| Hotline: 0983.970.780

Thận trọng với mắc ca

Trồng thử cả huyện, duy nhất một xã có quả

Thứ Sáu 21/07/2023 , 06:00 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Tại huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định), cây mắc ca được đưa vào trồng thử ở nhiều xã, nhưng duy nhất chỉ có xã Vĩnh Sơn cây đậu quả, năng suất khá cao và ổn định.

Khẳng định cây mắc ca chỉ có hiệu quả trên đất Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) không có chủ trương nhân rộng sang các địa phương khác vì khí hậu không phù hợp. Điều này cho thấy cây mắc ca có yêu cầu rất đặc thù về tiểu vùng khí hậu, thổ nhưỡng, mỗi nơi phù hợp với mỗi giống nhất định, chứ không phải chỗ nào cũng phù hợp để trồng mắc ca.

Trời phú cho riêng đất Vĩnh Sơn

Sau hơn 10 năm đưa cây mắc ca về trồng trên vùng cao Vĩnh Sơn, đến nay, đã là năm thứ 6 ông Đặng Văn Khánh thu hoạch quả trên những diện tích mắc ca trồng đầu tiên tại làng K8. Đến giờ này, ông Khánh khẳng định cây mắc ca phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của vùng cao Vĩnh Sơn nên cây sinh trưởng phát triển tốt, ra hoa đậu quả theo chu kỳ, cho năng suất khá, đầu ra và giá bán ổn định.

Diện tích mắc ca trồng năm 2012 của ông Đặng Văn Khánh tại xã vùng cao Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) dù không được thâm canh đúng mức nhưng hiện cho năng suất 20kg quả/cây/năm. Ảnh: VĐT.

Diện tích mắc ca trồng năm 2012 của ông Đặng Văn Khánh tại xã vùng cao Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) dù không được thâm canh đúng mức nhưng hiện cho năng suất 20kg quả/cây/năm. Ảnh: VĐT.

Bài liên quan

Theo ông Khánh, 2ha mắc ca đầu tiên ông trồng tại làng K8 (xã Vĩnh Sơn) vào tháng 12/2012 thì đến tháng 9/2017 cây bắt đầu cho quả bói. Từ đó, có năm ông trồng thêm từ 0,5 - 1ha, đến nay gia đình ông đã trồng được khoảng 6ha mắc ca. Hàng năm, từ tháng 12 năm trước đến tháng 2 năm sau là mắc ca ra hoa, đậu quả, đến tháng 4 - 5, các cơ sở chế biến mắc ca đã đến tận vườn đặt cọc tiền để thu mua, khi đến vụ thu hoạch chỉ cần nhấc điện thoại lên a lô là cơ sở chế biến chở máy móc đến tận vườn sạc quả mắc ca để thu mua.

Theo tính toán của ông Khánh, diện tích mắc ca đầu tiên của ông trồng trên đất Vĩnh Sơn tuy không được thâm canh đúng mức, mỗi năm chỉ cho mỗi cây khoảng 15kg phân chuồng, 1kg phân NPK và mỗi năm ông chỉ tưới có 2 lần vào mùa nắng, nhưng mỗi cây cũng cho 20kg quả/năm. Nếu thâm canh đúng mức, từ năm thứ 6 trở đi, mỗi cây phải cho thu hoạch từ 45 - 50kg quả/năm.

Bài liên quan

Hiện nay, giá mắc ca đang ở mức 90.000 đồng/kg (quả đã bóc vỏ). Với những diện tích mắc ca trồng bán thâm canh, mỗi năm cho 20kg quả đã bóc vỏ/cây cho thu nhập khoảng 1,8 triệu đồng/năm. 1ha trồng được 310 cây, như vậy mỗi ha mắc ca mỗi năm cho người trồng thu nhập khoảng 500 triệu đồng. Đây là khoản tiền trong mơ của người dân vùng cao Vĩnh Sơn.

“So với các loại cây ăn quả khác trồng trên đất Vĩnh Sơn thì cây mắc ca rất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương. Ở nơi nào không biết, chứ trên đất Vĩnh Sơn bất cứ làng nào cũng trồng được mắc ca. Nếu tất cả các diện tích trồng mì (sắn) và keo trên đất Vĩnh Sơn chuyển sang trồng mắc ca thì tôi đảm bảo ở xã vùng cao này không còn hộ nghèo”, ông Khánh nói.

Những quả mắc ca chín sớm rụng xuống đất được vợ chồng ông Khánh lượm về bỏ vào máy xạc (bóc) vỏ để bán cho thương lái. Ảnh: VĐT.

Những quả mắc ca chín sớm rụng xuống đất được vợ chồng ông Khánh lượm về bỏ vào máy xạc (bóc) vỏ để bán cho thương lái. Ảnh: VĐT.

Cũng theo ông Khánh, vào năm 2017, giá quả mắc ca đã bóc vỏ chỉ 75.000 đồng/kg, cách đây 3 năm giá mắc ca dao động từ 85.000 - 120.000 đồng/kg, đến đầu vụ thu hoạch mắc ca năm 2023 này giá quả đã bóc vỏ đứng ở mức 90.000 đồng/kg. Với giá khá ổn định trong nhiều năm liền, trên đất Vĩnh Sơn này không có loại cây nào cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

“Trồng 1ha mắc ca chi phí không nhiều, cây giống đảm bảo chất lượng hiện có giá dao động từ 60.000 - 65.000 đồng/cây, mỗi ha trồng 310 cây mất hơn 20 triệu đồng. Công đào lỗ bằng máy để trồng chi phí hết 10.000 đồng/lỗ, mỗi ha đào 310 lỗ, tốn thêm 3,1 triệu đồng nữa. Mỗi cây đầu tư 1 bao phân bò khô chở đến tận vườn bán với giá 22.000 đồng/bao, tốn thêm gần 7 triệu đồng. Như vậy, mỗi ha mắc ca trồng mới có mức đầu tư tất tần tật chỉ khoảng 30 triệu đồng, khoản đầu tư này hợp với khả năng của nhiều hộ dân. Trong khi đó, theo lý thuyết, cây mắc ca trồng 1 lần có thể cho thu hoạch nhiều chục năm”, ông Đặng Văn Khánh cho hay.

Trồng thử ở các xã lân cận đều không đậu quả

Tuy được hưởng lợi từ cây mắc ca đã 6 năm nay, nhưng ông Đặng Văn Khánh vẫn khuyến cáo nông dân không nên phát triển cây trồng này một cách bất chấp, mà phải chọn cây giống đảm bảo chất lượng từ những cơ sở cung cấp cây giống uy tín, đảm bảo chất lượng do cơ quan chuyên môn và Hiệp hội Mắc ca Việt Nam giới thiệu, chứ không nên mua cây giống bán trôi nổi trên thị trường về trồng để tránh tình trạng "tiền mất tật mang".

Ông Đặng Văn Khánh cho quả mắc ca vào máy xạc vỏ. Ảnh: VĐT.

Ông Đặng Văn Khánh cho quả mắc ca vào máy xạc vỏ. Ảnh: VĐT.

Bài liên quan

Ở Vĩnh Sơn, sau khi thấy những diện tích mắc ca của ông Khánh cho hiệu quả, nhiều nông dân có đất rẫy cũng đến vườn mắc ca của ông hỏi mua chồi để làm giống nhưng ông không bán. Bởi ông biết, trồng mắc ca với cây giống được tạo ra bằng chồi cây sau này chỉ để làm củi chứ cây sẽ không cho quả. Ông Khánh từng được Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đưa đi tham quan các vườn chuyên sản xuất cây giống mắc ca, nên biết quy trình sản xuất rất phức tạp mới cho ra được cây giống đảm bảo chất lượng.

“Họ đến vườn mua cây chồi tôi không bán thì họ cắt trộm về để làm giống. Trồng mắc ca kiểu ấy thì sau 5 năm cây cứ đứng đơ không cho quả, khi ấy có hối hận vì đã tiếc tiền mua cây giống cũng không kịp. Về cơ sở mua cây giống đảm bảo chất lượng, nếu ai có nhu cầu, tôi sẵn sàng hướng dẫn nơi có uy tín theo hướng dẫn.

Kể cả ai muốn hỏi thăm cách trồng, chăm sóc cây mắc ca tôi cũng luôn sẵn lòng. Hàng ngày, tôi lên nhóm Zalo của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam để trao đổi thông tin. Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cũng đã nhiều lần về đây thăm mô hình mắc ca của tôi”, ông Khánh chia sẻ.

Theo ông Lê Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định), cây mắc ca phát triển trên địa bàn huyện này mới chỉ hơn 10 năm nay. Đây là cây trồng mới nên trong phát triển ngành chức năng huyện rất thận trọng.

Vợ ông Khánh bóc vỏ quả mắc ca. Ảnh: VĐ.T.

Vợ ông Khánh bóc vỏ quả mắc ca. Ảnh: VĐ.T.

“Đất ở xã Vĩnh Sơn có đặc thù riêng là đất bazan, rất phù hợp với loại cây trồng này. Đặc biệt, khí hậu ở Vĩnh Sơn là tiểu vùng khí hậu ôn đới, nhiệt độ trong giai đoạn lúc cây mắc ca ra hoa, đậu quả phù hợp nên cho năng suất khá. Những diện tích mắc ca đến thời kỳ kinh doanh trên đất Vĩnh Sơn mấy năm gần đây cho hiệu quả kinh tế cao”, ông Thông khẳng định.

Cũng theo ông Thông, xác định cây mắc ca phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của Vĩnh Sơn nên trong thời gian tới, chính quyền huyện Vĩnh Thạnh sẽ vận động người dân Vĩnh Sơn chuyển đổi cây trồng, nhân rộng diện tích trồng mắc ca tại xã vùng cao này, trong đó đặc biệt lưu ý người dân khi trồng mắc phải cẩn trọng trong việc chọn mua cây giống chất lượng để đảm bảo hiệu quả.

Ông Thông cho biết thêm, trên địa bàn xã Vĩnh Sơn diện tích đang trồng rừng và các loại cây khác kém hiệu quả có thể chuyển sang trồng cây mắc ca hiện ước khoảng 2.000ha. Huyện sẽ tuyên truyền, vận động bà con trồng mắc ca để cải thiện đời sống. 1ha rừng trồng bây giờ sau 5 năm khi khai thác trừ hết chi phí còn lãi khoảng 50 - 70 triệu đồng/ha, cây mì cũng chỉ lãi khoảng 50 triệu đồng/ha. Trong khi 1ha mắc ca sau 5 năm trồng sẽ có quả và cho thu nhập đến hàng trăm triệu đồng/ha/năm.

“Mức đầu tư cho 1ha mắc ca cũng vừa với 1 suất vay với lãi suất ưu đãi của Ngân hàng Chính sách huyện Vĩnh Thạnh nên đây là điều kiện tốt cho những cặp vợ chồng trẻ mới tách hộ ở xã Vĩnh Sơn khởi nghiệp trên chính quê hương của mình. Hiện nay huyện Vĩnh Thạnh đang lập quy hoạch vùng, trên cơ sở quy hoạch vùng, chúng tôi sẽ lập quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng với từng loại cây cụ thể để vận động bà con thực hiện, trong đó có các diện tích sẽ chuyển đổi sang trồng mắc ca”, ông Lê Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh chia sẻ.

Hiện quả mắc ca đã bóc vỏ ở Vĩnh Sơn đang có giá 90.000 đồng/kg. Ảnh: VĐT.

Hiện quả mắc ca đã bóc vỏ ở Vĩnh Sơn đang có giá 90.000 đồng/kg. Ảnh: VĐT.

Theo ông Bùi Tấn Thành, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, nhận thấy cây mắc ca trồng trên xã vùng cao Vĩnh Sơn cho hiệu quả, ông Thành đã đích thân đưa giống về trồng tại thị trấn Vĩnh Thạnh và các xã lân cận nhưng không cây nào cho quả. Từ đó, huyện Vĩnh Thạnh xác định cây mắc ca chỉ phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở Vĩnh Sơn chứ các xã khác trong huyện không trồng được.

“Mắc ca rất phù hợp với đất đỏ bazan, nhưng để mắc ca ra hoa, đậu quả, cần phải có nền nhiệt độ phù hợp, chứ không phải vùng đất nào trồng mắc ca cũng ra hoa, đậu quả. Về thổ nhưỡng, cây mắc ca không khắt khe lắm, nhưng quan trọng nhất phải là thời tiết, khí hậu, nhất là giai đoạn cây mắc ca ra hoa, đậu quả. Giai đoạn cây mắc ca ra hoa, đậu quả phù hợp với nền nhiệt độ thấp, nếu nền nhiệt độ cao cây sẽ tịt, không ra hoa, đậu quả”, TS Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ khẳng định.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Mùa vàng trên cánh đồng sạ cụm

QUẢNG BÌNH Mô hình gieo sạ lúa bằng máy tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hàm Hòa trong vụ đông xuân 2023 - 2024 với diện tích trên 10ha cho hiệu quả lớn…

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm