| Hotline: 0983.970.780

Vụ vải thiều Lục Ngạn sớm 'về đích' thắng lợi

Thứ Hai 03/07/2023 , 06:59 (GMT+7)

BẮC GIANG Nhờ đa dạng nhiều kênh tiêu thụ quả tươi và chế biến sâu, vụ thu hoạch, tiêu thụ vải thiều 2023 của Lục Ngạn (Bắc Giang) hiện đã cơ bản "về đích" thắng lợi.

Vụ thu hoạch vải thiều ở Lục Ngạn (Bắc Giang) đang về cuối vụ và năm nay được đánh giá là tiêu thụ thuận lợi, nhanh hơn mọi năm. Với diện tích vải toàn huyện Lục Ngạn hơn 17,3 nghìn ha (tăng hơn 1,6 nghìn ha so với năm 2022), sản lượng ước đạt 98 nghìn tấn, việc lên các phương án tiêu thụ vải thiều luôn được ngành chức năng và địa phương quan tâm như: Đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, xuất khẩu, qua kênh thương mại điện tử, sấy khô, chế biến và đặc biệt năm nay hình thức bán tại vườn cho khách du lịch thu được nhiều kết quả hơn.  

Năm nay, các lò sấy giúp tiêu thụ đáng kể lượng vải thiều cho Lục Ngạn. Ảnh: Nguyễn Hưởng.

Năm nay, các lò sấy giúp tiêu thụ đáng kể lượng vải thiều cho Lục Ngạn. Ảnh: Nguyễn Hưởng.

Vải chế biến hút hàng

Toàn huyện Lục Ngạn hiện có hơn 3 nghìn lò sấy vải của người dân và dự kiến sẽ sấy khoảng 9,5 nghìn tấn bằng phương pháp lò than, 500 tấn bằng lò điện, lò hơi. Ngoài ra sẽ bảo quản lạnh, chế biến công nghiệp khoảng 3,2 nghìn tấn.

Những ngày này, bên cạnh việc tích cực thu hoạch quả vải tươi tiêu thụ ở thị trường trong nước và xuất khẩu, các lò sấy vải cũng tăng công suất hoạt động để giúp giảm bớt sức ép về mùa vụ. Tại xã Thanh Hải (Lục Ngạn), từ nhiều năm nay ông Nguyễn Ngọc Lân ở xã Phương Chiểu, TP Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên) đã thuê đất làm lò sấy vải với công suất 9 đến 10 tấn/ngày.

Ông Lân cho biết: “Năm nay vải được mùa, quả chắc đẹp, chín đều nên chất lượng vải sấy bảo đảm. Do lò sấy nằm gần khu vực trồng nhiều vải thiều, người dân chở ra bán rất thuận tiện, chủ lò không phải đi gom hàng ở các mối. Hiện tôi thuê 14 nhân công ở nhiều tỉnh, vải sấy xong ra lò mẻ nào được bán hết mẻ ấy”.

Ở huyện Lục Ngạn, gia đình ông Vi Thành Luân ở thôn Hăng Bông, xã Hồng Giang là một trong số ít hộ thực hiện sấy vải bằng lò công nghệ (sấy điện). Với 2 lò sấy được đầu tư khoảng 600 triệu đồng, công suất 12 tấn/mẻ, vụ này ông Luân dự kiến sấy khoảng 200 tấn quả.

Việc đa dạng các kênh phục vụ chế biến sâu đã giúp giảm áp lực cho tiêu thụ vải thiều quả tươi. Ảnh: Nguyễn Hưởng.

Việc đa dạng các kênh phục vụ chế biến sâu đã giúp giảm áp lực cho tiêu thụ vải thiều quả tươi. Ảnh: Nguyễn Hưởng.

“Năm nay mặt hàng vải sấy tiếp tục có tín hiệu lạc quan nên từ đầu vụ đến nay gia đình đã tập trung vốn thu mua vải tươi của bà con với giá từ 8 đến 9 nghìn đồng/kg và sấy được hơn 100 tấn. Hiện vải sấy có giá từ 45 đến 50 nghìn đồng/kg. So với sấy bằng lò than, sấy điện cho chất lượng cùi vải dẻo, thơm ngon hơn”, ông Luân nói.

Thời điểm này, tại Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu, xã Phượng Sơn (Lục Ngạn) cũng đang tăng cường thu mua vải thiều của bà con để phục vụ cho chế biến các sản phẩm như nước ép, vải đông lạnh và đóng hộp...

Năm nay doanh nghiệp này có kế hoạch thu mua 2 nghìn tấn vải nguyên liệu để chế biến. Ngoài những công nghệ, thiết bị trước đây, Công ty đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng ứng dụng công nghệ đóng gói khí quyển đạt tiêu chuẩn quốc tế với ưu điểm kéo dài thời gian bảo quản và tăng độ tươi ngon của các sản phẩm chế biến.

Bên cạnh hoạt động thu mua vải thiều bán tại các chợ, nhiều thương nhân còn gom hàng cung cấp cho các nhà máy chế biến hoa quả trong nước. Đơn cử như vào các buổi chiều muộn, thương nhân nhiều nơi đổ về bờ đập Cấm Sơn thuộc địa phận thôn Đồng Thủy, xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng (tỉnh Lạng Sơn) để thu mua vải thiều của người dân vùng lòng hồ Cấm Sơn mang đi tiêu thụ ở các nhà máy nước ép hoa quả, lò sấy vải tại tỉnh Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên... Mỗi ngày có hàng chục tấn quả vải của bà con vùng lòng hồ được cung cấp cho các nhà máy chế biến và lò sấy ngoài tỉnh.  

Vải thiều được chế biến đóng hộp. Ảnh: Nguyễn Hưởng.

Vải thiều được chế biến đóng hộp. Ảnh: Nguyễn Hưởng.

Coi trọng tất cả thị trường

Huyện Lục Ngạn ước tính vụ vải năm nay sẽ tiêu thụ 78,3 nghìn tấn vải thiều tươi (trong nước 35 nghìn tấn, xuất khẩu 43,3 nghìn tấn). Tính đến ngày 30/6, tổng số điểm cân vải cố định là 235 điểm lớn nhỏ, đã tiêu thụ được hơn 80% sản lượng. Vải được tiêu thụ tại thị trường phía Bắc, chủ yếu ở Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Hà Nam, Hưng Yên, Thanh Hóa...; các tỉnh, thành phía Nam như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… và xuất khẩu sang thị trường các nước Trung Quốc, Campuchia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Thái Lan...

Đối với thị trường trong nước, huyện đã sớm kết nối, xúc tiến thương mại với những tập đoàn phân phối, chợ đầu mối, doanh nghiệp, thương nhân, sàn thương mại điện tử để bao tiêu sản phẩm. Các nhà phân phối, tập đoàn bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam như Saion Co.op, Go!, BigC, Tops Market, Co.opmart hay MM Mega Market đã và đang tích cực tham gia tiêu thụ vải thiều.

Ngoài ra, huyện chú trọng bán vải qua các kênh thương mại điện tử, mạng xã hội (dự kiến khoảng 7 nghìn tấn). Nhiều HTX đã tham gia bán được số lượng lớn vải qua mạng xã hội và nền tảng thương mại điện tử như: HTX Lục Ngạn xanh, HTX Nông sản sạch Bình Nguyên, HTX Nông nghiệp - Sản xuất và Kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân, HTX Nông nghiệp sạch Hoàng Vũ…

Việc tăng cường thương mại điện tử và chế biến sâu đã góp phần giảm nhiều sức ép tiêu thụ trực tiếp tại các điểm thu mua. Ảnh: Nguyễn Hưởng.

Việc tăng cường thương mại điện tử và chế biến sâu đã góp phần giảm nhiều sức ép tiêu thụ trực tiếp tại các điểm thu mua. Ảnh: Nguyễn Hưởng.

Đặc biệt, năm nay Lục Ngạn có đổi mới trong việc tổ chức các sự kiện truyền thông về vải thiều, tạo được dấu ấn và thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân đến tham quan, mua sản phẩm tại vườn. Ông Ngô Văn Hùng, thôn Cầu Đền, xã Thanh Hải cho biết: “Gia đình tôi có hơn 2ha vải sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, hiện gia đình bán được hơn 2 tấn nhưng chưa phải chở sọt nào ra chợ bán mà chủ yếu bán cho khách du lịch và khách quen đặt hàng làm quà biếu với giá bán cao hơn so với tại điểm cân”.

Tương tự, HTX Sản xuất nông nghiệp - Du lịch sinh thái Giáp Sơn ở thôn Chão (xã Giáp Sơn) liên kết với Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phúc Lâm bao tiêu được 20 tấn vải đến thị trường Hà Nội, TP.HCM cũng như khách du lịch đến mua tại vườn.

Theo ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn: Với phương châm coi trọng tất cả thị trường, huyện Lục Ngạn đã triển khai nhiều giải pháp xúc tiến tiêu thụ, quảng bá sản phẩm như: Xúc tiến, quảng bá tiêu thụ vải thiều đến thị trường trong và ngoài nước, mời gọi thương nhân, các doanh nghiệp lớn, chủ lò sấy tham gia tiêu thụ, chế biến.

Năm nay, Lục Ngạn lần đầu tiên tổ chức bài bản hoạt động du lịch mùa vải thiều, qua đó đã mở ra kênh tiêu thụ và hướng đi mới. Ảnh: Nguyễn Hưởng.

Năm nay, Lục Ngạn lần đầu tiên tổ chức bài bản hoạt động du lịch mùa vải thiều, qua đó đã mở ra kênh tiêu thụ và hướng đi mới. Ảnh: Nguyễn Hưởng.

Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tham gia chế biến và tiêu thụ vải thiều. Chủ động thành lập các đoàn công tác khảo sát, tìm hiểu thị trường và kết nối thương mại tại tỉnh Quảng Tây và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); đến khảo sát, trao đổi thông tại chợ đầu mối ở TP.HCM và tỉnh Đồng Nai. Quan tâm tuyên truyền để người dân thực hiện nghiêm các yêu cầu, tiêu chuẩn về quy cách thu hoạch, sơ chế, đóng gói sản phẩm trước khi bán…

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, hiện nay vải thiều Lục Ngạn vẫn chủ yếu xuất khẩu quả tươi, một số ít được chế biến đóng hộp, ép nước và sấy khô với sản lượng, chất lượng qua chế biến vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Năng lực trong việc tiếp cận, đàm phán, ký kết hợp tác để xuất khẩu vải thiều của các doanh nghiệp, HTX của huyện, tỉnh sang các thị trường nước ngoài còn hạn chế. Khắc phục được những hạn chế này chắc chắn bước vào những mùa vụ sau, thị trường tiêu thụ của vải thiều sẽ bền vững và ổn định hơn.

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.