửa đã đạt một tốc độ nào đó, đông cơ nhiên liệu hạt nhân sẽ được kích hoạt và cho phép nó bay với tầm xa gần như không giới hạn. Về mặt lý thuyết, một tên lửa hành trình sử dụng nhiên liệu hạt nhân có thể bay lòng vòng cả ngày hoặc hơn thế, từ lục địa này qua lục địa kia, tìm kiếm kẽ hở phòng không của đối phương để tấn công.
Không chỉ phát triển một loạt vũ khí mới bao gồm tên lửa siêu thanh, tên lửa hành trình năng lượng hạt nhân, nước Nga còn đạt được thành công với một loạt các vũ khí mới. Hồi tháng Năm vừa qua, trong cuộc họp với các quan chức cấp cao, ông Putin chú ý đặc biệt đến hệ thống Peresvet, vũ khí laser đầu tiên của quân đội Nga được đưa vào biên chế vào cuối năm 2018.
Vũ khí công ước: đáng sợ hơn cả hạt nhân
Mỹ đã rút khỏi Hiệp ước Tên lửa đạn đạo tầm trung (INF) ký với Liên Xô (sau là Nga) vào năm 1988 với nội dung hai bên cùng hạn chế triển khai các loại tên lửa đạn đạo tầm xa và tầm trung. Tuy nhiên, theo chuyên gia của tạp chí Mỹ Foreign Policy, rút lui khỏi INF có thể có hại đối với Mỹ, trong phương diện đối đầu với Nga. Bởi Moscow không có nhiều nhu cầu phải gia tăng năng lực hạt nhân.
Thay vào đó, Nga tái phát triển các loại vũ khí chính xác, ưu tiên năng lực tấn công chiến lược công ước để đảm nhiệm nhiệm vụ trước đây giao phó cho lực lượng hạt nhân. Học thuyết quân sự Nga công bố năm 2014 nói rằng Nga coi vũ khí chính xác là thành tố quyết định trong chiến lược phòng thủ. Nói rõ hơn, học thuyết hải quân Nga năm 2017 viết rằng: “Với sự phát triển của vũ khí chính xác, hải quân Nga đang đối diện với mục tiêu mới: phá hủy năng lực quân sự và kinh tế của đối phương qua việc tấn công vào những cơ sở quan trọng từ phía biển”.
Nga đã hiện thực hóa những gì viết trên giấy bằng việc triển khai các hệ thống vũ khí có năng lực đạt được các mục tiêu kể trên.
Ngoài biển, các tàu chiến mới và được hiện đại hóa, kể cả tàu mặt nước và tàu ngầm nay mang các tên lửa hành trình tấn công bờ 3M-14 Kalibr với tầm bắn 1.500 - 2.500km. Trên không, các máy bay ném bom chiến lược tầm xa Tu-95 Bear và Tu-160 Blackjack nay được trang bị tên lửa hành trình Kh-101 với tầm bắn ít nhất 2.500km. Những loại vũ khí này đã được sử dụng trên chiến trường Syria.
Các oanh tác cơ và chiến đấu cơ Nga còn có lựa chọn khác là các loại vũ khí không đối đất siêu thanh, ví dụ tên lửa Kh-47M2 Kinzhal. Trên mặt đất, sự đáng sợ của các loại vũ khí Nga còn tiếp diễn, trong đó không thể không kể đến các loại tên lửa đạn đạo Iskander M và Iskander K.