| Hotline: 0983.970.780

Vụ xe chở lợn nhiễm dịch đi tiêu thụ: Sở NN-PTNT Thanh Hóa đề nghị công an vào cuộc

Thứ Hai 06/05/2019 , 19:02 (GMT+7)

Trong ngày 4/5, Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa phối hợp với lực lượng chức năng bắt 5 xe vận chuyển lợn vào Thanh Hóa và các tỉnh khác tiêu thụ.

2 xe chở lợn bị bắt giữ tại Trạm Kiểm dịch Dốc Xây. (Ảnh: VD).

Nhiều mẫu xét nghiệm từ những xe vận chuyển này dương tính với virus dịch tả lợn Châu Phi và nghi ngờ sử dụng giấy kiểm dịch giả. Sở NN-PTNT Thanh Hóa đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh, đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ.

Ngày 4/5, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm soát vận chuyển qua Trạm Kiểm dịch động vật Dốc Xây (thị xã Bỉm Sơn), ca trực nhận thấy số xe vận chuyển lợn qua Trạm có nguồn gốc trên giấy tờ từ tỉnh Hà Nam vào địa bàn tỉnh Thanh Hóa tăng so với ngày thường.

Lúc 16h00 cùng ngày, lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra xe ô tô mang biển số 90C-024.81 chở lợn đi qua trạm. Lái xe cung cấp giấy Chứng nhận kiểm dịch động vật chuyển ra khỏi địa bàn tỉnh Hà Nam đến Nghệ An, số 03301/CN-KDĐV-UQ ngày 4/5/2019 có tên Kiểm dịch viên Hoàng Văn Bình, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nam ký cấp, trên xe có vận chuyển 11 con lợn (thiếu 1 con so với Giấy Kiểm dịch động vật là 12 con lợn).

Tiếp đó, vào lúc 20h00 ngày 4/5, lực lượng chức năng tiếp tục kiểm tra xe ô tô biển số 47C-046.88 có chở lợn đi qua trạm. Lái xe cung cấp giấy Chứng nhận kiểm dịch động vật chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh Hà Nam đến tỉnh Đồng Nai, số 03311/CN-KDĐV-UQ ngày 4/5/2019 cũng có tên Kiểm dịch viên Hoàng Văn Bình, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nam ký cấp, trên xe có vận chuyển 220 con lợn.

Sau khi lấy mẫu xét nghiệm gửi cơ quan thú y Vùng III, Chi cục Thú y Thanh Hóa đã làm việc với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Nam để xác minh về hồ sơ chứng nhận kiểm dịch. Ông Hoàng Văn Bình - Kiểm dịch viên thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Nam cam kết đây không phải là giấy Chứng nhận kiểm dịch do mình cấp.

Sau khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm của 2 xe vận chuyển lợn trên tại Trạm Kiểm dịch Động vật Dốc Xây, Sở NN-PTNT Thanh Hóa tiếp tục chỉ đạo Chi cục Thú y Thanh Hóa phối hợp với Công an tỉnh Thanh Hóa, UBND huyện Tĩnh Gia, mở rộng kiểm tra phát hiện thêm có 2 xe vận chuyển lợn (trên giấy tờ ghi vận chuyển từ Hà Nam, Nam Định) về địa bàn 2 xã Thanh Sơn, xã Triêu Dương, huyện Tĩnh Gia.

Cơ quan chức năng tiêu hủy số lợn trên 5 xe chở lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi. (Ảnh: VD).

Ông Hoàng Ngọc Cường ở thôn Trung Sơn, xã Thanh Sơn cho biết, ngày 4/5/2019 ông có mua 50 con lợn từ Hà Nam đem về địa phương để bán cho các điểm giết mổ. Đến thời điểm kiểm tra tổng đàn lợn tại gia đình là 32 con. Ông Cường cung cấp giấy Chứng nhận kiểm dịch động vật chuyển ra khỏi địa bàn tỉnh Hà Nam đến Thanh Hóa, số 03297/CN-KDĐV-UQ ngày 4/5/2019 có tên Kiểm dịch viên của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nam ký cấp.

Tuy nhiên, đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Nam khẳng định không cấp giấy Chứng nhận Kiểm dịch động vật trên để vận chuyển lợn ra khỏi địa bàn tỉnh.

Còn ông Lê Đình Hào ở thôn Thanh Cao, xã Triêu Dương cho biết, ngày 3/5/2019 ông có mua 31 con lợn từ Nam Định đem về địa phương để bán cho các điểm giết mổ, đến thời điểm kiểm tra tổng đàn lợn tại gia đình là 21 con. Ông Hào có cung cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh số 008064/CN-KDĐV-UQ ngày 3/5/2019 do Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nam Định cấp nhưng giấy chứng nhận kiểm dịch này lại cấp cho đàn lợn khác.

Khoảng 17h20 Công an huyện Nông Cống bắt giữ xe chở lợn mang biển số 36C-121.37 trên xe còn lại 11 con lợn. Trạm Thú y huyện Nông Cống đã kiểm tra hồ sơ kiểm dịch thì phát hiện giấy kiểm dịch không đúng theo mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y (nghi giấy kiểm dịch là giấy giả). Qua mở rộng điều tra, chủ xe đã khai bán đi tổng số 14 con lợn, trong đó bán lên xã Yên Lạc (Như Thanh) 4 con, bán về xã Các Sơn (Tĩnh Gia) 10 con do bán dọc đường nên không xác định được người mua.

Sau khi bắt giữ các xe chở lợn có dấu hiệu vi phạm, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã gửi mẫu đến Chi cục Thú y vùng III xét nghiệm. Đến 13h15 ngày 5/5/2019, 2/5 mẫu lấy từ xe ô tô biển số 90C-02481; 3/5 mẫu lấy từ xe ô tô biển số 47C-046.88; 2/3 mẫu lấy từ số lợn của ông Cường; 2/3 mẫu lấy từ số lợn của ông Hào; 3/11 mẫu lấy từ số lợn trên xe biển số 36C-121.37 dương tính với virus DTLCP. Cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã tiêu hủy 294 con lợn với tổng trọng lượng 26.317kg.
“Sở NN-PTNT Thanh Hóa chỉ đạo Chi cục Thú y phối hợp với Công an tỉnh, Cục Quản lý Thị trường, UBND các huyện Nông Cống, Tĩnh Gia, Như Thanh, thị xã Bỉm Sơn tổ chức xử lý vi phạm và tiêu hủy toàn bộ số lượng lợn bắt giữ, tiêu độc khử trùng tránh lây lan nguồn bệnh. Theo hồ sơ kiểm dịch và điều tra mở rộng thì có thể còn 64 con lợn còn lại đã được bán đi và tiêu thụ trên địa bàn tỉnh. Sở NN-PTNT đang đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa giao Cơ quan Công an vào cuộc làm rõ hành vi làm giả giấy tờ kiểm dịch và thu hồi số lợn trên”, ông Nguyễn Viết Thái, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa.

 

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.