| Hotline: 0983.970.780

Vựa ngao Hải Lộc chết trắng bãi, chính quyền dửng dưng như không!

Thứ Tư 08/11/2017 , 13:05 (GMT+7)

Thiên tai liên tiếp ập đến đẩy các hộ nuôi ngao trên địa bàn xã Hải Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) vào tình cảnh khốn cùng. Tình hình nghiêm trọng là vậy nhưng chính quyền địa phương vẫn bình chân như vại, dửng dưng như không có việc gì…

Giàu con ngao, khó con ngao

Gần 1 năm qua người nuôi ngao tại xã Hải Lộc sống không bằng chết, sau nhiều phen gồng gánh trước sức tàn phá kinh hoàng của thiên tai.

14-54-35_1
14-54-35_2
Ngao nuôi chết dày đặc nhưng chính quyền xã Hải Lộc khẳng định mức độ thiệt hại không lớn

Sự việc bắt nguồn từ tháng 12/2016. Thời điểm này, một số diện tích ngao nuôi chết không đáng kể, những tưởng chỉ là sự cố cỏn con, nào ngờ chỉ vài ngày sau mức độ ngao chết tăng nhanh đến chóng mặt, chẳng mấy chốc đã phủ trắng khắp bãi nuôi. Qua thống kê thiệt hại, trên 200 ha diện tích có ngao chết, trong đó tỷ lệ trên 70% chiếm đến phân nửa.

Qua ghi nhận thực tế, tổng diện tích nuôi ngao của xã Hải Lộc vào khoảng 220 ha với 210 hộ tham gia. Con ngao cho giá trị kinh tế cao nhưng kinh phí triển khai vô cùng tốn kém, thế nên gần như tất cả phải chọn phương án “ký gửi” sổ đỏ cho ngân hàng mới đủ sức trang trải.

Nợ ngày một phình to, bà Bùi Thị Liên, trú thôn Thắng Hùng ngày đêm sống trong thấp thỏm, âu lo. Sau nhiều lần đắn đo suy nghĩ, hai vợ chồng quyết định phải vay mượn cho bằng được nhằm cứu vãn tình hình. “Gia đình tôi triển khai trên diện tích 1,3 ha. Sau khi đầu tư 200 triệu đồng cải tạo bãi nuôi, đến đầu tháng 6 tiến hành thả ngao giống hết khoảng 1 tỷ đồng nữa. Con ngao phát triển ổn định ai cũng mừng, thế nhưng khi cơn bão số 10 ập đến, đặc biệt là ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới ngay sau đó đã cuốn trôi tất cả”, bà Liên mếu máo.

Tình cảnh của bà Liên lúc này cũng chính là tâm trạng chung của người nuôi ngao trên địa bàn xã Hải Lộc. Hơn lúc nào hết họ cần sự quan tâm, chung tay giúp sức của các đơn vị chức năng và chính quyền sở tại, thế nhưng…
 

Chính quyền dửng dưng

“Ngao chết trắng khắp cả bãi nuôi, sự thật việc thật rành rành như thế mà cán bộ xã Hải Lộc lại khăng khăng thiệt hại đợt này... không có gì đáng kể”, một người dân bức xúc.

14-54-35_4
14-54-35_5
Người nuôi bất lực

Chiều 6/11, thời điểm con nước xuống PV được tận mắt chứng kiến tất tần tật những gì còn sót lại tại vựa ngao Hải Lộc. Ngót gần tháng trời kể từ thời điểm trận lụt lịch sử càn quét qua nhưng hậu quả đến nay vẫn in rõ mồn một, bất kể các hộ đã khẩn trương triển khai công tác khắc phục ngay tức thì nhưng lúc này lượng ngao chết vẫn được chất thành từng đống, mùi hôi thối nồng nặc lan khắp một vùng.

Theo phản ánh của người dân, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, mưa lớn từ khu vực thượng nguồn đổ về kết hợp quá trình xả lũ với lưu lượng lớn đã mang theo cơ man phù sa quây kín bãi nuôi. Nhiều địa điểm bùn lầy đặc quánh, cao đến 40-50 cm, ngao nuôi không sống nổi vì thiếu oxy trầm trọng, con nào ngoi lên thì lập tức bị sóng đánh dạt đi nơi khác, thiệt hại vô cùng nặng nề, ước tính mất trắng trên dưới 80% diện tích.

Quơ tay mò mẫm đống vỏ ngao trương phềnh, ông Phạm Văn Vinh, sống tại thôn Lộc Tiên ngao ngán cho biết: “Bao nhiêu vốn liếng, công sức dồn hết vào đây, đau xót quá. Sau đợt thiên tai năm ngoái chúng tôi đã đuối lắm rồi, nhưng dừng lại không xong nên gia đình phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi mới vay mượn được 1,2 tỷ tiếp tục xuống giống. Vậy mà…”.

14-54-35_6
Lũ qua cả tháng trời nhưng công tác khắc phục vẫn chưa xong

Tình hình thực tế hết sức cam go nhưng lạ thay lãnh đạo xã Hải Lộc, những người lẽ ra sát cánh cùng bà con lại tỏ ra dửng dưng đến khó hiểu. Số là, chờ mãi không thấy cơ quan chức năng và chính quyền địa phương thực hiện công tác kiểm đếm, thống kê thiệt hại, một số hộ nuôi sốt ruột phải chủ động đánh tiếng trước, thế nhưng câu trả lời họ nhận được quá phũ phàng: Mức độ ngao chết không đáng kể, chưa đến mức phải tiến hành đánh giá, thống kê theo Nghị định 02 của Chính phủ.

Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã tiến hành làm việc với ông Đinh Trọng Tuấn, cán bộ địa chính xây dựng nông nghiệp xã Hải Lộc. Quá trình trao đổi, dễ dàng nhận thấy thông tin ông Tuấn cung cấp có nhiều điểm bất nhất.

Một mặt khẳng định hậu quả không nghiêm trọng, mặt khác ông Tuấn lại thừa nhận lượng bùn lầy đổ về quá lớn đã làm ngập bãi nuôi. Dù người dân đã tiến hành thuê nhân công, máy móc đẩy ra ngoài nhưng tiến độ diễn ra chậm do phụ thuộc vào con nước thủy triều, tối đa mỗi ngày chỉ tiến hành được 3 – 4 tiếng, riêng với những diện tích tại vùng mép sông, cửa lạch thì gần như bỏ ngỏ.

Đáng nói hơn, đỉnh điểm lũ diễn ra từ ngày 9 – 12/10 nhưng phải 1 tuần sau (18/10) xã Hải Lộc mới có động thái cử người dò la chẳng khác “cưỡi ngựa xem hoa”.

Cụ thể, trong khoảng 3 giờ đồng hồ ngắn ngủi (5h-8h), bản thân ông Tuấn cùng 2 vị cán bộ chuyên môn khác đã thần tốc rà soát “tỉ mẩn” diện tích lên đến 200 ha. Ông Tuấn cũng tiết lộ thêm, đêm 31 rạng sáng 1/11, cơ quan chức năng của huyện Hậu Lộc đã phối hợp với xã Hải Lộc tiếp tục tiến hành rà soát khoảng 30ha bãi nuôi tại khu vực phía nam để làm cơ sở kết luận chung. Theo ngư dân, những người nằm lòng quy luật thủy triều đây rõ ràng là việc làm mang tính chất đối phó bởi thời gian trên là “ngày nước sinh”, nôm na là thời điểm con nước dâng cao thì không ai dại gì bén mảng ra bãi (?!).

14-54-35_7
Tỷ phú vùng ngao Phạm Văn Ba thấy thực sự mỏi mệt

Ngày 2/11, UBND xã Hải Lộc đã tiến hành họp dân, Phó Chủ tịch Dương Văn Hùng kết luận: “Ngao đợt này thiệt hại không đáng kể”.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.