| Hotline: 0983.970.780

Đất cát nghèo 'đẻ ra tiền' nhờ trồng rau an toàn

Thứ Bảy 18/02/2023 , 17:15 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Những vùng đất cát cằn cỗi, kém hiệu quả trước đây ở huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) khi chuyển sang chuyên canh rau an toàn đã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm.

Ông Lê Văn Tâm, Trưởng phòng NN-PTNT Lệ Thủy (Quảng Bình) cho biết: Đề án “Vùng trồng rau an toàn VietGAP gắn với du lịch trải nghiệm” được triển khai với diện tích ban đầu hơn 16ha. Đến nay, Đề án đã được triển khai tại các xã Hồng Thủy, Thanh Thủy, Cam Thủy, Hưng Thủy. Nòng cốt thực hiện Đề án là  4 tổ hợp tác (THT) và 1 hợp tác xã trồng rau an toàn tại các xã vùng cát. Từ Đề án, đã cho bà con thu nhập cao và tư duy mới về nền nông nghiệp sạch.

Vườn rau mẫu ở Đề án ‘Vùng rau an toàn cho nông dân”. Ảnh: T.P

Vườn rau mẫu  của Đề án Vùng rau an toàn VietGAP của huyện Lệ Thủy. Ảnh: Tâm Phùng.

Cho nông dân tư duy mới…

Vụ đông xuân năm nay, huyện Lệ Thủy gieo trồng trên 1.100ha rau các loại. Diện tích trồng rau tập trung ở các xã vùng cát ven Quốc lộ 1A như Hồng Thủy, Thanh Thủy, Cam Thủy và Hưng Thủy. Những ruộng rau ở đây bà con chủ yếu trồng các loại rau củ, quả như cải, hành, nén, su hào, đậu cô ve, mướp ngọt, mướp đắng…

Xã Thanh Thủy là một trong những vựa rau lớn của huyện Lệ Thủy. Toàn xã có 342ha đất trồng rau, tập trung chủ yếu ở thôn 1 và thôn 4 Thanh Tân, thôn 3 Thanh Mỹ. Hiện, trên địa bàn xã có 175ha diện tích đất trồng rau có thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm.

Khi triển khai Đề án, Thanh Thủy thành lập THT có sự tham gia của 45 thành viên với diện tích trên 2ha. Anh Dương Văn Trung, Tổ trưởng THT trồng rau an toàn Thanh Thủy cho hay: “Các thành viên trong THT luôn hỗ trợ cho nhau trong quá trình sản xuất. Mục tiêu mà chúng tôi đặt ra là tạo vùng rau an toàn với phương pháp canh tác hạn chế sử dụng thuốc BVTV hóa học, chỉ dùng thuốc BVTV sinh học để phòng trừ sâu bệnh; chỉ sử dụng phân chuồng, phân bón hữu cơ”.

Những vườn rau an toàn cho người nông dân tư duy mới và thu nhập cao. Ảnh: T.P

Sản xuất rau an toàn không chỉ cho nông dân thu nhập cao mà còn thay đổi tư duy sản xuất cho bà con. Ảnh: Tâm Phùng.

Chúng tôi ra cánh đồng rau thôn 4 (xã Thanh Thủy). Ở đây đã có những hộ gia đình thực hiện vườn mẫu với tinh thần hướng đến vườn rau hữu cơ. Gia đình bà  Dương Thị Tuyết có 2 sào đất (1.000m2) đang trồng các loại hành hoa. Bà Tuyết cho biết: “Gia đình tham gia vườn rau sạch và canh tác theo quy trình mùa nào loại đó. Vì rau sạch nên mối (thương lái) luôn đặt hàng từ trước nên cũng rất dễ tiêu thụ và giá cao hơn”.

Đang tất bật chăm sóc cho vườn rau của gia đình, ông Dương Văn Hương ở thôn 4 Thanh Tân cho biết, ruộng rau của gia đình có diện tích 2 sào, trồng nhiều loại rau khác nhau, gối vụ để có rau thu hoạch liên tục. Vườn của ông Hương đang trồng các loại rau như su hào, xà lách, hành, cải, ngò... Hiện ông tiếp tục trồng hành hoa và rau cải ngọt. “Nhờ tham gia THT trồng rau an toàn nên rau nhà tôi sản xuất ra tới đâu được thương lái đến tận vườn thu mua hết tới đó”, ông Hương hồ hởi.

Trên mảnh ruộng, bà con gieo trồng nhiều loại rau khác nhau để dễ tiêu thụ. Ảnh: T.P

Trên cùng mảnh ruộng, bà con gieo trồng nhiều loại rau khác nhau để dễ tiêu thụ. Ảnh: Tâm Phùng.

Ông Trần Hòa Hợi, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy cho hay: “Nhờ trồng rau nên kinh tế bà con trong xã khá hơn trước, nhất là các hộ tham gia vào THT trồng rau an toàn. Các hộ ở đây trồng rau và có thu nhập quanh năm. Riêng dịp Tết, sản lượng rau bán ra thị trường rất nhiều nên thu nhập tăng từ 4 - 5 lần". 

Xã Hồng Thủy hiện có trên 350ha đất trồng rau màu. Diện tích rau trồng nhiều ở thôn An Định, Mốc Định, Mốc Thượng 1, Mốc Thượng 2 và thôn Đông Hải. Nhờ trồng rau nên nhiều hộ dân trong xã có thu nhập cao. Hiện cả xã có trên 200ha đất trồng rau có giá trị thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng/ha. Vụ rau năm nay, huyện Lệ Thủy cũng đã hỗ trợ cho bà con thôn An Định, Đông Hải thành lập 2 THT trồng rau an toàn với gần 80 hộ dân.

Sau lứa hành là đến lứa trồng cải ngọt. Ảnh: T.P

Nông dân liên tục luân canh để đa dạng sản phẩm, hạn chế sâu bệnh. Ảnh: Tâm Phùng.

Về định hướng tới, ông Phạm Minh Huấn, Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy cho hay: “Để phát triển nghề trồng rau, UBND xã đã vận động bà con mở rộng diện tích, chuyển đổi một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau. Nhờ đó, nhiều hộ trồng rau có thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Chúng tôi cũng đang vận động bà con chuyển hướng đến vùng rau an toàn, rau sạch để dần xây dựng thương hiệu rau sạch Hồng Thủy”.

Thu nhập 9 tháng trên 70 triệu đồng

Trong thời tiết mát mẻ đầu xuân, chị Nguyễn Thị Vy (xã Thanh Thủy) đang xuống giống hành hoa. Cây giống được chị tỉa ra từ luống sát bên. Vừa làm, chị vừa cho biết, sau khi thu hoạch vụ rau trước Tết Quý Mão, chị trồng tiếp lứa hành hoa này. Khoảng đất khoảng trăm m2 này chị lên 6 luống. “Sau 2 tháng thì thu hoạch hành hoa bán. Thương lái đặt mua từ 8 - 10 ngàn đồng/kg. Mỗi luống sản lượng  xấp xỉ 100kg, nếu được giá sẽ thu được khoảng 5 triệu đồng lứa hành hoa này”, chị Vy nói. 

Sau xà lách là hành hoa được cấy trồng. Ảnh: T.P

Những diện tích đất cát trước đây cho thu nhập rất thấp và phập phù nay đã mang lại nguồn thu ổn định hàng trăm triệu đồng/ha/năm. Ảnh: Tâm Phùng.

Chúng tôi nhẩm tính, chỉ 100m2 đất cát, trồng hành sau 2 tháng cho thu nhập 5 triệu đồng quả là con số rất thật ấn tượng.

Khi hỏi về thu nhập, bà Dương Thị Tuyết (thôn 4, xã Thanh Thủy) cũng cho hay: Nhờ làm rau sạch nên mối lái đặt mua liên tục. Trung bình mỗi năm, từ 2 sào ruộng rau cũng cho gia đình thu nhập đều đều khoảng 150 triệu đồng”, bà Tuyết chia sẻ.

Riêng anh Dương Văn Trung, Tổ trưởng THT trồng rau an toàn Thanh Thủy thì có cách tính thu nhập khá lạ. Anh Trung bảo vì trong một năm bà con chỉ nghỉ 3 tháng mưa lũ, còn lại 9 tháng luôn làm rau ở ngoài đồng ruộng. Cứ quay vòng thu hoạch loại này xong là làm đất xuống giống loại khác. Tính ra, bà con có thu nhập đều vì trong vòng chưa đến 20 ngày là có thu nhập. “Bà con trong THT xác định mỗi ngày cũng có thu nhập 300 ngàn đồng, mỗi tháng được khoảng 8 triệu đồng. Mỗi lao động có thu nhập hơn 70 triệu đồng mỗi năm từ ruộng rau”, anh Trung nói chắc.

Các loại rau màu ở vùng rau được bán gần như quanh năm. Ảnh: T.P

Các loại rau màu ở vùng rau được bán gần như quanh năm. Ảnh: Tâm Phùng.

Anh Lê Đại Sáu, Tổ trưởng THT trồng rau an toàn thôn An Định cho hay, nghề trồng rau của bà con trong thôn đã có từ rất lâu. Năm nay, nhiều hộ trong thôn còn được tham gia vào THT trồng rau an toàn nên hàng hóa bán nhanh, được giá, bà con phấn khởi lắm.

Thôn An Định có trên 15ha đất trồng rau, trong đó có 1,3ha trồng rau an toàn. Ở đây, bà con sản xuất rau quanh năm, nhưng phát triển mạnh nhất là vụ đông xuân để đón Tết với các loại rau như:xà lách, cải ngọt, cải cúc, ngò, nén, hành, rau húng, các loại đậu... Các vườn rau phát triển tốt và cho nông dân bội thu trong vụ rau Tết vừa qua.

Màu xanh khác trên ruộng rau. Ảnh: T.P

Những mảnh ruộng rất nhỏ cũng cho nguồn thu hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Ảnh: Tâm Phùng.

Theo anh Sáu, bà con đã “lách” lứa rau cho phù hợp để tăng thu nhập. Chẳng hạn như vào cận Tết, một số bà con chuyển từ rau sang trồng hoa. Hoặc nhà này trồng cải thì nhà khác trồng ngò, xà lách, nhà kia làm đậu cô ve, dưa chuột… Ngay trên mảnh ruộng, sau lứa cải bà con chuyển sang trồng ngò, thu hoạch xong lại xuống giống xà lách… Vì đang ở giai đoạn tiêu thụ nội địa nên làm như vậy bà con luôn bán được và đất ruộng cũng không bị “quen hơi”, hạn chế được sâu bệnh.

Để hỗ trợ bà con trồng rau, huyện Lệ Thủy đã đầu tư 300 triệu đồng xây dựng, triển khai Đề án “Vùng trồng rau an toàn VietGAP gắn với du lịch trải nghiệm”. Ông Lê Văn Tân, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lệ Thủy cho biết, huyện đã tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tham quan học hỏi kinh nghiệm, hỗ trợ phân bón và thuốc BVTV hữu cơ, bao bì, nhãn mác cho bà con nông dân tham gia Đề án.

2 sào đất cho thu nhập 150 triệu đồng mỗi năm giúp bà con ổn định cuộc sống. Ảnh: T.P

Ở các vùng chuyên canh rau của Lệ Thủy, chỉ 2 sào đất cũng có thể cho thu nhập 150 triệu đồng mỗi năm. Ảnh: Tâm Phùng.

“Sau khi các mô hình của Đề án đi vào hoạt động ổn định, huyện sẽ hướng dẫn cho bà con đón tiếp các đoàn đến tham quan, trải nghiệm. Trồng rau an toàn VietGAP còn góp phần nâng cao ý thức trồng rau cho bà con trong huyện, nhân rộng thêm mô hình, tạo nên vùng chuyên canh rau an toàn trên địa bàn. Huyện cũng sẽ hỗ trợ bà con tổ chức 2 điểm thu mua và bán hàng rau quả an toàn tại các vùng triển khai Đề án này”, ông Lê Văn Tâm nói thêm.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.