Cho đến nay, chưa có số liệu thống kê chính thức về diện tích, năng suất, hiệu quả của cây mắc ca đã và đang được trồng trên đất Nghệ An.
Thấy có quả, nông dân "thừa thắng xông lên'"
Qua tìm hiểu, được biết cây mắc ca đã trồng trên đất Nghệ An hơn 10 năm nay, hiện có khoảng 103ha được trồng rải rác ở các huyện Thanh Chương, Con Cuông, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp. Mắc ca ở các vườn hộ tự nhiên phát triển như cây rừng, đến mùa cây nào cũng ra hoa. Tuy nhiên quả đậu nhiều hay ít thì tùy nơi, tùy vùng và tùy vào thời tiết của từng năm.
Tháng 7, thời tiết miền tây Nghệ An vẫn nắng nóng như nung. Tám giờ sáng tôi đến xã Nghĩa Thuận (thị xã Thái Hòa). Hỏi đường đi tới mấy vườn mắc ca nổi tiếng ở đây thì Bí thư Đảng ủy xã, anh Phan Văn Chung bảo đường rừng đi xa lắm, lại còn loanh quanh đèo dốc. Tiếc vì đang bận chủ trì cuộc họp của Đảng ủy không thể đi cùng với tôi được nên anh Chung gọi một phụ nữ đến bảo: "Đây là cô Hằng, Thái Thị Hằng - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã sẽ tháp tùng đi cùng với anh".
Leo trèo mệt bở cả hơi tai chúng tôi mới đến được rừng mắc ca của anh Thái Bá Phượng. Hôm nay cả hai vợ chồng anh Phượng không có nhà nên anh trai của Phượng là Thái Bá Quý đảm nhiệm dẫn đường đi.
Anh Quý kể: "Tôi làm mắc ca với Phượng nên hiểu biết cả. Vườn mắc ca này rộng hơn 1ha, được trồng cách đây đã 4 – 5 năm. Nguồn giống được mua từ miền Nam, khi trồng được 3 năm thì thấy có quả bói. Năm ngoái quả đậu nhiều, cuối mùa thu hoạch tiền lãi thu về được hơn 100 triệu đồng/ha. Quả mắc ca sau khi thu hoạch, gia đình tách nhân ra và mang đi sấy, xong rồi đóng gói đem đi nhập cho các nhà hàng, có bao nhiêu họ cũng mua hết".
Kiểm tra một vòng trong vườn mắc ca, chúng tôi thấy cây nào cũng có quả, tuy nhiên có cây ước chừng chỉ được 3 - 4kg, cây sai quả được khoảng 5 - 7kg. Anh Quý bảo: Năm nay do thời tiết nắng nóng quá nên mắc ca đậu quả ít hơn năm ngoái, tuy nhiên trồng mắc ca trên đất đồi này có lãi hơn các cây rừng khác, vì tiền đầu tư giống ít, công chăm sóc cũng không nhiều. Thế nên đầu năm nay nhà anh Phượng đã trồng mới thêm 3ha.
Hỏi về nguồn giống, anh Quý đáp: "Em tôi lấy hạt thực sinh đem trồng, khi cây cứng cáp thì cắt hom từ vườn cây đã có quả đưa vào ghép. Với cách làm này Phượng còn xuất giống đi bán cho các hộ trồng mắc ca ở tỉnh Thanh Hóa đấy".
Đến huyện Nghĩa Đàn, cây mắc ca cũng được nhiều hộ ở các xã Nghĩa Lâm, Nghĩa Lạc, Nghĩa Lợi trồng rải rác từ nhiều năm nay. Chị Trương Thị Mậu ở xóm Lác, xã Nghĩa Lạc cho biết, qua theo dõi thông tin trên truyền hình và báo chí, thấy họ tuyên truyền trồng mắc ca rất có lãi nên năm 2015 gia đình chị đã mua 130 cây giống mắc ca ở tận Đắk Lắk đem về trồng, đến 3 năm sau thì cây cho quả bói, 4 - 5 năm sau thì cây nào cũng đậu quả, tuy nhiên có cây ra quả sớm, nhưng cũng có những cây ra quả muộn.
Năng suất trên các cây cũng có sự khác biệt, có cây thu được 10kg, nhưng cũng có những cây chỉ thu được 5 - 7kg, đó là do không đồng đều về cây giống. Năm nay do thời tiết nắng nóng quá nên theo đánh giá của gia đình chị Mậu thì 130 cây mắc ca ước chỉ thu được khoảng từ 7 - 8 tạ quả. Hiện mắc ca bán giá 80 nghìn đồng/kg (quả tươi đã tách vỏ ngoài), còn hạt sấy khô bán giá 200 nghìn đồng/kg.
Thấy trồng mắc ca có hiệu quả kinh tế nên năm 2020, gia đình chị Mậu tiếp tục gửi mua cây giống từ miền Nam đem về trồng mới thêm 400 cây trên diện tích hơn 1ha. Số mới trồng này nay đã ra hoa, nhưng chưa đậu quả. Chị Mậu bảo: "Thấy nhà em trồng mắc ca có lời nên năm 2021 dân trong xã cũng trồng mới được hơn 10ha, họ mua giống từ Công ty Bảo Ngọc ở thị xã Thái Hòa".
Những vườn mắc ca chỉ có lá cành
Đến xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn giáp ranh với huyện Như Xuân (Thanh Hóa), loanh quanh lui tới hỏi đường đi và cả thuê xe lai thêm mấy chặng đường rừng nữa tôi mới tới được vườn mắc ca của ông Phan Đình Liên.
Suốt cả buổi chiều, tôi cứ len lỏi mãi trong vườn mắc ca cổ thụ này để tìm xem số lượng quả có nhiều hay không. Vườn này rộng, tán lá um tùm phủ kín. Quan sát kỹ tôi thấy có đôi ba cây cũng có dăm ba quả, nhưng rất èo ọt. Còn lại tất cả vườn mắc ca mênh mông này không có quả. Ở giữa hai hàng cây mắc ca là một hàng cây bưởi, những cành bưởi khẳng khiu úa vàng đung đưa đôi ba quả lèo tèo trông rất hoang dại.
Khác với ý nghĩ rất chán chường của tôi khi rời khỏi vườn mắc ca này, chủ nhân của khu vườn lại tỏ ra lạc quan. Ông Liên kể: "Trước đây tôi đến xã Thành Mỹ, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) để học hỏi mô hình phát triển kinh tế rừng, nhận thấy cây mắc ca ở đó có hiệu quả nên năm 2015 tôi vào Đắk Lắk mua 200 cây giống về trồng.
Đến nay, vườn mắc ca của tôi đã được 8 năm tuổi. Mắc ca tôi trồng sau 3 năm thì có quả bói, sau đó năm nào cũng có quả đều, có những cây thu được hơn 10kg. Mắc ca khi thu hoạch nhà tôi tự chế biến bằng cách tách vỏ. 10kg quả khi tách vỏ ngoài ra chỉ còn 5kg hạt tươi, bán được 90 ngìn đồng/kg. Như vậy mắc ca ở đây nếu được mùa thì một cây cũng thu được hơn 400 ngìn đồng...".
Đang hào hứng nói về những nguồn lợi của cây mắc ca thu được từ những năm về trước, bỗng dưng ông Liên chùng giọng xuống, trút một hơi thở dài: "Thế nhưng lạ, bởi như anh đã biết là vườn mắc ca của tôi năm nay lại không có quả, năm ngoái cũng không có quả". Tôi bảo, anh cứ để vườn mắc ca phát triển um tùm vu vơ như vậy thì làm sao mà có quả? Ông Liên thừa nhận: "Đúng đấy, nhưng tôi nghĩ nguyên nhân quan trọng nhất làm cho mắc ca 2 năm nay không đậu quả có lẽ là do thời tiết, hai năm nay nắng nóng quá".
Ông Liên phân tích, bản thân ông cũng đã tìm hiểu nhiều nơi, đúc rút ra kinh nghiệm trong nhiều năm nay là những cây mắc ca nào ra hoa trong Tết Nguyên đán và ra xuân gặp thời tiết thuận lợi thì đậu quả nhiều. Mắc ca cũng có nhiều giống khác nhau nên mỗi giống phù hợp trồng ở mỗi nơi. Mặt khác muốn thúc ép cho cây ra hoa sớm hay muộn thì bây giờ cũng đã có nhiều phương pháp theo khoa học. Nhưng làm gì thì làm, thời tiết mà không ủng hộ thì cũng coi như vứt.
Tôi hỏi: "Thế vườn mắc ca của anh đã 2 năm nay không có quả, vậy bây giờ anh tính sao?" Ông Liên lại thở dài: "Theo như tài liệu khoa học nói cây mắc ca ưa ánh sáng mới có quả, nhưng thực tế vườn của tôi đây có nhiều cây trồng ở nơi thoáng đãng, không giao tán với cây nào cả mà nó vẫn không có quả. Nhưng thôi thì năm nay tôi sẽ cắt tán tạo cành hết cả vườn xem thế nào đã. Nếu sang năm nó vẫn không có quả thì tôi sẽ cắt trụi hết cành, rồi ghép giống mới vào, giống như người ta bắt đầu trồng mới".
Mải nghe ông Liên nói về vườn cây mắc ca của mình, đoạn kết tôi không thể giấu nổi niềm day dứt. Vậy là người nông dân này vì khát vọng vươn lên xóa đói giảm nghèo, muốn đưa cây giống mới vào trồng để có nguồn lợi cao, đã phải tự mày mò học hỏi, rồi tự đi mua giống mắc ca về trồng, nhưng niềm vui ngắn chẳng tay gang, bởi sau 8 năm trồng rồi sẽ phải chặt hạ để tiếp tục trồng lại từ đầu. Và tương lai phía trước, liệu vườn mắc ca này có ra hoa đậu quả?