| Hotline: 0983.970.780

Vừ Mí Kẻ - huyền thoại cao nguyên đá

Thứ Hai 08/02/2021 , 14:12 (GMT+7)

Nhiều người ví von ông Vừ Mí Kẻ là vị đại biểu Quốc hội độc đáo ở Hà Giang, bởi ông làm 6 khóa liên tục, từ khóa II đến khóa VII.

Ông Vừ Mí Kẻ (2020). Ảnh: Kiều Mai Sơn.

Ông Vừ Mí Kẻ (2020). Ảnh: Kiều Mai Sơn.

Độc đáo còn bởi vì từ thân phận kẻ ăn người ở trong dinh vua Mèo, năm 31 tuổi, ông trở thành đại biểu của dân, cùng ngồi ngang hàng với vua Mèo Vương Chí Sình. Ông gọi đó thực sự là một sự “đổi ngôi” đầy thú vị.

Huyền thoại cao nguyên đá

Chuyến ngược Quốc lộ 2 lên với vùng chóp nón của Tổ quốc thật may mắn khi tôi được gặp ông Triệu Đức Thanh – nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang. Nghỉ hưu đã nhiều năm nhưng ông Thanh vẫn chưa chịu ngồi một chỗ. Ông đi hầu khắp các địa phương trong tỉnh để tìm hiểu về đời sống người dân, tìm hiểu về các địa danh văn hóa, tìm hiểu về các sự kiện và nhân vật lịch sử của Hà Giang nói chung, của người Dao và dòng họ Triệu nói riêng. Chiều đầu tiên gặp ông, tôi hỏi về ông Vừ Mí Kẻ. Ông Triệu Đức Thanh nhiệt tình dẫn đường đến tận nơi. Gần nhà xa ngõ, hai ông từng cùng làm đại biểu Quốc hội khóa VII, khi đó ông Triệu Đức Thanh là Bí thư Huyện ủy Hoàng Su Phì còn ông Vừ Mí Kẻ là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang.

Màu nắng khảm vàng trên những đỉnh núi xa xa bao quanh thành phố, chúng tôi tới ngôi nhà của ông Vừ Mí Kẻ ngay mặt phố trung tâm thành phố Hà Giang nhưng tĩnh lặng và bình dị. Người con huyền thoại một thời của miền cao nguyên đá Đồng Văn đang sống với con trai là thượng tá Vừ Mí Na (Ban chỉ huy quân sự tỉnh Hà Giang). Chuẩn bị bước sang tuổi 93, ông không còn đãi khách bằng rượu ngô quê hương như mọi lần mỗi khi bạn bè đến thăm. Đấy là tôi nghe ông Triệu Đức Thanh và thượng tá Vừ Mí Na trò chuyện với nhau như vậy. Ngoài 90 tuổi, đôi chân không còn khỏe để leo dốc đá, vượt đường trường nữa. Giờ đây, ông chỉ quanh quẩn trong căn phòng nhỏ trên gác. Ngay khi khỏe mạnh, những người từng tiếp xúc với ông đều chung nhận xét: ông sống an nhiên, tự tại, bình dị không một chút biểu hiện công thần.

Sinh năm 1929 ở xã Sà Phìn trên cao nguyên Đồng Văn, ngay từ nhỏ, ông Vừ Mí Kẻ đã có tiếng khỏe mạnh, thông minh. 15 tuổi, Vừ Mí Kẻ được vua Mèo Vương Chính Đức đưa về trông ngựa ở dinh thự. Khi 21 tuổi, Vừ Mí Kẻ làm Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến xã Sà Phìn quê hương ông. Năm 1957, huyện Đồng Văn (gồm cả Mèo Vạc, Yên Minh, một phần Quản Bạ bây giờ) thổ phỉ được các thế lực bên ngoài giúp đỡ đang manh nha bạo loạn.

Loạn phỉ nổi lên phá cuộc sống bình yên của nhân dân. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ cao nguyên Đồng Văn, ông Vừ Mí Kẻ vừa là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện vừa chỉ huy quân dân Đồng Văn tiễu phỉ. Cuối năm 1959, phỉ canh giữ cổng trời, đoàn cán bộ Trung ương và Liên khu ủy Việt Bắc, Quân khu Việt Bắc khi lên Phó Bảng (Đồng Văn) phải đi vòng từ Thanh Thủy mượn đường Vân Nam nước bạn Trung Hoa rồi vòng về Phó Bảng.

Trong đoàn từ Hà Nội lên Hà Giang đến thăm ông Vừ Mí Kẻ cuối năm 2020 có những người con gái của thượng tá Đặng Việt Hưng, cuối năm 1959 là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 246 – Liên khu Việt Bắc, chỉ huy tiễu phỉ ở Hà Giang. Nhắc đến Đặng Việt Hưng là ông Vừ Mí Kẻ nhớ ngay. Từ năm 1944, Đặng Việt Hưng cũng là người gây dựng cơ sở Việt Minh, đem ánh sáng của Đảng Cộng sản đến với Sà Phìn.

Quân phỉ do Vàng Chúng Dình chỉ huy tập trung 200 quân tấn công thị trấn Đồng Văn, rồi cô lập và chiếm giữ thị trấn. Trung đoàn trưởng Việt Hưng nai nịt lên Đồng Văn. Thấy dân chúng bỏ chạy trong hỗn loạn, ông hô to:

- Cư tì pê chỉ say! (Bà con ơi đừng sợ). Việt Hưng đây. Quân Việt Hưng không bắn vào nhân dân đâu. Chỉ say. (Đừng sợ). Việt Hưng đây...

Nghe tiếng ông, mấy người già đứng lại, họ giơ tay chới với trong không trung, miệng cũng gọi lại:

- Việt Hưng! Việt Hưng!

Trung đoàn trưởng nói thêm bằng tiếng Mông:

- Cư tì pê. (Quay về đi). Không đi theo bọn cầm súng, ra nơi chiến trận đạn lạc đấy. Đạn lạc thì tủa lớ. Mùa chế mùa chế lớ. (Chết đấy. Quay về nhà thôi).

Nghe tiếng Việt Hưng, đám đông xao xác, rồi mẹ dắt con, cháu dắt ông… lục tục quay về, không nghe theo những lời dọa nạt của quân phỉ.

Ông Vừ Mí Kẻ cũng nhớ chính cán bộ Việt Hưng đã tình nguyện ở lại trong dinh vua Mèo Vương Chính Đức làm con tin khi con trai vua Mèo là Tổ ty Vương Chí Sình về Hà Nội. Đó là những ngày Cách mạng Tháng 8 năm 1945…

Đã 75 năm qua rồi, trong ký ức của ông Vừ Mí Kẻ vẫn nhớ Vương Chí Sình thay mặt cha về Hà Nội diện kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh, Vừ Mí Kẻ được Vương cho đi tháp tùng.

Phiên tòa xét xử phỉ nổi loạn tại Đồng Văn năm 1959 – Tư liệu Bảo tàng Hà Giang.

Phiên tòa xét xử phỉ nổi loạn tại Đồng Văn năm 1959 – Tư liệu Bảo tàng Hà Giang.

Có nhiều tài liệu viết rằng, Vương Chí Sình thu gom tài sản tham gia tuần lễ vàng, ủng hộ Chính phủ kiến thiết quốc gia gồm 22 vạn đồng bạc Đông Dương và 9kg vàng. Việc áp tải số tài sản khổng lồ này về Hà Nội được cụ Vương Chính Đức tin tưởng giao cho Vừ Mí Kẻ. Rồi chàng thanh niên 17 tuổi đã vượt qua chặng đường gần 500km trong đó có tới gần 300km đường rừng núi đèo dốc nằm trong vùng hoạt động của các nhóm thổ phỉ còn sót lại sau Cách mạng, đưa số tài sản trên về tới Hà Nội an toàn, giao cho Chính phủ đầy đủ, không hề suy suyển…

Trước sự chứng kiến của ông Triệu Đức Thanh và những người con gái thượng tá Đặng Việt Hưng, tôi hỏi lại ông Vừ Mí Kẻ về chuyến áp tải tiền vàng này. Ông đáp:

- Tôi chỉ áp tải từ Sà Phìn - Đồng Văn về Hà Giang. Còn từ Hà Giang xuống Hà Nội là người khác, không phải tôi.

Ôi, đúng là huyền thoại. Ấy vậy mà không hiểu sao những thông tin truyền khẩu thất thiệt ấy đã vào sách báo để tuyên truyền mà bây giờ chỉ cần vào Google là đọc thấy rất nhiều tờ báo đăng lại…

Vị đại biểu độc đáo

Tại Lễ Kỷ niệm 70 ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam (6/1/1946 – 6/1/2016), ông Vừ Mí Kẻ đã chia sẻ với cán bộ và nhân dân tỉnh Hà Giang: “Tôi sinh ra ở một gia đình nông dân nghèo, tôi chẳng thể ngờ mình lại có thể trở thành đại biểu Quốc hội. Quê tôi ở xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn - một vùng đất rất nhiều gian khổ, nhưng luôn thắm thiết tình người. Nhờ có Đảng, có Bác Hồ, tôi được giác ngộ và đi theo cách mạng từ hồi niên thiếu”.

Ông Vừ Mí Kẻ phát biểu tại Lễ Kỷ niệm 70 năm Quốc hội (2015).

Ông Vừ Mí Kẻ phát biểu tại Lễ Kỷ niệm 70 năm Quốc hội (2015).

Được bầu làm đại biểu Quốc hội 6 khóa liền (từ khóa II đến khóa VII) trong gần 30 năm. Cách mạng đã dạy ông rất nhiều điều, tạo cho ông nhiều cơ hội vươn lên thành một cán bộ của Đảng và Nhà nước: Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính huyện Đồng Văn, Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang rồi Chủ tịch MTTQ tỉnh Hà Tuyên (nay là Hà Giang và Tuyên Quang).

“Nhiều lúc tôi nghĩ, nếu không có Đảng và Bác Hồ thì đời mình chắc sẽ mãi là người làm thuê, người Mông vùng cao sẽ suốt đời nghèo đói”, ông Vừ Mí Kẻ chia sẻ.

Năm 1960, ở tuổi 31, Vừ Mí Kẻ được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa II, đại diện cho nhân dân vùng cao nguyên đá Đồng Văn (mà bây giờ gồm cả huyện Đồng Văn, huyện Mèo Vạc, huyện Yên Minh và một phần huyện Quản Bạ). Năm đó, cả tỉnh Hà Giang có 5 đại biểu Quốc hội. Đồng bào các dân tộc thiểu số cao nguyên đá Đồng Văn có 2 đại diện là cụ Vương Chí Sình – 71 tuổi và ông Vừ Mí Kẻ. Cách mạng đã giúp những người như ông Vừ Mí Kẻ đổi đời. Ông không còn thân phận người ở nữa mà đã có quyền công dân ngang hàng với ông chủ năm xưa. Nhớ lại lần đầu tiên làm đại biểu Quốc hội, ông Vừ Mí Kẻ kể:

“Ông Vương Chí Sình lúc đó là người có thế lực ở Cao nguyên đá Đồng Văn. Việc tôi và ông ấy cùng ngồi ghế Quốc hội thực sự là một sự “đổi ngôi” đầy thú vị, bởi lẽ trước đó tôi từng là người làm thuê cho gia đình nhà Vương. Sự thay đổi vị trí đó là nhờ cách mạng đem lại, là biểu hiện sinh động của sự đổi đời của đồng bào Mông vùng cao Hà Giang”.

“Suốt mấy chục năm đi theo cách mạng, làm đại biểu của dân, làm cán bộ của Đảng và Nhà nước, tới chức Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang, tôi luôn ghi nhớ và làm theo những điều căn dặn của Bác Hồ trong những lần vinh dự được gặp Người. Bây giờ, khi đã về hưu, tôi thường đem chuyện đi họp Quốc hội được gặp Bác Hồ ra kể cho con cháu và anh em, bạn bè, đồng chí nghe. Hình ảnh đó sẽ mãi mãi là những kỷ niệm trong tâm trí và trái tim tôi. Tôi mong rằng các vị đại biểu quốc hội của tỉnh Hà Giang các khóa tiếp theo tiếp tục rèn luyện, phấn đấu nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, trình độ chuyên môn và luôn sâu sát cơ sở lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân để phản ánh với Đảng, Nhà nước, giúp đỡ tỉnh Hà Giang ngày càng phát triển”.

(Ông Vừ Mí Kẻ)

Xem thêm
Việt Nam chưa đủ thông tin đánh giá tác động của dự án Funan Techo

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định Việt Nam chưa đủ thông tin để có thể đánh giá tác động của dự án Funan Techo.

Cứu hộ vượn đen má hung cực kỳ quý hiếm

Vườn quốc gia Cúc Phương vừa cứu hộ an toàn 1 cá thể vượn cực kỳ quý hiếm từ người dân tại Hải Phòng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hà Nội công bố số lượng học sinh dự tuyển vào lớp 10

Toàn thành phố Hà Nội có hơn 106.000 học sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10 công lập năm học 2024 - 2025.

Bình luận mới nhất