| Hotline: 0983.970.780

Thận trọng với mắc ca

Nông dân háo hức, chính quyền mù mờ

Thứ Ba 18/07/2023 , 09:00 (GMT+7)

NGHỆ AN Chưa biết trồng cây mắc ca có hiệu quả hay không, nhưng vì khát vọng làm giàu nên những năm gần đây, nông dân ở Nghệ An đã rất háo hức, trồng hàng trăm ha.

LTS: Mắc ca là cây trồng có tiềm năng thị trường tiêu thụ, cho giá trị kinh tế cao tại các vùng trồng phù hợp, cho năng suất cao. Tuy nhiên, đây cũng là cây trồng có yêu cầu đặc thù khắt khe về khí hậu, thổ nhưỡng, giống... Vì vậy, không phải nơi nào cũng có thể thích hợp để trồng mắc ca mà cần hết sức cẩn trọng.

Dân nghe và làm theo Hiệp hội Mắc ca

Trong lúc các cấp chính quyền từ tỉnh đến xã ở Nghệ An chưa có nơi nào khảo sát, đánh giá về thực trạng cây mắc ca hiện nay ra sao thì doanh nghiệp và Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đã cử người đến tận các miền quê ở Nghệ An tổ chức các hội thảo khuyến cáo nông dân trồng mắc ca.

Nhận thấy có những vườn cây mắc ca trồng từ lâu nay đã có quả, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đã quay phim, dựng clip để tuyên truyền. Hiệp hội còn xin ý kiến lãnh đạo chính quyền địa phương để mở các đợt hội thảo, khuyến cáo người dân trồng mắc ca. Cùng với đó, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Bảo Ngọc (viết tắt là Công ty Bảo Ngọc) hiện cũng đã xây dựng xong một vườn ươm cây giống trên diện tích rộng đến 2,5ha. Tại đây, cây giống mắc ca được ươm bằng hạt giống thực sinh, khi cây đã cứng cáp họ đem các hom giống từ các cây đầu dòng vào ghép.

Vườn mắc ca 2 năm tuổi của ông Hoàng Văn Khuyên ở làng Minh Lâm, xã Nghĩa Lâm (huyện Nghĩa Đàn). Ảnh: Hồ Quang.

Vườn mắc ca 2 năm tuổi của ông Hoàng Văn Khuyên ở làng Minh Lâm, xã Nghĩa Lâm (huyện Nghĩa Đàn). Ảnh: Hồ Quang.

Ông Dương Tiến Thành, Giám đốc Công ty Bảo Ngọc kiêm Chủ tịch Chi hội Mắc ca Nghệ An cho biết: Tất cả các hom giống được lấy từ các cây giống đầu dòng của Him Lam Mắc ca (Lâm Đồng) và Trung tâm Thực nghiệm và Chuyển giao giống cây rừng (thuộc Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp Việt Nam). Những cây mắc ca đầu dòng này đã được Bộ NN-PTNT công nhận và cấp phép sản xuất.

Trong các cuộc hội thảo, Công ty Bảo Ngọc đã cam kết: Những nông hộ mua giống mắc ca của Công ty sẽ được hỗ trợ 50% phân bón hữu cơ vi sinh do công ty sản xuất và được miễn phí cước vận chuyển cây giống đến nơi trồng. Cây giống sau 5 năm trồng nếu không có quả thì công ty sẽ bồi thường gấp 12 lần tiền giống mà nông hộ đã bỏ ra mua.

Đối với sản phẩm, công ty cam kết sẽ thu mua hết quả mắc ca trong vòng 10 năm kể từ khi cây có quả với giá bằng 85% giá thu mua của nước Úc tại thời điểm...

Cũng từ đây, làn sóng trồng mắc ca đã hối thúc hàng trăm nông hộ ở miền Tây xứ Nghệ. Và để đáp ứng nhu cầu của người dân, mỗi năm Công ty Bảo Ngọc đã xuất vườn được 40.000 bầu giống. Theo đó, kể từ năm 2021 đến nay, các địa phương ở Nghệ An đã trồng được hơn 300ha mắc ca, trong đó Quỳ Hợp 70ha, Nghĩa Đàn 50ha, Quỳnh Lưu 30ha…

Mỗi năm, Công ty Bảo Ngọc xuất vườn khoảng 40.000 bầu giống mắc ca cho dân trồng.

Mỗi năm, Công ty Bảo Ngọc xuất vườn khoảng 40.000 bầu giống mắc ca cho dân trồng.

Ông Hoàng Văn Khuyên ở làng Minh Lâm, xã Nghĩa Lâm (huyện Nghĩa Đàn) dẫn đường tôi đi khảo sát các vườn mắc ca của nông dân xã này, vừa đi ông vừa kể: "Trước lúc dân chúng tôi trồng mắc ca, Công ty Bảo Ngọc phối hợp với Hội Nông dân xã đã tổ chức cho chúng tôi đến huyện Quỳ Hợp tham dự hội thảo. Tại đó, chúng tôi được nghe đội ngũ kỹ thuật hướng dẫn cách trồng và chăm sóc cây mắc ca. Công ty cam kết hỗ trợ cây giống, rồi vận chuyển và thu mua hết sản phẩm. Trở về, dân làng đã gửi danh sách đăng ký trồng mắc ca nhờ Hội Nông dân xã đứng ra kết nối làm việc với Công ty Bảo Ngọc".

Quan sát kỹ vườn của ông Khuyên trồng khoảng 300 cây mắc ca trên diện tích 8 sào (500m2/sào), chúng tôi thấy cây nào cũng xanh tốt, với chiều cao trung bình đã đạt tới hơn 3m. Cơ cấu giống trong vườn gồm 3 loại, được trồng xen kẽ mỗi hàng một giống. Ông Khuyên cho biết, cùng trồng mắc ca với ông còn có nhà Hậu Thư trồng 300 cây, Lương Văn Lợi 300 cây, Lê Văn Gianh 200 cây, Trương Minh Tranh 200 cây…

Ông Phan Văn Phú, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Yên (huyện Nghĩa Đàn), nay làm cán bộ kỹ thuật tại Công ty Bảo Ngọc nói với tôi: "Nhu cầu trồng mắc ca của người dân đang rất lớn, các địa phương đã lấy giống của Công ty Bảo Ngọc đem về trồng bao gồm ở huyện Quỳ Hợp Hợp có nông dân ở các xã Yên Hợp, Văn Lợi, Hạ Sơn, Châu Cường; huyện Nghĩa Đàn có xã Nghĩa Lạc, Nghĩa Lâm; thị xã Thái Hòa có xã Tây Hiếu, phường Quang Tiến; huyện Tân Kỳ có xã Giai Xuân, Tân Phú, Tân Hợp…

Khi nông hộ lấy giống của công ty, đội ngũ kỹ thuật đã đến tận từng vườn để hướng dẫn mọi người cùng biết cách chăm sóc cây đúng kỹ thuật theo từng giai đoạn sinh trưởng.

Hội thảo phổ biến về phát triển cây mắc ca do Chi hội Mắc ca Nghệ An tổ chức tại xã Nghĩa Đức, huyện Nghĩa Đàn. 

Hội thảo phổ biến về phát triển cây mắc ca do Chi hội Mắc ca Nghệ An tổ chức tại xã Nghĩa Đức, huyện Nghĩa Đàn. 

Tôi hỏi, hiện tỉnh Nghệ An chưa có khuyến cáo cụ thể cho nông dân về việc trồng mắc ca, vậy các anh có biết? Ông Phú bảo: "Chúng tôi biết chứ, nhưng cũng không thấy cơ quan nào ngăn cản việc dân trồng mắc ca. Vậy nên chúng tôi cũng rất cẩn thận. Bước đầu chúng tôi coi số diện tích mắc ca mà dân lấy giống từ Công ty Bảo Ngọc là những mô hình. Mà mô hình thì chúng tôi và dân phải làm cho đúng kỹ thuật. Chúng tôi cũng đã chuẩn bị kỳ tới, khi cây chuẩn bị ra hoa nếu gặp thời tiết không thuận lợi thì sẽ hướng dẫn nông dân dùng các loại chế phẩm sinh học để tác động vào cây, như vậy cây sẽ ra hoa, đậu quả theo nhân tạo"?

Lãnh đạo xã, huyện không ai rõ về mắc ca

Hiện tài nguyên đất đai, nhất là đất lâm nghiệp ở miền tây Nghệ An rất lớn, nhưng người dân chỉ biết loay hoay trồng cây keo, để mỗi chu kỳ 6 - 7 năm chỉ thu lãi được cỡ 100 triệu đồng/ha. Một ha đất đổ biết bao nhiêu công sức, tiền của nhưng mỗi năm cũng chỉ thu lãi được 15 - 16 triệu đồng, như thế là quá bèo bọt. Dẫu vậy, nông dân vẫn cứ mãi loay hoay, chẳng biết nên trồng cây gì để có thể bứt phá đi lên.

Thế nên khi nghe nói trồng mắc, một cây trồng khá mới mẻ ở Nghệ An và được "quảng cáo" là cho hiệu quả kinh tế cao, có thể làm giàu thì người dân ai cũng rất háo hức.

Để triển khai phát triển cây mắc ca ở Nghệ An, Hiệp Hội mắc ca Việt Nam mới đây đã tổ chức các cuộc hội thảo tại UBND huyện Nghĩa Đàn và Sở NN-PTNT tỉnh Nghệ An. Còn Chi hội Mắc ca Nghệ An thì tổ chức hội thảo tại các xã Yên Hợp (huyện Quỳ Hợp); Nghĩa Lạc, Nghĩa Lâm, Nghĩa Đức (huyện Nghĩa Đàn)...

Sở NN-PTNT Nghệ An thảo luận, trao đổi với Hiệp hội Mắc ca Việt Nam về việc phát triển cây mắc ca trên đất Nghệ An. 

Sở NN-PTNT Nghệ An thảo luận, trao đổi với Hiệp hội Mắc ca Việt Nam về việc phát triển cây mắc ca trên đất Nghệ An. 

Tại buổi làm việc giữa Hiệp hội Mắc ca Việt Nam và Sở NN-PTNT Nghệ An tổ chức ngày 15/6/2022, bà Võ Thị Nhung - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An cho biết hiện ngành nông nghiệp tỉnh chưa có đánh cụ thể về tiềm năng, lợi ích, hiệu quả của việc trồng mắc ca đem lại trên địa bàn tỉnh. Do đó trong thời gian tới, Sở NN-PTNT Nghệ An và các sở ngành liên quan sẽ phối hợp với Hiệp hội Mắc ca Việt Nam tiến hành xem xét, đánh giá lại một cách tổng thể từ quy hoạch vùng trồng đến công tác giống.

Theo như ý kiến của bà Nhung thì chủ trương phát triển cây mắc ca ở Nghệ An hiện vẫn phải chờ quy hoạch. Vậy đến thời gian nào thì có quy hoạch, và đến khi nào nữa thì mới có kế hoạch? Chưa có quy hoạch, và chưa có khuyến cáo của các cơ quan chức năng nhưng người dân thì vẫn cứ đang trồng mắc ca.

Có điều lạ là cho tới nay, khi tác giả bài viết này đi hỏi một số địa phương ở Nghệ An thì không có chủ tịch xã và chủ tịch huyện nào biết được trên địa bàn mình quản lý hiện đã có bao nhiêu hộ trồng mắc ca. Kể cả diện tích đã trồng trước đây và hiện nay cũng không có vị nào biết hết.

Phó Chủ tịch huyện Quỳ Hợp, ông Quán Vi Giang cho biết: Cây mắc ca cũ ở Quỳ Hợp không có, nhưng nếu có thì cũng chẳng đáng là bao, và vì không có hiệu quả nên dân đã chặt hạ để trồng cây khác.

"Vậy diện tích trồng mới thì sao", tôi hỏi. Ông Hợp bảo: "Dân có trồng rải rác theo hình thức tự phát, hiện chúng tôi chưa điều tra kỹ lại được, tuy nhiên huyện cũng chưa có định hướng trồng mắc ca".

Tương tự ở huyện Nghĩa Đàn, biết là dân trồng mắc ca nhiều, nhưng lãnh đạo cũng chỉ nói miệng với các xã là chưa có định hướng.

“Mắc ca không nằm trong cây chủ lực của tỉnh, hiện đang mang tính chất khảo nghiệm. Sở và tỉnh chưa có động thái, văn bản nào nói về việc trồng mắc ca. Còn số diện tích mắc ca mà dân đã trồng nếu thấy có kết quả thì ta tiếp tục đầu tư để phát triển và phải có chính sách cho nó, nhưng phải có các nhà khoa học đánh giá rõ về địa chất, thổ nhưỡng, kết hợp với nhà quản lý, trên cơ sở đó rồi mới có quy hoạch lại, chứ không để tự phát được”, Giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An, ông Nguyễn Thành Vinh nói.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm