| Hotline: 0983.970.780

Vùng bưởi VietGAP hơn 1 triệu quả/năm

Thứ Ba 27/09/2022 , 10:09 (GMT+7)

HÀ NỘI Với gần 20ha bưởi VietGAP sản xuất theo mô hình trang trại, mỗi năm xã Sài Sơn (Quốc Oai, Hà Nội) ước cung cấp cho thị trường Thủ đô hơn 1 triệu quả bưởi.

Xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai (Hà Nội) có khu du lịch tâm linh Chùa Thầy nổi tiếng trong cả nước. Địa phương này còn được coi là vựa bưởi VietGAP, cho sản lượng trên 1 triệu quả mỗi năm. Nhà vườn bưởi xen canh ao nuôi thả cá của anh Nguyễn Kim Mạnh là một trong những nhà vườn tiêu biểu.

Làm thuê cả đời không bằng 1 năm làm trang trại

Anh Mạnh cho biết, trước năm 2003, có một thời gian dài anh đi theo các nhóm thợ làm dịch vụ sơn, sửa nhà cửa. Vì cuộc sống nay đây mai đó, việc làm thất thường nên kiếm được đồng nào là “rải đường" và nuôi miệng vừa hết, không có tiền để giúp đỡ vợ con. Điều này làm anh Mạnh rất tâm tư, nhất là những lúc thấy cảnh vợ đầu tắt mặt tối, làm lụng quanh năm không đủ chi tiêu sinh hoạt gia đình.

Cây bưởi được bao quả ngăn ruồi vàng và nắng rám vỏ

Cây bưởi được bao quả, giúp ngăn ruồi vàng và tránh nắng gây rám vỏ. Ảnh: Hải Tiến.

Anh Mạnh nghĩ, không thể đi làm thuê suốt đời, phải an cư mới lạc nghiệp. Sau nhiều lần suy đi tính lại, anh đã quyết định về quê, thuê lại ruộng thấp trũng của người dân, rồi chuyển đổi làm trang trại cây ăn trái và nuôi cá.

“Ngày mới ra đây xứ đồng này còn ruộng trắng nước trong, đường đi, lối lại chỉ vừa vết xe đạp thồ, tôi phải thuê người vượt đất đắp lên thành vườn. Và cũng phải đào tới 1ha các ao mới có được 1ha vườn, đủ điều kiện thoát nước nhanh cho trồng cây ăn trái”, anh Mạnh kể.

Sau khi định hình được trang trại, vườn, ao, anh Mạnh còn phải dựng nhà tạm dùng chứa vật tư sản xuất, kéo điện lưới, lắp đặt hệ thống tưới cây tự động và làm đường dẫn ra trang trại, lúc đó mới tiến hành trồng cây, nuôi thả cá.

Để vườn bưởi sớm cho quả kinh doanh, anh Mạnh đã chọn trồng giống cây chiết cành. Nhờ tích cực thâm canh, sau 5 năm trồng, vườn bưởi của anh Mạnh đã cho thu hoạch sản lượng cao, mỗi năm được trên ngót nghét 40.000 quả, doanh thu 800 triệu đồng, lợi nhuận 400 triệu, cùng với số dư từ các ao nuôi cá, năm nào anh Mạnh cũng để ra được 500 triệu đồng. “Cứ theo nghề sơn, sửa nhà cửa, đời tôi sẽ không bao giờ có được số tiền bằng 1 năm làm kinh tế trang trại”, anh Mạnh phấn chấn khoe.

Kinh nghiệm cho các nhà vườn bưởi Diễn

Theo anh Mạnh, cây bưởi Diễn càng lâu năm càng cho quả ngon, trồng trên đất thịt nặng hoặc đất sét pha, chăm bón cân đối và cắt tỉa thường xuyên sẽ khai thác quả cao sản được hơn 20 năm. Đây là lợi thế lớn nhất của cây bưởi so với cây cam.

Nhờ tuân thủ các kỹ thuật sản xuất theo VietGAP, vườn bưởi anh Mạnh luôn rất sạch sâu bệnh, chất lượng quả cao, mẫu mã đẹp. Ảnh: Hải Tiến.

Nhờ tuân thủ các kỹ thuật sản xuất theo VietGAP, vườn bưởi anh Mạnh luôn rất sạch sâu bệnh, chất lượng quả cao, mẫu mã đẹp. Ảnh: Hải Tiến.

Bưởi trồng bằng cành chiết, hệ số nhân giống thấp, nhưng anh tự chiết cành, chọn được cây đúng giống, không bị nhiễm bệnh vàng lá gân xanh (bệnh rất nguy hiểm). Đặc biệt, cây sẽ cho quả “ngoan”, ngon ngay từ vụ đầu. Cây bưởi trồng từ giống ghép mắt, cần 7 - 8 năm mới cho quả "ngoan".

Để vườn bưởi Diễn sai quả, cách 6 - 7 cây nên trồng xen 1 gốc bưởi chua hoặc bưởi khác giống, giúp tăng khả năng giao phấn trên cây, tăng tỷ lệ đậu quả và giúp rải vụ thu hoạch (bưởi Diễn cho thu quả xung quanh Tết Dương lịch, các giống bưởi còn lại, đầu tháng 8 âm lịch đã cho thu hoạch). Ngoài ra, giống bưởi Diễn thường ra quả cách năm, để khắc phục nhược điểm này, bên cạnh việc cắt tỉa triệt để ngay sau thu hoạch, kể từ đầu tháng 9 (âm lịch) phải dừng tưới vườn cây, nếu thời tiết quá hanh khô mới tưới thật ít, hơi ẩm đất mặt vườn.

Để kích cây phân hóa mầm hoa, trước tiết Lập xuân hàng năm khoảng 15 ngày, nhà vườn cần tưới nước trở lại cho bưởi. Riêng những năm Lập xuân không mưa phùn hoặc mưa không đáng kể, phải tưới nước cho vườn cây sớm hơn thông lệ khoảng 3 - 4 ngày. Những năm tiết Lập xuân mưa nhiều hơn bình thường, nên tưới nước cho cây muộn hơn thông lệ 3 - 4 ngày. Nếu vườn bưởi đang kỳ ra hoa rộ gặp sương muối, phải phun nước rửa hoa ngay, tránh nguy cơ “trắng bảng”, mất mùa.

Không chỉ vườn bưởi của anh Mạnh, hiện xã Sài Sơn đã hình thành được các nhà vườn trồng bưởi quy mô tập trung, hàng hóa lớn.

Không chỉ vườn bưởi của anh Mạnh, hiện xã Sài Sơn đã hình thành được các nhà vườn trồng bưởi quy mô tập trung, hàng hóa lớn. Ảnh: Hải Tiến.

Đối tượng nguy hiểm, dễ gây rụng quả hàng loạt trên cây bưởi là ruồi vàng. Phòng ngừa dịch hại này tốt nhất là bao quả. Dùng túi vải chuyên dụng luồn mỗi quả vào 1 túi bao và buộc thít chặt đầu túi. Bao quả cũng là giải pháp tốt nhất tránh nắng gây rám vỏ. Thời gian tiến hành bao quả trong tháng 5 (âm lịch), tới tháng 9 phải tháo túi để lộ toàn bộ quả mới đảm bảo chất lượng sản phẩm khi thu hoạch. Lưu ý, trước và sau bao quả cần phun thuốc trừ rệp và nấm bệnh.   

Về bón phân, ngoài chăm bón theo quy trình VietGAP được tập huấn từ cơ quan khuyến nông, anh Mạnh còn vét bùn ao, phơi khô ải, rồi đập nhỏ bón cho cây, kết hợp với khai thác cá thải loại dưới ao, ngâm ủ kỹ với lân supe, lấy nước bón tưới vườn bưởi.

Cách làm này đã giúp anh Mạnh tiết giảm được 50% lượng NPK bón cho cây bưởi. “Bùn ao phơi khô có chứa xác thực vật khô mục, dinh dưỡng đất vườn bị rửa trôi, phân thải ra từ cá nuôi, tốt hơn nhiều so với bón phân chuồng hoai mục”, anh Mạnh giải thích.  

Để tăng độ ngọt cho múi quả, cần bón thêm kali cho cây 2 lần vào tháng 8 và 9 âm lịch. Lần 1, bón mỗi gốc 1kg Kali clorua; lần 2 (tháng 9) bón 0,5kg Kali sunfat/gốc. Thu hoạch quả vào ngày thời tiết khô ráo. Vận chuyển quả đi xa phải đệm lót cẩn thận. Vỏ quả bưởi bị giập nát sẽ vỡ các túi tinh dầu bên trong, không thể bảo quản quả được dài ngày. Để lưu trữ quả tới tháng 3 năm sau, phải xếp quả ở những nơi khô ráo, thoáng mát.

z3749010314891_2579f2382d0f42fe87b83c6ce584c0c3

Cây bưởi chua trồng xen vườn bưởi Diễn để tăng tỉ lệ đậu quả. Ảnh: Hải Tiến.

Bằng những biện pháp kỹ thuật trồng bưởi của mình, dù phải trả thuê ruộng với chi phí gần 40 triệu đồng mỗi năm, anh Mạnh vẫn có lãi trung bình 500 triệu đồng/năm, thường được Hội Làm vườn Hà Nội tổ chức cho các hội viên đến tham quan, học tập kinh nghiệm.

“Địa phương chúng tôi đã chuyển đổi được hơn 100ha đất hiệu quả canh tác thấp sang trồng các cây ăn quả cho thu nhập cao. Trong đó có gần 20ha bưởi VietGAP sản xuất theo mô hình trang trại, mỗi năm cung cấp cho thị trường Thủ đô hơn 1 triệu quả bưởi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”, ông Nguyễn Nho Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Sài Sơn cho biết.

Xem thêm
Nâng tầm chăn nuôi vùng ven biển: [Bài cuối] Lộ trình chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao

HẢI PHÒNG Là thành phố Cảng năng động, đô thị hóa mạnh mẽ, diện tích canh tác thu hẹp, lĩnh vực chăn nuôi của Hải Phòng đã có lộ trình, giải pháp để phát triển hiệu quả.

Tăng tốc giải ngân hỗ trợ người chăn nuôi thiệt hại do dịch bệnh

Hơn 46 tỷ là số tiền Hà Tĩnh cấp cho các địa phương để hỗ trợ người chăn nuôi thiệt hại do bệnh viêm da nổi cục trâu, bò và dịch tả lợn Châu Phi.

Khám tổng thể sức khỏe đất: [Bài 5] Sức khỏe đất của tỉnh Phú Yên và Bắc Ninh

TS Lương Đức Toàn - Trưởng Bộ môn Sử dụng đất thuộc Viện Thổ nhưỡng Nông hóa thông tin về kết quả kiểm tra chất lượng đất của tỉnh Phú Yên và Bắc Ninh.