| Hotline: 0983.970.780

Thận trọng với mắc ca

Yên Bái 'chậm nhưng chắc'

Thứ Năm 20/07/2023 , 06:50 (GMT+7)

Yên Bái triển khai các dự án, đề tài nghiên cứu, giao các đơn vị đánh giá kỹ, chỉ trồng mắc ca ở nơi phù hợp với yêu cầu sinh thái của cây trồng này.

Mắc ca xen chè bước đầu có hiệu quả

Năm 2015, anh Phạm Đăng Đại ở thôn 9 xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) tình cờ biết đến cây mắc ca trong chuyến thăm người quen ở tỉnh Lâm Đồng. Thấy hiệu quả kinh tế cao, anh đã mua 300 cây giống với giá 120 nghìn đồng/cây để mang về trồng tập trung trên đồi của gia đình. Cây mắc ca bén rễ sinh trưởng, phát triển tốt, đến năm 2018 đã cho thu hoạch hơn 3 tạ quả.

Vườn mắc ca của anh Phạm Đăng Đại ở thị xã Nghĩa Lộ đã cho thu hoạch hàng tấn quả mỗi năm. Ảnh: Thanh Tiến.

Vườn mắc ca của anh Phạm Đăng Đại ở thị xã Nghĩa Lộ đã cho thu hoạch hàng tấn quả mỗi năm. Ảnh: Thanh Tiến.

Bài liên quan

Anh Đại cho biết, toàn bộ số quả thu hoạch được anh sử dụng để ăn và để ươm cây giống bán cho các hộ dân trong khu vực. Năm 2022, diện tích mắc ca của gia đình anh đã cho thu hoạch 4 tấn quả tươi, sau khi bóc vỏ, sấy khô thu được hơn 2 tấn hạt khô, mang lại thu nhập hơn 200 triệu đồng. Hiện nay, gia đình anh đã trồng thêm khoảng 600 cây, nâng tổng diện tích lên hơn 3ha. Ngoài ra, anh còn làm vườn ươm cây giống để bán cho người dân có nhu cầu.

Gia đình anh Điền Đức Thắng ở xã Gia Hội (huyện Văn Chấn, Yên Bái) bắt đầu trồng mắc ca từ năm 2020 với 170 cây giống được trồng xen trên đồi chè 1,5ha. Mỗi cây giống có giá 75 nghìn đồng, trong đó được huyện hỗ trợ 50 nghìn đồng. Hiện toàn bộ cây mắc ca đã trồng phát triển tốt và bắt đầu ra hoa bói. Tuy nhiên anh Thắng chưa thu quả để cây có điều kiện phát triển tốt hơn. Nếu có hiệu quả kinh tế tốt, gia đình anh sẽ tiếp tục mở rộng diện tích.

Anh Phạm Đăng Đại ở thị xã Nghĩa Lộ đã xây dựng vườn ươm mắc ca giống để bán cho người dân. Ảnh: Thanh Tiến.

Anh Phạm Đăng Đại ở thị xã Nghĩa Lộ đã xây dựng vườn ươm mắc ca giống để bán cho người dân. Ảnh: Thanh Tiến.

Bài liên quan

Hiện nay, huyện Văn Chấn là địa phương có diện tích trồng cây mắc ca lớn nhất ở tỉnh Yên Bái. Toàn huyện hiện có hơn 320ha, trong đó có 316ha trồng xen cùng cây chè với mật độ 110 cây/ha và 6ha được trồng tập trung với mật độ từ 280 - 300 cây/ha. Cây mắc ca bắt đầu được trồng ở Văn Chấn năm 2021, trong đó huyện hỗ trợ 50 nghìn đồng/cây giống cho các hộ dân trồng mới ở các xã trong vùng quy hoạch như Gia Hội, Nậm Búng, thị trấn Nông trường Liên Sơn và một số xã khác.

Ông Phạm Nguyên Bình - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Văn Chấn cho biết: Trên cơ sở đánh giá, khảo sát thực tế một số mô hình cá nhân đã trồng tại địa bàn huyện cho thấy, cây mắc ca phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu trong vùng, có thể trồng xen với cây chè và trồng thuần trên diện tích đất rừng sản xuất kém hiệu quả.

Theo đề án trồng mắc ca xen chè của huyện Văn Chấn, dự kiến đến hết năm 2023 đạt 400ha tại 5 xã, thị trấn gồm Nậm Búng, Gia Hội, Đồng Khê, thị trấn Nông trường Liên Sơn và thị trấn Sơn Thịnh. Mỗi hộ tham gia đề án sẽ được hỗ trợ 50 nghìn đồng/cây giống.

Anh Điền Đức Thắng ở xã Gia Hội, huyện Văn Chấn chăm sóc diện tích mắc ca trồng xen chè. Ảnh: Thanh Tiến.

Anh Điền Đức Thắng ở xã Gia Hội, huyện Văn Chấn chăm sóc diện tích mắc ca trồng xen chè. Ảnh: Thanh Tiến.

Huyện Văn Chấn đã thành lập ban chỉ đạo triển khai đề án, triển khai tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật và trực tiếp hướng dẫn các hộ tham gia; kiểm soát nguồn giống đảm bảo nguồn gốc rõ ràng, đáp ứng chất lượng theo quy trình kỹ thuật; rà soát diện tích đạt tiêu chuẩn, nghiệm thu các giai đoạn từ chuẩn bị đất, làm đất, đào hố, trồng, nghiệm thu tỷ lệ sống...

Thời gian qua, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cũng đã phối hợp với huyện Văn Chấn tổ chức tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến quả mắc ca, khảo sát tại các địa phương. 

Không mở rộng diện tích ồ ạt

Mắc ca được người dân trồng tự phát theo hình thức phân tán tại tỉnh Yên Bái từ năm 2011. Từ năm 2018 đến nay, qua các phương tiện thông tin đại chúng và một số mô hình trồng mắc ca người dân được tham quan, học tập, một số hộ dân tại các huyện Lục Yên, Trấn Yên, Văn Chấn đã tự phát trồng trên đất vườn hộ gia đình, đất rừng. Tuy nhiên, đối với tỉnh Yên Bái đây là cây trồng mới, chưa được theo dõi và đánh giá hiệu quả từ các cơ quan chuyên môn.

Ở huyện Văn Chấn hiện có trên 316ha mắc ca trồng xen trên đồi chè. Ảnh: Thanh Tiến.

Ở huyện Văn Chấn hiện có trên 316ha mắc ca trồng xen trên đồi chè. Ảnh: Thanh Tiến.

Theo Chi cục Kiểm lâm Yên Bái, hiện toàn tỉnh Yên Bái có hơn 380ha trồng cây mắc ca, gồm cả tập trung và phân tán trên các diện tích đất lâm nghiệp. Trong đó, diện tích trồng tập trung gần 65ha (chủ yếu tại huyện Trấn Yên, Văn Chấn); diện tích trồng xen canh chè 316ha (tập trung tại huyện Văn Chấn). Ngoài ra còn một số diện tích trồng nhỏ lẻ ở các huyện Lục Yên, Mù Cang Chải, thị xã Nghĩa Lộ.

Hiện cây mắc ca trên địa bàn tỉnh Yên Bái chủ yếu mới trồng từ 1 đến 4 năm tuổi nên sản lượng thu hoạch chưa cao. Năm 2022, sản lượng mắc ca ước khoảng gần 10 tấn quả tươi.

Ông Nguyễn Thái Bình - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Yên Bái cho biết, mắc ca là cây trồng mới đối với địa bàn tỉnh Yên Bái nên ngành nông nghiệp tỉnh rất thận trọng, chủ trương "chậm nhưng chắc", phát triển trên cơ sở điều tra, đánh giá, khảo nghiệm... bài bản, khoa học.

Hiện Yên Bái có khoảng 380ha mắc ca được trồng tập trung và trồng xen cây trồng khác. Ảnh: Thanh Tiến.

Hiện Yên Bái có khoảng 380ha mắc ca được trồng tập trung và trồng xen cây trồng khác. Ảnh: Thanh Tiến.

Bước đầu cho thấy, cây mắc ca trồng thử nghiệm ở một số nơi trên địa bàn tỉnh sinh trưởng phát triển tốt. Tuy nhiên, đa số diện tích mắc ca hiện vẫn chưa đến thời kỳ cho thu hoạch quả nên chưa có đánh giá cụ thể về năng suất, tính ổn định và hiệu quả kinh tế. Vì vậy thời gian tới, các cơ quan ban ngành của tỉnh cũng như các phòng ban của huyện sẽ tiếp tục theo dõi các diện tích mà người dân đã trồng tự phát để đánh giá kỹ về năng suất, tính ổn định và hiệu quả kinh tế, yếu tố bảo vệ môi trường...

Hiện nay, do sản lượng hạt mắc ca của toàn tỉnh Yên Bái còn rất ít, nên trên địa bàn tỉnh cũng chưa có cơ sở sơ chế, chế biến. Sản phẩm thu hoạch được người dân bán cho một số tiểu thương...

Theo dõi sát hiệu quả để định hướng phát triển

Để có bước đi thận trọng, năm 2021, UBND tỉnh Yên Bái cũng đã giao Chi cục Kiểm lâm thực hiện đề tài khoa học thử nghiệm trồng cây mắc ca tại các huyện phía tây tỉnh Yên Bái để đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển của một số giống mắc ca. Các mô hình thử nghiệm được trồng với 2 phương thức là trồng thuần và trồng xen trên đồi chè tại 3 huyện Văn Chấn, Trạm Tấu và Mù Cang Chải với tổng diện tích 12ha, gồm 10 hộ gia đình tham gia.

Hiện một số diện tích mắc ca do người dân trồng ở Yên Bái đã có quả, năng suất khá cao, tuy nhiên ngành nông nghiệp tỉnh này đã khuyến cáo nông dân không tự phát mở rộng diện tích. Ảnh: Thanh Tiến.

Hiện một số diện tích mắc ca do người dân trồng ở Yên Bái đã có quả, năng suất khá cao, tuy nhiên ngành nông nghiệp tỉnh này đã khuyến cáo nông dân không tự phát mở rộng diện tích. Ảnh: Thanh Tiến.

Để thực hiện đề tài, Chi cục Kiểm lâm Yên Bái đã tổ chức tập huấn đầu vườn cho trên 400 hộ nông dân và cán bộ địa phương về cây mắc ca như lợi ích kinh tế - xã hội, môi trường mang lại cũng như những hạn chế, khó khăn khi trồng mắc ca.

Song song với việc triển khai thực hiện đề tài khoa học, UBND huyện Văn Chấn hiện cũng đang triển khai thực hiện đề án phát triển cây mắc ca. Trên cơ sở triển khai các đề tài trong giai đoạn 2020 - 2023 cũng như rà soát, đánh giá toàn diện tình hình thực tế, tỉnh Yên Bái sẽ đưa ra các định hướng phát triển cây mắc ca trong giai đoạn tiếp theo.

Làm việc với Hiệp hội Mắc ca Việt Nam mới đây, ông Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái nhấn mạnh, Yên Bái nhất trí với quan điểm trồng cây mắc ca trên địa bàn trên cơ sở lựa chọn giống phù hợp, đảm bảo đem lại hiệu quả, chất lượng, phát triển theo chuỗi giá trị, phát triển bền vững và ổn định.

Tỉnh Yên Bái sẽ theo dõi chặt chẽ quá trình phát triển của cây mắc ca để có chủ trương mở rộng diện tích phù hợp. Ảnh: Thanh Tiến.

Tỉnh Yên Bái sẽ theo dõi chặt chẽ quá trình phát triển của cây mắc ca để có chủ trương mở rộng diện tích phù hợp. Ảnh: Thanh Tiến.

Theo đó, đề nghị thời gian tới, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam tiếp tục phối hợp hỗ trợ các nội dung phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh Yên Bái; phối hợp với các Sở, ngành, địa phương khảo sát, xác định địa điểm, quy mô và diện tích trồng phù hợp với yêu cầu sinh thái của cây mắc ca...

Bên cạnh đó, tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc các mô hình trồng thử nghiệm, mô hình hiện có trên địa bàn huyện Trấn Yên, Lục Yên, Văn Chấn, Văn Yên. Giới thiệu các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam vào đầu tư xây dựng mô hình chuỗi giá trị trong việc phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh; giới thiệu các dòng mắc ca phù hợp với từng tiểu vùng khí hậu của tỉnh và các cơ sở sản xuất giống cây mắc ca đảm bảo chất lượng...

Tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục khảo sát, xác định địa điểm, quy mô và diện tích trồng phù hợp với yêu cầu sinh thái của cây mắc ca. Ảnh: Thanh Tiến.

Tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục khảo sát, xác định địa điểm, quy mô và diện tích trồng phù hợp với yêu cầu sinh thái của cây mắc ca. Ảnh: Thanh Tiến.

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, toàn tỉnh Yên Bái có kế hoạch mở rộng diện tích trồng cây mắc ca lên gần 1.600ha, trong đó 500ha trồng xen canh chè tại huyện Văn Chấn, gần 1.100ha trồng thuần tại các địa phương. Bên cạnh đó, trong giai đoạn này, tỉnh Yên Bái sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng 1 nhà máy sơ chế mắc ca tách hạt với công suất 500 tấn/năm. Các cơ sở sơ chế mắc ca đều được đặt tại các huyện phía tây tỉnh Yên Bái.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.