| Hotline: 0983.970.780

Thứ Bảy 18/07/2020 , 06:30 (GMT+7)
Dạ Ngân

Dạ Ngân

Nhà văn 06:30 - 18/07/2020

Vựa nước

Có nói gì cũng thấy Nam bộ của chúng ta dễ sống. Thiên nhiên ưu đãi, chỉ nghe đến hai từ Nam bộ đã thấy dậy lên cảm xúc thân thương.

Bởi ở đó là phóng khoáng, hào sảng, dễ chịu, bát ngát… Sẽ có người tranh cãi quyết liệt, dễ sống sao miền Tây Nam bộ nhiều người nghèo?

Nói về sự vật lộn với thiên nhiên, tôi nghĩ, dân Nam bộ nói chung và dân miền Tây nói riêng vẫn sống khỏe hơn rất nhiều nơi so với chính dải đất Việt Nam mình.

Không rét buốt như Tây Bắc, không gió Lào không bão lũ như khúc ruột miền Trung, không mưa gió dầm dề như Huế, không rát sa mạc như Ninh Thuận, Bình Thuân…

Có một mặt trái của ưu đãi là ít xoay xở, đời này sang đời kia như vậy thì sẽ thành cách sống, nết sống, nếp sống. Thôi thì lá dừa nước quá sẵn, đắp điếm lên cái sườn cũ, chỗ nào rách quá thì thay, thì chèn, xong.

Nhà lá nếu dụng công sẽ cực kỳ đẹp và tốt cho sức khỏe. Chỉ cần lót gạch hoặc láng xi-măng cái nền, đã thấy khang trang. Cây hàng rào nữa, thành một khuôn viên đàng hoàng. Nếu là người Nhật họ sẽ không thỏa mãn như vậy, tôi chắc thế.

Nền nhà sẽ cao, mái lá sẽ dày, xứng đáng với mưa nắng ít nhất cũng năm bảy năm, sân gạch, lối đi, cây cảnh và hoa cỏ. Thềm nhà, hàng hiên, phòng ốc, bếp núc, chắc chắn sẽ tươm tất khiến phải trầm trồ. Ấy là chỉ nói về cái sự ở.

Nhà nào ở miền Tây cũng khuôn viên rộng, rất nhiều nhà có vườn cực rộng, vài ba hec-ta. Không phải xóm nào, ấp nào, xã nào cũng tiện đường để làm du lịch, vì vậy, đa số người dân để vườn xập xệ, cây tạp, cây lu bù.

Người ta không thể làm chuyên canh, vì ánh sáng của tri thức không đến và luôn tâm trạng đầu ra ở đâu? Và một thực trạng không thể chối cãi, rằng lão nông tri điền không còn mấy, rằng sức trẻ đã bị cuốn ra các khu công nghiệp, rằng là có trồng gì cũng không kịp người Thái, thậm chí người Campuchia!

Từng có thời người dân tự giỏi mà không cần chính quyền chỉ đạo trồng gì và bán chác ra sao. Khi ấy ở ấp là một vị điền chủ (nhỏ thôi) nhưng uy tín với dân và là gạch nối với xã. Các lão nông tri điền trở thành bộ óc của từng cụm nhà tự chăm chút giúp đỡ nhau.

Lúa có thương lái mua gom về “chành” cho những tập đoàn mễ cốc, cây trái có nhà vựa ở các chợ đầu mối, tôm cá mắm muối cũng vậy. Cuộc sống chậm chạp nhưng sâu lắng, yên bình.

Luôn luôn nhắc nhau cống bộng vườn nhà, các lão nông ấy đã dùng tiếng nói uy tín của mình đến từng nhà kém cỏi lối xóm để giúp. Mương liếp được nạo vét hàng năm, đội quân làm mướn này có thể ở đâu đó đến, có thể là những người trẻ mới ra riêng cần tiền lập nghiệp.

Có hẳn một cánh làm cỏ vườn hoặc cấy hái chăm sóc lúa, cũng là người tại chỗ vần công nhau hoặc do nghèo, đi làm công nhật. Ấy là những cánh tay nối dài để mọi việc của xóm làng vận hành theo nhịp mùa, cân bằng, chia sẻ. Bộ óc vẫn là của những người vừa thông minh vừa giỏi giang vừa cần cù.

Nước ngọt không sẵn ngoại trừ những nơi ven sông Hậu sông Tiền. Rất nhiều vùng nước lợ, Bến Tre, Trà Vinh, Rạch Giá, thậm chí nước mặn đắng suốt mùa khô là Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

Thảnh thơi với bát ngát lúa đồng hoặc đìa bào, vuông vắn cá tôm. Có ông chủ là có người làm công, đó là sự cộng sinh muôn thuở.

Họ đã từng tổ chức cuộc sống khi chưa biết đến nước ngầm. Chứa nước trong hệ thống mương suốt những tháng mùa khô, đất rộng, có cả khu dành cho ao nuôi cá.

Những lão nông nhìn xa trông rộng còn để bưng trấp trong sở đất của mình mà giữ nước. Dành cho người ư, bể xi măng và hệ thống lu khạp vựa chứa hoành tráng.

Trí khôn của một thời, sự xoay xở tuyệt vời của những con người không trông cậy và than khóc với ai, kể cả với chính quyền. Chật vật nhưng không buông xuôi. Mưa đến rồi mưa nhuần, sáu tháng mưa, cả một vựa nước ân sủng từ trời, thỏa thích khắp nơi.

Từ bao giờ người miền Tây, nhất là người vùng lợ mặn chỉ chăm chăm vào nước ngầm và nước dẫn từ các thị trấn xuống? Chính quyền cũng không chắc đã hiểu, rằng khai thác quá mức nước ngầm sẽ dẫn đến kiệt quệ và sụp đất, lở sông (cùng với khai thác cát vô tội vạ).

Chính quyền lo chỉ tiêu bộ mặt Nông thôn mới đường - trường -trạm. Xin thưa, bản thân cuộc sống là thích nghi, sáng tạo và gìn giữ. Muốn giữ được yên ổn trữ lượng nước ngầm là phải trở lại với việc trữ nước mưa thông minh của cha ông.

Đừng thấy rằng cứ bê tông hóa đường xá rồi sẽ chở nước về phục vụ người dân. Mọi thứ đều hữu hạn, hãy biết để dành và biết tận dụng những thứ trời cho, ngay trong tầm tay.

Mỗi năm sáu tháng, nước chảy từ trời, lai láng, mỗi ngày, để dân cứ việc hứng và trữ. Sáu tháng hào phóng nước của trời, không biết tận dụng thì ráng chịu, đừng có kêu nhé, đừng có kêu!

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm