| Hotline: 0983.970.780

Trưởng thôn trẻ tiên phong trồng bưởi VietGAP

Thứ Năm 04/05/2023 , 22:11 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH 'Giờ dân làng tìm đến tôi không phải để báo cáo mất gà vịt như trước, mà để hỏi thăm kỹ thuật trồng bưởi VietGAP', anh Lỡ Ngọc Vinh, Trưởng thôn Thạnh Long 1 nói…

Tiên phong phá keo trồng bưởi VietGAP

Cái nắng cuối tháng 4 trên vùng đất trung du Hoài Ân (Bình Định) như thiêu đốt. Nóng hầm hập. Thế nhưng khi bước vào vườn cây ăn quả rộng gần 2ha, chúng tôi thấy cái nắng nóng ngoài kia lập tức tan biến. Tán cây của 250 gốc bưởi 5 năm tuổi đã khép, tựa như cái dù khổng lồ phủ che cả vùng trời.

Thêm vào đó, màu xanh của 1.500 gốc tiêu 6 - 7 năm tuổi nằm xen trong vườn bưởi như những “bức tường xanh” ngăn cái nóng bên ngoài xâm nhập vào. Đó là cảm nhận khi dạo quanh trang trại cây ăn quả của anh Lỡ Ngọc Vinh, Trưởng thôn Thạch Long 1, xã Ân Tường Đông (huyện Hoài Ân).

1ha bưởi da xanh 5 năm tuổi của anh Lỡ Ngọc Vinh đã đến thời kỳ kinh doanh. Ảnh: V.Đ.T.

1ha bưởi da xanh 5 năm tuổi của anh Lỡ Ngọc Vinh đã đến thời kỳ kinh doanh. Ảnh: V.Đ.T.

Bài liên quan

Câu chuyện về cây bưởi VietGAP của anh Vinh nhịp nhàng đi theo những bước chân của chúng tôi chầm chậm len lỏi trong không gian xanh của những cây bưởi, những trụ tiêu. Vùng đất rộng gần 2ha này gia đình anh Vinh mua vào cuối năm 2002 với giá 15 triệu đồng, quy ra 3 cây vàng vào thời điểm ấy. Khi ấy vùng đất này chưa có điện, nên không thể đóng giếng lấy nước tưới, nên chỉ có thể trồng mì (sắn) cao sản, trồng cho kín đất chứ cây mì chẳng cho hiệu quả gì.

Năm 2015, UBND huyện Hoài Ân có chủ trương phá bỏ cây lâm nghiệp (cây keo) trồng trên đất nông nghiệp để phát triển cây ăn quả có thế mạnh. Theo đó, UBND huyện mở đường, kéo điện đến những vùng quy hoạch trồng cây ăn quả. Khi ấy, gia đình anh Vinh có 5.000m2 đất đang trồng keo. Lúc ấy cây keo đang có giá, nhưng chấp hành chủ trương của huyện, anh Vinh và một người cùng thôn là ông Nguyễn Xuân Thạch đã tiên phong phá bỏ cây keo để trồng bưởi da xanh.

Ngay từ lúc khởi nghiệp trồng cây ăn quả, Vinh đã đi theo hướng VietGAP với 1ha bưởi. Vinh là một trong hai người đầu tiên của xã Ân Tường Đông và là một trong 21 hộ đầu tiên ở huyện Hoài Ân được ngành chức năng cấp giấy chứng nhận VietGAP cho bưởi.

Mẹ anh Lỡ Ngọc Vinh giúp con trai chăm sóc bưởi. Ảnh: V.Đ.T.

Mẹ anh Lỡ Ngọc Vinh giúp con trai chăm sóc bưởi. Ảnh: V.Đ.T.

Bài liên quan

Thời gian đầu khi huyện Hoài Ân vận động người dân phá bỏ cây keo trồng trên đất nông nghiệp, khi ấy Vinh còn làm Ban công tác Mặt trận thôn chứ chưa làm trưởng thôn. Khi ấy, Vinh cùng thôn Trưởng thôn Thạch Long 1 phải mướt mồ hôi đi vận động, ban đầu người dân chưa thông nên không đồng thuận với chủ trương của chính quyền địa phương. Vận động mãi, 26ha keo trên địa bàn cuối cùng cũng được phá bỏ, thay vào đó là cây bưởi da xanh.

“Tham gia dự án phát triển cây trồng có thế mạnh của địa phương, chúng tôi được UBND huyện hỗ trợ 100% chi phí mua cây bưởi giống; được hỗ trợ chi phí chăm sóc trong 3 năm đầu, mỗi năm 1,6 triệu đồng và được hỗ trợ 50% chi phí khoan giếng, lắp hệ thống tưới. Thời điểm ấy riêng thôn Thạch Long 1 phá bỏ 26ha cây keo để trồng bưởi”, Vinh nhớ lại.

Theo anh Vinh, quy trình sản xuất bưởi VietGAP được ngành chức năng hướng dẫn trồng với mật độ cây cách cây 7m, khi bưởi bắt đầu cho quả, người trồng phải hạn chế sử dụng thuốc BVTV hóa học ở mức thấp nhất. Thuốc BVTV được phun theo chu kỳ với liều lượng 1 lít/ha. Khi cây bưởi cho quả cần phải được tưới nước đầy đủ, hiện hơn 20ha bưởi trồng ở thôn Thạch Long 1 đều đã được lắp đặt hệ thống tưới tự động.

Ngoài giỏi trồng bưởi VietGAP, anh Vinh còn trồng 1.500 gốc tiêu 6 - 7 năm tuổi theo hướng hữu cơ, hiện tiêu đã đến thời kỳ cho trái rộ. Ảnh: V.Đ.T.

Ngoài giỏi trồng bưởi VietGAP, anh Vinh còn trồng 1.500 gốc tiêu 6 - 7 năm tuổi theo hướng hữu cơ, hiện tiêu đã đến thời kỳ cho trái rộ. Ảnh: V.Đ.T.

“Ở thôn Thạch Long 1 hiện có 6 hộ trồng bưởi VietGAP với diện tích hơn 20ha liên kết với HTX Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân để bao tiêu sản phẩm. Kỹ thuật chăm sóc, quy trình bón phân, phun thuốc BVTV được HTX định kỳ hướng dẫn qua zalo.

Năm 2022, 250 gốc bưởi của tôi bắt đầu ra trái chiến, mỗi đợt bán vài ba chục kg nên tôi chưa tính doanh thu, năm nay bưởi bắt đầu cho kinh doanh, bình quân mỗi cây cho 15 quả. Hiện HTX Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân bao tiêu bưởi VietGAP với giá 26.000đ/kg (loại 1), còn bưởi loại 2 có giá 18.000 - 22.000đ/kg”, anh Lỡ Ngọc Vinh cho hay.

Cầu nối "khởi nghiệp" cho bà con

Đến nay, vùng đất trung Hoài Ân (Bình Định) đã hình thành các vùng chuyên canh cây ăn quả với diện tích trên 1.594ha, trong đó bưởi da xanh hơn 859ha; bơ gần 466ha; dừa xiêm 112ha; sầu riêng 30ha; cam quýt 44,5ha; thanh long ruột đỏ 40ha... Nhiều khu vườn trồng thâm canh bưởi da xanh, dừa xiêm, cam đường... tuy mới bắt đầu chu kỳ khai thác nhưng có mức lợi nhuận hằng năm từ 150 - 200 triệu đồng/ha.

Hệ thống tưới tự động trong vườn bưởi của anh Vinh. Ảnh: V.Đ.T.

Hệ thống tưới tự động trong vườn bưởi của anh Vinh. Ảnh: V.Đ.T.

Bài liên quan

HTX Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân đóng vai trò là “bà đỡ” về kỹ thuật cho nông dân trồng cây ăn quả trên địa bàn và bao tiêu sản phẩm. HTX lập nhóm zalo kết nối với 150 hộ trồng bưởi, 50 hộ trồng dừa xiêm, 20 hộ trồng rau củ quả và những loại trái cây khác… Kỹ thuật chăm sóc bưởi VietGAP định kỳ được HTX phổ biến trên nhóm zalo, người trồng bưởi có người hiểu có người chưa thấu đáo nên HTX phải tìm đến những người có thâm niên trồng bưởi VietGAP để nhờ giải thích.

Ở thôn Thạch Long 1 (xã Ân Tường Đông), nếu người trồng bưởi còn mơ hồ điều gì trong cách chăm sóc bưởi theo hướng VietGAP đều tìm đến anh Lỡ Ngọc Vinh, “ông trưởng thôn” mới 36 tuổi mà đã có thâm niên gần 10 năm trồng bưởi VietGAP để nhờ hướng dẫn. Mới đây, người dân thôn Thạch Long 1 phá thêm 5ha rừng keo để trồng bưởi theo dự án giảm nghèo của UBND xã Ân Tường Đông, những hộ này lần đầu trồng bưởi nên còn mù mờ về kỹ thuật, rất cần học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước.

Anh Lỡ Ngọc Vinh (bìa phải) kể về chuyện người dân trong thôn thường tìm đến mình hỏi thăm kỹ thuật trồng bưởi VietGAP. Ảnh: L.K.

Anh Lỡ Ngọc Vinh (bìa phải) kể về chuyện người dân trong thôn thường tìm đến mình hỏi thăm kỹ thuật trồng bưởi VietGAP. Ảnh: L.K.

Bài liên quan

“Những hộ này thường tìm đến tôi hỏi thăm phun thuốc BVTV cho cây bưởi như thế nào, loại thuốc gì, thời điểm bấm cành tạo tán để bưởi cho nhiều quả. Bây giờ người dân trong thôn tìm đến tôi không phải để báo cáo mất gà, mất vịt như trước đây, mà chỉ là để hỏi thăm về cách chăm sóc cây bưởi theo hướng VietGAP.

Những lúc như vậy dù tôi có đang bận hái tiêu hoặc đang bấm cành cho bưởi cũng phải dừng tay, tận tình trao đổi với họ. Dân họ tin mình họ mới đến hỏi, mình phải tận tình để xứng đáng với niềm tin ấy, sau này huyện có chủ trương gì mình đi vận động người dân mới dễ dàng đồng thuận”, Vinh chia sẻ.

Theo anh Vinh, ý thức bảo vệ thương hiệu của các thành viên trong Câu lạc bộ Cây ăn quả VietGAP ở địa phương rất cao. Vì quyền lợi chung, họ tự giám sát lẫn nhau, nếu phát hiện có ai canh tác sai quy trình là nhắc nhở ngay. “Câu lạc bộ cây ăn quả xã Ân Tường Đông thường xuyên kiểm tra các hộ trồng bưởi VietGAP trên địa bàn, nếu hộ nào không tuân thủ, 1 - 2 lần đầu sẽ được nhắc nhở. Sau những lần được nhắc nhở mà không thay đổi, Câu lạc bộ sẽ đề xuất Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thu hồi chứng nhận VietGAP để tránh tình trạng “1 con sâu làm rầu nồi canh”, anh Lỡ Ngọc Vinh cho hay.

Khu vườn rộng gần 2ha của gia đình anh Vinh bắt đầu 'đẻ' ra tiền khi 250 gốc bưởi 1.500 gốc tiêu bắt đầu bước vào thời kỳ kinh doanh. Ảnh: V.Đ.T.

Khu vườn rộng gần 2ha của gia đình anh Vinh bắt đầu “đẻ” ra tiền khi 250 gốc bưởi 1.500 gốc tiêu bắt đầu bước vào thời kỳ kinh doanh. Ảnh: V.Đ.T.

Khi tôi chia tay ra về, anh Lỡ Ngọc Vinh nói với theo: “Vài ba năm nữa anh quay lại đây sẽ thấy xã Ân Tường Đông còn đổi khác hơn nữa, vì lúc ấy trên vùng đất này đã hình thành thêm 200ha sầu riêng. Riêng 20ha đất ở Đồng Gieo và đồng Nà Bùi của thôn Thạch Long 1 sẽ không còn cấp theo kiểu giao thầu cho mỗi hộ 1 - 2 sào như trước đây. Chính quyền địa phương sẽ tổ chức đấu giá ít nhất mỗi người 5.000m2 (0,5ha), ưu tiên cho dân địa phương để tiếp tục phát triển cây trồng thế mạnh giai đoạn 2 (2022 - 2025)”.

“Từ năm 2015 trở về trước, thu nhập bình quân của người dân thôn Thạch Long 1 chỉ đạt 60 triệu đồng/người/năm. Từ khi trên địa bàn phát triển mạnh cây ăn quả có thế mạnh, thu nhập bình quân của người dân trong thôn tăng lên 130 triệu đồng/người/năm, tăng hơn gấp đôi”, anh Lỡ Ngọc Vinh phấn khởi cho hay.

Xem thêm
Nghề nuôi đà điểu gặp khó khăn chưa từng có

Hà Nội Trong trang trại của ông Tài, đàn đà điểu vục đầu ăn ở máng xong một con co chân chạy là tất cả các con khác cùng chạy theo, bụi cuốn bay mù mịt.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.