| Hotline: 0983.970.780

Vùng xanh trên cồn nổi

Thứ Năm 11/01/2024 , 09:41 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Không chỉ phục vụ nhu cầu trong gia đình, từ lâu, nghề trồng rau ở cồn nổi đã trở thành sinh kế, giúp người dân ở thôn Phú Ninh vươn lên khá giả.

Từ con đường liên xã chạy men theo bờ sông nhìn ra thấy doi đất dài nghếch lên nhọn như mũi con tàu chia đôi dòng Nhật Lệ. Ông Hoàng Văn Sỹ, Trưởng thôn Phú Ninh (xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) cho hay, bà con khai khẩn, trồng trọt trên vùng cồn nổi này đã mấy chục năm nay. Trước trồng rau dưa chỉ để chống đói, còn bây giờ là thu nhập khá lớn nên ai cũng chăm bẵm cho cây rau.

“Do nằm cách biệt giữa sông nên rau trồng ở vùng này hiếm khi bị sâu bệnh. Bà con cũng sử dụng phân chuồng ủ và không dùng thuốc bảo vệ thực vật nên chúng tôi xem đây là vùng rau an toàn cho mọi người”, ông Sỹ nói thêm.

Vùng rau xanh trên cồn nổi Phú Ninh những ngày giáp Tết. Ảnh: T. Đức.

Vùng rau xanh trên cồn nổi Phú Ninh những ngày giáp Tết. Ảnh: T. Đức.

Cồn nơi ngã ba sông

Con sông Kiến Giang bắt nguồn từ Lệ Thủy đến gần cuối chặng đường thì gặp sông Long Đại từ phía dãy Trường Sơn nhập vào để thành dòng Nhật Lệ êm ả xuôi ra biển. Gần nơi giao thoa ngã ba ấy đã bồi đắp nên hai cồn giữa sông mà bà con trong vùng quen gọi cồn nổi Phú Ninh, cồn nổi Trung Quán. Những năm gần đây, dòng chảy lại chỉ lở không bồi nên cồn Trung Quán sạt dần và mất hẳn, chỉ còn lại cồn nổi Phú Ninh

Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, những năm đói kém trước đây, người dân làng Phú Ninh bơi thuyền ra cồn nổi để khai khẩn trồng khoai, trỉa bắp. Ban đầu cũng chỉ vài hộ, sau đông dần. Người ta phát cây dại phơi nắng cho khô rồi đốt. Đất cồn nổi nhiều phù sa nên củ khoai, bắp ngô cũng nhờ vậy mà to hơn, ngọt bùi hơn. “Chính cái cồn nổi này đã cung cấp cho bà con trong thôn khoai, bắp, đậu… cho bữa ăn hàng ngày nồi thêm đầy, cái ăn cũng được thêm lên trong những ngày đông, tháng giá”, ông Sỹ bộc bạch.

Bà con trồng rau theo cách xen canh, gối vụ để luôn có thu hoạch mỗi ngày. Ảnh: T. Đức.

Bà con trồng rau theo cách xen canh, gối vụ để luôn có thu hoạch mỗi ngày. Ảnh: T. Đức.

Khi đời sống kinh tế khá lên, cái đói không còn là điều lo lắng nữa thì một số bà con chuyển cây lương thực sang trồng rau xanh. Bà con cũng chỉ trồng các loại rau cải, rau muống hạt… để lấy rau ăn hàng ngày. Khi rau nhiều không sử dụng hết bà con thu hoạch mang ra chợ Hiền Ninh, chợ Trần Xá bán. Tiền thu được từ bán rau cũng chưa nhiều lắm nhưng cũng có chi tiêu hàng ngày. Điều này như một “liều thuốc” để bà con trong làng chuyển dần sang trồng rau.

Nhờ chất đất màu mỡ và nguồn nước tưới dồi dào nên rau phát triển tốt, xanh mơn mởn. Thấy cây rau thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương, cho thu nhập hàng ngày, nhiều hộ dân bắt tay vào trồng. Qua thời gian, làng rau dần hình thành và mở rộng với hơn 100 hộ dân tham gia trồng trên cồn nổi.

Tiền thu mỗi ngày…

Trời rạng sáng, bà Phạm Thị Quý (thôn Phú Ninh) và nhiều bà con trong thôn đã chèo đò sang cồn rau. Công việc thường ngày của bà là vun xới, làm cỏ, tưới rau... Bà Quý bảo, gần 30 năm nay, gia đình vẫn canh tác trên vạt đất rộng khoảng 700m2. Trước đây hai vợ chồng bơi thuyền qua phát cây hoang dại để trồng khoai. Sau này thì chuyển hẳn sang trồng rau xanh.

“Mỗi ngày sang đây hai lần. Buổi sáng làm cỏ, tưới nước, buổi chiều thu hoạch rau để bán cho người dân và thương lái. Có tiền hàng ngày là vui rồi nên phải giữ uy tín cho chất lượng rau mới có thu nhập bền lâu được. Chớ mà dùng thuốc kích thích bậy bạ là bà con họ tẩy chay không mua, không ăn ngay đó”, bà Quý bộc bạch.

Buổi sáng, bà con chăm sóc, tưới rau trên cồn nổi. Ảnh: T. Đức.

Buổi sáng, bà con chăm sóc, tưới rau trên cồn nổi. Ảnh: T. Đức.

Nhiều bà con khi nói chuyện với chúng tôi cũng thường ví von “xồng xồng không bằng góc nương”, câu này ý nói có chạy làm việc đến tất bật nhưng thu nhập cũng không bằng biết cách trồng trọt của một góc vườn. Rau ở cồn nổi Phú Ninh được trồng từ tháng 8, tháng 9 đến tháng 3 năm sau với đủ các loại như củ cải, cà rốt, hành, ngò, cải lá…

Chị Hoàng Thị Lĩnh có mảnh vườn rộng trên 1.000m2 cho hay, tháng 8 bắt đầu làm đất, lên luống để trồng cà rốt và các loại cải. Khi cây tốt lên chuẩn bị thu hoạch thì trồng xen cây ớt vào giữa các luống rau. Có nhà trồng hành, ngò xen canh giữa các loại rau màu. “Có loại rau từ lúc trồng đến khi thu hoạch phải mất 4 - 5 tháng, nhưng có loại chỉ 1 - 2 tháng. Vì vậy bà con đã vận dụng sinh trưởng các loại cây ngắn dài khác nhau để trồng gối vụ. Nghĩa là khi thu hoạch rau này thì chuyển sang chăm bón các loại rau kia, bảo đảm lúc nào cũng có rau xanh để bán, “mùa nào rau đó”, chị Lĩnh nói.

Thời điểm này, bên cạnh những luống rau đã đến kỳ thu hoạch, người trồng rau ở cồn nổi Phú Ninh cũng đã xen canh, gối vụ, sẵn rau màu phục vụ thị trường Tết Nguyên đán sắp đến. Trên diện tích vườn của gia đình, chị Lĩnh đã cuốc phân luống để trồng cà rốt, cải bắp và rau cải để bán Tết. Chị cho biết nhiều năm nay, thương lái về đặt hàng mua rau củ ở đây. Nhờ điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp nên cà rốt, bắp cải… ở Phú Ninh thường chắc và ngọt hơn những nơi khác nên rất được thương lái ưa chuộng.

“Những ngày giáp Tết, thương lái thu mua cà rốt tận nơi với giá mỗi ký 20.000 đồng. Thời điểm hiện tại, mỗi ngày tôi bán rau thu về hơn 200 nghìn đồng. Vào dịp Tết giá rau có cao hơn nên thu nhập tăng nhiều. Tính chung nếu thời tiết thuận lợi, rau được mùa, được giá, trồng rau bên cồn nổi cho thu nhập bốn, năm chục triệu đồng/năm”, chị Lĩnh cho hay.

Buổi chiều bà con thu hoạch rau để bán kịp chợ vào sáng hôm sau. Ảnh: T. Đức.

Buổi chiều bà con thu hoạch rau để bán kịp chợ vào sáng hôm sau. Ảnh: T. Đức.

Khấm khá nhờ trồng rau

Cồn nổi Phú Ninh có chiều dài hơn 400m và nơi rộng nhất gần 130m. Trên diện tích 3ha, người dân chia thành từng vùng, luống, để trồng các loại rau màu phù hợp. Các hộ trồng rau ở Phú Ninh luôn tâm niệm, trồng rau không chỉ mang lại nguồn thu nhập khá, ổn định cuộc sống mà còn cung cấp thực phẩm sạch, phong phú trong mỗi bữa ăn hàng ngày của gia đình mình.

Cách lao động truyền thống có từ hàng chục năm nay vẫn tồn tại như vậy. Người trồng rau Phú Ninh quen với lối canh tác buổi sang tưới rau, bắt sâu, buổi chiều thu hoạch chứ tuyệt nhiên không dùng thuốc bảo vệ thực vật hay phân vô cơ. Theo chị Lĩnh, những hộ trồng rau trên cồn nổi này đã như thực hiện theo quy ước, nếu lỡ có ai dùng thuốc hóa học thì sẽ bị người khác nhắc nhở. Vì vậy, không ai sử dụng hóa chất độc hại hay thuốc kích thích để bón cho rau. Từ lúc trồng đến khi thu hoạch luôn bảo đảm các tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Với lối canh tác truyền thống, vùng rau trên cồn nổi Phú Ninh đang hướng đến thương hiệu vùng rau sạch. Ảnh: T. Đức.

Với lối canh tác truyền thống, vùng rau trên cồn nổi Phú Ninh đang hướng đến thương hiệu vùng rau sạch. Ảnh: T. Đức.

Vừa xới đất vun thêm vào mấy luống rau, bà Phạm Thị Quý cũng bộc bạch rằng trong quá trình sản xuất, bà con ở đây chỉ sử dụng phân xanh ủ với phân chuồng cho hoai mục mới đưa bón lót trước khi gieo hạt trồng rau. Rau được trồng và chăm sóc theo phương thức truyền thống, đúng chu kỳ sinh trưởng. Trên mỗi vườn rau, người dân đều đặt bẫy để bắt chuột chứ không sử dụng thuốc diệt chuột. “Mỗi nhà chỉ có một mảnh vườn nhỏ nhưng ngày nào cũng có mặt trên cánh đồng để làm cỏ, bởi người dân không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên cỏ mọc rất nhiều”, bà Quý nói thêm.

Ông Lê Văn Đặng, Phó Chủ tịch UBND xã Duy Ninh cho biết, những năm gần đây, trồng rau mang lại nguồn thu nhập chính của nhiều người dân ở thôn Phú Ninh. Thu nhập bình quân từ trồng rau màu ở Phú Ninh đạt trên 1 tỷ đồng/năm. “Nhờ trồng rau, đời sống của người dân cải thiện đáng kể, thu nhập bình quân đạt 55 triệu đồng/người/năm. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo đã thoát nghèo nhờ trồng rau”, ông Lê Văn Đặng cho biết thêm.

Xã Duy Ninh có định hướng xây dựng vùng rau an toàn tại thôn Phú Ninh. Xã sẽ triển khai các lớp tập huấn sản xuất rau an toàn cho người dân ở Phú Ninh nhằm giúp bà con tiếp cận khoa học kỹ thuật trong trồng và chăm sóc rau màu. Đồng thời, sẽ tiến hành thành lập tổ, hội hợp tác để liên kết các hộ trồng rau nhằm xây dựng thương hiệu rau sạch Phú Ninh.

Xem thêm
Chăn nuôi nhỏ lẻ chật vật xoay sở trong nắng nóng

Nắng nóng kéo dài, diện tích đồng cỏ tự nhiên thu hẹp cùng với giá bán giảm khiến cho nhiều hộ chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ tại Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn.

Vacxin Tembusu nhập khẩu chính ngạch đầu tiên về Việt Nam được đánh giá bài bản

Việc cho phép nhập khẩu vacxin Tembusu chính ngạch giúp người chăn nuôi thủy cầm có một công cụ quan trọng để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.

Lúa cỏ có ảnh hưởng đến ngành lúa gạo Việt Nam?

Cần xây dựng một chương trình dài hạn 15 năm (2030 - 2045) về 'Thực trạng và nguy cơ lúa cỏ ảnh hưởng đến sản xuất và kinh doanh lúa gạo tại Việt Nam'.