| Hotline: 0983.970.780

Lần đầu tổ chức du lịch vải thiều: Lục Ngạn kỳ vọng đón 100.000 lượt khách

Thứ Ba 27/06/2023 , 09:24 (GMT+7)

BẮC GIANG Năm nay, lần đầu tiên Lục Ngạn (Bắc Giang) tổ chức chương trình du lịch 'Lục Ngạn mùa vải chín' với sự tổ chức bài bản và tham gia của nhiều đơn vị lữ hành.

Du khách thích thú trải nghiệm giữa vườn vải thiều chín. Ảnh: Nguyễn Hưởng.

Du khách thích thú trải nghiệm giữa vườn vải thiều chín. Ảnh: Nguyễn Hưởng.

Phát triển du lịch mùa vải trên đất Lục Ngạn (Bắc Giang) đã được thực hiện từ những năm trước, song có thể nói từ nền tảng ấy, năm nay, với cách làm bài bản, đa dạng và nhiều nét mới nên đã tạo sự hấp dẫn, sức lan tỏa mạnh mẽ hơn. Những thành công trong việc xây dựng, phát triển tour du lịch mùa vải thiều sẽ góp phần quan trọng để huyện khai thác có hiệu quả tiềm năng, nâng giá trị quả vải.

100 nghìn đồng, trải nghiệm vườn và ăn vải thỏa thích

Mùa thu hoạch vải thiều đang bước vào chính vụ, những ngày này lên Lục Ngạn ai cũng cảm thấy choáng ngợp bởi không gian tràn ngập màu đỏ của vải chín trên những vườn đồi. Với chủ đề “Lục Ngạn mùa vải chín”, địa phương kỳ vọng sẽ đón khoảng 100 nghìn lượt khách, tạo ra điểm nhấn trong phát triển du lịch. Trong đó trọng tâm là tổ chức các tour du lịch trải nghiệm vườn vải kết hợp tham quan hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần, chùa Am Vãi, suối và núi rừng vùng cao.

Những năm trước, vườn cây vải của HTX Sản xuất nông nghiệp - Du lịch sinh thái Giáp Sơn ở thôn Chão, xã Giáp Sơn (Lục Ngạn) là địa chỉ tham quan của nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế. HTX nổi tiếng với bí quyết chăm sóc cây vải thiều ra hoa, đậu quả trên thân cây. Do vải được sản xuất đạt tiêu chuẩn chất lượng nên tiêu thụ thuận lợi với giá cao.

Năm nay, HTX kết hợp với Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phúc Lâm tổ chức tour du lịch vườn vải thiều GlobalGAP. Tham gia tour, du khách được thăm vườn vải rộng 2ha và nhiều nhà vườn lân cận để tìm hiểu quy trình sản xuất, thoải mái hái những quả vải chín mọng thưởng thức và chụp ảnh lưu niệm, mua vải làm quà biếu.

Du khách tham quan vườn vải thiều tại xã Thanh Hải (Lục Ngạn). Ảnh: Nguyễn Hưởng.

Du khách tham quan vườn vải thiều tại xã Thanh Hải (Lục Ngạn). Ảnh: Nguyễn Hưởng.

Trước đó, khi vải nở hoa, đơn vị lữ hành này đã từng đưa khách ở Hà Nội tới đây, du khách thỏa thích ngắm mùa hoa vải thiều nở rộ, dựng lều cắm trại dưới tán cây. Ngoài thăm vườn, chụp ảnh, du khách còn được trải nghiệm thu hoạch mật ong nguyên chất, có 14 cây vải đã được mua với giá hơn 10 triệu đồng/cây để khi vải chín sẽ lên thu hoạch.

Chị Trương Thị Bẩy, Giám đốc HTX cho hay: “HTX có hơn 2ha vải trồng theo quy trình GlobalGAP với sản lượng khoảng 30 tấn, dịp này tiếp tục được chọn là một trong những điểm đến trong hành trình tham quan, khám phá mùa vải thiều.

Từ đầu tháng 5 đến hết tháng 7, tour du lịch vải thiều sẽ càng hấp dẫn khi vườn quả trĩu trịt chín đỏ, du khách thoải mái thu hoạch, thưởng thức. Ý thức được việc kết hợp sản xuất gắn với làm du lịch, chúng tôi sẽ tận tình làm hướng dẫn viên và phục vụ ăn uống tại chỗ. Để du khách thoải mái dạo chơi trong vườn, đơn vị lữ hành đã hỗ trợ HTX xây dựng các chòi nghỉ chân, bàn ghế và lắp đặt dàn phun sương chạy quanh vườn để khách bớt cảm thấy nóng bức khi thăm thú vườn đồi”.

Theo tour du lịch được thiết kế, chỉ với 100 nghìn đồng khi mua vé trực tiếp tại vườn, du khách có thể tham gia trải nghiệm vườn vải, tự do ăn vải thỏa thích, tham quan, trải nghiệm những hoạt động thú vị và lưu giữ kỷ niệm tại nhiều góc đẹp. Ngoài ra còn có tour trải nghiệm hái vải ban đêm với giá 500 nghìn đồng, khách sẽ được ăn “buffet vải”, ăn tối cùng các bác nông dân và nghỉ qua đêm tại nhà dân. Cùng với đó là tổ chức cuộc thi ảnh “Đại sứ vải thiều” với nhiều phần thưởng hấp dẫn…

Chỉ với 100 nghìn đồng, du khách có thể thỏa thích thưởng thức vải và tham quan trải nghiệm ở vườn vải. Ảnh: Nguyễn Hưởng.

Chỉ với 100 nghìn đồng, du khách có thể thỏa thích thưởng thức vải và tham quan trải nghiệm ở vườn vải. Ảnh: Nguyễn Hưởng.

“Không gian ở đây xanh mát, dễ chịu, mang tới cảm giác bình yên cho nhiều người. Đây là dịp để chúng tôi và con tìm hiểu về quy trình kỳ công làm ra những trái vải sạch, thơm ngon. Hành trình tuyệt vời này rất thích hợp cho những ai yêu thích thiên nhiên, mong muốn khám phá vẻ đẹp của miền quê Việt Nam nói chung và tại Bắc Giang nói riêng", anh Lê Anh Tuấn, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Tuyết, đơn vị tổ chức tour du lịch cho biết: "Tôi sinh ra lớn lên ở Bắc Giang và đã từng được thưởng thức những trái vải ở Mexico, Úc, Trung Quốc... nhưng hiếm nơi nào có được hương vị thơm ngon như vải thiều Lục Ngạn. Ở nước ngoài, họ đã rất thành công phát triển các tour thăm vườn nho, cherry... Nhận thấy tiềm năng ở Lục Ngạn rất lớn, tôi ấp ủ giấc mơ thực hiện tour du lịch vườn vải thiều để giới thiệu loại đặc sản này đi xa hơn nữa".

Kết hợp du lịch vườn vải với ẩm thực và các tour trải nghiệm

Trên địa bàn huyện Lục Ngạn hiện có gần 20 HTX kinh doanh dịch vụ du lịch. Trước mùa vải chín, huyện đã khảo sát, lựa chọn điểm du lịch, các HTX và nhà vườn có cảnh đẹp, sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP với diện tích lớn, vườn quả sai, đi lại thuận tiện; chủ nhà thân thiện, nhiệt tình. Trong đó tập trung vào các xã có nhiều nhà vườn đẹp như Thanh Hải, Quý Sơn, Tân Sơn, Giáp Sơn, Hộ Đáp, Nam Dương, Trù Hựu, Phượng Sơn…

Lục Ngạn cũng chọn một số đơn vị từng đón tiếp và tổ chức nhiều sự kiện như: HTX Dịch vụ du lịch Văn hóa Đông Bắc (thị trấn Chũ), HTX Nông sản sạch Bình Nguyên và HTX Du lịch Đồng Dao (xã Quý Sơn),  HTX Sản xuất nông nghiệp và Thương mại Du lịch Thanh Hải (xã Thanh Hải), HTX Lục Ngạn xanh (xã Đồng Cốc)…

Dù là năm đầu tổ chức mùa du lịch vải thiều, song đã thu hút đông đảo du khách tới tham quan, trải nghiệm tại Lục Ngạn. Ảnh: Nguyễn Hưởng.

Dù là năm đầu tổ chức mùa du lịch vải thiều, song đã thu hút đông đảo du khách tới tham quan, trải nghiệm tại Lục Ngạn. Ảnh: Nguyễn Hưởng.

Thời điểm này, các HTX đã hoàn thiện nhiều hạng mục cơ sở vật chất đón tiếp khách và đang tích cực quảng bá, liên kết với các nhà vườn, công ty lữ hành đưa khách đến. Ông Vũ Nguyên Bình, Phó Giám đốc HTX Nông sản sạch Bình Nguyên cho biết: "Chuẩn bị cho mùa du lịch năm nay, một số đơn vị lữ hành tại Hà Nội và TP Bắc Giang đã kết nối, lên lịch đưa khách đến nhà vườn.

Bên cạnh các nhà chòi, vườn hoa, cây cảnh được đầu tư chăm sóc trước đây, HTX vừa xây dựng  thêm nhà cộng đồng rộng rãi làm nơi tổ chức các sự kiện sinh hoạt văn hóa, ẩm thực, đồng thời tuyển thêm đầu bếp, nhân viên phục vụ”.

Chị Phương Thị Lý, Phó Giám đốc HTX Du lịch tổng hợp Sơn Hải nói: “Chúng tôi đã chủ động xây dựng lịch trình tham quan của khách, tổ chức quay clip, chụp ảnh đăng bài lên mạng xã hội và đã nhận được nhiều hợp đồng phục vụ cả khách trong và ngoài tỉnh.

Theo đó sau khi tham quan, trải nghiệm vườn vải tại xã Thanh Hải, mọi người sẽ di chuyển bằng thuyền ra đảo nổi trên hồ Cấm Sơn để ăn nghỉ tại đây với các món ăn dân dã như cá hồ, gà đồi, thịt nướng, canh chua... Một số đơn vị lữ hành cũng như đoàn khách lẻ đã đăng ký sử dụng dịch vụ của chúng tôi”.

Tương tự, HTX Thương mại Du lịch Trù Hựu từ đầu tháng đến nay đã đón tiếp, phục vụ hàng chục đoàn, trong đó có đoàn ở miền Nam.

Kinh nghiệm năm nay sẽ giúp Lục Ngạn đầu tư bài bản để khai thác tiềm năng du lịch vườn vải trong những năm tới. Ảnh: Nguyễn Hưởng.

Kinh nghiệm năm nay sẽ giúp Lục Ngạn đầu tư bài bản để khai thác tiềm năng du lịch vườn vải trong những năm tới. Ảnh: Nguyễn Hưởng.

Giúp nông dân tiếp cận dần với cách làm du lịch

Lục Ngạn được biết đến là vựa cây ăn quả lớn của miền Bắc, trong đó vải thiều là cây chủ lực có thương hiệu từ lâu. Năm 2023, diện tích vải thiều toàn huyện hơn 17 nghìn ha, sản lượng khoảng 98 nghìn tấn. Hiện nay, phần lớn người dân Lục Ngạn chăm sóc cây vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Ông Trương Văn Năm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Lục Ngạn cho biết: Việc gắn sản xuất với tiêu thụ vải thiều và phát triển du lịch sẽ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm. Năm nay, lần đầu tiên địa phương tổ chức chương trình du lịch “Lục Ngạn mùa vải chín” tại điểm du lịch Bầu Tiên (xã Quý Sơn) với nhiều hoạt động mới như tổ chức thi hái, bó và đóng vải; chế biến, trưng bày các sản phẩm, món ăn, đồ uống từ vải kết hợp trưng bày các sản phẩm đặc trưng để du khách tham quan, thưởng thức.

Cơ quan chức năng của huyện đã thành lập các tổ hướng dẫn viên, thuyết minh viên am hiểu lịch sử vùng đất, con người và quy trình sản xuất vải để giới thiệu đến khách du lịch. Tuyên truyền đến cán bộ, công chức và nhân dân về lợi ích của du lịch trong phát triển kinh tế và tiêu thụ nông sản hàng hóa. Yêu cầu thực hiện quy tắc ứng xử văn minh, thân thiện...

Lục Ngạn sẽ từng bước trang bị cách làm du lịch cho các nhà vườn trồng vải. Ảnh: Nguyễn Hưởng.

Lục Ngạn sẽ từng bước trang bị cách làm du lịch cho các nhà vườn trồng vải. Ảnh: Nguyễn Hưởng.

Các nhà vườn thu phí rõ ràng, bán hàng bảo đảm chất lượng, giá cả hợp lý. Đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, trồng hoa, quét dọn vườn đồi sạch đẹp, bố trí bàn ghế, mắc võng để du khách thư giãn… Hướng dẫn các địa phương, HTX xây dựng sản phẩm, lịch trình tour, tuyến gắn việc trải nghiệm vườn vải…

Cũng theo ông Trương Văn Năm, vấn đề hạn chế của du lịch Lục Ngạn đó là đường giao thông kết nối tới các nhà vườn nhỏ hẹp, các xe du lịch lớn hầu như khó tiếp cận. Cùng đó, mùa thu hoạch vải thiều diễn ra trong khoảng thời gian ngắn và nắng nóng. Để khắc phục, một số HTX đã sử dụng phương tiện thô sơ như xe trâu, xe bò được trang trí thân thiện phục vụ vận chuyển khách quãng đường gần, đầu tư lắp đặt hệ thống chống nắng nóng.

Theo ông Đỗ Tuấn Khoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang: Lục Ngạn có nhiều tiềm năng, thế mạnh cho phát triển du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm vườn đồi, nhất là mùa vải thiều.

Để hỗ trợ địa phương trong dịp này, Sở đã chủ động thông tin, kết nối với các đơn vị lữ hành đưa khách đến trải nghiệm các tuor du lịch tham quan vườn vải. Trong năm nay, Sở sẽ tổ chức 3 lớp tập huấn chuyên môn, kỹ năng làm du lịch cho thành viên các tổ dịch vụ, HTX du lịch tại Lục Ngạn. Cùng đó, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Sở tăng cường phối hợp xây dựng các clip, hình ảnh, tuyên truyền mùa du lịch vải thiều trên các phương tiện truyền thông cũng như mạng xã hội. 

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.