Được mùa, được giá
Tính đến trung tuần tháng 12, hầu hết các nhà máy đường trên cả nước đã công bố giá thu mua mía vụ 2021-2022. Với mức tăng từ 100.000 – 200.000 đồng/tấn, cộng thêm điều kiện thời tiết thuận lợi giúp mía đạt năng suất cao, nhiều nông dân sẽ có một mùa mía ngọt.
Là vùng nguyên liệu mía lớn nhất cả nước, Tây Ninh bắt đầu vụ thu hoạch tương đối sớm. Vào đầu tháng 11, nhà máy đường TTC Sugar đã tổ chức hội nghị nông dân và đưa ra những thông tin tích cực về giá thu mua mía dự kiến. Đến đầu tháng 12, công ty chính thức công bố bảng giá mía với mức cao nhất lên đến 1,34 triệu đồng/tấn và thấp nhất là 1,07 triệu đồng/tấn mía sạch tại bàn cân nhà máy. Nhìn chung, so với vụ thu hoạch trước thì giá mía mà TTC Sugar đưa ra cho vụ 2021-2022 này đã tăng khoảng 20%, và đây cũng là mức giá cao nhất trong 3 năm trở lại.
Đối với khu vực Tây Nguyên, nơi cây mía có vai trò kinh tế quan trọng, mang lại sinh kế cho nhiều hộ nông dân ít đất, đặc biệt người đồng bào dân tộc thiểu số, thì thông tin giá mía tăng trong những ngày cuối năm cũng đã giúp người dân thêm phấn khởi. Tại Gia Lai, địa phương đang sở hữu vùng nguyên liệu mía hơn 10.000 hecta, giá mua mía bình quân 1,16 triệu đồng/tấn trong vụ này đã giúp nhiều hộ nông dân dù chỉ canh tác 5 - 12 hecta nhưng sau khi trừ đi chi phí, thu nhập đạt từ 250 triệu - 800 triệu đồng. Một số hộ khác không bán mía nguyên liệu mà chỉ bán giống cũng đã có lãi khoảng 40 triệu đồng/hecta, đây được xem là một mức thu nhập cao xét trong mặt bằng kinh tế địa phương còn nhiều khó khăn.
Khu vực phía Bắc, các doanh nghiệp mía đường cũng nâng giá thu mua mía lên từ 100.000 đến 200.000 đồng/tấn. Tính theo giá tại ruộng, nhà máy NASU (Thanh Hóa) thông báo giá thu mua cơ bản là 1,07 triệu đồng/tấn mía 10 CCS, nhà máy đường Cao Bằng tùy theo giống mía và chất lượng sẽ thu mua ở mức 930.000 – 1 triệu đồng/tấn. Đối với nhà máy đường Sơn La, tuy chỉ thu mua ở mức 880.000 đồng/tấn nhưng mức giá này cũng đã cao hơn vụ 2020-2021.
Các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, bên cạnh giá thu mua tăng thì nhờ tình hình thời tiết thuận lợi, năng suất các diện tích mía tại Ninh Thuận và Khánh Hòa cũng tăng lên rõ rệt. Thống kê những ngày đầu thu hoạch cho thấy, năng suất mía bình quân tại Phan Rang đã tăng vượt bậc, từ mức dưới 50 tấn/ha vụ 2020-2021 lên 64 tấn/ha. Đây là một thành công lớn đến từ sự phối hợp giữa bà con nông dân và nhà máy đường Biên Hòa – Phan Rang, đặc biệt là với chính sách đầu tư ứng vốn và tư vấn kỹ thuật thâm canh. Còn tại Ninh Hòa, nhờ mạnh dạn sử dụng các kỹ thuật canh tác mới, trong đó có việc ứng dụng chế phẩm kích thích tăng chữ đường cây mía, kết quả khảo sát ước sản lượng cũng cho thấy vụ thu hoạch năm nay cũng sẽ là một vụ mùa bội thu cho bà con nông đân.
Người trồng mía phấn khởi
Nhìn lại năm 2021 đã qua, trong khi nhiều cây trồng khác lâm vào cảnh lao đao, đặc biệt là giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9 khi dịch bệnh Covid-19 bước vào đỉnh điểm, thì đối với cây mía, khó khăn hầu như không đáng kể. Do tình hình nhu cầu thị trường giảm sút, vận chuyển khó khăn, quy định giãn cách khiến thương lái không thể tiếp cận, nhiều nông dân trồng lúa, hoa màu, cây ăn quả đã phải chịu cảnh mất giá, nông sản không bán được. Tuy nhiên, đặc thù của ngành mía đường là sản phẩm gia vị nguyên liệu cơ bản, có sức tiêu thụ lớn, được mua bán trên các sàn giao dịch quốc tế và đặc biệt là được các nhà máy bao tiêu toàn bộ đầu ra, người trồng mía đã tránh được tối đa thiệt hại từ đợt bùng phát dịch Covid-19.
Với tình hình thị trường mía đường hồi phục, giá mía vụ thu hoạch 2021-2022 tăng, cộng thêm điều kiện thời tiết thuận lợi, năng suất cao, nhiều nông dân đang rất phấn khởi khi dự kiến sẽ thu về từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng từ cây mía. Và để đón đầu đà hồi phục của toàn ngành mía đường thế giới trong 3 năm tới, nhiều hộ đã quyết định mở rộng diện tích trồng mía.
Tại Tây Ninh, một số nông dân ở khu vực huyện Châu Thành đã mạnh dạn đầu tư thuê đất bên phía Campuchia để trồng mía, đồng thời đầu tư mua sắm thiết bị, đẩy mạnh cơ giới hóa đồng ruộng. Với diện tích canh tác lên đến hàng trăm hecta, đây cũng là dịp để các “doanh nông” này tái cơ cấu lại tỷ trọng các loại cây trồng, giảm bớt những cây trồng bấp bênh, thiếu hiệu quả và tăng tỷ lệ cây mía trên tổng diện tích đất. Tại Gia Lai, do tình hình thời tiết bất lợi khiến năng suất và chữ bột giảm mạnh, một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số cũng quyết định thay cây mì bằng cây mía để đảm bảo thu nhập. Xu hướng trên cũng diễn ra ở Đắk Lắk, Ninh Thuận và Khánh Hòa.
Tuy nhiên, bên cạnh lợi nhuận tốt thì lý do khiến nhiều hộ nông dân quyết định lựa chọn cây mía trong 3 năm tới là vì chính sách đầu tư ứng vốn và “bảo hiểm giá mía” của các nhà máy đường. Theo tình hình tăng giá phân bón như hiện nay, nếu không có các gói đầu tư, hỗ trợ từ nhà máy thì nông dân sẽ không đủ nguồn lực để trồng và thâm canh, tăng năng suất. Với hình thức ứng vốn bằng vật tư nông nghiệp trong đó có phân bón và đảm bảo mức giá mua mía tối thiểu trong 3 vụ thu hoạch tới, người trồng mía có ký hợp đồng với nhà máy sẽ hạn chế được phần nào rủi ro khi giá phân bón tiếp tục tăng cao. Điều này rất có ý nghĩa đối với những hộ nông dân nhỏ, giúp đảm bảo hiệu quả canh tác trong điều kiện thị trường vật tư biến động mạnh.
Sau 3 vụ liên tiếp khó khăn, đến nay, có thể nói ngành mía đường đã chính thức phục hồi, đưa cây mía trở lại đúng giá trị vốn có. Bằng những thế mạnh riêng, cây mía sẽ tiếp tục là cây trồng quan trọng tại nhiều địa phương, mang lại nguồn thu nhập ổn định và cơ hội làm giàu cho nhiều nông dân.