| Hotline: 0983.970.780

Vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của De Heus phải mới và hiện đại

Thứ Năm 05/01/2023 , 15:52 (GMT+7)

Đó là đề nghị của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đối với Tập đoàn De Heus, doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì Hội thảo 'Triển vọng phát triển vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi ngô, sắn tại Tây Nguyên'. Ảnh: Minh Phúc.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì Hội thảo “Triển vọng phát triển vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi ngô, sắn tại Tây Nguyên”. Ảnh: Minh Phúc.

Phát triển vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi ngô, sắn tại Tây Nguyên

Hiện, De Heus đang phối hợp với Bộ NN-PTNT, Tổ chức Phát triển Hợp tác xã Hà Lan (Agriterra) và một số viện nghiên cứu để đánh giá cơ hội đầu tư, liên kết với các hợp tác xã sắn và ngô xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn tại khu vực Tây Nguyên (gồm Gia Lai, Kon Tum và Đắk Lắk).

Nếu thành công, đây sẽ là hình mẫu để các địa phương và doanh nghiệp trong nước tham khảo, từng bước giảm lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu như hiện nay.

Phát biểu tại Hội thảo “Triển vọng phát triển vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi ngô, sắn tại Tây Nguyên” do Bộ NN-PTNT phối hợp với De Heus và Agriterra tổ chức sáng 5/1, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chia sẻ: Có một nghịch lý đó là Việt Nam là nước nông nghiệp với 7 vùng sinh thái, có không ít mặt hàng nông sản xuất khẩu đứng nhất, nhì thế giới. Tuy nhiên, hàng năm nước ta vẫn chi nhiều tỷ USD để nhập khẩu các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Điển hình như năm 2021, Việt Nam nhập khẩu 22,3 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi với giá trị là 9,07 tỉ USD. Đây chính là một thách thức lớn nhất trong ngành chăn nuôi của Việt Nam hiện nay.

Sự phụ này được dự báo còn tiếp diễn lâu dài nếu chúng ta không có những chiến lược tổng thể, bài bản, sự hợp tác và vào cuộc quyết liệt của các bên liên quan gồm chính quyền, doanh nghiệp, các tổ chức hỗ trợ, các nhà khoa học và người sản xuất.

Bộ NN-PTNT đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định về chính sách đầu tư hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi, với nhiều ưu đãi nhằm hỗ trợ, phát triển nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước, từng bước giảm phụ thuộc nhập khẩu.

Ông Willemink Arno - Giám đốc vận hành De Heus Việt Nam, chia sẻ về định hướng đầu tư, liên kết với các hợp tác xã nhằm chủ động nguồn cung nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tại khu vực Tây Nguyên. Ảnh: Minh Phúc.

Ông Willemink Arno - Giám đốc vận hành De Heus Việt Nam, chia sẻ về định hướng đầu tư, liên kết với các hợp tác xã nhằm chủ động nguồn cung nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tại khu vực Tây Nguyên. Ảnh: Minh Phúc.

Ông Willemink Arno - Giám đốc vận hành De Heus Việt Nam, cho biết: Hàng năm, các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi của De Heus sử dụng khoảng 3,2 triệu tấn nguyên liệu. Trong đó từ 800.000 đến 1 triệu tấn ngô (95% nhập khẩu với giá trị từ 6.700 - 9.250 tỷ đồng/năm) và 100.000 - 300.000 tấn sắn lát (75 - 80% là nguyên liệu nhập khẩu). Do đó Việt Nam có tiềm năng rất lớn để sản xuất nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước.

Tuy nhiên, nghiên cứu của De Heus và đối tác cho thấy, ngô hạt nội địa của Việt Nam có biến động về độ ẩm, chất lượng khá nhiều. Bên cạnh đó, kích thước cũng nhỏ hơn, nhiề hạt hỏng và nhiều vật thể lạ, thường xuyên xuất hiện độc tố, nấm mốc. Còn việc thu hoạch sắn lát trong mùa mưa là nguyên nhân gây ra ẩm mốc, tỷ lệ lẫn cát, bụi lên tới 2%.

Những gì De Heus có thể làm?

Để phát triển các vùng nguyên liệu, ông Arno cho rằng, ngô Việt Nam cần cạnh tranh được với ngô Nam Mỹ về giá cả và chất lượng. Đồng thời người nông dân cần kiếm thêm lợi nhuận tốt hơn khi trồng thêm ngô và sắn.

“Nghiên cứu của Agriterra và kinh nghiệm của chính De Heus đã chỉ ra rằng, nông dân nhận được mức giá thấp hơn nhiều so với mức giá mà De Heus phải trả cho người mua cuối. Người thu gom và đại lý đã chi sẻ một phần lợi nhuận. Chức năng lớn nhất của các đại lý là cung cấp khả năng tiếp cận hạt giống, phân bón và tín dụng”, ông Willemink Arno nói.

De Hes cần cung cấp từ 70.000 - 100.000 tấn ngô mỗi tháng. Ảnh: Minh Phúc.

De Hes cần cung cấp từ 70.000 - 100.000 tấn ngô mỗi tháng. Ảnh: Minh Phúc.

Bên cạnh đó, De Heus cũng tin rằng một hợp tác xã cũng có thể đóng vai trò là người thu gom, đại lý. Bởi vậy, Tập đoàn này kiến nghị Bộ NN-PTNT nâng cao cơ hội thành công cho hợp tác xã thông qua việc ưu đãi thuế; nguồn tài trợ từ chính phủ với lãi suất thấp để nông dân có thể tiếp cận với nguồn tài chính. Agriterra, Bộ NN-PTTN và De Heus sẽ thảo luận thêm về cách thiết lập các phương án.

Ông Willemink Arno cho biết, De Hes cần cung cấp từ 70.000 - 100.000 tấn ngô mỗi tháng. Sắn đã được quan tâm nhiều hơn nhờ có ngành công nghiệp tinh bột sắn và xuất khẩu, do đó có thể chấp nhận chất lượng thấp hơn. Do đó, De Heus sẽ chú trọng vào việc sử dụng các phụ phẩm của sắn. Bên cạnh đó, De Heus sẽ tiếp tục nghiên cứu các dự án có tính khả thi hơn như đầu tư vào việc sấy ngô. Điều này sẽ được đẩy mạnh khi sản lượng ngô tăng cao lên.

Ông Thái Hồng Lam - Chuyên gia của Agriterra. Ảnh: Minh Phúc.

Ông Thái Hồng Lam - Chuyên gia của Agriterra. Ảnh: Minh Phúc.

Ông Thái Hồng Lam - Chuyên gia của Agriterra chia sẻ, các tỉnh được Agriterra khảo sát, nghiên cứu gồm Kon Tum, Gia Lai và Đắk Lắk có thế mạnh về diện tích sản xuất lớn, điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết thích hợp cho sản xuất ngô và sắn, đặc biệt là Gia Lai và Đắk Lắk. Năng suất ngô ở Tây Nguyên cao so với các vùng khác của cả nước (năm 2021: 5,99 so với 4,93 tấn/ha). Năng suất và sản lượng ngô, sắn của 3 tỉnh điều tra liên tục tăng trong những năm gần đây.

Nếu so sánh hiệu quả kinh tế cho thấy cây ngô và cây sắn có khả năng cạnh tranh khá cao với các cây hàng năm khác ở Tây Nguyên. Cụ thể, giá ngô, sắn không quá cao, có khả năng cạnh tranh với ngô nhập khẩu (ngô: 5.500 - 8000đ/kg; sắn: 4.400 - 5.500đ/kg).

Do đó, Agriterra cho rằng, vẫn còn nhiều cơ hội để gia tăng giá trị theo chuỗi giá trị, bao gồm việc đưa các giống mới năng suất cao, kháng bệnh, áp dụng các gói kỹ thuật phù hợp, bón phân cân đối, tăng cường cơ giới hóa trong quá trình sản xuất, củng cố hệ thống và công nghệ thủy lợi, áp dụng công nghệ bảo quản, chế biến, rút ngắn dây chuyền trong các khâu thu gom, vận chuyển.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Minh Phúc.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Minh Phúc.

Việc nâng cấp, đổi mới chuỗi giá trị như vậy sẽ góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân và tạo vùng nguyên liệu ổn định cho doanh nghiệp với giá cả cạnh tranh tốt hơn.

Tổ chức các hộ nông dân sản xuất nhỏ theo thành lập hợp tác xã giúp nâng cao và chuyên nghiệp hóa hoạt động kinh doanh nông hộ cá thể, giúp nông dân tiếp cận với các dịch vụ chất lượng và giá cả tốt hơn; tăng giá trị sản phẩm; đảm bảo chất lượng và nguồn cung ổn định hơn cho người mua/doanh nghiệp.

Theo ông Thái Hồng Lam, De Heus, một doanh nghiệp quốc tế lớn, có nguồn lực, có uy tín, có chiến lược phát triển lâu dài tại Việt Nam. De Heus cần một khối lượng lớn nguyênliệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi và điều này tạo cơ hội giải quyết thị trường đầu ra cho người trồng ngô và sắn.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, hợp tác phát triển vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại Tây Nguyên một cách hiệu quả và đem lại sự phát triển bền vững hơn cho ngành chăn nuôi Việt Nam. Ảnh: Minh Phúc.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, hợp tác phát triển vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại Tây Nguyên một cách hiệu quả và đem lại sự phát triển bền vững hơn cho ngành chăn nuôi Việt Nam. Ảnh: Minh Phúc.

Agriterra là một chuyên gia hợp tác nổi tiếng với 25 năm kinh nghiệm (hơn 10 năm tại Việt Nam). Kết luận, các kết quả thu được trong đợt khảo sát khẳng định tính khả thi của việc phát triển vùng nguyên liệu ngô, sắn làm thức ăn chăn nuôi ở Tây Nguyên, đặc biệt là các tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá rất cao các nỗ lực của Tập đoàn De Heus vào sự phát triển của ngành chăn nuôi. Ông cũng tin tưởng rằng, với sự ủng hộ của Bộ NN-PTNT, của chính quyền các cấp, với bề dầy kinh nghiệm trong nước lẫn quốc tế, chúng ta sẽ hợp tác phát triển vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại Tây Nguyên một cách hiệu quả và đem lại sự phát triển bền vững hơn cho ngành chăn nuôi Việt Nam, giảm phục thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.

Xem thêm
Gia vị Việt Nam bị châu Âu cảnh báo tăng gấp 7 lần

Việt Nam là nước bị châu Âu cảnh báo nhiều nhất về gia vị nhập khẩu trong năm qua, với số trường hợp cao gấp 7 lần năm 2023.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Hỗ trợ doanh nghiệp Việt gia tăng lợi thế cạnh tranh

GEARS@VIETNAM giúp doanh nghiệp tại Việt Nam đo lường và thực hành ESG toàn diện trong quản trị nguồn nhân lực, giúp gia tăng lợi thế cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.