| Hotline: 0983.970.780

Vùng cam ngon Phủ Quỳ nguy cơ tàn lụi: [Bài 1] Bi kịch... cấm trồng cam

Thứ Tư 06/11/2019 , 11:46 (GMT+7)

Một thời gian dài cây cam được xem là nguồn sống của số đông nông dân trên địa bàn Nghệ An, đặc biệt là mảnh đất đỏ bazan Phủ Quỳ màu mỡ. Đáng tiếc ngày huy hoàng đã ở lại phía sau.

Lúc này đây, hàng loạt hộ gia đình đang trầy trật trong chuỗi ngày khốn khó.

Nhắc đến mảnh đất Phủ Quỳ trù phú với hệ thống cây ăn quả phát triển rợp trời, chắc hẳn không thể bỏ qua “cánh chim đầu đàn” Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành.

17-58-34_1
Giám đốc Lê Viết Minh chia sẻ thực trạng nghề trồng cam hiện nay. Ảnh: Quang Bình.

Giám đốc Lê Viết Minh cho biết, đỉnh điểm công ty có hơn 900ha cam (nếu chiếu theo bản đồ phải gần 1.100ha), nhưng hiện tại còn chưa đầy phân nửa, rơi vào khoảng 400ha.


Chuỗi ngày huy hoàng

Không ngẫu nhiên người vùng Phủ Quỳ (Nghệ An) ví “nghề trồng cam ngồi mát ăn bát vàng”. Giá cam từng cao ngất ngưởng, bình quân 1kg có giá 50.000đ, rồi 70.000đ, 90.000đ, thậm chí có lúc vượt trên 100.000đ/kg vẫn không đủ nguồn cung.

Phần lớn diện tích Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành giao khoán theo Nghị định 135 của Thủ tướng Chính phủ với hơn 1.000 hộ tham gia, trong đó trồng cam khoảng 450 – 500 hộ, trung bình mỗi hộ nhận trên dưới 1ha. Cây cam phát triển đều, thị trường lại được giá nên không khí nơi đây luôn nhộn nhịp như trẩy hội, tiếng người cười nói vang lên không ngớt.

Tùy vào quy mô, hộ ít đút túi đều đặn đôi ba trăm triệu, hộ sở hữu diện tích lớn thu về cả tỷ đồng hoặc hơn thế. Đầu tư trồng cam thắng lớn, mua sắm nhà lầu, xe hơi, chuyện nhỏ.

Trước lợi nhuận cây cam mang lại, người dân không ngần ngại xuống tiền đầu tư ồ ạt, kể từ đây mọi thứ dần lâm vào mất kiểm soát.

Tại địa bàn xã Minh Hợp, chỉ sau một vài năm ngắn ngủi đã phát triển đến gần 2.500ha cây có múi, một số ít trồng quýt, còn lại chủ đạo vẫn là cam. Có điều quy mô không đi kèm chất lượng.

“Môi trường, đất đai, giống má, phân bón đều có vấn đề, gian nan nhất chính là trách nhiệm của người trồng. Một người làm một người phá đã khó xử lý, đằng này một người làm trăm người chống thì kham sao nổi. 2014 trở về trước không nói làm gì, riêng những ai trồng cam từ năm 2015 trở lại đây thì gần như trắng tay”, một chuyên gia tại đất Phủ Quỳ thốt lên cay đắng.

17-58-34_2
Sau giai đoạn cực thịnh, nghề trồng cam trên đất Phủ Quỳ đang đối diện với nhiều khốn khó. Ảnh: Quang Bình.

Trong diện thua lỗ có gia đình chị Phan Thị Tịnh. Ban đầu 2 vợ chồng chỉ thầu đất trồng cao su, mãi năm 2012 mới manh nha trồng cam nhưng ở mức độ vừa phải. Hòa theo xu thế, về sau anh chị quyết định vay mượn, huy động kinh phí chơi tất tay. Thông thường sân chơi nào cũng khéo chiều tay mới, chẳng thế từ 2015 đến 2017 cây cam mang về đến 800 triệu, kinh phí đầu tư chỉ chiếm khoảng 1/3, cầm cục tiền trong tay vợ chồng đầu tư tiếp.

Sau đó là chuỗi ngày bi kịch. Vườn cam bắt đầu đổ bệnh dù thời gian phát triển mới chỉ qua vài năm, cộng thêm giá cả thị trường tuột dốc thê thảm đã làm đảo lộn tất cả. Từ chỗ ăn nên làm ra giờ 2 vợ chồng đang phải oằn lưng gánh gồng món nợ hơn nửa tỷ đồng: “Thời điểm đầu tư chi phí rất đắt đỏ, giờ nhượng lại lỗ chổng vó. Mong sao tình hình sớm khởi sắc bằng không chúng tôi khó ngóc đầu lên nổi”.

Trở lại với gần 2.500 ha cam tại xã Minh Hợp, thực chất khu vực già cỗi chiếm đến 2.200 ha. Diện tích này đã bước vào giai đoạn thoái hóa, lẽ ra cần phải thay mới để tái tạo nguồn đất, cải thiện môi trường trước khi bắt tay vào thời kỳ kinh doanh mới. Đằng này đại bộ phân hộ trồng lại tiếc rẻ, từ đó họ cố tình “bòn rút” tuổi thọ của cây mà không biết rằng đang gián tiếp giúp dịch bệnh tấn công những khu vực mới hình thành.

Minh chứng rõ ràng nhất là khu vực đội 6 của xóm Minh Chùa, xã Minh Hợp. Có lúc nhà nhà trồng cam, người người trồng cam, ghi nhận năm 2017 nơi đây nhân rộng đến 186ha. Làm đến đâu thua lỗ đến đấy, không kham nổi nhiều nhà đành chấp nhận bỏ dở, diện tích giảm mạnh, chỉ còn khoảng 30ha.

Sốt sắng đầu tư tiền trăm bạc tỷ những tưởng sẽ nhanh chóng có cơ hội đổi đời, nào ngờ mọi thứ không diễn ra như ý muốn là thực trạng chung lúc này. Bất kể trồng 3 năm, 2 năm hay chỉ mới bắt tay triển khai thì kết cục cơ bản như nhau, sau cùng cây cam cũng đổ bệnh trong sự hoang mang đến cùng cực.

17-58-34_3
Gia đình chị Phan Thị Tịnh đang gồng gánh khoản nợ hơn 500 triệu đồng kể từ khi đầu tư vào cây cam. Ảnh: Quang Bình.

Trót đâm lao đành phải theo lao, một số hộ gia đình chuyển sang trồng quýt nhằm cứu vãn tình hình, dù vậy mọi thứ vẫn rối như tờ vò. “Dù quýt hay cam, bất luận là cây trồng có múi đều không thể phát triển và sinh trưởng trong điều kiện hiện tại”, ông Minh khẳng định chắc nịch.

Ông N.G.H, người từng được ví von “tiên phong mở lối” trong cuộc cách mạnh trồng cam tại đất Quỳ Hợp khi dám đứng ra nhận 18ha vào năm 2014. Bao nhiêu công sức, hoài bão cùng hơn chục tỷ đồng chi ra chẳng khác nào ném sông đổ biển, đến nay mọi thứ gần như bị xóa sổ (!).

Trước thực trạng ảm đảm nói trên, Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành đã phát đi thông báo: “Kể từ 1/1/2019 nghiêm cấm việc trồng mới cây cam, quýt trên toàn bộ diện tích công ty quản lý. Nếu chủ hộ cố tình vi phạm, công ty sẽ tổ chức dỡ bỏ”.

Lý giải về việc làm này, Giám đốc Lê Viết Minh nói: “Cam đúng là cây chủ lực nhưng lúc này tiềm ẩn quá nhiều rủi ro”.
 

Hướng đi nào

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Văn Lập cho biết, trên địa bàn Nghệ An diện tích cam hết nhiệm kỳ kinh doanh khá lớn, người dân dứt khoát phải trồng luân canh cây trồng khác để phục hồi chất đất. Về lý thuyết trồng cây họ đậu (đậu, lạc…) là tốt nhất, tuy nhiên hiệu quả mang lại thời điểm này không cao. Do đó bà con có thể kết hợp trồng mía hoặc ngô thời gian tối thiểu 1 năm, bằng không kéo dài từ 2 – 3 năm trước khi quay lại trồng cam.

Ông Lập cũng nhấn mạnh, khi trồng mới phải thực hiện đồng bộ các bước, trước hết cần đảm bảo nguồn giống chất lượng, xem đây là yếu tố tiên quyết quyết định thành bại về sau: “Bộ NN-PTNT cần giao một số đơn vị đầu tư cơ sở sản xuất giống tại khu vực Phủ Quỳ (Nghệ An), cộng thêm nguồn từ các cơ sở kinh doanh đảm bảo, đủ uy tín, mới đáp ứng được phần nào nhu cầu”.

Theo ông Lập, trong thời gian tới Nghệ An sẽ tập trung xử lý triệt để đối với những diện tích đã qua thời kỳ kinh doanh, đặc biệt khi thanh lý sẽ tiến hành trên diện rộng để hạn chế tối đa quá trình lây lan và phát sinh dịch bệnh, chỉ giữ lại những vườn cam thật sự sung sức, cho năng suất cao.

qung-n171717401
Chặt bỏ cây cam mắc bệnh. Ảnh: Quang An.

Theo tính toán của Sở NN-PTNT, giai đoạn 2019 – 2021 Nghệ An dự kiến thay thế khoảng 1.000ha diện tích thoái hóa. Về quy hoạch, quan điểm không mở rộng quy hoạch quá mức, toàn tỉnh chỉ giữ khoảng 6.000ha.

Trên tinh thần đó, cơ quan chuyên ngành và chính quyền địa phương cũng phải thay đổi triệt để cách thức quản lý. Sở NN-PTNT đang rà soát tất cả những cơ sở kinh doanh, sản xuất giống chưa qua đăng ký, trường hợp nào đủ điều kiện sẽ tiến hành công nhận cây đầu dòng, qua đó đảm bảo cung ứng giống phù hợp cho bà con, tránh tình trạng mất bò mới lo làm chuồng như bấy lâu.

“Nếu đầu tư 1 ha cam, trong 3 – 4 năm kiến thiết cơ bản sẽ tiêu tốn từ 250 – 300 triệu đồng, đáng nói kinh phí giống má chỉ chiếm một phần rất nhỏ, vào khoảng 5 – 7 triệu đồng.

So với trồng mía, chi phí đầu vào chỉ tầm ½, chưa kể có thể kinh doanh trong nhiều năm nếu tuân thủ nghiêm ngặt các bước theo hướng dẫn.

Tiếc thay người dân không nghĩ sâu xa, vì giá trị trước mắt đại bộ phận lờ đi giá trị tổng thể. Ham rẻ, mua giống trôi nổi là nguyên nhân dẫn đến hậu quả khôn lường.

Muốn phát triển bền vững cây cam nhất thiết cần sự vào cuộc quyết liệt từ nhà quản lý đến người trồng”, Giám đốc Lê Viết Minh chia sẻ.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.