| Hotline: 0983.970.780

Vùng bưởi 30ha khẳng định thương hiệu nhờ sản xuất VietGAP

Thứ Ba 28/11/2023 , 11:14 (GMT+7)

YÊN BÁI Xã Quy Mông (Trấn Yên, Yên Bái) hiện có hơn 90ha cây có múi, trong đó có hơn 30ha bưởi. Cây bưởi ở đây đã dần khẳng định tên tuổi nhờ sản xuất theo VietGAP.

Xã Quy Mông là địa phương trọng điểm về phát triển cây ăn quả có múi của huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái). Những năm gần đây, sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP ngày càng được nhiều hộ dân trong xã áp dụng, hiệu quả kinh tế và thương hiệu sản phẩm ngày càng được nâng cao.

Xã Quy Mông đã có gần 70 hộ dân đăng ký sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Thanh Tiến.

Xã Quy Mông đã có gần 70 hộ dân đăng ký sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Thanh Tiến.

Sản xuất chuyên nghiệp hơn nhờ quy trình VietGAP

Gia đình anh Trần Mạnh Hiến ở thôn Tân Thành là một trong những hộ trồng bưởi lâu năm tại xã Quy Mông. Mỗi năm anh có nguồn thu gần 100 triệu đồng từ 200 gốc bưởi trong vườn nhà. Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, anh Hiến trồng xen kẽ nhiều giống bưởi khác nhau như bưởi da xanh, Cát Quế, bưởi Diễn…

Trước đây, anh Hiến cũng giống như nhiều hộ dân khác trong vùng canh tác bưởi chủ yếu sử dụng phân bón hóa học và dùng thuốc BVTV theo kinh nghiệm, thói quen, thiếu khoa học. Trong 3 năm trở lại đây, quá trình trồng, chăm sóc cây bưởi của gia đình anh đã thay đổi hoàn toàn khi được tham gia tập huấn kỹ thuật canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP.

Theo anh Hiến, trồng cây ăn quả mà không sử dụng thuốc BVTV gần như là điều không thể. Canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP là hạn chế tối thiểu việc sử dụng thuốc BVTV, chủ yếu sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh, chỉ sử dụng thuốc BVTV khi thực sự cần thiết, sinh vật gây hại vượt ngưỡng và phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sử dụng, thời gian cách ly.... Quá trình sử dụng thuốc BVTV phải ghi chép, theo dõi nghiêm ngặt để đảm bảo chất lượng sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

Sản phẩm bưởi của anh Trần Mạnh Hiến (thôn Tân Thành, xã Quy Mông) trồng theo tiêu chuẩn VietGAP được khách hàng ưa chuộng. Ảnh: Thanh Tiến.

Sản phẩm bưởi của anh Trần Mạnh Hiến (thôn Tân Thành, xã Quy Mông) trồng theo tiêu chuẩn VietGAP được khách hàng ưa chuộng. Ảnh: Thanh Tiến.

Anh Hiến cho biết canh tác theo phương tiêu chuẩn VietGAP mặc dù có chút khó khăn và vất vả nhưng hiệu quả thu được lại lớn hơn rất nhiều, sản phẩm quả thơm, ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, khách hàng tin tưởng nên bán được giá cao hơn.

Không chỉ gia đình anh Hiến, hiện nay nhiều hộ dân khác trên địa bàn xã Quy Mông đã xây dựng được mô hình trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP đạt chất lượng. Người dân đã tích cực tìm hiểu và học hỏi kỹ thuật trong từng khâu từ làm đất, trồng, bón phân, tỉa cành, tưới nước..., đặc biệt là phòng trừ sâu bệnh hại trong từng giai đoạn phát triển của cây.

Mô hình trồng bưởi của gia đình anh Trần Xuân Thịnh ở thôn Tân Thành (xã Quy Mông) thay vì sử dụng phân bón hóa học, chất kích thích, thuốc BVTV hóa học như trước đây hiện đã chuyển sang sử dụng các loại phân chuồng được ủ hoai mục và các loại chế phẩm vi sinh để phòng trừ sinh vật gây hại. Trong quá trình chăm sóc, làm cỏ, anh chỉ sử dụng máy phát cỏ định kỳ để khống chế, kiểm soát cỏ dại chứ tuyệt đối không sử dụng thuốc diệt cỏ.

Nhờ áp dụng nghiêm ngặt quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, vườn bưởi của gia đình anh Thịnh luôn xanh tốt, phát triển khỏe mạnh, sạch sâu bệnh hơn so với trước đây; nền đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng.

Nhờ chuyển sang canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, quả bưởi có mẫu mã đẹp, chất lượng thơm ngon, đậm đà hơn. Ảnh: Thanh Tiến.

Nhờ chuyển sang canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, quả bưởi có mẫu mã đẹp, chất lượng thơm ngon, đậm đà hơn. Ảnh: Thanh Tiến.

Anh Thịnh chia sẻ. "Đa phần diện tích cây ăn quả được trồng trong vườn gần nhà, nên việc áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hạn chế thuốc BVTV nên môi trường sống được đảm bảo. Phải dành nhiều thời gian hơn cho vườn bưởi, theo dõi từng dấu hiệu của sâu bệnh để phòng trừ sớm. Chủ động cắt tỉa cành, mầm chồi để cây bưởi phát triển tốt, bón phân hữu cơ đúng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây để cho chất lượng quả có vị thơm ngon, đậm đà hơn".

Khẳng định thương hiệu bưởi Quy Mông

Để nâng cao giá trị cây ăn quả có múi và hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất, từ năm 2021, chính quyền xã đã khuyến khích các hộ dân thành lập HTX Cây ăn quả Quy Mông. HTX có 30 thành viên và trên 70 hộ liên kết sản xuất. Các thành viên HTX liên kết với nhau cùng phát triển sản phẩm bưởi theo chuỗi giá trị khép kín từ khâu trồng, chăm sóc tới tiêu thụ sản phẩm. 

Ông Đỗ Xuân Sang - Giám đốc HTX Cây ăn quả Quy Mông là một trong những người khởi xướng phong trào sản xuất bưởi VietGAP. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Đỗ Xuân Sang - Giám đốc HTX Cây ăn quả Quy Mông là một trong những người khởi xướng phong trào sản xuất bưởi VietGAP. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Đỗ Xuân Sang - Giám đốc HTX cho biết: Để trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP, các thành viên trong HTX đều được tập huấn và áp dụng quy trình chăm sóc nghiêm ngặt; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc, đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đồng thời, liên kết để mở rộng dần diện tích, tìm thị trường tiêu thụ ổn định để nâng cao đời sống cho người trồng cây ăn quả.

Hiện nay, xã Quy Mông có hơn 70 hộ trồng bưởi đạt tiêu chuẩn VietGAP với các giống bưởi như: Bưởi Diễn, da xanh, Cát Quế, bưởi đỏ… Sản phẩm bưởi của Quy Mông đã có tem truy xuất nguồn gốc, có bao bì, nhãn mác đáp ứng thị hiếu của khách hàng. Sản phẩm bưởi Quy Mông đã được công nhận là sản phẩm OCOP,  không chỉ được bán tại địa phương mà còn được tiêu thụ qua mạng xã hội facebook, kênh bán hàng thương mại điện tử shopee và webside của HTX... Nhờ đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm ngày càng mở rộng.

Tập trung sản xuất theo hướng hữu cơ và tiêu chuẩn VietGAP là định hướng phát triển cây ăn quả của xã Quy Mông. Ảnh: Thanh Tiến.

Tập trung sản xuất theo hướng hữu cơ và tiêu chuẩn VietGAP là định hướng phát triển cây ăn quả của xã Quy Mông. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Phùng Tiến Hiển - Phó Chủ tịch UBND xã Quy Mông cho biết, đến nay, Quy Mông đã có gần 90ha cây ăn quả có múi các loại, trong đó có trên 30ha trồng bưởi tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP. Chính quyền xã đã tạo điều kiện giúp các hộ dân tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, xã cũng tập trung tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi đất lúa, đất vườn, đất đồi canh tác kém hiệu quả sang trồng các loại cây có thế mạnh của địa phương; phát triển từng vùng sản xuất tập trung, nhất là các loại cây ăn quả để nâng cao thu nhập. 

Với mục tiêu trọng tâm là phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, liên kết theo chuỗi giá trị, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững, xã Quy Mông đã đề ra mục tiêu đến năm 2024 sẽ nâng hạng sản phẩm OCOP bưởi Quy Mông từ 3 sao lên 4 sao, từ đó nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm bưởi, giúp nông dân làm giàu.

Xem thêm
Người làm nên thương hiệu 'heo say xỉn'

NINH BÌNH Mấy năm nay tôi không thể vào một trại lợn nào vì chủ trại phòng dịch rất nghiêm, thế mà anh Nga bảo vào thoải mái, lao động ở đây còn thường xuyên về nhà.

Nhiều thách thức khi xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật sang Trung Quốc

Trung Quốc có nhu cầu sản phẩm thịt lên tới gần 400 tỷ USD/năm và là thị trường đầy tiềm năng xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật của Việt Nam.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.