| Hotline: 0983.970.780

Vựa chuối tiêu hồng đứng trước nguy cơ 'xóa sổ'

Thứ Ba 12/03/2019 , 06:10 (GMT+7)

Nhờ thâm canh cao cây chuối tiêu hồng mà thôn Năm Mẫu, từ chỗ nghèo xơ xác đã trở nên trù phú, có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất xã. Đáng buồn là...

08-50-08_vuon_trong_thm_cnh_chuoi_tieu_hong
Chăm sóc chuối tiêu hồng

Xã Tứ Dân (huyện Khoái Châu) được coi là vựa chuối tiêu hồng lớn nhất tỉnh Hưng Yên. Ở thời kỳ phát triển nhất, diện tích trồng chuối tiêu hồng toàn xã đã lên tới gần 100ha, trong đó hầu như toàn bộ diện tích canh tác của thôn Năm Mẫu và Phương Trù đều trồng chuối tiêu hồng.

Tuy nhiên hiện các con số nói trên đã giảm chỉ còn già 1/3 (khoảng 35ha). Nguyên nhân do hàng chục năm liên tục thâm canh chuối tiêu hồng, các hộ đã không chú ý luân canh hợp lý cây chuối với các cây trồng khác, không thực hiện vệ sinh triệt để đồng ruộng sau mỗi mùa vụ hoạch quả, chăm bón không cân đối và chủ yếu sử dụng cây giống tách chồi... Dẫn đến vườn chuối bị phát sinh nhiều loại nấm bệnh hại nguy hiểm, trong đó có bệnh vàng lá Panama do virus gây ra. Cây chuối bị bệnh sẽ chết dần và không cho thu hoạch. Các chân ruộng bị nhiễm vàng lá Panama, vụ sau không thể tiếp tục trồng chuối, vì bệnh sẽ phát sinh gây hại nặng hơn.

Ông Ngô Văn Đám – Trưởng thôn Năm Mẫu cho biết: Vào thời kỳ cao điểm từ năm 2005 - 2015, diện tích trồng chuối tiêu hồng toàn thôn đạt xấp xỉ 67ha (chiếm gần 100% đất canh tác của thôn). Từ sau năm 2015 diện tích chuối đã giảm dần, đến nay chỉ còn khoảng 15ha. Nguyên nhân do chuối bị bệnh vàng lá Panama.

Ban đầu bệnh chỉ xuất hiện rải rác ở một số nhà vườn, sau lan ra khắp cánh đồng, gây thất thu trên diện rộng. Người dân đã phun đủ loại thuốc bảo vệ thực vật, mua cả giống chuối nuôi cấy mô sạch bệnh về trồng, vẫn không ngăn chặn được bệnh vàng lá Panama phát sinh.

Một số gia đình đã chuyển đổi chuối tiêu hồng sang trồng chuối tây, nhưng cũng chỉ thu hoạch hết vụ thứ 2 là phải hủy bỏ, vì vẫn bị chứng bệnh “nan y” nói trên gây hại.

Mặt khác hiệu quả thu nhập từ trồng chuối tây cũng không thể bằng trồng chuối tiêu hồng. “Có hộ dân còn chuyển đổi chuối tiêu hồng sang trồng nghệ, đu đủ, nhưng các cây trồng này cũng không phát triển được” – ông Đán cho biết thêm.

Ông Nguyễn Như Yên – Trưởng thôn Phương Trù thừa nhận: Phần lớn diện tích chuối tiêu hồng ở đây đã "xóa sổ", do bị nhiễm nặng thứ bệnh “vô phương cứu chữa” – vàng lá Panama.

08-50-08_vuon_chuoi_bi_benh_vng_l_pnm
Vườn chuối nhiễm bệnh vàng lá Panama

Hiện tại toàn thôn chỉ còn khoảng 17ha chuối tiêu hồng. Nhưng cũng không thể phủ nhận, cây chuối tiêu hồng đã từng cứu cánh cho các hộ dân khu vực vùng bãi xã Tứ Dân. Bởi trước năm 2.000, hầu hết các chân đất ven sông của địa phương này đều chỉ trồng cây dong giềng, hiệu quả canh tác rất thấp.

Củ dong giềng sau thu hoạch được chế biến lấy tinh bột tại chỗ, nước thải từ các cơ sở chế biến này, xả trực tiếp xuống các sông trục thủy nông, gây ô nhiễm nghiêm trọng cả một vùng canh tác lớn ở huyện Khoái Châu và phụ cận.

Tình trạng trên đã được khắc phục triệt để, sau khi toàn bộ diện tích cây dong giềng của địa phương được thay thế bằng cây chuối tiêu hồng. Nhờ trồng thâm canh cao cây chuối tiêu hồng, mà nhiều hộ dân xã Tứ Dân đã xóa được đói, giảm được nghèo, đang từng bước làm giàu. Thôn Năm Mẫu từ chỗ nghèo xơ xác đã trở thành trù phú, có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất xã.

Trước nguy cơ cây chuối tiêu hồng không thể bám trụ được ở xã Tứ Dân, đã có trên chục hộ dân sở tại, thành công trong việc đi thuê lại các khu bãi ven sông ở ngoại tỉnh, để phát huy nghề trồng thâm canh chuối tiêu hồng và trở lên giàu có. Một số hộ gia đình khác đã chuyển đổi sang gieo trồng cây có múi, chủ yếu là sản xuất giống cây ăn quả các loại. Tuy nhiên phần lớn các hộ còn lại trên địa bàn vẫn đang cần một giải pháp căn cơ từ các cấp ngành chuyên môn, để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

Bệnh vàng lá Panama đang gây hại phổ biến tại nhiều vùng trồng chuối ở nước ta. Thế giới cũng chưa có thuốc bảo vệ thực vật phòng trị đặc hiệu. Bệnh lây nhiễm chủ yếu qua cây giống, đất trồng, các vết thương cơ giới trên cây và các tàn dư thực vật trên ruộng.

Để giảm thiểu nguy cơ vườn chuối bị lây nhiễm bệnh vàng lá Panama, nhà nông cần tuân thủ chặt chẽ qui trình trồng chuối VietGAP, đặc biệt không được di chuyển cây chuối ở khu vực đang trồng sang nơi khác.

 

Xem thêm
Gần 3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi Quảng Ninh khôi phục tốt

3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi của Quảng Ninh, nhất là đàn gia cầm tăng mạnh, cơ bản khôi phục sản xuất so với trước bão.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.