| Hotline: 0983.970.780

Vừa chống dịch, TP.HCM vừa tiêu thụ hơn 5.000 tấn vải các tỉnh phía Bắc

Thứ Hai 14/06/2021 , 20:29 (GMT+7)

Dù đang căng mình chống dịch Covid-19 khi nhiều ca nhiễm trong cộng đồng không rõ nguồn lây, nhưng TP.HCM vẫn hỗ trợ tiêu thụ hơn 5.000 tấn vải thiều cho các tỉnh.

Tiểu thương tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM cũng giúp tiêu thụ một lượng lớn vải thiều từ các tỉnh phía Bắc. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Tiểu thương tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM cũng giúp tiêu thụ một lượng lớn vải thiều từ các tỉnh phía Bắc. Ảnh: Nguyễn Thủy.

17h ngày 14/6, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cùng Sở Y tế TP.HCM chủ trì buổi họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh TP.HCM ghi nhận số lượng ca mắc Covid-19 mới tăng nhanh, xuất hiện nhiều chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng chưa rõ nguồn lây. Đặc biệt, dịch bệnh Covid-19 đã xâm nhập vào “thành trị điều trị bệnh nhân Covid-19” là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, với tổng số ca mắc tại bệnh viện là 55 trường hợp.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc lưu thông hàng hóa, đặc biệt là nông sản, thực phẩm của các địa phương khác vào Thành phố trong thời gian TP.HCM tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 thêm hai tuần nữa.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, đối với việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản tại các địa phương, đã có chủ trương chung từ Trung ương đến các địa phương là không ngăn sông cấm chợ, vừa lo chống dịch Covid-19, vừa tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh.

"TP.HCM là thị trường tiêu thụ rất lớn, do đó cần chuẩn bị nguồn hàng đầy đủ, liên tục, cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng trực tiếp của người dân TP.HCM. Do đó, việc vận hành, duy trì ổn định chuỗi cung ứng này là hết sức quan trọng.

Sở Công thương TP.HCM đã có kế hoạch xây dựng nguồn nguyên liệu, kế hoạch nguồn hàng, kế hoạch sản xuất kinh doanh, dự trữ hàng hóa, cũng như hỗ trợ các địa phương cung ứng, tiêu thụ các sản phẩm cho thị trường TP.HCM được thông suốt", ông Phương nói.

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, vừa qua lượng vải ở phía Bắc đến vụ thu hoạch lớn nhưng gặp khó khăn về xuất khẩu, do đó, TP.HCM cũng như các địa phương khác cùng chung tay để tiêu thụ một lượng vải lớn cho người trồng vải.

Người tiêu dùng TP.HCM lựa chọn vải thiều trong ngày Tết Đoan ngọ 2021. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Người tiêu dùng TP.HCM lựa chọn vải thiều trong ngày Tết Đoan ngọ 2021. Ảnh: Nguyễn Thủy.

"Việc các xe hàng hóa từ địa phương, vùng dịch vào TP.HCM, cộng với tình hình dịch bệnh Covid-19 tại TP.HCM khiến cho việc chống dịch Covid-19 rất căng thẳng.

Tuy nhiên, với quan điểm hỗ trợ các địa phương, Sở Công thương TP.HCM đã thảo luận với ngành y tế các địa phương nơi các hệ thống phân phối đang hoạt động và cùng ngành giao thông tính toán các phương án để đón nhận nguồn hàng này, phân luồng, cách ly tài xế, khử khuẩn xe… để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 nhưng vẫn tiêu thụ được hàng hóa cho các địa phương".

Theo ông Phương, với lượng vải thiều TP.HCM tiếp nhận và tiêu thụ đến nay đã hơn 5.000 tấn, tập trung chủ yếu tại các chợ đầu mối.

Đối với hệ thống siêu thị hiện đại cũng tham gia tích cực vào tiêu thụ vải cho các địa phương khác. "Một số hệ thống siêu thị hiện đại có cam kết tiêu thụ với lượng hàng lớn như hệ thống MM Mega Market đăng ký có kế hoạch đảm bảo tiêu thụ 500-600 tấn vải thiều, riêng Bách Hóa Xanh từ 1.000-1.100 tấn vải thiều.

Cũng theo ông Phương, hiện nay TP.HCM cũng đã tiếp tục hỗ trợ tiêu thụ khoai lang tím cho Vĩnh Long, Đồng Tháp khi đang vào vụ thu hoạch.

"Sở Công thương TP.HCM đang làm việc với các địa phương lấy danh sách của các hộ nông dân có sản lượng lớn, để kết nối với các thương nhân chợ đầu mối của TP.HCM. Chiều nay, chúng tôi đã liên hệ với Đồng Tháp và được biết rằng, việc tiêu thụ hiện nay đang rất thuận lợi.

Đối với việc tiêu thụ hoa cho nông dân tỉnh Lâm Đồng, ông Phương cho biết, trong thời gian TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội, các hoạt động liên quan như hội nghị, hội thảo, cưới hỏi… không tổ chức, các hoạt động tôn giáo cũng tạm dừng, do đó nhu cầu sử dụng hoa giảm rất nhiều. “Nhu cầu của thị trường hoa giảm chứ không phải do TP.HCM không hỗ trợ, hay ngăn sông cấm chợ”, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho hay.

Đối với TP.HCM, hiện nay có 5 chợ bán sỉ ở chợ đầu mối kinh doanh mặt hàng hoa, thì vừa qua chỉ có một chợ Đầm Sen (phường 15, quận 11) do tình hình dịch bệnh khu vực căng thẳng nên tạm đóng cửa.

Trước sự việc trên, Sở Công thương TP.HCM cùng với quận 11 tìm các giải pháp hỗ trợ cho việc lưu thông này. Cụ thể, ba ngày cao điểm của Tết Đoan ngọ, đã tăng cường bố trí công tác quản lý, mở lại chợ Đầm Sen để giúp tiêu thụ hoa cho bà con trồng hoa của tỉnh Lâm Đồng.

Nói về việc vận chuyển hàng hóa trong thời gian giãn cách xã hội, ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết, ngay khi thực hiện giãn cách, Sở Công thương TP.HCM đã làm việc với Sở Giao thông Vận tải TP.HCM rà soát lại số lượng đầu xe vận tải của các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng nông sản, lương thực thực phẩm thiết yếu tham gia bình ổn thị trường của các địa phương cung ứng cho TP.HCM.

Qua rà soát, Sở Công thương TP.HCM đã chuyển danh sách 568 xe qua Sở Giao thông Vận tải TP.HCM để nhận được sự ưu tiên khi lưu thông trên địa bàn TP.HCM.

"Như vậy việc vận chuyển hàng hóa đối với các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng nông sản, lương thực thực phẩm thiết yếu hoàn toàn không có khó khăn gì.

Sau khi có chỉ đạo của UBND TP.HCM tiếp tục thực hiện giãn cách thì Sở Giao thông và Sở Công thương sẽ có gia hạn tiếp tục đối với nội dung này cho các doanh nghiệp thêm 2 tuần", ông Phương nói.

Xem thêm
80% sản lượng dừa sáp Trà Vinh bán dưới hình thức nguyên liệu thô

Doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng diện tích dừa hữu cơ gắn với mã số vùng trồng xuất khẩu tại Trà Vinh, cần liên hệ với cơ quan chức năng để được hỗ trợ.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Chất lượng là yếu tố số 1 để nâng cao thương hiệu rau quả Việt Nam

‘Để nâng cao giá trị thương hiệu ngành rau quả Việt Nam, chất lượng là yếu tố số 1, sau đó mới đến giá cả', Phó Tổng Giám đốc Doveco Nguyễn Thanh Tùng cho hay.

Hà Nội sắp phê duyệt chủ trương cải tạo lại ba chung cư cũ

UBND TP. Hà Nội có văn bản kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP. Dương Đức Tuấn về việc thực hiện đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ ở Hà Nội.