| Hotline: 0983.970.780

Xứ Đoài đắt hàng bưởi VietGAP

Thứ Sáu 13/01/2023 , 16:14 (GMT+7)

HÀ NỘI Không treo biển ghi tên và số điện thoại nhà vườn, trang trại bưởi Diễn này vẫn được thương lái tìm tới bao tiêu toàn bộ.

Chị Phan Thị Loan ở thôn Phúc Lộc, xã Sen Phương, Phúc Thọ (Hà Nội) có 300 gốc bưởi Diễn trồng từ năm 2000, vụ Tết này cho thu hoạch hơn 30.000 quả các loại, đã có thương lái tận Hải Phòng tìm đến bao tiêu toàn bộ vơi giá bán quân bình từ 20.000 - 22.000 đồng/quả. Chị Loan cho biết, sản lượng quả lớn như vậy, nhưng thực thu chỉ ăn được 80%, số còn lại là những trái quá nhỏ, quả không cân đối hoặc có vết rám nắng, để nhà dùng dần và khuyến mại cho khách đến mua. Theo đó Tết Quý Mão này, chị Loan có được gần 500 triệu đồng từ bán bưởi Diễn.

Trang trại bưởi VietGAP của gia đình chị Loan. Ảnh: Hải Tiến.

Trang trại bưởi VietGAP của gia đình chị Loan. Ảnh: Hải Tiến.

Dạo thăm khắp vườn bưởi của chị Loan, cây nào quả cũng sai lúc lỉu, tép múi mọng nước, hương thơm, vị ngọt đậm. Đặc biệt lâu nay, người tiêu dùng vẫn truyền tai nhau, chọn mua những quả bưởi Diễn to đều bằng bát ăn cơm loại nhỡ (0,8kg/quả), ăn sẽ ngon ngọt hơn. Nhưng trong vườn bưởi của chị Loan, quả nào ăn cũng ngon, ngọt, kể cả những quả to, nặng 1,3 - 1,5kg ăn vẫn ngọt, múi rất mọng nước. Có thể vì lý do này, vườn bưởi của chị Loan không ghi biển hiệu và số điện thoại chủ trang trại nhưng vẫn có khách tận Hải Phòng lặn lội đến tận nơi, đặt cọc bao tiêu hết với giá cao hơn đáng kể so với bưởi Diễn bán ngoài thị trường.

Chị Loan cho biết, chất lượng bưởi Diễn ngon, ngọt như vậy cơ bản do kỹ thuật chăm sóc và điều kiện đất đai phù hợp, tuổi cây cũng phải từ 10 năm trở ra mới cho quả ăn ngon, cây bưởi càng lâu năm càng cho quả ăn không chê vào đâu được. Cùng với đó, phải thu hoạch đúng thời vụ tầm vào Tết Dương lịch, nếu để quả cận Tết Nguyên Đán mới hái bán làm bưởi thờ, quả ăn sẽ kém ngon. Riêng năm nay, thời gian giữa "tết ta” và "tết tây” chênh lệnh nhau không lớn, có thể thu hái bưởi muộn hơn thường lệ một chút, chất lượng quả cũng không bị suy giảm nhiều.

Cây bưởi nào trong vườn quả cũng sai bện vào nhau. Ảnh: Hải Tiến.

Cây bưởi nào trong vườn quả cũng sai bện vào nhau. Ảnh: Hải Tiến.

Qua thực tế hơn 20 năm trồng bưởi và tham quan các trang trại bưởi trong khu vực, chị Loan nhận xét, các địa phương ở khu vực ĐBSH đều trồng được bưởi Diễn. Nhưng cây trồng này thích hợp với đặc điểm sinh thái của Hà Nội nhất, vì đây là cái nôi khai sinh cây bưởi Diễn. Nhờ đó, bưởi Diễn trồng ở Hà Nội dễ sai quả, đạt chất lượng cao.

Theo kinh nghiệm của chị Loan, để vườn bưởi hàng năm cho nhiều quả, ngay sau khi kết thúc vụ thu hoạch, phải cuốc rãnh theo hình chiếu tán cây, bón mỗi gốc 2kg NPK Đầu Trâu, 60kg phân gà hoai mục rồi lấp đất kín phân, cây bưởi sẽ nhanh phục hồi khả năng sinh trưởng, phát triển. Cùng với đó, cắt bỏ hết các cành sâu bệnh, cành gầm, cành vượt, các cành có tán lá chạm nhau, giao nhau. Đặc biệt trong giai đoạn này, tuyệt đối không tưới tưới nước dưỡng cây, kể cả tưới nước phân các loại, chỉ khi cây chớm phân hoá mầm hoa mới tưới nước trở lại trong vườn.

Vườn bưởi đang cho thu hoạch. Ảnh: Hải Tiến.

Vườn bưởi đang cho thu hoạch. Ảnh: Hải Tiến.

Từ sau cây đậu quả, chỉ bón bột đỗ tương và dung dịch nước cá pha loãng. Trong đó, nước cá gồm, phụ phẩm thuỷ sản các loại, ngâm ủ kín với lân supe từ 6 tháng trở ra mới chắt lấy nước pha loãng tưới.

Phòng nắng nóng gây rám vỏ trái cây, dùng dung dịch booc đô (nước vôi trong + sunfat đồng) phun ướt đều lên tán cây và vỏ quả. Số lần phun tuỳ thuộc thời tiết, và khi thấy vỏ quả nhạt màu vôi, tiến hành phun trở lại, nên có thể phun ngay sau mỗi đợt có mưa to. Phun dung dịch boóc đô (Bordeaux) còn giúp hạn chế bệnh thán thư hại lá bưởi (vết bệnh trên lá hình đốm mắt cua, màu gỉ sắt, nhiều nơi còn gọi là bệnh gỉ sắt).

Một số sâu bệnh hại thường gặp khác như ruồi vàng, rệp muội, sương mai, phòng trừ theo khuyến cáo của cán bộ bảo vệ thực vật. Trong đó, ruồi vàng là đối tượng gây hại nguy hiểm nhất, nhưng qua nhiều năm chuyên thâm canh bưởi, chị Loan thấy đối tượng dịch hại này xuất hiện với mật độ khá thấp, có thể do địa phương và khu vực lân cận ít trồng cây có múi, hoặc địa bàn xã gần trung du miền núi. Vì thế, chị Loan chỉ cần treo mỗi cây 1 bẫy bả sinh học vào tháng 7 - 10 âm lịch đã có thể an tâm về phần sâu hại này.

Những quả bưởi này khá to nhưng rất mọng nước và ngọt đậm. Ảnh: Hải Tiến.

Những quả bưởi này khá to nhưng rất mọng nước và ngọt đậm. Ảnh: Hải Tiến.

Tạm biệt người nông dân cần mẫn, trước khi rời trang trại, chị Loan còn nhắn nhủ, quả bưởi sau thu hoạch hãy để nơi thoáng mát khoảng 10 ngày cho héo bớt lớp vỏ ngoài, dinh dưỡng từ vỏ quả dồn xuống múi tép (thường gọi quả xuống nước), chất lượng ăn sẽ ngọt đậm hơn, đồng thời còn thuận tiện cho vận chuyển đi xa, vỏ quả không bị bầm giập gây thối trong quá trình bảo quản dùng dần.

Xem thêm
Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ

THÁI NGUYÊN Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế tăng 15 - 20% so với phương pháp truyền thống.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.