Ở ấp Phước Thuận, xã Phước Thạnh (TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang), anh Nguyễn Văn Thông được nhiều người biết đến bởi anh không chỉ cần cù trong lao động, vươn lên làm giàu mà còn rất say mê hoạt động từ thiện, được nhiều người yêu mến. Trước đây, gia đình anh Thông sống bằng nghề trồng rau màu, cây ăn trái nhưng thu nhập rất bấp bênh. Cách đây 5 năm, anh tình cờ biết đến cây si rô từ mô hình của một nông dân ở tỉnh Đồng Tháp.
Theo anh tìm hiểu, cây trồng này rất có triển vọng, nhất là màu sắc trái đẹp, thân dễ uốn thành cây cảnh, có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái. Từ đó, anh tìm đến tận nơi để tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc từ chủ vườn và đặt mua 100 cây giống về trồng trên khu vườn của mình.
Nhờ siêng năng chăm sóc, cây si rô lớn nhanh, cho trái sum suê. Cây si rô được giới chơi kiểng ưa chuộng, thị trường tiêu thụ khá tốt. Từ những cây si rô ban đầu, anh Thông tiếp tục nhân giống trồng khắp vườn, đến nay anh đã có khoảng 1.500 gốc, phủ kín 4.000m2. Đây có thể xem là mô hình trồng cây si rô có quy mô lớn nhất ở tỉnh Tiền Giang.
Nói về đặc tính của loại cây trồng này, anh Thông chia sẻ: Cây si rô rất dễ trồng, chống chịu rất tốt với hạn - mặn, không tốn nhiều phân bón, ít sâu bệnh và rất nhẹ công chăm sóc so với nhiều loại cây trồng khác. Cây si rô trồng khoảng 2 năm sẽ cho trái. Từ tháng 2 cây bắt đầu ra hoa, đến tháng 5 cho trái chín, thời gian thu hoạch kéo dài đến tháng 10 hàng năm. Bình quân mỗi cây si rô cho 20kg trái, giá bán xung quanh 50.000 đồng/kg.
Đặc biệt, trái si rô rất đẹp, khi chưa chín trái có màu tím sen hồng. Trái chín có màu tím than treo lủng lẳng trên cành xen giữa màu lá xanh trông rất thú vị nên được nhiều người ưa thích chọn mua làm cây kiểng. Hơn nữa, trái chín có vị vừa ngọt dịu, vừa chua thanh, mùi thơm thoang thoảng, thường được dùng ngâm với đường làm mật si rô để giải khát hoặc làm màu, gia vị trong chế biến thực phẩm, dược liệu. Trái si rô được đánh giá rất có giá trị chế biến nước giải khát, dược liệu...
Vườn cây si rô của anh Thông cho trái quanh năm, thu hút nhiều du khách gần xa đến tham quan. Khách thường mua trái làm nước giải khát, mua cây giống về trồng và mua cả cây si rô “to tướng” về làm cây cảnh trong sân nhà. Tuy mới 5 năm phát triển nhưng mô hình trồng cây si rô của gia đình anh Thông đã có nguồn thu nhập đáng kể. Chỉ riêng phần cây giống, mỗi năm anh có thu nhập từ 100-150 triệu đồng. Ngoài ra, mô hình này còn góp phần làm đa dạng loại hình sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
Anh Thông cho biết sắp tới sẽ phát triển mở rộng mô hình trồng cây si rô phủ kín đất vườn nhà. Đặc biệt, nếu doanh nghiệp có nhu cầu liên kết phát triển du lịch sinh thái, anh sẵn sàng hợp tác.
Hiện nay, ngoài việc chăm sóc vườn si rô, anh Thông còn tranh thủ thu mua rau màu của nông dân địa phương và vận chuyển tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài tỉnh với thu nhập gần 20 triệu đồng/tháng. Không chỉ tạo cuộc sống ấm no cho gia đình, anh luôn tâm niệm phải biết chia sẻ với những hoàn khó khăn. Thời gian qua, anh là thành viên nòng cốt trong các nhóm thiện nguyện ở TP Mỹ Tho. Không chỉ trích một phần thu nhập của gia đình, anh còn vận động quà từ các nhà hảo tâm để hỗ trợ cho nhiều hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài tỉnh.
Anh tâm sự: Hiện cuộc sống gia đình đã tạm ổn định nên bản thân có điều kiện sẽ giúp đỡ các trường hợp khó khăn hơn mình, hoạt động từ thiện xã hội là niềm đam mê vì "cho đi là còn mãi”.
Lương y Đoàn Văn Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Long Thuận (xã Song Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) sau khi tham quan vườn si rô của anh Nguyễn Văn Thông nhận xét: “Trái si rô rất bắt mắt bởi màu tím rất đẹp. Hướng tới, tôi định nghiên cứu chế biến, ép lấy nước thành sản phẩm nước si rô, hoặc thêm vào một số loại thuốc nam để sản xuất nước uống bổ dưỡng”.