Theo quy định, các tàu giã cào công suất lớn này chỉ được cấp phép đánh bắt ở ngoài khơi và một số vùng biển nhất định. Thế nhưng, vào mùa cá hàng năm, khi mà các loại thủy hải sản vào gần ven bờ và vùng lộng để sinh sản thì nhiều tàu giã cào đã bất chấp quy định, ép sát bờ để tận thu các nguồn lợi.
Tỉnh Quảng Trị luôn chú trọng tuyên truyền bảo tồn nguồn lợi thủy hải sản |
Từ năm 2010 đến nay, tỉnh Quảng Trị không cấp phép hoạt động cho tàu hành nghề giã cào ven bờ. Phần lớn ngư dân trên địa bàn cũng đã hiểu rõ hoạt động đánh bắt bằng tàu giã cào là vi phạm pháp luật, sẽ bị xử phạt hành chính ở mức cao nhất là 50 triệu đồng, đồng thời tịch thu tang vật.
Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Trị đã nhận được nhiều phản ánh của ngư dân trên địa bàn về việc một số tàu giã cào đã làm hư hỏng ngư lưới cụ của mình. Cuối tháng 3/2017, 9 ngư dân thôn 6, xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong phản ánh họ bị mất từ 7-40 tấm lưới/người vì tàu giã cào, thiệt hại ước tính gần 100 triệu đồng. Tiếp đó, đầu tháng 4, cũng tại thôn 6, xã Triệu Lăng, 24 ngư dân khác thông tin về việc sau một đêm thả lưới trên biển đã mất 600 tấm lưới. Không chỉ ở Triệu Lăng, mới đây, nhiều ngư dân ở xã Hải An và Hải Khê, huyện Hải Lăng cũng phản ánh việc tàu giã cào lạ làm hư hỏng, mất ngư lưới cụ.
Trước thực trạng này, thời gian qua Chi cục Thủy sản Quảng Trị chỉ đạo tàu kiểm ngư tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý các trường hợp làm nghề giã cào gần bờ. Chi cục cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng để truy quét các tàu giã cào, xử lý nhiều tàu giã cào của các tỉnh vi phạm vùng tuyến khai thác và phạt tiền hàng chục triệu đồng.
Tại Quảng Bình có nhiều tàu cá công suất lớn đánh bắt dưới hình thức dã cào ngay trong vùng bờ và vùng lộng. Để thực thi pháp luật, Kiểm ngư Quảng Bình đã triển khai lực lượng tăng cường tuần tra và xử lý các tàu cá vi phạm. Quá trình tuần tra trên biển của cơ quan chức năng phát hiện rất nhiều cặp tàu cá đánh bắt dưới hình thức dã cào, có những tàu cá công suất trên 500CV nhưng khai thác cách bờ chỉ 2 hải lý. Lực lượng chức năng đã truy đuổi và kiểm tra, xử phạt hành chính 6 tàu cá đánh bắt trái phép với hình thức “tận diệt” này. Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản Quảng Bình đã liên hệ với Bộ đội Biên phòng Quảng Bình điều tàu hỗ trợ áp sát và bắt giữ các tàu cá vi phạm.
Trước thực tế chung như trên tại các tỉnh miền Trung, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng các khu bảo vệ thủy sản với mục đích tăng cường công tác quản lý, bảo vệ bãi giống, bãi đẻ của các loài thủy sản đang bị suy giảm rất nhanh.
Ông Võ Giang - Trưởng phòng Khai thác và phát triển nguồn lợi thủy sản - Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết toàn tỉnh đã có 23 khu bảo vệ thủy sản trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, chiếm diện tích hơn 614 ha. Các khu thủy sản này được giao lại cho Chi hội nghề cá của địa phương quản lý. Trong các khu bảo vệ thủy sản, nghiêm cấm hoàn toàn các hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và xây dựng các công trình sản xuất kinh tế. Tại các khu bảo vệ, các loài thủy sản có môi trường thuận lợi để sinh sản, sinh trưởng an toàn.