| Hotline: 0983.970.780

'Vương quốc' xoài Đồng Tháp làm tốt mã số vùng trồng

Thứ Ba 23/08/2022 , 06:45 (GMT+7)

Văn phòng SPS Việt Nam phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam vừa có chuyến đi thực địa xây dựng mã số vùng trồng xoài, ở xã Tịnh Thới, TP Cao Lãnh (Đồng Tháp).

Empty

Nông dân ở xã Tịnh Thới, TP Cao Lãnh có diện tích trồng xoài hơn 1.000ha đều áp dụng kỹ thuật bao trái 100% để phòng ngừa sâu bệnh. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

“Vương quốc” xoài bậc nhất ĐBSCL

Đồng Tháp là một trong những tỉnh có diện tích trồng xoài lớn nhất ĐBSCL, chủ yếu trồng các giống xoài chủ lực thơm ngon có chất lượng như: xoài Cát Chu Cao Lãnh, xoài Cao Lãnh và xoài Cát Hòa Lộc. Diện tích trồng xoài tập trung chủ yếu ở hai khu vực là TP Cao Lãnh, huyện Cao Lãnh, Lấp Vò và Thanh Bình.

Ông Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết: Trên địa bàn tỉnh hiện có 12.418 ha cây ăn trái (xoài, nhãn, mít, thanh long, ớt, vú sữa, chanh không hạt, sầu riêng, chuối) được cấp 700 mã số vùng trồng xuất khẩu sang Trung Quốc, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật, EU, Nga, Malaysia, Singapore và có hơn 10 doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc. 

Nhiều năm nay Đồng Tháp là địa phương trọng điểm về sản xuất cây ăn trái, trong đó diện tích trồng xoài của tỉnh khoảng 12.000 ha, sản lượng hàng năm cho ra gần 113.000 tấn. Trong đó diện tích xoài được sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP là hơn 353 ha, GlobalGAP là 55 ha. Xoài được sản xuất rải vụ quanh năm và được bao trái để đảm bảo an toàn và mẫu mã đẹp.

AnhVõ Tấn BảoGiám đốc HTX Tịnh Thới  

Anh Võ Tấn Bảo, Giám đốc HTX Tịnh Thới (ảnh trái) đang hướng dẫn kỹ thuật bao trái xoài cho nông dân và mã số vùng trồng cho bà con nông dân trồng xoài. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hiện Đồng Tháp đã đăng ký 62 mã vùng trồng để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với 3.927 ha, 45 mã vùng trồng để xuất khẩu sang thị trường các nước phát triển khác với 988 ha. Rất mừng đầu năm 2022 giống xoài Cát Chu Cao Lãnh đã xuất khẩu thêm 1 lô sang thị trường châu Âu, mở ra cơ hội lớn nhiều mặt hàng nông sản khác của tỉnh chinh phục các thị trường khó tính trên thế giới.

Theo ông Điền, ngoài điều kiện có mã số vùng trồng và nhà đóng gói thì chúng ta còn phải tuân thủ các quy định của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vì vậy mỗi nhà vườn, mỗi HTX, tổ hợp tác, hội quán và doanh nghiệp phải liên kết chặt chẽ trong tổ chức sản xuất, từ vùng nguyên liệu đến sơ chế, bảo quản và xuất khẩu trong chuỗi ngành hàng là hướng đi bền vững. Đặc biệt mới đây, Văn phòng SPS Việt Nam phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam và Sở NN-PTNT Đồng Tháp tổ chức Hội nghị “Xuất khẩu Nông sản, thực phẩm Việt thích ứng với bối cảnh tăng cường kiểm soát nghiêm ngặt về phòng chống Sar-CoV2, thực thi Lệnh 248 và 249 của Trung Quốc”.

Đây là chương trình nhằm chia sẻ thông tin thị trường, tăng cường phối hợp cùng địa phương nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, HTX, nông dân và Hội quán có tầm nhìn tích cực về sản xuất nông nghiệp, thay đổi tư duy sản xuất phù hợp với những yêu cầu nghiêm ngặt của thị trường, hướng tới một nền nông nghiệp an toàn và bền vững. Bên cạnh đó Văn phòng SPS Việt Nam còn phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức đi thực địa xây dựng mã số vùng trồng xoài tại xã Tịnh Thới, TP Cao Lãnh để giúp người trồng xoài thụ lợi trong việc xuất khẩu.

Empty

Tính đến nay toàn tỉnh Đồng Tháp đã có hơn 50% diện tích trồng xoài trong tỉnh đã được cấp mã số vùng trồng, phấn đấu đến năm 2025 sẽ đạt 100% diện tích được cấp mã số vùng trồng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Sở hữu vườn xoài rộng 2ha đang làm bông chuẩn bị cho trái, ông Trần Minh Lộc, nông dân có nhiều kinh nghiệm trồng xoài ở xã Tịnh Thới, TP Cao Lãnh cho biết: Vùng đất Tịnh Thới nằm cặp sông Tiền nên được phù sa bồi đắp quanh năm, chính vì vậy người dân nơi đây có trên 90% trồng xoài theo hình thức rải vụ quanh năm và có bao trái 100% để tránh sâu bệnh. Bên cạnh đó trồng xoài theo hình thức mới này trái xoài bóng đẹp, được khách hàng ưa chuộng mà còn giúp giảm từ 5-7 lần phun thuốc BVTV và giảm lượng bón phân hóa học rất đáng kể. Tính ra giảm khoảng 50% chi phí đầu tư so với trồng xoài theo truyền thống trước đây.

“Trồng xoài thông thường không bao trái mỗi vụ phải tốn từ 10-12 lần phun thuốc BVTV mà sản lượng chỉ đạt từ 13 - 15 tấn/ha, giờ tôi trồng xoài bao trái chỉ cần phun từ 3-4 lần thuốc BVTV nhưng sản lượng trái lại đạt đến 18-20 tấn/ha. Một lợi ích nữa là khi áp dụng kỹ thuật bao trái không bị côn trùng gây hại nên trái xoài rất đẹp và bán được giá cao. Xoài sản xuất theo quy trình kỹ thuật, đảm bảo an toàn có giá cao hơn từ 4.000 – 5.000 đồng/kg và luôn hút hàng, trong khi xoài không đạt chuẩn có khi không tiêu thụ được. Nhất là ở thời điểm vào mùa thu hoạch rộ”, ông Lộc nói.

Ông Trần Minh Lộc, nông dân trồng xoài ở xã Tịnh Thới, TP Cao Lãnh chia sẻ kinh nghiệm bao trái xoài, sản xuất xoài sạch và liên kết làm mã số vùng trồng.

Ông Trần Minh Lộc, nông dân trồng xoài ở xã Tịnh Thới, TP Cao Lãnh chia sẻ kinh nghiệm bao trái xoài, sản xuất xoài sạch và liên kết làm mã số vùng trồng.

Theo tính toán của những nhà vườn nơi đây, trồng xoài có thể thu lợi nhuận gấp 5-6 lần trồng lúa. Trung bình 1 cây xoài thu hoạch khoảng 100 – 200kg, sau khi trừ hết các chi phí lãi từ 250 - 300 triệu đồng/ha/vụ.

Về việc cấp mã số vùng trồng, ông Lộc còn tự hào nói, vườn xoài của gia đình ông đã được ngành nông nghiệp tỉnh cấp mã số vùng trồng cách đây 4-5 năm, vườn nhà ông cũng là địa chỉ mã số vùng trồng đầu tiên được UBND tỉnh Đồng Tháp chọn để xuất khẩu lô xoài đầu tiên của địa phương. Bên cạnh đó ông còn vận động người dân trồng xoài xung quanh trong xóm tìm hiểu cách thức để xin ngành chức năng cấp mã số vùng trồng, giúp thuận lợi trong vấn đề tiêu thụ trái xoài sang các thị trường trên thế giới nhất là thị trường Trung Quốc đang ưa chuộng xoài của Đồng Tháp.

Trẻ hóa vườn xoài

Để trẻ hóa vườn xoài cũng như thuận lợi trong chăm sóc và bao trái xoài của các nhà vườn, TS Trần Thị Mỹ Hạnh, Phó Trưởng bộ môn Bảo vệ thực vật (Viện Cây ăn quả miền Nam) đã đi đến tận nơi vườn xoài của nông dân đưa ra những giải pháp khuyến cáo đến người trồng xoài như sao: Thứ nhất, xoài trồng nhiều năm cây sẽ rất cao và tán cây rộng nên cần cắt tỉa tạo dáng cho cây thấp lại vừa thuận thuận lợi trong việc chăm sóc và quản lý sâu bệnh nhất là loại ruồi đục trái.

Thứ hai, quản lý bệnh rệp sáp đây là đối tượng được kiểm dịch thực vật khi xoài xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Cho nên trong vườn xoài cần tăng cường thiên địch có lợi nhất là kiến vàng sẽ giúp hạn chế bệnh rệp sáp gây hại trên trái xoài, từ đó sẽ giúp kéo giảm sử dụng thuốc BVTV.

Empty

Cấp mã số vùng trồng cho nông dân trồng xoài, khi người tiêu thụ bất cứ ở đâu cũng có thể truy xuất được nguồn gốc. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thứ 3, xoài thường xuất hiện bệnh thán thư trên lá trước và sau thu hoạch nên nông dân dùng cách xịt vòi nước mạnh lên thân và lá để rửa trôi đi các loại nấm gây ra thán thư bám trên lá.

Thứ 4, chọn các giống xoài mới, cây đầu dòng, dày vỏ vừa chống được các loại côn trùng tấn công, đồng thời giúp vận chuyển trái xoài đi xa được không bị hư thối và bảo quản được lâu.

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Đồng Tháp, hiện toàn tỉnh có hơn 12.000 ha xoài, trong đó thành phố Cao Lãnh đã chiếm trên 4.000 ha xoài. Đặc biệt vùng nguyên liệu xoài của địa phương đang được UBND tỉnh Đồng Tháp rất quan tâm và giao cho ngành nông nghiệp hỗ trợ và cấp mã số vùng trồng cho các đơn vị như: HTX, nông dân và doanh nghiệp… để thuận lợi trong quản lý, truy xuất nguồn gốc, phục vụ cho thị trường trong và ngoài nước.

Empty

Dùng điện thoại thông minh để quét mã số vùng trồng trên cây xoài. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tính đến nay toàn tỉnh Đồng Tháp đã có hơn 50% diện tích trồng xoài trong tỉnh đã được cấp mã số vùng trồng, phấn đấu đến năm 2025 sẽ đạt 100% diện tích được cấp mã số vùng trồng. Các mã số vùng trồng đối với cây xoài được cấp nhiều nhất là Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Úc, New Zealand và EU…tất cả các thị trường xuất khẩu đều đồi hỏi kiểm dịch thực vật rất nghiêm ngặt nhất là là bệnh ruồi đục trái và bệnh rệp sáp trên trái xoài. 

Xem thêm
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bị khiển trách

Ngày 19/4, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bị Bộ Chính trị quyết định kỷ luật bằng hình thức Khiển trách.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Sìn Hồ thiệt hại nhiều cao su do mưa đá, gió lốc

Mưa đá gió lốc đã khiến hàng nghìn cây cao su bị gãy đổ, hàng trăm hécta phải dừng khai thác, cạo mủ. 

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm