| Hotline: 0983.970.780

Thận trọng với mắc ca

Vùng đất lành của cây mắc ca

Thứ Hai 24/07/2023 , 10:00 (GMT+7)

GIA LAI Nếu được trồng ở những nơi có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, thời tiết phù hợp, cây mắc ca cho giá trị kinh tế cao, điển hình như nhiều nơi ở Tây Nguyên.

Theo thống kê, tỉnh Gia Lai hiện có 14/17 địa phương trong tỉnh đã trồng cây cắc ca với tổng diện tích 2.200ha. Trong đó, huyện Kbang là địa phương có diện tích trồng mắc ca lớn nhất với khoảng gần 2.000ha, tập trung chủ yếu ở các xã Sơ Pai, Sơn Lang, Đăk Rong, Krong.

Khẳng định vị thế mới

Những ngày đầu tháng 7, chúng tôi đến xã Sơ Pai đúng thời điểm chuẩn bị vào vụ thu hoạch mắc ca. Dọc những con đường mòn vào khu vườn của người dân, những cây mắc ca xanh mướt, quả sum suê. Được cán bộ xã giới thiệu, chúng tôi ghé thăm gia đình anh Lại Huy Hưng (thôn 4, xã Sơ Pai), nơi có vườn mắc ca 3ha trồng thuần, trong đó 2ha hiện đang cho thu hoạch.

Vườn mắc ca trồng thuần của gia đình anh Lại Huy Hưng (thôn 4, xã Sơ Pai, huyện Kbang). Ảnh: Tuấn Anh.

Vườn mắc ca trồng thuần của gia đình anh Lại Huy Hưng (thôn 4, xã Sơ Pai, huyện Kbang). Ảnh: Tuấn Anh.

Bài liên quan

Anh Hưng cho biết, cây mắc ca từ lúc trồng đến khi thu hoạch phải mất 5 năm, nhưng năng suất rất ổn định, năm sau cao hơn năm trước. Đặc biệt, cây mắc ca có vòng đời trên 50 năm nên trồng 1 lần cho thu nhập cả đời người.

Anh Hưng kể, khoảng 6 - 7 năm trước, người dân nơi đây chủ yếu trồng cà phê, nhưng thu hoạch cũng bấp bênh. Trong khi cây mắc ca lúc bấy giờ có rất ít người trồng vì còn quá mới mẻ. Sau khoảng thời gian dài đắn đo suy nghĩ, gia đình anh quyết định làm liều theo kiểu “được ăn cả, ngã về không”.

Nhìn vườn mắc ca trĩu quả, anh Hưng cười mãn nguyện: “Vườn mắc ca hiện đã bước vào năm thứ 2 thu hoạch, trừ chi phí, trung bình 1ha gia đình thu về khoảng 130 - 150 triệu đồng. Nếu lúc ra hoa không gặp bất lợi về thời tiết, năng suất có thể đạt hơn 4 tấn/ha, trừ chi phí, lợi nhuận thu về còn cao hơn”.

Theo anh Hưng, mắc ca tương đối dễ trồng và cho thấy rất phù hợp ở vùng đất có khí hậu mát lạnh như huyện Kbang. Người dân chỉ cần lưu ý lúc mắc ca nở hoa vào khoảng cuối năm, thời gian này nếu không có mưa, khí hậu lạnh khoảng 20 - 22 độ C thì cây sẽ phát triển tốt. Nếu nắng quá hoặc gặp mưa, hoa mắc ca sẽ không đậu quả và bị thối. Cách chăm sóc thì tương đối đơn giản, mỗi năm chỉ cần bón phân 2 - 3 lần và tưới nước thường xuyên.

Vườn mắc ca trĩu quả, năng suất cao và ổn định của anh Hưng. Ảnh: Tuấn Anh.

Vườn mắc ca trĩu quả, năng suất cao và ổn định của anh Hưng. Ảnh: Tuấn Anh.

Bài liên quan

Xuôi về xã Sơn Lang, Phó Chủ tịch xã Đinh Văn Hdăn dẫn chúng tôi đi tham quan các vườn mắc ca. Ông cho biết những năm gần đây, cây mắc ca cho giá trị kinh tế cao nên người dân trong vùng đẩy mạnh mở rộng diện tích. Hiện trên địa bàn xã đã có khoảng trên 500ha, chủ yếu mắc ca trồng xen với cây cà phê. Không chỉ trồng, nhiều hộ dân cũng bắt đầu chế biến để nâng cao giá trị cho cây mắc ca.

Có mặt tại gia đình ông Thiều Viết Đoàn (thôn Thống Nhất, xã Sơn Lang), chứng kiến những đôi tay cần mẫn đang đưa vào máy chẻ từng hạt mắc ca, đóng hộp để kịp giao hàng đi TP.HCM, Hà Nội, Nha Trang… mới cảm nhận được giá trị từ cây mắc ca mang lại.

Ông Đoàn cho biết, đơn hàng quá nhiều, trong khi gia đình sản xuất chỉ có giới hạn nên không đáp ứng đủ cho khách hàng. Hiện gia đình ông trồng 2,5ha mắc ca, trong đó 1,5ha đã cho thu hoạch với sản lượng trung bình khoảng 3,5 - 4 tấn.

“Chi phí đầu tư cho cây mắc ca tương đối rẻ, trung bình 1 năm chỉ khoảng 30 - 40 triệu đồng và giảm dần theo từng năm, trong khi giá bán ra thị trường rất ổn định từ 80 - 90 ngàn đồng/kg đối với sản phẩm tươi, còn qua chế biến giá lên đến 180 ngàn đồng/kg. So với cây cà phê, mắc ca có giá trị kinh tế cao hơn nhiều, thậm chí ngang ngửa với cây sầu riêng, mà công sức bỏ ra ít hơn”, ông Đoàn chia sẻ.

Vườn mắc ca trồng xen cà phê của gia đình ông Thiều Viết Đoàn (thôn Thống Nhất, xã Sơn Lang, huyện Kbang) hàng năm thu hoạch từ 3,5 - 4 tấn quả. Ảnh: Tuấn Anh.

Vườn mắc ca trồng xen cà phê của gia đình ông Thiều Viết Đoàn (thôn Thống Nhất, xã Sơn Lang, huyện Kbang) hàng năm thu hoạch từ 3,5 - 4 tấn quả. Ảnh: Tuấn Anh.

Huyện Kbang hiện có 2 giống mắc ca, một giống ra hoa vào cuối năm, còn lại ra hoa vào đầu năm. Thời gian này ở huyện Kbang khí hậu tương đối lạnh nhưng không mưa nên hoa mắc ca phát triển tốt, nở đẹp, dễ đậu quả hơn các vùng khác. Còn nếu gặp phải trời mưa, hoa sẽ bị thối, dẫn đến không có quả, xem như mùa vụ thất bại.

Hướng đến thương hiệu mắc ca Kbang Gia Lai

Đối với huyện Kbang, cà phê vẫn được xem là cây trồng chủ lực, mắc ca chủ yếu được trồng xen, vừa mục đích chắn gió, vừa tăng thêm thu nhập cho người dân. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, cây mắc ca ngày càng cho giá trị kinh tế cao và trở thành cây trồng chủ lực tại địa phương.

Ông Võ Thanh, Chủ tịch UBND xã Sơ Pai cho biết, trước đây cây cà phê được xem là chủ lực, mắc ca chỉ được người dân trồng xen để làm cây che bóng và có thêm thu nhập. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, mắc ca đang dần lấn át, diện tích ngày càng được mở rộng. Hiện trên địa bàn xã đã có hơn 590ha, chưa kể diện tích mắc ca của các công ty lâm nghiệp giao khoán cho người dân trồng rừng thay thế.

“Thời điểm hiện tại, giá trị kinh tế từ cây mắc ca cao hơn nhiều so với cây trồng chủ lực là cà phê. Đối với những hộ dân trồng thuần, cây mắc ca cho năng suất rất cao, thu nhập trung bình mỗi năm hơn 300 triệu đồng/ha. Còn những hộ dân trồng xen với cà phê thu nhập từ cây mắc ca cũng khoảng 200 triệu đồng/ha”, ông Thanh chia sẻ.

Nhiều hộ dân ở huyện Kbang đã mua máy về sơ chế mắc ca nhằm nâng cao giá trị. Ảnh: Tuấn Anh.

Nhiều hộ dân ở huyện Kbang đã mua máy về sơ chế mắc ca nhằm nâng cao giá trị. Ảnh: Tuấn Anh.

Theo ông Thanh, huyện Kbang nói chung và xã Sơ Pai nói riêng có khí hậu mát mẻ, đất đai màu mỡ, không bị sỏi đá, rất phù hợp để phát triển cây mắc ca. Chính vì vậy, ngay khi đưa vào trồng thử nghiệm từ hơn 10 năm trước, mắc ca đã phát triển rất tốt, hiệu quả rõ rệt.

Ông Mã Văn Tình, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Kbang cho biết, được trồng thí điểm từ năm 2010, cây mắc ca cho hiệu quả nên đã được nhân rộng trên địa bàn. Cây mắc ca rất phù hợp, sinh trưởng và phát triển tốt, cho quả sai và năng suất ổn định qua các năm tại vùng đất Kbang. Từ chỗ chủ yếu được người dân trồng xen cà phê, hiện nay diện tích mắc ca đã được mở rộng, cả hình thức trồng xen và trồng thuần. Nếu như năm 2015, huyện chỉ có khoảng 100ha thì đến nay đã có hơn 2.000ha cây mắc ca.

“Cây mắc ca trong quá trình sinh trưởng và phát triển quan trọng nhất là lúc nở hoa. Thời gian phân hóa mầm hoa cần nhiệt độ mát mẻ, không quá nóng thì cây mắc ca sẽ cho tỉ lệ đậu quả cao. Với yêu cầu thời tiết, khí hậu này, huyện Kbang có nhiều thuận lợi hơn các địa phương khác. Ngoài ra, huyện Kbang có thổ nhưỡng với đất đỏ bazan màu mỡ, rất tốt cho mắc ca và các loại cây trồng phát triển”, ông Tình chia sẻ.

Định hướng đến năm 2030, huyện Kbang sẽ phát triển cây mắc ca trên 3.000ha. Để hiện thực hóa điều này, từ năm 2018, huyện đã có những chính sách hỗ trợ cho các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số trồng xen cây mắc ca để tăng thêm thu nhập. Ngoài ra, huyện cũng đang phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Gia Lai đăng ký nhãn hiệu chứng nhận thương hiệu mắc ca Kbang Gia Lai.

Mắc ca tại huyện Kbang cho chất lượng quả rất tốt. Ảnh: Tuấn Anh.

Mắc ca tại huyện Kbang cho chất lượng quả rất tốt. Ảnh: Tuấn Anh.

Ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai cho biết, qua kiểm tra thực tế cho thấy, cây mắc ca tương đối thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại các địa phương của tỉnh. Đặc biệt tại huyện Kbang có khí hậu mát mẻ, thổ nhưỡng phù hợp cho cây mắc ca phát triển.

“Diện tích cây mắc ca phát triển mạnh đã khẳng định được hiệu quả kinh tế, đặc biệt là ý nghĩa về an sinh xã hội khi tạo ra nhiều việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Thành công của cây mắc ca cũng khẳng định đây là cây đa mục tiêu, cây rừng rất có ý nghĩa về môi trường, góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái”, ông Đoàn Ngọc Có đánh giá.

Ông Đoàn Ngọc Có cho biết, theo kế hoạch, cây mắc ca sẽ được phát triển chủ yếu tại các xã, thị trấn thuộc huyện Kbang. Song song đó, tiếp tục mở rộng phát triển ở các vùng có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp tại các huyện Đăk Đoa, Mang Yang, Chư Păh. Theo đó, phấn đấu tổng diện tích trồng mắc ca đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh đạt trên 4.000ha.

Xem thêm
Nâng cao chất lượng đào tạo ngành chăn nuôi thú y: [Bài 2] Sinh viên ngồi ghế nhà trường đã khỏi lo đầu ra

Đào tạo ngành chăn nuôi và thú y là yếu tố quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững với nguồn nhân lực chất lượng.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.